Hun Sen gặp Tập Cận Bình mang về 150 triệu USD viện trợ
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm Thứ Năm vừa qua để nhận một khoản tài trợ trị giá hơn 150 triệu USD.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã.
The Cambodia Daily ngày 17/10 đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm Thứ Năm vừa qua để nhận một khoản tài trợ trị giá hơn 150 triệu USD, phần lớn trong số này được dùng để xây dựng một sân vận động lớn và khu phức hợp vui chơi giải trí tại Phnom Penh.
Ông Hun Sen đã đến Trung Quốc hôm Thứ Hai để tham dự một loạt hội nghị, diễn đàn về quốc phòng, thương mại và du lịch. Hôm Thứ Năm ông gặp Tập Cận Bình để chứng kiến lễ ký kết một số hiệp định giữa hai nước, theo thông tin đăng trên tài khoản Facebook cá nhân của Hun Sen.
Trong chuyến đi này, Trung Quốc còn cam kết sẽ nhập 100 ngàn tấn gạo của Campuchia đầu năm 2016, xây dựng một bệnh viện ở tỉnh Tbong Khmum. Vath Chamroeun, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Campuchia cho biết, trong số tiền viện trợ trị giá gần 100 triệu USD sau khi quy đổi từ nhân dân tệ sẽ được chi cho giai đoạn 2 xây dựng sân vận động ủa khu liên hợp thể thao Campuchia xây để đăng cai SEA Games 2023.
Giai đoạn đầu do 1 doanh nghiệp của thượng nghị sĩ CPP Ly Yong Phat được lựa chọn thực hiện. Nhưng giai đoạn hai sẽ do một công ty xây dựng Trung Quốc tiến hành, do Bắc Kinh lựa chọn. Nó không chỉ bao gồm một sân vận động mà còn cả khu vui chơi giải trí “thú vị” và hệ thống tường bao xung quanh như khu Angkor Wat.
Trong một sự kiện riêng biệt, hôm Thứ Sáu 16/10, bà Bố Kiến Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh đã bàn giao một số thiết bị văn phòng viện trợ cho Bộ Ngoại giao Campuchia, trị giá 126 ngàn USD. Những thiết bị này gồm máy tính để bàn, máy tính sách tay, máy in laser và máy photocopy.
Phát biểu trong buổi lễ nhận quà Trung Quốc, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong khẳng định: “Nền kinh tế Campuchia không thể bị cắt đứt khỏi sự giúp đỡ từ chính phủ và người dân Trung Quốc”.
Hồng Thủy
Theo giaoduc
Video đang HOT
Đa Chiều: Kim Jong-un vỗ mặt, Trung Nam Hải vẫn ngậm bồ hòn
Nắm được thế bí này của Bắc Kinh, Bình Nhưỡng thừa biết Trung Nam Hải không thể "trở mặt" với mình nên dù Triều Tiên có làm mình làm mẩy thế nào...
Đa Chiều ngày 12/10 bình luận, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã "vỗ mặt" Trung Nam Hải trong cách tiếp đãi ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lưu Vân Sơn sang Bình Nhưỡng dự kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên, bất chấp thiện chí của ông Tập Cận Bình.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc tường thuật cảnh ông Kim Jong-un đón tiếp ông Lưu Vân Sơn.
Tháp tùng ông Sơn đi Bình Nhưỡng có các ông Vương Gia Thụy - Phó Chủ tịch Chính hiệp kiêm Trưởng ban Liên lạc đối ngoại trung ương, Trương Nghiệp Toại - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tống Đào - Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng trung ương, Vương Hồng Nghiêu - Chính ủy đại quân khu Thẩm Dương, Phó ban Liên lạc đối ngoại trung ương Lưu Hồng Tài và Đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên Lý Tiến Quân.
Cấp bậc và thành phần phái đoàn Trung Nam Hải sang Bình Nhưỡng mừng ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên năm nay hơn hẳn 10 năm trước. Ông Sơn là nhân vật quyền lực thứ 5 trong Thường vụ Bộ chính trị. Trong khi trưởng đoàn Trung Quốc sang dự kỷ niệm 60 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên chỉ là Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Ngô Nghi.
Gần nhất, tháng 7/2013 ông Lý Nguyên Triều, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc dẫn đoàn sang Bình Nhưỡng dự kỷ niệm 60 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, cấp bậc và vị trí đứng sau ông Lưu Vân Sơn. Đáng chú ý là Lưu Vân Sơn còn mang theo một bức điện mừng do ông Tập Cận Bình ký tay sang trao cho ông Kim Jong-un, bức điện mừng thứ 8 của Tập Cận Bình từ khi nhậm chức.
7 bức điện mừng trước mà Tập Cận Bình trực tiếp ký, đều là chúc mừng các nguyên thủ nước ngoài nhậm chức. Duy chỉ có Bắc Triều Tiên, ông Bình ưu ái đặc biệt gửi điện mừng ký tay dịp thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Đây là những chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh thực sự đang tìm cách cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng. Bắc Triều Tiên đã đáp lễ ra sao?
Bức điện ông Kim Jong-un gửi mừng quốc khánh Trung Quốc thì chưa đầy trăm chữ và không nhắc gì đến quan hệ hữu nghị truyền thống "được viết bằng máu" như trước.
Ông Lưu Vân Sơn chuyển bức điện mừng ký tay của ông Tập Cận Bình cho ông Kim Jong-un, ảnh: Tân Hoa Xã.
Trái ngược với mong muốn cải thiện quan hệ từ phía Bắc Kinh, chủ nhà Bình Nhưỡng tỏ ra khá lạnh nhạt. Ngày 11/10, Lưu Vân Sơn dẫn theo đoàn tùy tùng viếng nghĩa trang quân Trung Quốc tại Triều Tiên, Bình Nhưỡng không cử bất kỳ quan chức nào tháp tùng. Năm 2013 khi ông Lý Nguyên Triều đi viếng, ông Kim Jong-un còn gửi vòng hoa và cử cựu Chủ tịch Quốc hội Yang Hyong-sop tháp tùng, lần này thì "không kèn không trống, chẳng vòng hoa".
Đến khi hội đàm, trong khi ông Lưu Vân Sơn hối thúc Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, ông Kim Jong-un lờ tịt, không nhắc một chữ nào về chuyện này.
Thậm chí ngay trước khi phái đoàn ông Lưu Vân Sơn rời Bắc Kinh đi Bình Nhưỡng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không chắc chắn ông Kim Jong-un có tiếp Lưu Vân Sơn hay không. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho biết, ông Sơn sẽ "hội kiến lãnh đạo chủ yếu của Bắc Triều Tiên" và hai bên vẫn đang bàn bạc, thu xếp.
Từ phát biểu này của bà Oánh có thể thấy chưa chắc Kim Jong-un đã tiếp Lưu Vân Sơn, nhưng cuối cùng hai bên vẫn gặp cho thấy phải đến phút chót hai bên mới thỏa thuận được.
Tại sao Kim Jong-un lại vỗ mặt Bắc Kinh?
Đa Chiều cho rằng mặc dù bên ngoài Kim Jong-un có lúc "quá tàn bạo" mà kết cục bi thảm của Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Jang Song-thaek hay Bộ trưởng Quốc phòng Hyon Yong-chol là ví dụ điển hình, nhưng không thể phủ nhận rằng Kim Jong-un đã bắt đầu tìm kiếm cải cách kinh tế trong nước. Dưới thời Kim Jong-un, nền kinh tế Triều Tiên đã có sắc thái mới khác hẳn thời cha mình cầm quyền.
Xã hội Triều Tiên đã xuất hiện tầng lớp người giàu mới, kịch bản cải cách mở cửa Triều Tiên đã bắt đầu. Mặt khác, ông Kim Jong-un cũng đang đặt vấn đề cải thiện sinh kế cho người dân lên hàng đầu, thường xuyên thị sát kiểm tra các công trình, dự án quốc kế dân sinh.
Đối với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế quan trọng. Năm 2014 nguồn ngoại tệ của Triều Tiên chủ yếu dựa vào xuất khẩu, trong đó 91% là xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên việc lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế có nghĩa là làm gì cũng phải xem sắc mặt Bắc Kinh, không phải kế lâu dài.
Triều Tiên cũng đã phải nếm trái đắng vì lệ thuộc Trung Quốc, nhất là từ khi Bắc Kinh cắt xuất khẩu dầu thô để trừng phạt Bình Nhưỡng vì thử hạt nhân lần 3. Từ đó ông Kim Jong-un chấp nhận bỏ qua nguồn viện trợ từ Trung Quốc, bất chấp rủi ro cấm vận, tiến hành chính sách phát triển kinh tế độc lập tự chủ.
Ông Kim Jong-un theo dõi một vụ phóng thử tên lửa của Bắc Triều Tiên, ảnh: Yonhap.
Một khi Kim Jong-un đã dám bổ nhát cuốc đầu tiên bắt đầu tiến trình cải cách kinh tế thì ông cũng không thiếu dũng khí để thực hiện chiến lược độc lập tự chủ trong đối ngoại. Do đó trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc, Triều Tiên đã có chủ ý của riêng mình.
Lâu nay cái cốt lõi để duy trì quan hệ đồng minh Trung - Triều chính là đồng minh về quân sự. Điều ước hữu nghị tương trợ lẫn nhau giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã xác lập giao kèo, hai bên không thể tách rời nhau về mặt quân sự. Nhưng nay Bình Nhưỡng thấy rằng dựa vào Trung Quốc chẳng bằng xây dựng thực lực cho riêng mình, đó cũng chính là động lực chủ yếu để Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình hạt nhân.
Trong khi đó Bắc Kinh lại ra sức phản đối điều này. Hai nước chung biên giới mà Bắc Triều Tiên có kho vũ khí hạt nhân Bắc Kinh không thể kiểm soát, đó là một mối đe dọa với chính người Trung Quốc. Chia rẽ chủ yếu trong quan hệ Trung - Triều nằm ở chỗ này.
Mặt khác sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã thay đổi tư duy giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên. Vấn đề bán đảo hiện nay không thể giải quyết là bởi vì cục diện Chiến tranh Lạnh vẫn chưa bị phá vỡ, xu thế đối đầu giữa Trung - Nga - Triều với Mỹ - Nhật - Hàn không thể giải quyết được vấn đề.
Do đó Bắc Kinh tìm kiếm đột phá khẩu ở Hàn Quốc. Tập Cận Bình sau khi nhậm chức đã đi thăm Seoul thay vì Bình Nhưỡng như những người tiền nhiệm. Thông qua các hoạt động trao đổi thăm viếng lẫn nhau giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, Bắc Kinh ý thức được rằng nói chuyện với Seoul dễ dàng hơn, hai bên có nhiều điểm đồng và Bắc Kinh có thể "thọc 1 đao" vào liên minh Mỹ - Nhật - Hàn.
Trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đứng về phía Bình Nhưỡng vì Bắc Triều Tiên chính là bình phong của Trung Quốc. Nhưng trong vấn đề hạt nhân thì lợi ích Trung - Triều không thể tìm được điểm chung, Tập Cận Bình buộc phải từ bỏ cách tiếp cận cũ và Kim Jong-un cũng nhận thấy điều này. Sự khác biệt về bản chất này khiến cho Bắc Kinh dù có nỗ lực đến đâu cũng không thể xoay chuyển được cục diện quan hệ Trung - Triều.
Mặt khác hiện nay Trung Quốc đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có trong 20 năm qua về đối ngoại, mâu thuẫn (do nhảy vào) tranh chấp với nhiều nước láng giềng, từ Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Ấn Độ cho đến Myanmar trong khi Triều Tiên lại là bình phong hoãn xung chiến lược không thể thay thế.
Nắm được thế bí này của Bắc Kinh, Bình Nhưỡng thừa biết Trung Nam Hải không thể "trở mặt" với mình nên dù Triều Tiên có làm mình làm mẩy thế nào, Trung Nam Hải vẫn cứ phải ngậm bồ hòn để "giữ gìn đại cục".
Hồng Thủy
Theo giaoduc
"Mỹ cần lập tức đáp trả thích đáng nếu Trung Quốc gây hấn ở Trường Sa" Nói thẳng ra, Trung Quốc đang tìm cách "xác lập chủ quyền bằng vũ lực" ở Biển Đông, một điều mà chúng ta không thể cho phép. "Trung Quốc sẽ đánh chiếm nốt 209 thực thể chưa nước nào chốt giữ ở Biển Đông"Mỹ tăng hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam, Hạm đội 3 cũng sẵn sàng vào Biển ĐôngHọc giả Trung...