Hugo Chavez – một đời bão táp
Rời bỏ trần gian ở tuổi 58, tổng thống Venezuela để lại sau lưng một quãng đời đầy sóng gió và gây tranh cãi. Ông được người nghèo trong nước và các đồng minh cánh tả yêu mến vô bờ, nhưng bị phe đối lập và phương tây cho là ảo tưởng.
Với những người yêu mến Chavez, ông là hiện thân của lý tưởng xã hội chủ nghĩa, là niềm hy vọng của những người dân nghèo Venezuela. Những lời chỉ trích dữ dội mà Chavez dành cho Mỹ khiến ông được giành được sự ngưỡng mộ cũng như tình bạn từ “làn sóng hồng” của các nhà lãnh đạo khu vực Mỹ Latin. Nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào của đất nước đã được Chavez sử dụng để tăng cường ảnh hưởng của Venezuela trên trường quốc tế.
Nhưng trong mắt các đối thủ chính trị, Chavez là hiện thân của mong muốn toàn trị, dập tắt những ai muốn phản đối ông.
Tổng thống Venezuela Chavez, tháng 10/2011, chỉ tay vào đầu để nói rằng tóc của ông đang mọc lại sau một cơn bạo bệnh. Ông qua đời ngày 5/3 do bệnh ung thư và viêm nhiễm hô hấp. Ảnh: AP
Hugo Rafael Chavez Frias sinh ngày 28/7/1954 tại bang Barinas của Venezuela, là một trong 7 người con trong gia đình. Cha mẹ ông đều là giáo viên và điều kiện kinh tế tương đối khó khăn. Ông học ở trường trung học Daniel O’Leary trước khi vào Học viện Khoa học quân sự ở thủ đô Caracas, nơi khởi nghiệp của ông. Cũng tại đó, Chavez thường chơi bóng và tìm hiểu về cuộc đời của nhà cách mạng Mỹ Latinh thế kỷ 19 Simon Bolivar và Che Guevara.
Tốt nghiệp học viện loại xuất sắc năm 1975, từ đó ông đã bắt đầu phát triển các tư tưởng mà sau này sẽ áp dụng thành chính sách khi thành tổng thống. Một trong số các ý tưởng đó là quân đội cần có trách nhiệm can thiệp vào một chính phủ dân sự, nếu chính phủ đó không bảo vệ được quyền lợi của những người nghèo nhất trong nước.
Đảo chính
Được điều tới phục vụ trong các đơn vị chống sự nổi dậy của các nhóm Marxist muốn lật đổ tổng thống Carlos Andres Perez, nhưng Chavez hầu như toàn dành thời gian để đọc các tác phẩm văn học thiên tả.
Năm 1981, Chavez được cử đến giảng dạy tại chính học viện ông từng học. Chavez nhận thấy cơ hội để giáo huấn thế hệ sau những ý tưởng chính trị mà ông ấp ủ. Cấp trên của Chavez dần dần lo ngại vì sức ảnh hưởng của ông, và điều Chavez đến bang Apure xa xôi, với suy nghĩ rằng ở nơi đó Chavez sẽ khó có thể gây hại gì.
Chavez lại dành thời gian thiết lập nhiều mối quan hệ với các bộ lạc thổ dân ở nơi ông được điều đến. Việc này sẽ gây ảnh hưởng đến các chính sách của Chavez đối với thổ dân về sau, khi ông lên nắm quyền.
Tháng 2/1993, Chavez dẫn đầu một cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Perez, trong bối cảnh các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ ông này khiến dân chúng tức giận và biểu tình tràn lan. Cuộc đảo chính lấy danh nghĩa là Phong trào Cách mạng Bolivar, khiến 18 người thiệt mạng và 60 người bị thương. Đại tá Chavez sau đó tự ra hàng.
Chavez trong nhà tù quân đội Venezuela sau vụ đảo chính không thành. Ảnh: AP
Cách mạng
Video đang HOT
Chavez bị giam trong nhà tù quân sự, nhưng các đồng chí của ông tiếp tục đảo chính nhằm giành quyền lực 9 tháng sau đó. Những người đảo chính chiếm đài truyền hình và đăng hình ảnh Chavez tuyên bố chính phủ sụp đổ. Tuy nhiên binh biến này cuối cùng cùng bị dập tắt.
Chavez đi tù hai năm. Sau đó ông thành lập Phong trào Cộng hòa Thứ Năm, chuyển từ binh nghiệp sang chính trị. Với tầm nhìn xa rộng, Chavez đã liên lạc với các nhà lãnh đạo cánh tả ở Mỹ Latin để tìm kiếm sự ủng hộ, và làm bạn với chủ tịch Cuba Fidel Castro.
Chavez tin tưởng sâu sắc vào việc lật đổ một chính phủ cũ thông qua phương pháp bạo lực, nhưng đã bị thuyết phục để thay đổi, và sau đó trở thành chính trị gia, ứng cử tổng thống năm 1998. Kể từ năm 1958, Venezuela sống trong hệ thống chính trị dân chủ với hai chính đảng chủ chốt thay nhau cầm quyền. Tuy nhiên các đảng này bị tố tham nhũng tràn lan và hủy hoại nguồn tài nguyên dầu khí quốc gia.
Hugo Chavez tranh cử với cam kết đưa ra các chính sách mang tính cách mạng về xã hội, và ngay lập tức gây khó chịu cho các đầu sỏ chính trị và kinh tế tham lam. Không bỏ lỡ một cơ hội nào để phát biểu trước dân chúng, Chavez thường tố cáo những đại gia ngành dầu mỏ là “sống trong các lâu đài sang trọng, mở tiệc tình dục tập thể và nốc whisky”.
Chavez nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng, không chỉ là từ tầng lớp dân nghèo nhất ở Venezuela mà cả lớp trung lưu. Những người này chán ngán chính phủ cũ bởi mức sống của họ ngày càng đi xuống do sự quản lý kinh tế yếu kém. Chavez được bầu lên nắm quyền với số phiếu 56%.
Cho dù các tuyên bố tranh cử rất hùng hồn, Chavez bắt đầu quản lý đất nước với mục tiêu khiêm tốn và cử những nhân vật bảo thủ vào các vị trí quan trọng. Ông điều hành nền kinh tế lớn của Venezuela theo các hướng dẫn thận trọng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đã có những nỗ lực tích cực nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông cũng bắt tay cải cách xã hội, đầu tư vào hạ tầng ốm yếu của Venezuela và thiết lập hệ thống bảo hiểm y tế miễn phí, trợ giá thức ăn cho người nghèo. Hầu hết dân chúng Venezuela phấn khởi.
Để đảm bảo liên lạc trực tiếp với dân chúng, Chavez lên đài phát thanh và truyền hình mỗi tuần, giải thích các chính sách cũng như khuyến khích dân chúng gọi điện đến chất vấn ông trực tiếp. Năm 1999, Chavez mở cuộc trưng cầu về hiến pháp và lập pháp, được sự ủng hộ đông đảo của công chúng. Năm 2000, Chavez thắng 59% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống.
Bị đảo chính
Được lòng hầu hết dân chúng trong nước, nhưng Chavez cũng đối mặt với sự chỉ trích của phe đối lập và các nước khác. Quan hệ với Mỹ xuống thấp khi Chavez tố Mỹ “dùng khủng bố chống khủng bố” trong cuộc chiến Afghanistan mà Mỹ phát động sau sự kiện 11/9/2001. Tầng lớp trung lưu bất mãn vì thấy các quyền chính trị của họ bị bào mòn dần, họ không bằng lòng và cho rằng Chavez muốn lái đất nước đi đến xây dựng một quốc gia chỉ có một chính đảng.
Đầu năm 2002, cả nước Venezuela chìm trong cuộc tổng đình công và Chavez bị truất quyền sau khi có ý định kiểm soát toàn bộ công nghiệp dầu mỏ của Venezuela. Nhưng chỉ hai ngày sau, những người ủng hộ Chavez, chủ yếu là người nghèo, xuống đường thể hiện sức mạnh và đưa ông trở lại dinh tổng thống.
Nắm quyền
Năm 2006, Chavez được bầu lại làm tổng thống với 63% phiếu, và tuyên bố các chính sách có tính cách mạng của ông sẽ được mở rộng hơn. Ông đưa ra đề xuất cho phép nới thêm thời gian tại nhiệm của một tổng thống, mở trưng cầu dân ý và điều này được chấp nhận với tỷ lệ 54%. Chavez cũng thiết lập các mối quan hệ thân thiết về chính trị và kinh tế với một loạt nhà lãnh đạo cánh tả mới được bầu ở Nam Mỹ trong “làn sóng hồng” ở Bolivia, Nicaragua, Ecuador…
Tổng thống Chavez và Chủ tịch Cuba Fidel Castro tháng 11/2001, gần Caracas. Ảnh: AP
Quan hệ với Mỹ vẫn lạnh giá dù đây là khách hàng nhập khẩu dầu mỏ quan trọng của Venezuela. Phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2006, một ngày sau khi tổng thống Mỹ khi đó là George Bush đăng đàn, Chavez gọi Bush là “quỷ dữ”, khiến cả khán phòng sửng sốt.
“Quỷ dữ đến đây hôm qua. Chính tại đây”, Chavez nói. “Mùi hôi thối vẫn còn cho đến hôm nay”.
Chavez chúc mừng Obama thắng cử năm 2008, nhưng kịch liệt chỉ trích các hành động quân sự của phương tây vào Libya năm 2011.
“Đánh bom vào những người Libya dũng cảm để cứu vớt họ ư? Thật là một chiến lược thông thái của đế chế điên rồ”, Chavez mỉa mai. “Các quyền quốc tế đâu rồi? Đây đúng là thời mông muội”.
Chavez thường xuyên sử dụng từ ngữ đầy màu sắc trong các bài phát biểu của mình và đó có lẽ là một trong những điều khiến chúng sống động. “Tôi không phải là kẻ thù của Obama, nhưng không thể không thấy chủ nghĩa đế quốc ở Washington”, Chavez từng phát biểu. “Những kẻ không thấy hoặc không muốn thấy điều đó hẳn nhiên là đà điểu châu Phi”.
Ông cũng thường xuyên có những bài phát biểu dài dằng dặc nhưng không nhàm chán. Ông có cách khác người để nói chuyện với giới truyền thông. Năm 2011, sau khi một tờ báo Mỹ đăng tin Chavez bị đưa vào bệnh viện vì bệnh thận phát sinh sau những đợt xạ trị, ông cho triệu tập phái đoàn báo quốc tế đến ngay sáng hôm sau. Chavez lúc đó xuất hiện trước các phóng viên với trang phục khỏe khoắn, chơi bóng với vài trợ lý. “Những người không yêu tôi muốn tôi ốm”, ông bông đùa. “Nhưng tôi đây, vẫn ổn. Thật không may cho họ”.
Hai con người
Trong nước, sự ủng hộ cuồng nhiệt dành cho Chavez có giảm sút do các nỗ lực cải cách kinh tế không đạt mục tiêu. Kinh tế đi xuống và lạm phát lên đến 30% khiến tài sản của tầng lớp trung lưu không cánh mà bay.
Ông vẫn giữ được thành tựu nổi bật, đó là mức độ bất bình đẳng trong xã hội Venezuela ở mức thấp nhất châu Mỹ Latinh, theo chỉ số GINI. Người nghèo nước này có đủ lương thực, chăm sóc y tế, và quan trọng hơn, tiếng nói chính trị. Nhưng ông đã không có được phương thuốc dài hạn cho các vấn đề của nền kinh tế. Tình trạng tham nhũng vẫn còn trong khi tỷ lệ tội phạm tăng lên trong quãng thời gian Chavez nắm quyền.
Chavez được xem như một nhà lãnh đạo cánh tả có niềm tin tôn giáo, vào những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời, người ta thấy ông nâng trong tay cây thánh giá. Trở về nước sau một lần phẫu thuật quan trọng năm 2011, Chavez nói ông đặt số phận mình vào tay Chúa và Đức Mẹ Đồng trinh.
“Hôm nay, cách mạng đang sống động hơn bao giờ hết. Tôi cảm, tôi sống, tôi chạm vào cách mạng… Nếu Chúa ban phúc cho chúng ta, ai có thể đi ngược lại chúng ta? Nếu nhân dân ủng hộ, ai có thể chống lại chúng ta”, ông phát biểu trước những người ủng hộ đầy nhiệt thành.
Chavez tin tưởng sâu sắc rằng số phận của ông là lãnh đạo Venezuela, đưa nước này trở thành ngọn cờ đầu của khu vực chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Gabriel Garcia Marquez, người được đề cử Nobel Hòa bình, từng gặp và giao du với Chavez trước khi ông lên làm tổng thống lần đầu tiên, nhận xét rằng có hai con người đối lập bên trong Chavez.
“Một người luôn may mắn có được cơ hội cứu nguy cho đất nước. Một người kia là kẻ ảo tưởng, có thể bị ghi trong lịch sử như một nhân vật chuyên quyền”.
Theo VNE
Venezuela tiễn đưa Hugo Chavez trong nước mắt
Quan tài của cố tổng thống Hugo Chavez hôm qua được đưa đến một học viện quân sự, nơi thi hài của ông sẽ được quàn trong ba ngày, giữa tiếng khóc thương của những người ủng hộ tràn ngập đường phố Caracas.
Quang cảnh lễ rước quan tài ông Chavez từ bệnh viện sang học viện quân sự hôm qua. Ảnh: AFP
Hàng trăm nghìn người dân Venezuela hôm qua tập trung dọc đường phố, vẫy cờ và hô to "Chavez sống mãi" khi chiếc xe tang chở quan tài của ông diễu qua thủ đô trong 7 giờ, từ bệnh viện, nơi ông qua đời, đến học viện quân sự, nơi ông từng gọi là ngôi nhà thứ hai của mình.
Người kế nhiệm tạm thời của Chavez, phó tổng thống Nicolas Maduro, đi bộ dọc theo xe tang được trùm quốc kỳ. Đồng hành cùng ông suốt hành trình dưới cái nắng chói chang là Tổng thống Bolivia Evo Morales và đám đông người dân hai bên đường.
Ngay khi đến học viện, trong khi mọi người hát quốc ca, các binh sĩ di chuyển hoa và quà lưu niệm mà người dân ném lên trên quan tài ông.
Quan tài được sau đó được mở ra. Mẹ của ông Chavez, bà Elena, cầm khăn tay trắng giấu gương mặt nhòe nhoẹt nước mắt đứng cạnh ba cô con gái và cậu con trai Huguito của ông Chavez.
Học viện quân sự này là nơi người lính nhảy dù tìm thấy lý tưởng chính trị của mình. Ông sẽ nằm ở đây cho khi tang lễ chính thức diễn ra vào sáng ngày mai, với sự tham dự của nhiều quan khách nước ngoài.
Nhiều người dân theo dõi lễ rước quan tài ông Chavez từ bên trong cửa sổ nhà họ, trong khi những người khác trèo lên các hàng rào để có thể quan sát rõ hơn. Nhiều người cầm trên tay hoặc mặc trên người những chiếc áo in hình nhà lãnh đạo mà họ yêu mến.
"Chúng tôi sẽ giữ ông ấy trong tim mãi mãi. Chúng tôi sẽ cùng ông ấy tiến lên phía trước cho đến khi chết", bà Jose Viloria, 64 tuổi, một người buôn bán nông nghiệp nói.
Sự ra đi của ông Chavez sau cuộc chiến gần hai năm với bệnh ung thư là một nỗi mất mát lớn với những người ủng hộ và liên minh các quốc gia Mỹ Latin cánh tả, để lại đất nước dầu mỏ trong tình trạng không chắc chắn.
Nhà lãnh đạo trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 58 hôm 5/3, do nhiễm trùng đường hô hấp sau cuộc phẫu thuật ung thư lần thứ 4. Một cuộc bầu cử tổng thống mới dự kiến diễn ra trong vòng 30 ngày nữa.
Ông Maduro, người đã bật khóc khi thông báo tin ông Chavez ra đi cho dân chúng hôm 5/3, đảm nhiệm vị trí tổng thống lâm thời và sẽ tham gia tranh cử như một người kế nhiệm được ông Chavez lựa chọn.
Một số đồng minh Mỹ Latin thân cận nhất của Chavez cũng đã có mặt ở Venezuela hôm qua, trước tang lễ chính thức, trong đó có Tổng thống Argentina Cristina Kirchner và Tổng thống Uruguay Jose Mujica.
Cuba, đồng minh thân cận nhất, tuyên bố quốc tang ba ngày và gọi ông Chavez là "người con thật sự" của biểu tượng cách mạng Fidel Castro. 8 nước Mỹ Latin khác cũng tổ chức tương tự.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad gọi sự ra đi của ông Chavez là "mất mát lớn đối với cả cá nhân ông và người dân Syria".
Theo VNE
Việt Nam gửi điện chia buồn với Venezuela Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam hôm nay gửi điện chia buồn tới lãnh đạo Venezuela về việctổng thống Hugo Chavez qua đời. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gửi điện chia buồn tới Phó...