Huế tái hiện Lễ dựng nêu trong cung đình triều Nguyễn
Trong đời sống cung đình ở Huế, trước ngày Tết người xưa thường làm lễ “ Thướng tiêu” tức dựng nêu để báo hiệu một năm đã qua, ngày Tết đã tới.
Sáng 20/1 nhằm ngày 23 tháng chạp âm lịch, trên cơ sở chất liệu cung đình, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tái hiện một kịch bản có tính nghi thức về Lễ dựng nêu hay còn gọi là Thướng tiêu trong chốn hoàng cung triều Nguyễn, nhằm tạo nên một sinh hoạt có tính điểm nhấn với không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán.
Mục đích ban đầu của Lễ dựng nêu là để mừng ngày Tết, rồi sau đó cúng những Thần linh để phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu. Triều đình dựng nêu cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi.
Vào thời vua Minh Mạng, những lần lên nêu, triều đình nhà Nguyễn sẽ chọn một số ấn triện bỏ vào sọt treo lên nêu. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng mới mở ấn (Khai ấn) và hạ nêu (Há tiêu) rồi tiễn Thần (tống Thần), gọi là mở đầu năm mới.
Trong “Ngự chế thi”, vua Minh Mạng cũng làm một bài thơ đề cập đến cây nêu: Xuân thiên hà vị noãn/ Liên nhật chỉ thiêm hàn/ Lãnh vũ lâm kim thắng/ Thê phong hạ trúc can (nghĩa là Trời xuân sao chưa ấm/ Ngày tiếp ngày lạnh se/ Đồng lạnh thua mưa rét/ Gió buốt phủ nêu tre).
Từ cửa Hiển Nhơn, nghi thức rước nêu được tổ chức trang trọng. 10 lính vác nêu trong trang phục chỉnh tề.
Đội rước nêu khởi hành trong âm thanh của tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung, đến cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu. Tại Thế Miếu, hương án, lễ phẩm cùng đội Đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn.
Đoàn rước nêu đi qua trước mặt điện Thái Hòa.
Video đang HOT
Cây nêu được rước vào khu vực Thế Tổ Miếu.
Trên mâm cỗ đặt ở hương án trong lễ dựng nêu phải có gà, xôi, lợn.
Nghi thức thướng nêu (tức là dựng nêu) được cử hành nghiêm trang. Các nghi thức lễ như nghinh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh của Đại nhạc.
Phướn đỏ được treo ở phần ngọn của cây nêu.
Sau phần lễ, 10 lính vác nêu tiến hành dựng nêu.
Theo nghi thức của triều Nguyễn xưa, cây nêu ở Thế Tổ Miếu được dựng lên thì người dân xung quanh mới có thể bắt đầu dựng nêu.
Đến ngày 7 tháng Giêng âm lịch, cây nêu sẽ được hạ xuống đánh dấu ngày nghỉ Tết đã hết, quay trở lại làm việc.
Sau Thế Miếu, lễ dựng nêu cũng sẽ được tổ chức tại nhiều điểm di tích khác trong Quần thể di tích cố đô Huế nhưng với quy mô đơn giản hơn, diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết. Du khách và người dân đến với di tích cố đô Huế những ngày này sẽ được chứng kiến một nét đẹp văn hóa của người Việt đang được duy trì và tiếp nối trong đời sống hôm nay.
Võ Thạnh
Theo VNE
Hoàng bào, vật dụng cung đình triều Nguyễn ở Sài Gòn
Những vật dụng chốn cung đình triều Nguyễn như trang phục, trang sức, mũ miện... được giới thiệu đến người dân Sài Gòn.
Ngày 21/12, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (quận 1) diễn ra triển lãm chủ đề "Vàng son nhung gấm" với những hiện vật gốc tiêu biểu, quý hiếm gồm trang phục, vật dụng cung đình thời Nguyễn (1802 - 1945) được giới thiệu đến công chúng.
Không gian phòng trưng bày được thiết kế như một buổi thiết triều: chính giữa là trang phục của vua; bên tả dành cho trang phục, vật dụng các quan võ; hữu dành cho quan văn và phía sau dành cho nữ phục cung đình.
Có tất cả 70 hiện vật bao gồm trang phục, mũ miện, đồ trang sức, vật dụng cung đình... được giới thiệu đến công chúng phương Nam.
Trong đó nổi bật nhất là chiếc Hoàng bào (chính giữa) được xác định là của vua Đồng Khánh (trị vì 1885-1889). Từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên hoàng bào này được triển lãm.
Chiếc áo của vua có màu vàng, thêu hình rồng 5 móng trong tư thế nhìn chính diện, trên nền thêu rồng mây, thuộc loại hình áo mặc trong các lễ Thường triều. Trong làn lụa lót ở ngực áo có chữ Hán bằng mực đỏ "Đồng Khánh ngự lãm".
Ngoài ra còn có 24 hiện vật là hoàng bào, phụng bào của vua, hoàng hậu, hoàng thái tử, trang phục của bá quan văn võ, cung nữ... Trong ảnh là áo Đại triều của Hoàng thái tử được triển lãm.
Bạn Trần Nguyên Tuấn (23 tuổi, quận Tân Bình) chăm chú ngắm trang phục của quan Đại triều của quan văn nhị phẩm. "Trước giờ mình thường tìm hiểu lịch sử, cuộc sống trong cung đình nhưng chỉ xem qua tranh ảnh, nay mới được thấy tận mắt nên rất thích thú", Tuấn chia sẻ.
Trong triển lãm còn trưng bày các vật dụng của Đô thống chế thần sách Lê Văn Phong (em trai Tả quân Lê Văn Duyệt) được khai quật vào năm 1961. Niên đại bộ phẩm phục được xác định vào những năm đầu thế kỷ 19. Trong ảnh theo thứ tự từ trái sang là kính đeo một mắt, thẻ lệnh, đồ lấy ráy tai và cúc áo của quan võ Lê Văn Phong.
Triển lãm giới thiệu bốn mũ miện. Trong ảnh là chiếc mũ của của Đô thống chế thần sách Lê Văn Phong. Chiếc mũ này đã được phục nguyên năm 2014 và lần đầu tiên trưng bày trước công chúng.
Những cây trâm chạm khắc tinh xảo được tìm thấy trong lăng mộ của bà Trần Thị Hiệu, một nhân vật thuộc hoàng gia triều Nguyễn.
Các vật dụng chốn hoàng cung như hộp đựng bảo quản phẩm phục, rương hòm, tráp... được sơn son thiếp vàng.
Chiếc tủ đựng mũ của một vị quan võ.
Trong số các vật dụng cung đình, nổi bật là chiếc trấn phong bằng gỗ với kỹ thuật sơn thếp, kéo sợi vàng hoa văn điển hình của hoàng gia. Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng đến hết tháng 3/2017.
Quỳnh Trần
Theo VNE
Điện Voi Ré tôn thờ lòng trung thành Nhiều du khách đến Huế không biết rằng nơi đây có một điện thờ voi, suy tôn lòng trung thành của một con vật dũng cảm trong các trận chiến. Điện Voi Ré được xây dựng trên một diện tích chừng 2.000 m2 tại đồi Thọ Cương, thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, TP Huế, dưới thời vua Gia Long. Nhà nghiên cứu...