Huế: Công trình hơn 18 tỷ tan nát sau lũ, dân nghi làm dối
Vừa được cải tạo với số vốn hơn 18 tỷ đồng, nhưng chỉ sau thời gian ngắn ngập lũ, công trình Đập Đá ở TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) đã hư hỏng nghiêm trọng.
Từ sáng 8.11, sau khi lũ rút, công trình Đập Đá (nối đường Lê Lợi và đường Nguyễn Sinh Cung ở TP.Huế) lộ ra nhiều điểm hư hỏng nghiêm trọng khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng công trình.
Công trình Đập Đá tan nát sau thời gian ngắn ngâm trong lũ. Ảnh: Trần Hòe.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, sau khi lũ rút, mặt đường của đập xuất hiện nhiều ổ voi lớn, gây mất an toàn giao thông. Nhiều mảng bê tông nhựa lớn, có độ dày khoảng hơn 10cm, bị bóc tách hoàn toàn khỏi nền đường.
Một đoạn mặt đường ở phía sông Hương bị xói lở tạo thành hàm ếch. Bên cạnh đó, những vết nứt xuất hiện và những ụ bê tông nhựa trồi lên khiến mặt đường bị cong vênh. Giao thông qua Đập Đá trong sáng 8.11 bị cản trở vì công trình này hư hỏng.
Sự hư hại của công trình xảy ra chỉ sau thời gian ngắn ngâm lũ khiến dư luận bức xúc và nghi ngờ về chất lượng. Một người dân sống gần Đập Đá nói: “Tôi thấy công trình này được thi công, hoàn thành cách đây chỉ khoảng hơn 1 năm. Mới được đưa vào sử dụng mà chỉ sau hơn 2 ngày ngâm lũ đã tan nát chứng tỏ nó được thi công không bảo đảm chất lượng”.
Mặt đường Đập Đá hư hỏng nghiêm trọng sau lũ cũng khiến người tham gia giao thông qua đây bất ngờ. Nhiều người đã dừng xe giữa đường để quay phim, chụp ảnh bởi họ cho đây là hiện tượng lạ lùng.
Người dân cho rằng công trình nhanh hư hỏng là do chất lượng không đảm bảo. Ảnh: Trần Hòe.
Video đang HOT
Ngay trong sáng 8.11, nhiều công nhân được điều động đến công trình khắc phục tạm thời những đoạn đường hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Lực lượng công nhân đã sử dụng cát sỏi đắp vá mặt đường để xe cộ lưu thông.
Trao đổi với PV Dân Việt, một cán bộ của Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế có mặt tại hiện trường cho biết, công trình này do một đơn vị của Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, Sở GTVT chỉ tiếp nhận quản lý, bảo trì. Theo cán bộ này, công trình mới chỉ được bàn giao từ giữa năm 2016. Trước những câu hỏi của PV về chất lượng công trình, vị cán bộ này chỉ nói mình “không lý giải nổi”.
Ngày 8.11, PV Dân Việt đã liên hệ làm việc với Giám đốc Ban Đầu tư và xây dựng của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế nhưng ông này không nghe máy.
Dự án cải tạo Đập Đá có tổng số vốn hơn 18 tỷ đồng, do Ban Đầu tư và xây dựng của Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện nhằm cải thiện môi trường sinh thái, chất lượng nước và bổ sung nguồn nước tưới cho đất nông nghiệp toàn bộ hệ thống sông Như Ý; tăng cường khả năng thoát lũ cho hệ thống sông vùng nam sông Hương, đồng thời mở rộng mặt đập bảo đảm an toàn giao thông đường bộ qua Đập Đá.
Một số hình ảnh về công trình Đập Đá tan nát do PV Dân Việt ghi lại:
Mặt đường Đập Đá hư hỏng nghiêm trọng sau hơn 2 ngày ngập lũ. Ảnh: Trần Hòe.
Nhìn những hình ảnh này không ai có thể nghĩ công trình chỉ mới đưa vào sử dụng. Ảnh: Trần Hòe.
Những vết nứt kiểu hàm ếch xuất hiện trên mặt đường sau lũ. Ảnh: Trần Hòe.
Công nhân được huy động để tạm thời khắc phục công trình nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Ảnh: Trần Hòe.
Một đoạn đường hư hỏng được rào chắn tạm bợ bằng những cây tre. Ảnh: Trần Hòe.
Những mảng bê tông dày bong tróc trồi lên mặt đường. Ảnh: Trần Hòe.
Phương tiện lưu thông qua Đập Đá đối mặt nhiều rủi ro vì công trình hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Trần Hòe.
Theo Danviet
95 người chết và mất tích do bão số 12
Theo số liệu mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), tính đến 18h ngày 7/11, bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) đã làm 72 người chết, 23 người mất tích; 1.498 ngôi nhà bị thiệt hại trên 70% trở lên.
Bão Damrey đã làm 72 người chết, 23 người mất tích, hàng nghìn ngôi nhà bị sập đổ. (Ảnh: Trung Thi).
Trong số 72 người chết, tỉnh Khánh Hòa có số nạn nhân lớn nhất, 37 người, tiếp theo là Quảng Nam 10 người, Thừa Thiên Huế 9 người, Quảng Ngãi 5 người, Bình Định 5 người, Lâm Đồng 3 người, Phú Yên 1 người, Đắk Lắk 1 người, Kon Tum 1 người.
23 người mất tích gồm Quảng Trị 1 người, Quảng Nam 10 người, Quảng Ngãi 1 người, Bình Định 5 người, Phú Yên 2 người, Khánh Hòa 4 người.
Ngoài ra, bão số 12 còn làm 1.498 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%), 518 nhà bị thiệt hại rất nặng (từ 50-70%), 124.321 nhà bị ngập nước. Bão số 12 làm 1.294 phương tiện khai thác thủy, hải sản bị thiệt hại.
Trước đó, ngày 2/11, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão số 12 năm 2017 (tên quốc tế là Damrey - Con Voi). Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định, bão số 12 rất mạnh, càng vào bờ cường độ bão càng tăng lên.
Đến 6h ngày 4/11, bão số 12 đổ bộ vào đất liền tỉnh Khánh Hòa với cấp độ 12, giật cấp 15. Bão vào đúng thời điểm khu vực này có không khí lạnh tăng cường mạnh nên làm cho bão càng mạnh thêm, gây mưa lớn, gió mạnh ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ.
Sau nhiều giờ quần thảo trên đất liền, bão di chuyển dần sang khu vực Tây Nguyên và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới ở trên đất Campuchia.
Nguyễn Dương
Theo Daviet
Phú Yên, Bình Định: Chính quyền và người dân bất ngờ vì dự báo bão 12 Dư luận tại nhiều tỉnh Nam Trung Bộ đang bức xúc trước việc dự báo thiếu chính xác về vùng ảnh hưởng của cơn bão 12 vào sáng 4.11. Bà Trần Thị Ánh (ở phường 9, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết: "Bão 12 bắt đầu quật vào khu vực nhà tôi vào khoảng gần 2h sáng 4.11. Gió mưa cứ thế rít...