Huawei đạt thỏa thuận áp dụng công nghệ 4G cho ôtô của Volkswagen
Huawei đang nỗ lực đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, cụ thể là chuyển hướng sang lĩnh vực ôtô thông minh và phần mềm, sau khi Mỹ siết chặt lệnh cấm mua thiết bị viễn thông của các công ty Trung Quốc.
Biểu tượng của tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 7/7, tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei cho biết đã đạt được một thỏa thuận cấp phép với một nhà cung cấp của tập đoàn sản xuất ôtô Đức Volkswagen (VW), theo đó cho phép sử dụng công nghệ 4G của Huawei trên các xe ôtô do VW sản xuất.
Đây là thỏa thuận cấp phép lớn nhất của Huawei trong lĩnh vực ôtô.
Huawei không nêu cụ thể các điều khoản tài chính trong thỏa thuận cũng như tên nhà cung cấp của VW. Tuy nhiên, Huawei cho biết thỏa thuận bao gồm giấy phép sử dụng các bằng sáng chế 4G của tập đoàn này trên các xe VW trang bị kết nối không dây.
VW đã ra tuyên bố bày tỏ hoan nghênh việc Huawei cấp phép cho một trong những nhà cung cấp của VW sử dụng các bằng sáng chế tiêu chuẩn thiết yếu (SEP) công nghệ 4G .
Tuyên bố nhấn mạnh thỏa thuận cấp phép này là mô hình cho thấy sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa lĩnh vực sản xuất ôtô và thông tin truyền thông có thể mang lại thành công.
Video đang HOT
Thỏa thuận cấp phép đạt được trong bối cảnh Huawei đang nỗ lực đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, cụ thể là chuyển hướng sang lĩnh vực ôtô thông minh và phần mềm, sau khi Mỹ siết chặt lệnh cấm mua thiết bị mạng viễn thông của các công ty Trung Quốc.
Mỹ coi Huawei là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh mạng và lo ngại rằng thiết bị của công ty này có thể được sử dụng làm công cụ gián điệp, điều Huawei đã lên tiếng bác bỏ.
Tháng trước, trong nỗ lực thúc đẩy mảng phát triển phần mềm, Huawei đã cho ra mắt hệ điều hành riêng cho điện thoại thoại thông minh có thể thay thế Android của Google.
Huawei đã phát triển hệ điều hành HarmonyOS từ 9 năm trước, nhưng thông tin về nền tảng này chỉ xuất hiện sau khi Mỹ đưa tập đoàn này vào danh sách cấm hồi giữa tháng 5/2019./.
EU phạt BMW và Volkswagen 1 tỷ USD liên quan vấn đề khí thải
Hai hãng ôtô Đức là BMW và Volkswagen bị phạt 875 triệu euro (1 tỷ USD) do vi phạm các quy định chống độc quyền thông qua việc hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực lọc khí thải ôtô chạy bằng diesel.
Biểu tượng Volkswagen tại một đại lý của hãng này ở Hamm, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 8/7, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo 3 nhà sản xuất ôtô của Đức, gồm Daimler, BMW và Volkswagen, đã vi phạm các quy định chống độc quyền thông qua việc hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực lọc khí thải ôtô chạy bằng diesel, theo đó phạt BMW và Volkswagen tổng cộng 875 triệu euro (1 tỷ USD).
Thông báo của EC nêu rõ 3 hãng sản xuất ôtô nói trên đã thông đồng phát triển kỹ thuật lọc khí NO2, tuy nhiên, Daimler không bị phạt vì hãng này đã công bố tiết lộ vụ thông đồng này.
Theo Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EU, bà Margrethe Vestager, 5 hãng sản xuất ôtô gồm Daimler, BMW, Volkswagen, Audi và Porsche đã có trong tay công nghệ giảm khí thải độc hại có hiệu quả vượt mức được quy định theo các tiêu chuẩn phát thải của EU.
Tuy nhiên, các hãng này không cạnh tranh tận dụng triệt để tiềm năng của công nghệ này để lọc khí thải sạch hơn mức quy định của EU.
Bà Margrethe Vestager nhấn mạnh quyết định của EC phạt các hãng trên về hành vi sai trái trong hợp tác kỹ thuật và cho thấy rõ EC không dung túng các công ty thông đồng làm sai.
Volkswagen cho biết hãng đang cân nhắc hành động pháp lý đối với quyết định trên của EC, cho rằng việc áp lệnh phạt đối với các đàm phán kỹ thuật giữa các hãng sản xuất ôtô về công nghệ xả thải là tạo ra một tiền lệ khó hiểu.
Bị áp mức phạt 502 triệu euro, Volkswagen cho rằng EC đang đặt chân vào một lĩnh vực tư pháp mới, theo đó lần đầu tiên xử lý vấn đề hợp tác kỹ thuật như một hành vi vi phạm luật chống độc quyền.
Hơn nữa, Volkswagen nhấn mạnh EC xử phạt dù nội dung đàm phán giữa các hãng ôtô chưa được triển khai và không có khách hàng nào bị tổn hại.
Về phần mình, BMW đồng ý với quyết định của EC và chấp nhận nộp phạt 373 triệu euro.
Kể từ sau khi bê bối gian lận khí thải của Volswagen bị phanh phui năm 2015, khiến hãng này rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, nhiều hãng sản xuất ôtô khác cũng bị nghi ngờ sử dụng những phương thức tương tự để gian lận khí thải, trong đó có BMW.
Tính đến nay, Volswagen đã chi trả hơn 32 tỷ euro cho các khoản phạt, các chi phí pháp lý và các khoản bồi thường liên quan bê bối này.
Mới đây nhất, một tòa án tại Venice (Italy) đã ra phán quyết yêu cầu Volswagen bồi thường cho hơn 63.000 khách hàng Italy với tổng số tiền hơn 200 triệu euro cũng vì việc sử dụng phần mềm gian lận khí thải trong các xe ôtô bán tại thị trường này.
Theo thông báo của hiệp hội người tiêu dùng Italy ngày 7/7, tòa án yêu cầu Volswagen bồi thường 3.300 euro (cộng thêm tiền lãi) cho mỗi người trong số 63.000 khách hàng tham gia vụ kiện sau khi mua xe có lắp phần mềm gian lận khí thải của hãng này./.
Dịch COVID-19 làm doanh số ô tô nhập khẩu của Hàn Quốc giảm 4,2% Hiệp hội các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô Hàn Quốc (KAIDA) cho biết, doanh số xe nhập khẩu tháng 6/2021 tại Hàn Quốc giảm 4,2% so với một năm trước đó trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài. Theo KAIDA, ô tô Đức chiếm 70% số lượng xe nhập khẩu được bán tại thị trường Hàn Quốc. Ảnh minh...