Huấn luyện chó nghiệp vụ – Gian khổ và thậm chí đổ máu!
“Con ốm, vợ đau, mình có thể nhờ người chăm sóc. Chó nghiệp vụ mà ốm là lính xác định ăn ở với đơn vị. Khi nó ốm, nhiều khi phải động viên nó uống thuốc, nựng nó ăn cơm còn hơn chăm con ở nhà”, Trung tá Thái Duy Dũng – Đội trưởng Đội quản lí, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Phòng cảnh sát cơ động (PK20) – Công an tỉnh Nghệ An nói.
Những “chiến sỹ không sao”
Phát hiện đối tượng, từ khoảng cách 100m, con Benly lao lên. Đó là giống chó Becgie Bỉ, to khỏe và hung dữ. Nó dùng thân hình lực lưỡng của mình đè đối tượng ngã vật xuống, miệng ngoạm chặt lấy cánh tay. Nhiệm vụ được hoàn thành không đầy 30 giây! Đây là một trong những bài tập thường xuyên của Benly và 9 “chiến sỹ không sao” khác tại Đội quản lí, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An.
“Để được lựa chọn, các chú chó phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe như hệ thần kinh, ngoại hình tốt, các bộ phận đặc biệt là khứu giác, thị giác và thính giác phải nhạy. Chó bảo vệ, truy bắt, truy vết phải có hệ thần kinh mạnh, hung dữ, ngoại hình to lớn, khả năng trấn áp. Chó giám biệt chất đặc định (ma túy, thuốc nổ), nguồn hơi thì hệ thần kinh cân bằng, tình đồng hóa, hiền lành hơn”- Trung tá Dũng cho hay.
Trung tá Dũng cho chúng tôi xem cánh tay đầy vết sẹo – hậu quả một cú tấn công của chú chó mà đồng nghiệp anh đang huấn luyện. Như vậy đủ để hiểu việc huấn luyện những chú chó giỏi nghiệp vụ – một lực lượng quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống và truy bắt tội phạm của Công an tỉnh Nghệ An thực sự gian khổ, kỳ công, đổ mồ hôi, thậm chí đổ cả máu.
Huấn luyện chó nghiệp vụ trong trấn áp tội phạm.
Phòng cảnh sát cơ động Công an Nghệ An trong một buổi huấn luyện.
Video đang HOT
“Chiến sỹ không sao” thuộc Đội quản lí, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ,
Việc huấn luyện cơ bản sẽ kéo dài 6 tháng tại Trung tâm huấn luyện động vật nghiệp vụ của Bộ Công an. Mỗi người sẽ được giao 1 con chó gần 2 tuổi – độ tuổi đã ổn định về tâm lý để làm quen và huấn luyện. Những ngày đầu làm quen với nhau, những chú chó đã mang sẵn trong mình sự hung dữ không dễ mà nghe theo hiệu lệnh của những người khác. Cứ thế ròng rã 6 tháng trời, thầy – trò quần nhau giữa thao trường, gắn bó với nhau đủ để chú chó chỉ cần nhìn ánh mắt của huấn luyện viên là hiểu mệnh lệnh mình sắp phải thực hiện.
Sau 6 tháng, chú chó được đưa về đơn vị, tiếp tục huấn luyện và phục vụ cho công việc đặc thù của mình. Mỗi chú chó sau khi được huấn luyện tinh thông nghiệp vụ trở thành một phần cuộc sống và công việc của người lính. Trong các vụ cứu hộ cứu nạn, các vụ trọng án phức tạp mà kẻ thủ ác không để lại dấu vết hay những lần truy vết kẻ phạm tội, cảnh khuyển và những chiến sỹ công an sát cánh cùng nhau phá án. Lực lượng chó nghiệp vụ có nhiều đóng góp trong việc phá một số vụ án phức tạp trên địa bàn tỉnh Nghệ An như vụ truy bắt phạm nhân Nguyễn Văn Truyền mang án 20 năm tù trốn khỏi nơi giam giữ, sử dụng súng chống trả; bắt đối tượng mua bán ma túy Vi Văn May (xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An), giải thoát thành công 3 con tin; phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động bao vây, tiếp cận, bắt giữ Trần Trung Nghĩa (SN 1991, trú TP Vinh) khi y đang sử dụng lựu đạn, súng tự chế khống chế con tin, cướp tài sản người đi đường…
Trắng đêm vì… chó ốm
Hơn 30 năm trong nghề, Trung tá Thái Duy Dũng đã trực tiếp huấn luyện gần chục con chó nghiệp vụ. Người mới nhất là Thượng sỹ Nguyễn Đình Thắng, vừa mới chuyển về đội 8 tháng. “Sau 6 tháng huấn luyện, hai “thầy trò” mới chính thức về nhận nhiệm vụ tại Đội từ tháng 10/2017″, Thắng cho biết. Cũng như Trung tá Dũng, Thắng gọi việc gắn bó với chó nghiệp vụ này là “bước ngoặt” của cuộc đời. Ngay từ khi bước chân vào ngành, có lẽ ít ai nghĩ rằng công việc của mình sẽ gắn bó với những con chó – dù nó là loại hết sức tinh khôn, dũng cảm, nghĩa tình và đặc biệt trung thành. Nhưng rồi “nghề chọn mình”, vượt qua những bỡ ngỡ, e ngại ban đầu, họ dần quen, gắn bó và yêu công việc ít người biết đến này.
“Đặc thù của công việc này là một cán bộ sẽ gắn bó với 1 con chó từ khi bắt đầu đi vào huấn luyện cho đến khi nó bị thải loại. Có khi là 7 năm, 8 năm đến 10 năm. Gắn bó, đồng hành, sát cánh bên nhau nên giữa thầy – trò có tình cảm đặc biệt lắm”, Trung tá Hồ Nam Long – Phó trưởng phòng PK20 cho biết.
Một buổi huấn luyện trấn áp tội phạm.
Huấn luyện gian khổ là vậy nhưng chăm sóc nó còn gian khổ và kỳ công không kém. Đơn vị có 1 nhân viên bếp riêng để phục vụ từng bữa ăn cho chó. Những chú chó tinh khôn này không phải ăn cơm thừa canh cặn như đồng loại của nó mà từng bữa ăn, từng khẩu phần, định lượng chất dinh dưỡng phải được tính toán cụ thể, khoa học. Mỗi khi chó ốm đau, dịch bệnh, việc chăm sóc, thuốc thang cho từng chú chó còn hơn cả chăm con mọn. Còn nhớ hè năm 2013, cả đơn vị hầu như không ngủ được vì đàn chó lăn ra ốm. Các bác sỹ thú y cũng bó tay, đơn vị phải mời cả bác sỹ thú y của Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ ngoài Hà Nội về điều trị cho chó. Dù cả đơn vị, các bác sỹ đã làm hết sức nhưng năm đó, chỉ còn phân nửa số chó của đơn vị sống sót qua đợt dịch, ai cũng buồn đến phát khóc.
Gắn bó, sát cánh với nhau trong huấn luyện và chiến đấu bởi vậy khi mỗi chú chó bị thải loại, người lính không tránh khỏi sự hụt hẫng. Không hụt hẫng sao được khi ròng rã cả chục năm trời cùng luyện tập, cùng chiến đấu, cùng nhau “nằm gai nếm mật” nhưng quy luật có phần khắc nghiệt của yêu cầu chiến đấu, người lính phải nén cảm xúc lại mà chia tay “đồng đội” thân thiết của mình để bắt đầu lại một quy trình vất vả và kỳ công khác.
“Nghề này là vậy, không yêu nghề, không say nghề, không xem chó như người bạn, người đồng đội, đặc biệt là có tư tưởng mặc cảm, xem nhẹ nhiệm vụ thì không làm được đâu. Mỗi người, mỗi lực lượng một nhiệm vụ đặc thù, tất cả cũng vì cuộc sống bình yên của nhân dân”- Trung tá Thái Duy Dũng chia sẻ.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Hòa Bình: CSCĐ, chó nghiệp vụ dầm mưa tìm người bị vùi trong đất lở
Sau hơn 1 ngày xảy ra trận lở núi kinh hoàng tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, vẫn còn 8 người bị vùi lấp dưới hàng vạn mét đất đá. Hàng nghìn người cùng các loại phương tiện máy móc tham gia tìm kiếm người mất tích, đặc biệt, có sự tham gia của 3 chó nghiệp vụ thuộc K20 Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động cùng tham gia.
Đội mưa tìm kiếm người mất tích
Một bầu không khí tang thương bao trùm lên xóm Khanh, xã Phú Cường, hàng trăm người thân mong ngóng lực lượng tìm kiếm tìm thấy người thân. Để phát hiện tìm kiếm người mất tích, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã gửi 3 chú chó nghiệp vụ lên hỗ trợ tham gia tìm kiếm nạn nhân.
Thiếu úy Tạ Quốc Dũng tranh thủ cho Kha (tên chú chó) nghỉ ngơi sau 4h tìm kiếm liên tục.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, đại tá Vũ Thành Nam, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình cho biết: "Từ sáng sớm, lực lượng cứu nạn đã tăng cường thêm cán bộ, chiến sỹ, chia thành nhiều nhóm nhỏ cùng với máy xúc tiến hành tìm kiếm 8 nạn nhân còn bị vùi lấp dưới hàng vạn khối đất đá. Chúng tôi đã được tăng cường cả chó nghiệp vụ để khẩn trương tìm kiếm, tuy nhiên do điều kiện thời tiết vẫn có mưa, đất đá trên núi vẫn sạt xuống gây khó khăn cho việc tìm kiếm".
Thiếu úy Tạ Quốc Dũng con chó tên Kha tìm kiếm nạn nhân.
Lực lượng cứu nạn rà soát tất cả các địa điểm nghi ngờ để đào bới, tìm kiếm người mất tích. Với sự tham gia của chó nghiệp vụ, đã lật tung nhiều ngóc ngách, khe suốt, đống bùn đất ngổn ngang.
Huy động máy chuyên dụng vào công tác tìm kiếm nạn nhân.
Sau gần 4h tìm kiếm trên núi, dưới suối, vẫn còn 8 người đang mất tích, người thân của họ đang ngóng trông từng phút, từng giây. Vừa cho chó nghiệp vụ uống nước, thiếu úy Tạ Quốc Dũng chia sẻ: "Kha (tên chú chó) là một trong những sỹ quan cao cấp của K20, bạn ấy đã tham gia tìm kiếm cứu nạn rất nhiều lần rồi. Vì tính cấp bách của việc tìm kiếm nên Kha đã làm việc không biết mệt mỏi, vượt qua nhiều đoạn suối, khe rừng để tìm kiếm. Chỉ cần Kha đánh tiếng, ra tín hiệu chắc chắn sẽ có hiệu quả".
Huy động chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.
Như hiểu được tâm trạng của những người thân đang trông ngóng tin của người thân, ngồi nghỉ chưa được 10 phút, Kha lại đứng dậy ra hiệu cho thiếu úy Tạ Quốc Dũng tiếp tục tìm kiếm. Bộ lông ướt thẫm nước mưa, bước chân đi chậm lại vì mệt và đói, nhưng Kha vẫn không bỏ cuộc. Nhiều lúc, thấy Kha quá xông xáo, thiếu úy Dũng phải ra hiệu cho Kha quay trở lại tranh thủ nghỉ ngơi, lấy sức cho cuộc tìm kiếm kiên trì.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, lực lượng tìm kiếm đang tìm mọi biện pháp nhanh nhất để xác định các vị trí nghi là người mất tích bị vùi lấp để tiến hành đào bới, tìm kiếm. Tuy nhiên khối lượng đất đá quá lớn, nên việc tìm kiếm 8 người mất tích còn lại chưa hiệu quả. Với sự trợ giúp của chó nghiệp vụ, lực lượng sẽ tìm kiếm xuyên đêm nay để cố gắng tìm thấy những nạn nhân nhanh nhất.
Theo Danviet
Sơn La: Tiếp tục huy động chó nghiệp vụ tìm người mất tích Hôm nay (9.8), công tác tìm kiếm những người mất tích trong đợt mưa lũ xảy ra ngày 3.8 tại huyện Mường La (Sơn La) tiếp tục được triển khai. Do địa bàn rộng cộng với khối lượng đá, củi, rác, tạp chất nhiều nên công tác tìm kiếm bằng phương pháp thủ công đang gặp khó khăn. Lực lượng chức năng đã...