Hũ mắm tép của ngoại
Tôi còn nhớ thuở bé, cứ mỗi khi cái nắng cuối hè buông xuống mái ngói bạc phếch ngoài hiên là ngoại tôi lại lụi cụi đi làm mắm tép.
Ảnh minh họa
Chẳng thế mà sau này mỗi độ hè về lòng tôi cũng nao nao nhớ đến hương vị một món ăn dân dã từng nuôi sống mình qua những năm tháng nghèo khó.
Sau những trận mưa rào cuối hè, trên mặt hồ, mặt ao, tôm tép úi lên từng đám dầy đặc, sẫm cả mặt nước. Trời nhá nhem rồi tối dần. Ngoại bắc ghế ra đầu hè, bó gối ngồi. Một lúc sau thể nào cũng có ông lão đánh dậm đi ngang qua. Người chưa đến mà gió đã sực mùi tôm cá. Cái giỏ đựng tép nặng chịch, vít tấm lưng ông già gập xuống.
Cái dậm thì to kềnh như chiếc diều cứ chực nhấc bổng thân người đẫm nước, tong teo. Mớ tép rui tươi nguyên trút ra rổ. Đầy những rong rêu, cọng cỏ. Ngoại khẽ đảo tay, hàng trăm con tép nhảy tanh tách. Nước bắn tứ phía, óng ánh như có vẩy bạc. Dưới đáy rổ thấy cả cọng vó, đòng đong, cân cấn, niềng niễng rúc đầu chạy …
Video đang HOT
Ngọn đèn dầu thắp lên khoanh tròn một vầng sáng. Ngoại cặm cụi đãi nhặt ốc vặn, rơm rác. “Cái giống mắm tép phải làm rõ sạch và kỹ lắm. Chỉ hơi lẫn một tí là hỏng. Là ngả màu thâm xỉn, mất hẳn cái mầu đỏ hồng”. Ngoại giảng giải như thế. Đãi đi đãi lại cho đến khi rổ tép trắng hồng, trong suốt, ngoại mới cho vào cối đá giã nhỏ.
Có thế mắm mới nhuyễn, quánh dẻo. Xong đâu đấy ngoại nhóm bếp rang thính. Ngọn lửa không được to quá, chỉ để liu riu. Nhất là phải đảo đều tay. Trăm hạt gạo như một, vàng rộm, nở đều như hoa cau. Thính giã vừa tới, không được vỡ vụn. Cứ thế một lớp tép, lại rải một lớp thính. Khi cho mắm vào hũ phải nút chặt bằng lá chuối khô. Lúc nào hũ mắm cũng để sát cạnh bếp.
Nhờ có lửa than, hơi nóng mắm ngấu chín. Suốt tháng trời cứ háo hức chờ lúc ngoại mở nút lá chuối. Mắm tép ngoại làm có màu sắc đỏ tươi, khi mở hũ mắm ra dậy lên mùi thơm lừng, chẳng hề có tí mùi tanh nào. Người dân quê tôi thường dùng mắm tép để làm nước chấm rau luộc hay ăn với cơm, có lẽ vì vậy món này được gọi là món nhà nghèo.
Chiều tối đi học về, chạy ù vào bếp. Cơm vừa chín tới để nguyên trên bếp. Mâm là cái mẹt chỉ có độc bát canh dưa vùi trong trấu. Tay ngoại xới lưng cơm nóng hôi hổi, rưới đều từng thìa mắm tươi hồng, đặc sánh. Hơi cơm bốc nghi ngút quyện với mùi mắm tép ngào ngạt. Ngoại nhìn con ăn, mắt rưng rưng. Ngoài trời gió lạnh đã về, hun hút lùa qua khe vách…
Đi qua tuổi thơ nghèo khó, nuôi dưỡng tâm hồn tôi là những bát cơm mắm tép của ngoại. Nhiều lúc thoảng nghe những cơn gió lạnh tràn về lại thấy nhớ quá dáng ngoại bên bếp lửa bập bùng. Của ngon vật lạ, mâm cao cỗ đầy rồi cũng qua đi, có đọng lại gì. Sao vẫn nhớ cồn cào đến xót xa vị mắm tép ngoại làm ngày nào. Ngót 20 năm rồi có bao giờ tìm thấy nữa…
Theo tuoitre
Ngon lạ với mắm tép quê nhà
Giữa cái lạnh của tiết trời đông, bưng bát cơm trắng, chan thìa mắm tép, có thể cảm nhận được từng hạt gạo dẻo thơm, quện với vị đậm đà của của mắm tép đồng, khiến người ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Tép đồng thường sinh sôi nhiều sau những trận mưa rào mùa hạ, chúng sống trong những mương nước, ao hồ đục. Muốn cất tép đồng, chỉ cẩn buộc tấm vải màn rộng vào bốn góc của hai thanh tre được uốn cong hình dấu nhân, sau đó cho ít cám bột vào nhử mồi. Mùi thơm của bột cám sẽ thu hút đàn tép, đợi khoảng 10 phút thì cất "te" lên, đảm bảo sẽ có một mẻ tép như ý.
Tép được cất về có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Nhưng phần lớn ở nông thôn, người ta sẽ đem đi làm mắm để ăn dần. Làm mắm tép rất phức tạp, không chỉ đỏi hỏi người làm phải khéo léo mà còn phải có kinh nghiệm, nếu không cẩn thận rất dễ bị hỏng. Theo kinh nghiệm của người dân Vĩnh Lộc- Thanh Hóa quê tôi thì làm mắm tép trải qua những công đoạn sau.
Tép được cất về phải còn tươi sống, đem đãi thật sạch, không để một vết bùn hoặc hạt sạn nào vương trong rổ. Nếu rửa không sạch, vại mắm rất dễ bị hỏng, mắm ngả màu thâm xỉn là coi như phải đổ bỏ. Tép sau đãi sạch phải để ráo nước hoàn toàn, cho tép vào cối đá giã đều tay, như thế mắm mới nhuyễn.
Tiếp đó là đến công đoạn làm thính, khá công phu. Đầu tiên là chuẩn bị một lượng gạo ngon, hạt đều. Khi rang phải chú ý để lửa không quá to hoặc nhỏ, tay đảo đều để gạo không cháy khét. Khi thấy hạt gạo vàng rộm nở đều như bông hoa cau thì đem đi giã thật mịn.
Chuẩn bị một vại sành được lau chùi sạch sẽ (to hay nhỏ tùy vào lượng tép làm mắm), sau đó cứ bỏ một lớp tép đồng vào thì lại rải một lớp thính gạo phủ lên trên (rắc đều để mắm được chín đều), cứ rải đều tay như thế cho đến khi hết tép và thính là xong. Trong quá trình muối mắm tép nên cho một ít muối trắng vào, để khi ăn mắm có vị đậm đà không quá nhạt.
Tiếp theo là bịt kín vại sành bằng lá chuối khô hoặc bì gai, rồi đem ra phơi ngoài trời nắng cho mắm tép nhanh đượm vị và thơm ngon hơn (nắng càng to thì mắm càng nhanh chín).
Phơi được một tuần thì mở nắp, trộn đều mắm rồi đóng nắp lại phơi tiếp. Sau đó đợi khoảng 10 ngày hoặc hơn, khi vại mắm đã dậy lên mùi thơm lừng, không còn mùi tanh và kiểm tra vại mắm thấy sắc màu đỏ tươi là mắm đã chín, có thể lấy ra ăn được.
Mắm tép rất dễ kết hợp với nhiều món ăn khác, có thể làm nước chấm cho đồ luộc, hoặc chỉ cần chan không vào bát cơm ăn khô, và cũng có thể chế biến thành món mắm tép chưng thịt khoái khẩu.
Trong bữa cơm gia đình, có bát mắm tép trên bàn, sẽ tạo không khí gần gũi của bữa cơm đoàn viên. Mùi thơm dậy đặc trưng của mắm tép, cái vị ngọt ngọt của con tép đồng, mùi thơm bùi của thính gạo rang và có thêm cái vị đồng quê rất riêng ấy, sẽ khiến nhiều người khi ăn cảm nhận sâu sắc hương vị dân giã mà đậm tình quê.
Trọng Nguyễn
Theo VNE
Quà nhà quê lên phố Bánh xèo Phan Thiết - Ảnh: SGTT Không gì nhớ nhà bằng những dịp lễ tết, nhất là đối với những người nhập cư từ các vùng quê, tỉnh lỵ phải xa quê nhà sống nơi đất khách. Trong những khoảnh khắc thương nhớ ấy, người xa xứ chỉ biết bấu víu vào vài món ăn mang hương vị ruột rà của gia...