HTX đất 9 rồng “thay áo” (Bài 3): Doanh nghiệp đứng ngoài cuộc chơi
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, các hợp tác xã (HTX) ở ĐBSCL cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, rất cần Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ, khắc phục.
Thiếu năng lực và vốn
Cà Mau là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo đó, đời sống của người dân, nhất là người dân ở vùng giáp biển ngày càng khó khăn khi diện tích đất bị thu hẹp.
Nhiều HTX ở ĐBSCL vẫn chưa liên kết tiêu thụ được với doanh nghiệp. Ảnh:Huỳnh Xây
Để ứng phó với tình trạng này, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Cà Mau đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp hỗ trợ người dân thành lập các HTX. Theo lãnh đạo tỉnh này, đây là giải pháp sản xuất lớn phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay.
“Các HTX này phát triển theo hướng thích ứng với BĐKH, nổi bật nhất là mô hình lúa – tôm. Theo đó, vào mùa mưa, xã viên trồng lúa, mùa khô có nước mặn sẽ nuôi tôm. Mô hình này cũng được nhiều nước có nền nông nghiệp hiện đại đánh giá là thông minh, ứng phó được với điều kiện BĐKH” – ông Lê Thanh Triều – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau nói.
Tuy vậy, theo ông Triều, mặc dù đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nhiều HTX trong tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn. “Toàn tỉnh 128 HTX nông nghiệp nhưng chỉ có 33% đạt loại khá trở lên. Nguyên nhân là do năng lực điều hành của HTX, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều dẫn đến khó khăn trong khâu chế biến của doanh nghiệp” – ông Triều cho biết thêm.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, địa phương này có diện tích bờ biển khá dài nên khi BĐKH xảy ra thì thiệt hại sẽ rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2016, đã có 30.000ha diện tích sản xuất của tỉnh bị ảnh hưởng.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do BĐKH gây ra, ngoài làm cống đập điều tiết nước, tỉnh Kiên Giang cũng hỗ trợ cho 352 HTX nông nghiệp phát triển theo hướng điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất. Đặc biệt, tỉnh này đang có 100.000ha nằm trong vùng bán đảo Cà Mau làm theo mô hình lúa – tôm.
Video đang HOT
Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, một trong khó khăn lớn nhất của HTX trong tỉnh là không vay được vốn ngân hàng. Khó khăn lớn thứ hai là các HTX rất khó liên kết đầu vào cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm (do doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông thôn rất ít).
Doanh nghiệp “đứng ngoài cuộc chơi”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho biết, thời gian qua, tỉnh có nhiều nỗ lực giúp HTX nông nghiệp phát triển nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tài chính và công nghệ thấp, năng lực quản trị của HTX yếu, thiếu khả năng tìm kiếm thị trường.
“An Giang có 132 HTX nhưng chỉ có 37 HTX đạt khá tốt, 45 HTX trung bình. Nguyên nhân là do các HTX chưa có sự tham gia của hộ dân có kinh tế khá, nhiều doanh nghiệp vẫn “đứng ngoài cuộc chơi” (do không có chính sách hỗ trợ)” – ông Nưng nói.
Vì vậy, tới đây, cần các bộ, ngành Trung ương cùng với tỉnh khắc phục tình trạng trên, cụ thể là nghiên cứu đưa người dân giàu cũng như doanh nghiệp tham gia HTX. “Hiện có nhiều chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp nhưng có một số không còn phù hợp. Vì vậy, cần loại bớt chính sách đã lỗi thời, có định hướng phát triển HTX một cách mạnh mẽ hơn” – ông Nưng nhấn mạnh.
Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Tháp có 166 HTX nông nghiệp. Những HTX này đang được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của lãnh đạo và xã viên, đầu tư thêm máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Nhiều HTX tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu nông sản. Tuy đã đạt được nhiều kết quả, song các HTX nông nghiệp ở Đồng Tháp vẫn còn nhiều hạn chế.
Tới đây, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với HTX bằng cách bố trí cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về HTX, bổ sung cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng làm việc tại HTX. Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào HTX.
Ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp cho rằng, người dân phải vào HTX, hợp tác với nhau một cách tự nguyện, bỏ qua quan điểm “mạnh ai nấy làm”.
“Quy mô HTX càng lớn, thành viên càng nhiều sẽ giúp hạ giá thành sản xuất, tăng chất lượng do cùng quy trình, tăng khả năng đàm phán. HTX không chỉ dừng lại ở việc liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên mà còn phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến trong một hay nhiều công đoạn nào đó của chuỗi ngành hàng” – ông Hoan nói.
Theo Danviet
Cạnh tranh yếu, nông sản TP.HCM vào chuỗi đếm trên đầu ngón tay
TP.HCM có 5.000 trang trại hộ gia đình, 68 hợp tác xã (HTX) và gần 229 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay, số lượng nông sản được tham gia vào các chuỗi tiêu thụ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân được cho là do sản phẩm có tính cạnh tranh thấp.
Nghịch lý
Tại hội thảo "Phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM" tổ chức ngày 9.4, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM Nguyễn Tuấn cho biết, thời gian qua, dù thành phố đã nỗ lực trong việc kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ và nhà sản xuất nông sản với nhiều hình thức, nhưng vẫn chưa tạo được đột phá rõ rệt cho việc tiêu thụ nông sản.
Rất ít sản lượng rau của nông dân TP.HCM được các kênh phân phối của thành phố tiêu thụ do không thể cạnh tranh với nông sản các tỉnh, thành. Ảnh: P.V
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) TP.HCM, các sản phẩm từ chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của thành phố đang có bước phát triển mạnh, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp dự kiến tăng bình quân từ 450 triệu đồng/ha năm 2017 lên 800 triệu đồng/ha vào năm 2020.
Theo ông Nguyễn Văn Tủi - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân TP.HCM), từ đầu năm đến nay, hệ thống phân phối, tiêu thụ nông sản của thành phố mới ký được... 28 hợp đồng với nhà sản xuất nông sản trên địa bàn.
Ông Nguyễn Nhật Trường - Trưởng bộ phận thu mua nông sản Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết đã ký 17 hợp đồng thương mại giữa Saigon Co.op với các HTX, doanh nghiệp thành phố.
Theo ông Nguyễn Tuấn, nông sản mà các đơn vị phân phối lớn của thành phố như: Saigon Co.op, Satra, Vinmart... thu mua phần lớn là từ các tỉnh, thành.
Ông Nguyễn Văn Mùa - Giám đốc HTX nuôi tôm công nghệ cao Hiệp Phước (Nhà Bè) cho biết, dù tôm của HTX đạt chất lượng VietGAP nhưng vẫn chưa vào được siêu thị. "Yêu cầu của siêu thị rất khó thực hiện. Họ lấy tôm sống hàng ngày với số lượng vài chục, vài trăm kg, trong khi HTX thu hoạch tôm theo mùa, số lượng hàng trăm tấn" - ông Mùa nói.
Hoạt động kinh doanh với hình thức "mở" như chợ đầu mối Bình Điền, theo ông Nguyễn Phúc Khoa - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Satra, số lượng nông sản thành phố vào chợ cũng rất thấp so với quy mô sản xuất.
Nâng chất...
TP.HCM đang ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế sản phẩm lớn, nhưng quỹ đất canh tác ít, chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, chi phí đầu tư cho việc canh tác ứng dụng công nghệ cao sẽ rất cao.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện các nông hộ và tổ hợp tác chỉ liên kết với nhau về kỹ thuật, chưa liên kết về mặt buôn bán và chất lượng sản phẩm. Việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người sản xuất chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng theo yêu cầu của nhà phân phối.
Quy mô nhỏ lẻ khó để đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối. Bên cạnh đó, chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, phương thức thanh toán chưa hợp lý gây khó cho người sản xuất.
Theo Hội Nông dân TP.HCM, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố đưa vào thị trường tiêu thụ hiện còn ở mức độ khá khiêm tốn. Sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng đến 30% thị trường tiêu thụ trên địa bàn. Ông Từ Minh Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đánh giá sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố nếu cạnh tranh giá, chất lượng, an toàn thực phẩm... còn kém so với nông sản của các tỉnh, thành.
"Phải chuyển giao công nghệ phù hợp cho nông dân sản xuất nhằm tăng giá trị cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, ít nhất là trong nước, sau đó mới tính chuyện xuất khẩu" - ông Thiện bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Phúc Khoa, để nông sản thành phố tiêu thụ mạnh, chiếm thị phần và mang tính ổn định, buộc chất lượng nông sản phải đạt chuẩn, phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, phải cạnh tranh giá được với các sản phẩm từ các tỉnh, thành.
Hiện tình hình sản xuất nông nghiệp của TP.HCM khá manh mún, nhỏ lẻ. Để sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, đại trà, ông Khoa cho rằng, nông dân phải thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo mô hình liên kết chuỗi.
Theo Danviet
Hợp tác xã Tiền Phong: Dấu ấn kinh tế tập thể kiểu mới Nhờ tích cực đổi mới, sáng tạo, xây dựng phương án hoạt động hiệu quả, những năm qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Kinh doanh dịch vụ Tiền Phong (xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) duy trì sản xuất hiệu quả và ngày càng phát triển, trở thành điểm tựa vững chắc cho nhà nông phát triển kinh...