HTS âm thầm chiều lòng Nga-Thổ, “chảo lửa” Idlib vẫn có nguy cơ âm ỉ cháy
Nhóm khủng bố Hay’et Tahrir al-Sham đã âm thầm rút vũ khí hạng nặng khỏi vùng đệm Idlib, tuy nhiên vẫn còn đó nguy cơ thỏa thuận Nga-Thổ bị phá vỡ bởi nhiều lý do.
Thỏa thuận của Nga-Thổ sẽ yêu cầu phiến quân giải giáp vũ khí hạng nặng.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết phiến quân Syria đã rút hoàn toàn vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng đệm phi quân sự ở tỉnh Idlib như một phần của thỏa thuận trước đó giữa nước này và Nga, nhưng các chuyên gia cho rằng Ankara vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) – tổ chức bảo trợ quân nổi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả lực lượng Quân đội Tự do Syria – đã xác nhận với Al Jazeera rằng nhóm này đã hoàn thành quá trình rút vũ khí hạng nặng ra khỏi Idlib, thành trì nổi loạn cuối cùng ở Syria.
“Các vũ khí hạng nặng của chúng tôi – bao gồm cả xe tăng và pháo – đã được chuyển về tuyến sau của khu phi quân sự để không còn là mục tiêu của các máy bay Nga”, phát ngôn viên NLN Naji al-Mustafa, nói với Al Jazeera. “Chúng tôi sẽ vẫn giữ tuyến phòng thủ với vũ khí hạng nhẹ”, al-Mustafa nói.
Thỏa thuận Nga-Thổ được ký ngày 17/9 nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của quân Chính phủ trên quy mô lớn ở Idlib bằng cách tạo ra một vùng đệm kéo dài 15-20km.
Khu vực này sẽ được thiết lập vào ngày 15/10 – kéo dài từ vùng ngoại ô phía Bắc Latakia đến vùng ngoại ô vùng tây bắc Aleppo.
Trước đó, đã có những lo ngại về một chiến dịch quy mô lớn do lực lượng Chính phủ tiến hành sẽ gây ra một thảm họa nhân đạo trong khu vực có 3 triệu người.
Trong vài ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân tiếp viện đến 12 đồn quan sát của nước này nằm rải rác khắp Idlib và phái quân tuần tra khu phi quân sự. Theo thỏa thuận, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh sát quân đội Nga sẽ giám sát an ninh trong khu vực.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, việc giải giáp vũ khí hạng nặng ở khu phi quân sự chỉ là một khía cạnh của thỏa thuận. Mục tiêu chính của thỏa thuận vẫn là rút tất cả các chiến binh cực đoan ra khỏi khu vực vào ngày 15/10.
Các nhóm cực đoan này còn bao gồm cả Hay’et Tahrir al-Sham (HTS) – trước đây còn được gọi là Mặt trận al-Nusra, từng có liên hệ với al-Qaeda .
Video đang HOT
“Vẫn còn những điều khoản trong thỏa thuận mở ra những cách diễn giải khác nhau của người Thổ Nhĩ Kỳ hoặc người Nga”, Ahmed Abazeid, một nhà nghiên cứu Syria ở Istanbul, nói với Al Jazeera. “Thỏa thuận về cơ bản là một chiến thuật đàm phán dài hạn giữa hai nước”.
Thách thức
Ngoài NLF, HTS cũng nằm trong số các lực lượng nổi dậy của Idlib. Vào năm 2016, nhóm này bị Nga dán mác là “nhóm khủng bố” và do đó không bao giờ được đưa vào các nghị quyết ngừng bắn và các thỏa thuận giảm leo thang.
Kể từ khi thỏa thuận Nga-Thổ được ký kết, HTS đã không biểu lộ quan điểm của mình nhưng đã chấp nhận rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực. Hành động này không được HTS chính thức thừa nhận nhưng các nhà hoạt động trên mặt đất đã xác nhận thông tin với Al Jazeera.
Động thái này nhấn mạnh nỗ lực của HTS trong việc đưa ra lựa chọn tốt cho phía Thổ Nhĩ Kỳ, theo Abazeid, một chuyên gia về các nhóm vũ trang ở Syria, cho biết.
“HTS sẽ làm theo những gì Thổ Nhĩ Kỳ nói để gặt hái điều tốt nhất cho mình, bởi họ có thể bị đe dọa trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến này”, Abazeid nhấn mạnh.
Nhưng sự hiện diện của HTS ở Idlib trên thực tế chính là mối đe dọa cho thỏa thuận Nga-Thổ.
Một cuộc chiến quy mô lớn ở Idlib có nguy cơ gây ra thảm họa nhân đạo khủng khiếp.
Bất chấp việc rút vũ khí hạng nặng khỏi khu phi quân sự, cần phải nhớ rằng ngay từ đầu Nga đã nhấn mạnh rằng HTS là lý do mà họ muốn giải phóng thành trì cuối cùng Idlib.
Khu vực này bao gồm hàng chục ngôi làng trải dài khắp khu vực, đáng chú ý nhất là quận Jisr al-Shughour, vốn từng bị quân Chính phủ bắn phá trong quá khứ, các làng ở Hama và các làng ở ngoại ô Aleppo, cũng như Latakia.
Giữa những ngôi làng này là các tuyến phòng thủ hoặc các cứ điểm được bảo vệ bởi một, hai hoặc nhiều phe nhóm – bao gồm các nhóm theo NLF và HTS.
Đây là lý do tại sao cô lập HTS và các nhóm khác là một nhiệm vụ phức tạp đối diện với Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này, Marwan Kabalan, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Chính sách Ả Rập, nói với Al Jazeera.
Theo Kabalan, Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay đã thành công trong việc chia HTS thành hai nhóm. Một nhóm các chiến binh Syria có suy nghĩ “thực tế”, mong muốn bảo vệ gia đình và cộng đồng địa phương thoát khỏi cuộc tấn công của Nga và nhóm thứ hai là các chiến binh cực đoan nước ngoài.
Động thái của HTS
Phiến quân nổi dậy đối đầu nhau ở Idlib cũng làm tăng thêm sự phức tạp cho các mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ tại đây, tờ Al Jazeera nhấn mạnh.
Tuần trước, một cuộc đụng độ kéo dài ba ngày liên tiếp đã nổ ra giữa phe Nour al-Din al-Zinki của NLF với HTS ở Kafr Halab – một thị trấn nằm ở phía tây nam của Aleppo.
Người phát ngôn của Nour al-Din al-Zinki – Mohammed Adib nói với Al Jazeera rằng HTS đã phát động cuộc tấn công với lý do “truy bắt kẻ làm việc cho quân Chính phủ”.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy họ vây quanh Kafr Halab. Đây là cái cớ mà HTS sử dụng mỗi khi họ khởi động một động thái chống lại bất kỳ thị trấn hay làng mạc nào trong khu vực”, Adib nói.
Trong khi Adib tin rằng cuộc tấn công của HTS nhằm mục đích chiếm thêm nhiều quyền kiểm soát hơn, các chuyên gia nói rằng đó chỉ là một “động thái phô diễn quyền lực”.
“HTS vẫn muốn chứng minh rằng nó có năng lực và có thể tồn tại ở đây. Ngay cả sau thỏa thuận Nga-Thổ, họ cũng không thể tan rã”, Abazeid nói.
Trong khi đó chuyên gia Kabalan nói HTS lo ngại một cuộc tấn công tiềm năng đến từ NFL do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. “Họ đang cố gắng để làm hài lòng Thổ Nhĩ Kỳ [bằng cách đồng ý giải giáp âm thầm], nhưng cũng cố gắng để chứng minh bản thân mạnh mẽ”, Kabalan nói.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa quyết định con đường để giải thể HTS, nhưng Kabalan nói rằng Nga sẽ cố gắng đạt được mục tiêu của mình thông qua ngoại giao và áp lực thay vì lực lượng quân sự.
“Đây là lý do tại sao tôi tin rằng thỏa thuận sẽ tiếp tục hoạt động mà không bị phá vỡ”, ông nói.
Nhưng Abazeid cho biết sự khác biệt về cách đảm bảo an toàn cho các tuyến đường quốc lộ chính có thể là yếu tố tác động tiêu cực tới thỏa thuận này.
Nga và Chính phủ Damascus muốn thiết lập quyền kiểm soát hai đường cao tốc chính – tuyến M4 nối liền thành phố cảng Latakia với Aleppo, Raqqa và vùng Deir Az Zor giàu dầu mỏ; và M5, liên kết thủ đô Damascus với Aleppo và bao gồm cả tuyến thương mại đến Thổ Nhĩ Kỳ và Châu Âu.
Giai đoạn sắp tới sẽ xác định liệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đồng ý với việc cho phép quân Chính phủ sẽ tiến vào Idlib một cách “nhẹ nhàng” hay không.
“Đó là những lý do khiến một cuộc tấn công hoàn toàn có thể xảy ra”, Abazeid nói. “Cái cớ sẽ luôn là sự hiện diện của các tổ chức khủng bố”.
Theo nguoiduatin
Chiến sự Syria: Nhóm phiến quân bắt đầu giao nộp vũ khí tại Idlib
Nhóm phiến quân lớn nhất đã bắt đầu giải giáp các loại vũ khí hạng nặng của mình tại khu vực vùng đệm Idlib.
Tổng thống Erdogan: Thổ Nhĩ Kỳ chỉ rút quân khi Syria tổ chức bầu cử công bằngChiến sự Syria: Phiến quân cố gắng đột phá phòng tuyến của SAA gần Idlib Tổng thống Putin kêu gọi tất cả các nước rút quân khỏi Syria
Theo nguồn tin tại Idlib, nhóm phiến quân Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã bắt đầu giao nộp vũ khí tại tại các tiền tuyến của tỉnh Idlib, tuân thủ theo thoả thuận thành lập khu vực phi quân sự được ký kết giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ,
Với động thái này của Mặt trận Giải phóng Quốc gia từ vùng phi quân sự Idlib, hiện chỉ còn những nhóm phiến quân hiếu chiến và các phần tử khủng bố vẫn kiên quyết không giao nộp vũ khí và bất tuân theo thoả thuận quân sự mới nhất.
Các tay súng thuộc nhóm phiến quân Hay'at Tahrir Al-Sham và Hurras Al-Deen đã từ chối rút quân khỏi các vị trí tiền tuyến, do đó rất có thể phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự để loại bỏ các phần tử thánh chiến này.
Theo ngaynay/ AMN
Huy Vũ
Syria: Phiến quân bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi Idlib Hai nhóm phiến quân ở Syria đang bắt đầu rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực phi quân sự tại Idlib. Một thủ lĩnh phiến quân xác nhận, tiến trình rút vũ khí hạng nặng đã bắt đầu từ 4/10 và sẽ tiếp tục trong những ngày tới. Cụ thể, theo ông Rami Abdurrahman thuộc tổ chức Giám sát Nhân quyền...