HSBC: Tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn phải cẩn trọng
Ngân hàng này nhận định sự suy giảm xuất khẩu của các công ty trong nước và ngành du lịch sẽ gây ra nhiều rủi ro suy thoái cho nền kinh tế.
Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố GDP quý I/2015 tăng 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2011 – 2014. Theo HSBC, con số tăng trưởng ngoạn mục này phản ánh kinh tế Việt Nam khởi động năm 2015 với một vị thế mạnh mẽ nhờ vào nhu cầu cao hơn, tăng trưởng tín dụng khối tư nhân đạt mức 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong báo cáo mang tiêu đề “Đoạn đường dài phía trước”, cơ quan này cũng nhận định mọi người vẫn đang trong tâm thế cẩn thận.
“Mặc dù nhu cầu trong nước được cải thiện nhưng các điều kiện bên ngoài lại xấu đi, tạo sức ép lên hai nguồn thu ngoại tệ chính của Việt Nam”, HSBC cho hay. Xuất khẩu mặc dù vẫn còn cao so với tiêu chuẩn khu vực nhưng cũng đã giảm xuống mức 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái (quý I/2014 tăng 12,7%). Các lô hàng từ các doanh nghiệp trong nước tiếp tục giảm trong quý vừa rồi càng nêu bật việc doanh nghiệp Việt Nam đang dần mất năng lực cạnh tranh.
Đơn đặt hàng mới chậm và nhân công giảm gây rủi ro cho sản xuất Việt Nam.
Trong 5 năm qua, câu chuyện xuất khẩu xuất sắc của Việt Nam phần lớn nhờ vào sự thúc đẩy của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này không hẳn là xấu khi đã đem lại cho doanh nghiệp trong nước cơ hội để khai thác các chuỗi cung ứng toàn cầu và tận dụng hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu suất đáng thất vọng của các doanh nghiệp trong nước đã khiến quá trình này diễn ra chậm và việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI bị giới hạn.
“Nếu không có một chiến lược chủ động để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao kiến thức về công nghệ của mình thì những lợi ích từ FDI sẽ bị giới hạn, ngay cả khi Việt Nam tiếp tục đưa ra nhiều ưu đãi như thuế để thu hút nguồn vốn FDI kỹ thuật cao”, HSBC khuyến cáo.
Video đang HOT
Bên cạnh xuất khẩu tăng trưởng chậm lại, nhập khẩu tăng mạnh mẽ trong quý I cũng là điểm đáng chú ý. Về ngắn hạn, các chuyên gia cho rằng điều này không đáng lo ngại vì đa phần hàng hóa nhập về quý này đều là máy móc, nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, rủi ro lại nằm ở sự gia tăng nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng như nhập khẩu xe ôtô tăng gần 80%, tín dụng tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước và tăng 1,25% so cuối năm 2014.
“Nếu như cho vay tiếp tục tăng trưởng nhanh, nhu cầu nhập khẩu cũng sẽ tăng dẫn đến thâm hụt thương mại ngày càng rộng. Trong khi các kế hoạch cải cách đối với ngành ngân hàng đang được tiến hành một cách chậm chạp, thì tăng trưởng tín dụng nhanh lại trở thành mối lo, đặc biệt là đối với những lĩnh vực hoạt động kém hiệu quả như bất động sản”, báo cáo nhận định. Phần đóng góp của tín dụng cho GDP đã tăng đến mức 100% trong năm 2014 so với mức 95% vào năm 2012.
Ngành du lịch cũng đang suy yếu. Trong quý I/2015 lượng khách du lịch đến Việt Nam đã giảm 13,7% so với năm ngoái, chỉ đạt mức 2 triệu khách. Ngoại trừ khách du lịch đến từ Hàn Quốc, số lượng khách từ các nước giảm đều, chủ yếu là khách du lịch đến từ Australia, Trung Quốc và Nhật Bản.
Một phần nguyên nhân là do sự biến động của tỷ giá. Người Nhật Bản, châu Âu và Australia đang kém mặn mà với việc đi du lịch do nền kinh tế khó khăn. Cộng thêm đồng yen, euro và đôla Úc yếu đã làm lượng khách du lịch đến Việt Nam chuyển hướng, đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc, khiến cho ngành du lịch của Việt Nam chịu tác động kép.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất cũng báo hiệu những mối lo ngại về khả năng bền vững của đà tăng ngành sản xuất. Mặc dù chỉ số toàn phần vẫn trên mức trung bình nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Trong tháng 3, chỉ số PMI đã giảm từ mức 51,7 điểm của tháng 2 còn 50,7 điểm.
Thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao luôn là vấn đề quan tâm khi hệ thống giáo dục đại học không theo kịp nhu cầu của công ty. Thêm nữa, mối quan hệ giữa quản lý và lao động vẫn còn là một thách thức gây ra tình trạng gián đoạn sản xuất. Cùng với đó, tiến trình cải cách chậm trễ có thể sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam, trong đó có thể khiến tiến trình ổn định đưa đất nước tiến lên thịnh vượng gặp nhiều rủi ro.
“Chúng tôi tin tưởng sự suy giảm xuất khẩu của các công ty trong nước và ngành du lịch sẽ gây ra nhiều rủi ro suy thoái cho nền kinh tế. Thêm vào đó, nhu cầu trong nước mạnh trong quý I/2015 nhưng triển vọng vẫn còn khá mong manh”, nhà băng này nhận xét.
Do đó, trong bối cảnh lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. “Các mức lãi suất thực đang ở mức cao trong lịch sử và chúng tôi dự đoán lãi suất trên thị trường mở giảm thêm 0,5% xuống còn 4,5%”, HSBC cho biết.
Theo Vnexpress
"Vàng ròng trong dân số" tiếp sức cho tăng trưởng GDP
GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp hơn 10 lần trong vòng hơn 20 năm qua, từ 140 USD/người năm 1992 lên 1.540 USD/người năm 2012, trong đó có sự góp sức quan trọng của việc tránh sinh được 20,8 triệu trường hợp.
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc làm việc của Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ với quyền Trưởng Văn phòng Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Ritsu Nacken, ngày 31/3. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên của Quỹ với Ban Kinh tế và bà Ritsu gọi đó là "khoảnh khắc lịch sử của Quỹ, vì tầm quan trọng của Ban Kinh tế TƯ trong tham mưu về kinh tế vĩ mô ở Việt Nam".
Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ với quyền Trưởng Văn phòng Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Quan sát về tình hình dân số ở Việt Nam, bà Ritsu thấy Việt Nam đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số rất nhanh, hơn cả bên Châu Âu, cùng với đó là tình trạng tỷ lệ sinh thấp. Việt Nam đang bước đầu bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng và đây chính là thời kỳ phát triển chưa từng có cho đất nước. "Đây cũng là thời điểm rất quan trọng để Việt Nam chuyển hướng các chính sách của mình về dân số nhằm đạt được những kết quả tích cực hơn nữa", bà Ritsu nói.
Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ cho biết trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đã sớm quan tâm đến vấn đề dân số và coi trọng việc hoạch định chính sách dân số. Từ năm 1961, khi dân số Việt Nam đang ở khoảng 31 triệu người, Việt Nam đã ban hành các chính sách liên quan đến dân số như chính thức tiến hành chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Từ năm 2011 đến nay Việt Nam đã chuyển hướng chính sách từ "kiểm soát quy mô dân số" sang "nâng cao chất lượng dân số". Nội dung chính sách về quy mô dân số chuyển từ "chủ động kiểm soát" sang "chủ động điều chỉnh"; Tốc độ tăng dân số từ "cản trở" đã trở thành "động lực" cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách dân số bao gồm cả "cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát huy lợi thế của cơ cấu "dân số vàng" và kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh".
"Tôi rất thích câu nói của bà về cơ cấu dân số vàng cũng là vàng ròng trong dân số", ông Huệ chia sẻ, "tận dụng cơ hội này là rất quan trọng nhất là nó chỉ kéo dài trong vòng mấy chục năm nữa, với mục tiêu làm sao người dân giàu trước khi già. Phải chăng nên có đa chính sách trong tiếp cận vấn đề dân số? Cùng với đó là bài toán giải quyết cân bằng giới tính, một vấn đề mà ở Trung Quốc và nhiều nước cũng đang vướng mắc".
Bà Ritsu nêu quan điểm của mình về việc có nên có các chính sách khác nhau ở các vùng miền khác nhau rằng theo kinh nghiệm quốc tế thì nhiều chính sách là không nên. Với mất cân bằng giới tính khi sinh, theo bà Ritsu, là một thử thách rất lớn, các giải pháp ngăn cấm không mang lại kết quả như mong muốn. "Việt Nam nếu có được hệ thống an sinh tốt, người già không còn tâm lý mong đợi có con trai để nương tựa lúc tuổi già thì việc mất cân bằng giới tính sẽ dần mất đi", bà Ritsu nói.
Báo cáo đưa ra tại cuộc làm việc nhận định dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học chưa từng có trong lịch sử. Đó là giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp; từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn; từ mức chết cao sang mức chết thấp, nhất là mức chết trẻ em; từ cơ cấu "dân số trẻ" sang giai đoạn "già hóa dân số" và chuyển sang "dân số già"; từ cơ cấu "dân số phụ thuộc" sang cơ cấu "dân số vàng".... Cùng với quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ với cường độ lớn và số lượng người di cư ngày càng đông. Vì vậy, còn nhiều những thách thức và những vấn đề mới nảy sinh trong công tác dân số có ý nghĩa quan trọng quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước cần phải quan tâm giải quyết.
Vì dân số liên quan mật thiết đến kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa, vấn đề dân số cần phải được giải quyết ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội, chứ không chỉ ở lĩnh vực y tế. Kinh nghiệm thành công ở các nước cho thấy chỉ khi có một ủy ban dân số dưới sự chỉ đạo của Chính phủ thì vấn đề dân số mới được được lồng ghép đầy đủ và có ý nghĩa vào các lĩnh vực khác để tạo ra hiệu quả rõ rệt cho nền kinh tế. Vì vậy, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khuyến nghị Ban Kinh tế Trung ương xem xét và tham mưu cho các cấp lãnh đạo cân nhắc việc thành lập Ủy ban Chính phủ về dân số để thực sự giải quyết các vấn đề dân số trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội bền vững. UNFPA sẵn sàng hỗ trợ Ban Kinh tế Trung ương theo định hướng này.
UNFPA đã hoạt động ở Việt Nam từ năm 1977 thông qua Chương trình Hợp tác với Chính phủ Việt Nam (ngân sách 160 triệu USD) trong lĩnh vực dân số và phát triển, sức khỏe sinh sản, và bình đẳng giới. Hiện tại UNFPA đang thực hiện Chương trình 5 năm 2012-2016 hỗ trợ Chính phủ Việt Nam với tổng ngân sách là 33,1 triệu USD trong các lĩnh vực dân số và phát triển, an sinh xã hội cho người cao tuổi, sức khỏe sinh sản và giới.
Đoàn Trần
Theo Dantri
GDP bình quân đầu người của Việt Nam đứng thứ 7 ASEAN Tính đến năm 2013, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đứng thứ 7 tại ASEAN, đạt 1.908 USD/người/năm, chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar, nhưng khoảng cách với các nước khác trong khu vực đã thu hẹp đáng kể. Tổng cục Thống kê vừa công bố thông cáo của bộ phận thống kê ASEAN (ASEAN Stats) về tăng trưởng kinh...