HS ra “tuyên ngôn”: Bắt nguồn từ cái dẫm chân
Mấy ngày nay dư luận xôn xao trước việc một học sinh lên Facebook để thóa mạ thầy cô giáo của mình.
Thông tin này khiến nhiều người một lần nữa như bị xát muối với đạo đức của học trò hiện nay. Tuy nhiên, khi đi sâu tìm hiểu vụ việc chúng tôi bất ngờ vì nguyên nhân bắt đầu từ một mâu thuẫn cỏn con của hai đứa trẻ học lớp 8 và lớp 7. Và để sự việc đến mức này, những thầy cô có trách nhiệm trong vụ việc, không hẳn đã vô can?
Cái sảy nảy cái ung
Việc một nữ sinh lớp 8 đăng tải trên Facebook một bài viết “kêu gọi” học sinh bằng mọi cách, kể cả những cách tiêu cực để vượt qua đợt kiểm tra học kỳ 1 ở trường kèm những lời tục tĩu, xúc phạm giáo viên thực sự đã làm sục sôi dư luận trên cả nước. Kết quả xác minh cho thấy, tác giả của vụ sự việc gây xôn xao dư luận này là nữ sinh N.T.V., học sinh lớp lớp 8/6 Trường THCS Lý Tự Trọng tại phường An Xuân, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam.
Thầy Nguyễn Tấn Bền, phó hiệu trưởng nhà trường tường thuật lại vụ việc với PV
Để tìm hiểu căn nguyên vụ việc, chúng tôi đã về TP. Tam Kỳ, tiếp xúc với tất cả các nhân chứng và những người liên quan. Theo như lời kể của thầy Nguyễn Tấn Bền, Phó Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng, trước khi dẫn đến quyết định mức kỉ luật được cho là khá nặng tay (buộc thôi học 1 năm) nhà trường cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp xem xét kĩ lưỡng, kể cả trao đổi với phòng giáo dục thành phố về vụ việc được xem là nghiêm trọng nhất trong trường từ trước đến nay. Tuy nhiên, điều thầy Bền công nhận, trước khi xảy ra chuyện này, V. là một học sinh khá chăm ngoan, nhiều năm liền là học sinh giỏi. Sự việc trên bắt nguồn từ xích mích nhỏ với một bạn cùng trường cách đây khoảng 1 tháng.
Hôm đó, trong lúc được nghỉ giải lao học thể dục, V. đi bộ lên cầu thang hóng mát, cùng thời điểm đó một nữ sinh khác học lớp 7 là Đ.N.T cũng từ dưới chạy vội từ dưới lên nên dẫm vào chân của V.. Thấy bạn dẫm vào chân mình mà không thèm xin lỗi một câu nên V. lên tiếng tỏ ý “dạy dỗ” kiểu đàn chị: Sao dẫm vào chân người khác mà không xin lỗi? (V. học trên Đ.N.T một lớp). Nhưng vốn không phải là một nữ sinh hiền lành (từng bị kỉ luật 2 lần vì tham gia đánh nhau, gây mất trật tự) nữ sinh đàn em Đ.N.T liền “bật” lại đàn chị. Thấy đàn em mà hỗn, V. đã vung tay đánh vào má Đ.N.T.
Tưởng rằng sự việc chỉ dừng lại ở đó nhưng vì ấm ức bị V. “bắt nạt” nên ngày sau đó nữ sinh Đ.N.T gọi một “đàn anh, đàn chị” là học sinh lớp trên ở trường THPT Phan Bội Châu và Trần Cao Vân gần đó đi trên hai chiếc taxi đón đợi trước cổng trường phục đánh V. để “báo thù”. Trong lúc hai bên xảy ra xô xát, rất may các thầy cô giáo trong trường đã bắt gặp nên ngăn chặn kịp thời. Sau đó cả hai nữ sinh được yêu cầu vào phòng hội đồng viết kiểm điểm và xét xử kỉ luật. Theo đó, V. bị đuổi học 3 ngày còn Đ.N.T nhận mức phạt đuổi học 1 tuần.
Bị nhận hình thức kỉ luật nhưng nữ sinh V. cảm thấy điều đó là bất công và quá nặng nên lấy làm ấm ức. Hơn nữa, từ trước đến nay nữ sinh này chưa hề bị kỉ luật lần nào nên cảm giác càng tồi tệ. V. kể lại: Trong một lần mượn Facebook của người chị họ lân la trên mạng vô tình đọc được một bài viết có nội dung chửi bới, xúc phạm thầy cô giáo. Trong lúc đang ấm ức chuyện bị phạt lại nghĩ rằng các thầy cô chẳng mấy ai chơi Facebook nên V. đã copy lại, thay đổi tên trường trong bài viết bằng tên trường Lý Tự Trọng nơi mình đang theo học rồi đăng lên Facebook.
Video đang HOT
Ngay sau khi bài viết của V. đăng tải trên Facebook mang tên Sakura (tên Facebook của chị họ V.), đã nhanh chóng lan truyền trên cộng đồng mạng, đặc biệt là trên các trang Facebook của học sinh trong trường. Thầy Nguyễn Tấn Sĩ – Hiệu trưởng trường THCS Lý Tự Trọng đã phát hiện và tổ chức mở một cuộc điều tra trong trường. “Sau 2 ngày lần tìm em học sinh đăng tải bài viết cuối cùng em N.T.V cũng đã thừa nhận do mình làm. Tuy nhiên, đây là một hành vi mang tính chất tuyên truyền, cổ động, vi phạm nghiêm trọng đạo đức của một học sinh nên nhà trường đã tổ chức họp khẩn và trình đơn lên cấp lên xin ý kiến chỉ đạo xử lí trường hợp của em V.”, thầy Sĩ cho biết.
Lời van xin của một đứa trẻ
N.T.V (giữa) hối hận vì hành vi thóa mạ thầy cô
Theo chân cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phi, chúng tôi tìm đến nhà của nữ sinh tai tiếng này, nằm trong một con hẻm nhỏ sâu hun hút nằm trên đường Trần Dư, nơi em đang nhận được sự bảo bọc, cưu mang của bà ngoại ngay từ hồi bé. Gian nhà dưới thấp tẹt, tối om là nơi trú ngụ của hai bà cháu suốt mười mấy năm qua. Gặp chúng tôi, bà Lê Thị Tý (bà ngoại của V.) nước mắt lưng tròng khi nhắc đến việc bị thôi học của cô cháu gái: “Bữa dì nó đi họp về bảo cháu nó bị đuổi học một năm mà ruột gan tôi nóng như lửa đốt. Cháu nó chẳng biết gây nên tội trạng khủng khiếp gì để đến mức nhà trường không cho học nữa. Tội nghiệp lắm cô chú à, từ nhỏ cháu đã phải sống xa ba mẹ vì nhà cháu nghèo chỉ đủ nuôi đứa em nó, phải về sống với tôi từ nhỏ. Suốt những năm qua cháu nó nhút nhát, chưa bao giờ để mất lòng ai, học xong về đến nhà là bỏ cặp vở ra phụ giúp tôi bán cơm”.
Từ ngày hay tin đứa con gái thường ngày vẫn ngoan ngoãn vâng lời người lớn đùng một cái bị đuổi học, ba mẹ V. đã bỏ hết công ăn việc làm để về ở với nhà bà ngoại, động viên, an ủi, cậy nhờ đủ các phòng ban giúp đỡ tạo cơ hội cho em tiếp tục đến trường, không bị lỡ một năm học so với bạn bè đồng trang lứa. Ông Nguyễn Duy Văn (ba của V.) giãi bày: “Phận làm cha mà tôi không thể ở bên kèm cặp, dạy bảo cháu cẩn thận. Thường ngày nghe ngoại bảo cháu chăm ngoan nên tôi cũng ít quan tâm đến cháu. Ai ngờ cháu lại gây nên điều tai tiếng khiến nhà trường đuổi học. Mấy hôm nay tôi bỏ cuốc xe ôm chỉ để tập trung lo cho cháu, viết đơn gõ cửa van xin nhiều nơi nhưng vẫn không thể giúp cháu đến trường trở lại”.
Suốt một buổi ngồi nghe ba mẹ, dì, bà tiếp chuyện phóng viên, V. vẫn trốn im lìm trong phòng, người thân gọi mãi em vẫn chỉ nín thin thít. Người nhà cho biết: Đã hơn một tuần sau khi nhận quyết định kỉ luật, V. như người bị tự kỉ, cứ lủi thủi trong phòng, đến bữa cơm mới rũ rượi ra ăn rồi lại lặng lẽ vào phòng. Cả ba mẹ, bà ngoại thuyết phục rất lâu em mới mở cửa ra thưa chuyện với chúng tôi. Gương mặt phờ phạc, hai mắt sưng húp, vẻ người mệt mỏi biểu hiện tinh thần suy nhược của cô học trò nhỏ. V. bộc bạch với chúng tôi rằng em đang rất thèm được đến trường, thấy nhớ bạn bè, thầy cô giáo và cảm thấy hối hận vì đã trót gây nên lỗi lầm. “Bây giờ em thấy ân hận quá. Em không muốn bỏ học, em cầu xin thầy cô cho em một cơ hội sửa sai, em xin hứa sẽ không để thầy cô, ba mẹ buồn lòng vì em”, cô bé nói mà ầng ậng nước mắt.
Khi ra về, tôi cứ nhớ mãi lời nhận xét của cô Nguyễn Thị Phi, giáo viên chủ nhiệm của V.: “Rõ ràng việc của em V. là sai và không thể chấp nhận. Tôi cảm thấy bất ngờ và không thể tin rằng V lại làm điều tày đình, thiếu suy nghĩ đến thế. Trong lớp V. là một học sinh khá năng nổ, học tập rất tốt, đặc biệt trong lớp em luôn hòa đồng với bạn bè, chăm chỉ vâng lời thầy cô”. Và chỉ vì một chuyện nhỏ, thầy cô và bố mẹ đã không quan tâm, phát hiện kịp thời nên đã để dẫn đến hậu quả xót xa.
Theo Thanh Bùi (Gia đình & Xã hội)
Hình phạt nào cho nạn văng tục online?
Vấn đề văng tục online một lần nữa khiến dư luận dậy sóng sau sự xuất hiện bản quy định những điều "cấm kỵ" khi lên mạng xã hội của trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội).
Mượn mạng xã hội để cập nhật tâm trạng bản thân.
Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, giới trẻ hiện có khuynh hướng mượn mạng xã hội để tự do bày tỏ quan điểm và cập nhật tâm trạng bản thân, từ đó nhận được sự phản hồi, sẻ chia từ mọi người. Việc văng tục trên mạng của một cá nhân, trong một chừng mực nào đó, nhằm thông báo cho mọi người biết về sự bất ổn trong cuộc sống của họ.
Chỉ mới đưa lên mạng từ ngày 15/1, nhưng quy định cấm văng tục trên đã thu hút hàng ngàn ý kiến tranh luận trái chiều.
Những tranh cãi
Trên trang mạng xã hội của Trường Lương Thế Vinh có hơn 80% trong gần 2.000 ý kiến phản hồi thể hiện sự bất bình trước quy định và cho rằng bản quy định "quá khô cứng", "gây ngột ngạt". Nick RexV bức xúc: "Đó là trang cá nhân, người ta thích làm gì thì làm. Sao lại quản?".
"Chia buồn với học sinh Trường Lương Thế Vinh" là một trong những phản hồi lặp đi lặp lại nhiều nhất trong dằng dặc ý kiến về bản quy định nói trên. Lý do để "chia buồn" được đưa ra là "học sinh Lương Thế Vinh không được nói bậy nữa", "mất tự do ngôn luận"...
Sự cấm đoán có thể gây tác động ngược
Cô Vũ Ngọc Thùy - giảng viên Phân viện Báo chí và tuyên truyền - cho rằng việc đưa ra quy định khi lên mạng như trường Lương Thế Vinh là không nên.
"Cũng là quy định, nhưng nên thực hiện dưới hình thức phong trào như "Phong trào dùng mạng xã hội văn minh" sẽ tác động dễ dàng, nhẹ nhàng hơn. Sự cấm đoán có thể gây tác động ngược, học sinh bị nhắm tới đang ở tuổi "mới lớn" dễ xù lông để thể hiện cho bằng được "cái tôi", bất chấp quy định, lại thành phản kháng" - cô Thùy phân tích.
Bạn Phạm Văn Hoàn - lớp 10D1 Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh - bày tỏ: "Nhiều người nói quy định này quá hà khắc, thầy cô định "thiết quân luật", nhưng những học sinh Lương Thế Vinh đều hiểu đó là cách thầy cô muốn tốt hơn cho học trò. Việc đưa ra quy định để tránh cho học sinh mắc những lỗi mà trước nay có thể các bạn không nhận thức được".
Minh Hùng (28 tuổi, quận 1, TP.HCM) thú nhận có sở thích văng tục trên mạng mỗi khi tức giận. Theo Minh Hùng, thế giới mạng hiện là nơi người trẻ sống thật nhất và chia sẻ những điều phải nén trong đời thực... nên cần được tôn trọng. Lập luận của Minh Hùng được nhiều bạn gật đầu tán đồng.
Dưới góc nhìn của một du học sinh, bạn Sỹ Huy (SV cao học ĐH APU, Nhật Bản) cho rằng việc Trường Lương Thế Vinh đưa ra bản quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho học sinh là cần thiết, nhằm kịp thời uốn nắn những hành vi chưa phù hợp. Tuy nhiên, Huy lưu ý: "Suy cho cùng việc giáo dục ý thức ở các bạn trẻ mới là quan trọng nhất".
Ngọc Thanh (21 tuổi, SV ĐH KHXH&NV TP.HCM) lại cho rằng những nguyên tắc ứng xử trên mạng giúp mọi người có dịp nhìn lại và chỉnh sửa bản thân. "Ở đâu không có luật lệ, ở đó sẽ tồn tại sự bất ổn". Và Ngọc Thanh dẫn chứng những trường hợp bạn trẻ gặp hậu quả nghiêm trọng vì vô tư văng tục, thóa mạ người khác trên mạng thời gian qua.
Theo Thạc sĩ xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ, thanh thiếu niên là đối tượng thường có khuynh hướng muốn khẳng định mình. Để nổi bật hoặc khi nhận được sự cổ vũ quá khích, các bạn thường làm điều gì đó gây sốc và chính điều này khiến các bạn rơi vào tình trạng lệch lạc trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân, bộc lộ cảm xúc trên mạng.
Ảo nhưng rất thực
"Những điều này sẽ khiến hình ảnh giới trẻ Việt xấu xí trong mắt mọi người. Cá nhân tôi sẽ không bao giờ tôn trọng và kết bạn với những người như vậy", Anh Thư (Học viện Báo chí tuyên truyền) nói.
"Không chỉ làm xấu hình ảnh bản thân trong mắt cộng đồng mà một số trường hợp khi bị "ném đá" sẽ rơi vào trạng thái ức chế, trầm cảm hoặc khủng hoảng", thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long bổ sung. Ông khuyên bạn trẻ luôn suy nghĩ thật cẩn trọng trước khi thể hiện bản thân trên thế giới mạng.
"Trong thế giới phẳng, chỉ cần một cú click chuột cả thế giới đều có thể biết về bạn. Và cũng chỉ một phút nông nổi, những câu nói xấu xí của bạn trên mạng sẽ không bao giờ xóa hết được", thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ. Theo ông, sự vô tư trên có khi phải trả giá bằng việc những cơ hội tốt đẹp ở hiện tại lẫn tương lai bị tước mất.
Còn theo thạc sĩ Nhờ: "Mạng xã hội không phải là "thế giới ảo" mà rõ ràng đây là một thế giới rất thực bởi có sự tương tác giữa người và người. Chúng tạo cảm giác "ảo" bởi sự tự do ngôn luận nhưng những hậu quả, nếu có, sẽ khó thể ngờ. Nếu nặng thì phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, còn nhẹ phải xin lỗi, bồi thường. Nhưng hậu quả nặng nề nhất không đến từ nhà trường - lấy ví dụ từ bản quy định của trường Lương Thế Vinh - mà chính là những phán xét từ dư luận xã hội, sự tổn thương từ bản thân, gia đình".
Theo Tuổi Trẻ
Giới trẻ thóa mạ người thân trên Facebook, vì đâu? Đọc những bài báo phản ánh việc một bộ phận bạn trẻ thóa mạ người thân trên Facebook, tôi có cảm giác hụt hẫng, chơi vơi đến lạ lùng... Vì sao chỉ vì bà đã gắt gỏng khi bạn bè đến chơi và người bố không "bênh" con khi chứng kiến sự việc thì đứa cháu, đứa con lại có hành động thóa...