Hot vlogger Giang Ơi lên tiếng về tranh cãi của Quán quân Olympia: ‘Sự khiêm nhường và kiềm chế thường đến cùng với trải nghiệm sống – điều mà Hằng chưa có’
Là một người có thành tích học tập “khủng” và sức ảnh hưởng nhất định trên MXH, Giang Ơi đã có những chia sẻ về “gạch đá” mà dư luận dành cho Thu hằng.
Có lẽ chưa năm nào, Quán quân chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia lại giành được nhiều sự chú ý đến thế. Không chỉ vì đây là cô gái duy nhất đạt được chiếc Vòng quyệt quế danh giá sau 9 năm, mà còn khá nhiều câu chuyện gây tranh cãi về thái độ sống, cách cư xử của cô bạn bé nhỏ đằng sau ngôi vị này.
Sau khi trận chung kết diễn ra, nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng đã bị một bộ phận dân mạng “gạch đá”, cho rằng cô có những hành động không tốt, coi thường đối thủ trên sóng truyền hình, bộc lộ cảm xúc có phần tự tin thái quá khi ăn mừng chỉ tay lên trời, dang rộng hai tay những lúc trả lời đúng câu hỏi.
Bên cạnh đó, trước khi kết thúc phần thi Về đích, nghe nam sinh Dũng Trí chia sẻ không thể thực hiện giấc mơ đội vòng nguyệt quế và chọn gói câu hỏi an toàn, Thu Hằng cũng bộc lộ rõ sự vui mừng, khiến nhiều khán giả khó chịu và thấy không tôn trọng đối thủ, “thể hiện sự vui mừng trên nỗi đau của người khác”.
Mới đây, hot vlogger Giang Ơi đã có những chia sẻ rất dài với chủ đề “sự khiêm nhường”, nói lên quan điểm của mình về phản ứng của Thu Hằng trên sóng truyền hình. Theo Giang, “Chỉ trích quá mức một đứa trẻ bằng những tiêu chuẩn của người lớn có lẽ là điều chưa thực sự công bằng.”
Cụ thể, bài đăng của Giang Ơi như sau:
“Gần đây mình có cơ hội được làm giám khảo khách mời trong một cuộc thi tiếng Anh dành cho các em bé học cấp một (ngày giờ chiếu sẽ thông báo sau nhé). Các đội chơi đến từ nhiều trường khác nhau từ bắc chí nam, và các em bé cũng có nhiều cá tính khác nhau. Có những em bé tương đối nhút nhát, nhưng ngược lại đó cũng có những em rất bùng nổ và cạnh tranh. Đặc biệt có những em bé xíu xiu nhưng cất tiếng lên là cô Giang há hốc mồm vì nói tiếng Anh hay quá, thực sự giỏi ngoài sức tưởng tượng của cô Giang luôn.
Khi mình đến làm giám khảo, tinh thần mình rất thoải mái. Từ vị trí một người lớn, mình chỉ nghĩ đây là dịp để các bạn nhỏ cọ xát và trải nghiệm để trở nên tự tin hơn, còn thắng thua thế nào thì phần thưởng mang tính khích lệ là chính. Tuy nhiên đối với các bạn nhỏ đi thi, có thể thấy tinh thần “chiến đấu” rất rõ nét ở một số bạn. Dù nhỏ tuổi nhưng các bạn hiểu rất rõ rằng phần thắng chỉ có một, rằng phải có chiến thuật lựa chọn gói điểm số, rằng đây không phải cuộc dạo chơi.
Các bạn hò reo khi chiến thắng, cắn môi khi trả lời sai, bất bình khi cảm thấy câu hỏi của đội bạn dễ hơn của mình. Có bạn cầu toàn, trả lời sai một câu lập tức ứa nước mắt. Theo mình thì đó là những cảm xúc rất tự nhiên trong môi trường cạnh tranh, và điều đó hầu hết chúng ta đều sẽ trải qua.
Vì nó là một cuộc thi, nên đương nhiên thắng thua là một phần đi cùng với nó. Người chơi cần cạnh tranh với nhau để giành phần thắng cho mình, đó là lý do tại sao chúng ta gọi nó là một cuộc thi. Đúng là có những cuộc thi mang tính chất “giao hữu” là chính, ví dụ như chương trình “Tâm đầu ý hợp” vợ chồng mình từng tham gia với vợ chồng nhà Pông và Tùng. Từ đầu tới cuối buổi ghi hình cả 4 người đều mang tinh thần chia sẻ vui vẻ là chính, thắng thua chỉ là phụ.
Tuy nhiên, có những cuộc thi khác hoàn toàn. Những trận đấu thể thao hay những cuộc thi kiến thức đều là ví dụ điển hình, khi mà một trận thắng có thể mang huy chương về cho đất nước, hay một phần học bổng có thể thay đổi đời người.
Trường hợp Thu Hằng – người chơi nữ vừa chạm tay được đến vòng nguyệt quế của một trong những cuộc thi kiến thức uy tín nhất đối với học sinh cả nước – bị chỉ trích nặng nề về thái độ, mình cũng có quan điểm từ góc nhìn cá nhân. Hằng không sai, chỉ đơn giản Hằng là một đứa trẻ. Sự khiêm nhường và kiềm chế thường đến cùng với trải nghiệm sống – điều mà Hằng chưa có. Chỉ trích quá mức một đứa trẻ bằng những tiêu chuẩn của người lớn có lẽ là điều chưa thực sự công bằng.
Nếu Hằng đang đi thi đá banh và ghi bàn, có lẽ những phản ứng của bạn không bị chỉ trích đến vậy. Bên cạnh đó, một điều có lẽ hơi đáng buồn nữa là nếu Hằng là đàn ông, làn sóng chỉ trích chắc cũng giảm đi vài phần. Nhiều người thường đánh giá cao hình tượng đàn ông tài năng, có thể độc đoán nhưng có tài. Có nhiều văn hoá phẩm gọi những người đàn ông như vậy là “Alpha” – thủ lĩnh đầu đàn. Nhưng cũng người đó, nếu là phụ nữ, có khi sẽ bị gọi là “Devil wears Prada” – thường bị khắc hoạ theo hướng tiêu cực bởi truyền thông và từ đó, cũng dần ăn sâu vào quan niệm của chúng ta.
Video đang HOT
Mình cảm thấy buồn và lo lắng cho Thu Hằng khi những bình luận tràn lan ở trên mạng có vẻ đang đi quá giới hạn. Nhiều người nói bạn ‘ngáo’, ‘học nhiều quá hoá điên nên thành ra như vậy’. Sẽ có bao nhiêu đứa trẻ, nam có nữ có, thấy vậy và sợ hãi tìm cách kìm nén mình? Khi người lớn học cách kiềm chế, nó dễ đi theo hướng lành mạnh hơn vì nó đến từ một bản ngã đã được định hình. Còn khi trẻ con phải chứng kiến ‘cuộc ném đá công khai’ này đối với Thu Hằng, có lẽ trong đời sẽ có rất nhiều điều nó không dám làm và không dám thể hiện vì sợ hãi trở thành Thu Hằng tiếp theo.
Nhưng trở thành Thu Hằng, theo mình, là tốt cho một đứa trẻ. Bạn thông minh, có tài, và cá tính mạnh mẽ không che giấu. Chất xám là điều vô cùng đáng quý với mỗi dân tộc. Hằng cần một môi trường để phát huy chất xám ấy của mình, và một cơ hội để hình thành sự khiêm nhường qua thời gian.
Bạn mới 17 tuổi. Mười năm nữa, có lẽ bạn cũng sẽ khác nhiều. Cuộc đời là hành trình học hỏi, chúng ta ai cũng có những điểm chưa tốt để dần rút kinh nghiệm theo thời gian. Và Hằng cũng xứng đáng có được cơ hội đó như tất cả mọi người.
Mình mong Thu Hằng đọc được post này. Em có một chặng đường rất dài và rất tuyệt vời trước mắt. Hãy dũng cảm và hãy bình tâm cho chính mình cơ hội học hỏi. Dù sau này em có trở thành một lãnh đạo vừa có tài vừa có trái tim thấu cảm với người khác, hay thành một bộ óc tài năng độc đoán với nhiều công trình nghiên cứu độc lập, thì cũng xin chúc em hạnh phúc và tin tưởng vào con đường mà mình lựa chọn.”
Giang Ơi từng có 4 năm sinh sống và học tập tại Anh. Giang đã hoàn thành bậc Đại học ngành Fashion Design & Technology, tốt nghiệp Đại học, cô về nước và tiếp tục theo đuổi công việc yêu thích Stylist, phóng viên Thời trang. 2 năm sau, Giang trở lại Anh và hoàn thành bậc cao học ngành International Fashion Marketing. Học xong, Giang về nước và bắt đầu làm việc trong ngành Marketing. Cựu du học sinh Anh cũng là một trong những YouTuber sở hữu vốn tiếng Anh cực đỉnh với 8,5 IELTS Speaking.
Nữ quán quân sau 9 năm chờ đợi của Đường lên đỉnh Olympia: "Em bị bão tin nhắn sau chung kết"
Nguyễn Thị Thu Hằng trở thành niềm tự hào của Ninh Bình khi lần đầu tiên đưa vòng nguyệt quế của "Đường lên đỉnh Olympia" về tỉnh này.
Một đêm sau trận chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 20, Nguyễn Thị Thu Hằng vẫn chưa hết vui mừng vì chiến thắng của mình. Sáng nay (21/9), nữ sinh trở về ngôi trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình trong sự chào đón nồng ấm của thầy cô và bè bạn.
Còn trong cuộc phỏng vấn với phóng viên, nữ quán quân chia sẻ nhiều kỉ niệm xung quanh dấu mốc đáng nhớ của tuổi 17.
Đăng quang ngôi vô địch Olympia, trở thành nữ quán quân sau 9 năm, bạn hẳn mang trong mình rất nhiều cảm xúc,
Em vẫn đang lâng lâng, thật sự rất vui và hạnh phúc. Em rất xúc động khi thấy hình ảnh quê hương và hai từ Ninh Bình.
Thu Hằng đón nhận chiến thẳng bằng nụ cười hạnh phúc
Gia đình, thầy cô giáo trực tiếp ôn luyện và bạn bè đã nói gì với bạn sau trận chung kết? Có lời nhắn nào khiến bạn đặc biệt ghi nhớ không?
Đáng nhớ nhất có lẽ là lời nhắn trước khi em thi về đích của thầy hiệu trưởng. Lúc đó thầy mất cả giọng rồi nhưng vẫn cố gửi những tình cảm và sức mạnh đến cho em từ đầu cầu trường THPT Kim Sơn A.
Bố mẹ em thì rất vui, cũng chúc mừng và bắt tay em sau trận chung kết nhưng chưa có thời gian nói chuyện nhiều với con gái vì còn bận trả lời những cuộc gọi chúc mừng.
Sáng nay em về trường, được mọi người đón từ cổng vào, các bạn vỗ tay, thầy cô chúc mừng. Em thấy tự hào vì trở thành người đầu tiên mang danh hiệu nhà vô địch Olympia về cho tỉnh Ninh Bình.
Nữ quán quân trở về trường trong sáng ngày 21/9. (Ảnh: Nguyễn Long)
Thu Hằng là nữ sinh có tổng điểm cao nhất "Đường lên đỉnh Olympia'" trong 20 năm qua. (Ảnh: Nguyễn Long)
Sau chương trình, trang cá nhân của bạn hẳn được nhiều người "săn lùng", tìm kiếm?
Em bị "bão" tin nhắn. Thực sự là những tin nhắn gửi cho em nhiều gấp 5, 6 lần so với thời điểm em được vào chung kết năm. Đó là những lời chúc từ người thân, bạn bè, gia đình và rất nhiều tin nhắn chờ, em khá vui.
Từ sáng đến giờ, em cũng đã trả lời gần hết tin nhắn của mọi người. Những tin nhắn của người lạ, em cũng đã thả tim và gửi lời cảm ơn. Đây đều là những tình cảm của mọi người nên em rất trân trọng.
Trên mạng xã hội, một số ý kiến cho rằng bạn thể hiện cảm xúc có phần thái quá, nhất là thời điểm chưa thực sự chiến thắng. Bạn thấy thế nào về điều này?
Nếu mọi người đặt mình vào hoàn cảnh của thí sinh hoặc người nhà thí sinh thì tâm thế đón nhận hình ảnh đó sẽ khác. Ai đến chương trình cũng có một ước mơ, đằng sau em còn rất nhiều người chờ đợi em bằng một chiến thắng và áp lực là điều không thể không có.
Không phải đến gần cuối chương trình em mới cười, khi em đang xếp thứ 2 sau Quốc Anh, nụ cười vẫn trên môi em. Em vẫn tin là bản thân mình có thể làm được.
Nếu cho em làm lại, em vẫn sẽ là em, vẫn là chính mình chứ không đắn đo gì cả.
Trong cuộc thi, lúc em cầu nguyện thì có người bảo là em đang cầu cho bạn đang thi sai. Trong khi, em chỉ đang cầu nguyện hôm nay mình là người được chọn. Em nghĩ là mình bị hiểu nhầm khá nhiều.
Nữ sinh thể hiện cảm xúc trong chương trình chung kết sáng ngày 20/9
Bạn có gặp áp lực gì khi 3 đối thủ nặng kí còn lại đều là nam không? Bạn nghĩ sao về bức ảnh chụp khoảnh khắc 3 bạn nam ôm chầm lấy nhau còn bạn đứng riêng đằng sau?
Em không gặp áp lực gì nhiều vì ngay từ cuộc thi tháng thì đối thủ của em cũng đều là nam rồi. Cuộc thi là bình đẳng, là nam hay nữ thì cũng không ảnh hưởng gì, ngoại trừ một chút vấn đề về sức khỏe hay tâm lý thôi.
Về bức ảnh, em nghĩ nó không phản ánh hết thực tế. Trước đó, em đã chạy sang bắt tay Quốc Anh và Tuấn Kiệt, em chờ 2 bạn đó sang bắt tay Dũng Trí rồi cả 4 người cùng ôm nhau.
Theo bạn, quán quân nữ có khác với quán quân nam không?
Em thấy mỗi nhà quán quân có một nét riêng, cá tính riêng - điều đó mới quan trọng!
Bạn có bí kíp nào trong quá trình ôn thi "Đường lên đỉnh Olympia" không?
Đường lên đỉnh Olympia là cuộc thi kiểm tra kiến thức rộng nên quá trình ôn luyện cũng không thể chỉ kéo dài vài tháng hay chỉ một năm mà phải là quá trình tích lũy hằng ngày. Từ ngày học cấp 2, em thường ghi lại những thông tin thú vị khi xem thời sự hoặc đọc báo. Mỗi ngày tích góp một chút.
Giải thưởng được tăng lên sau 20 năm chương trình lên sóng, bạn dự tính sẽ dùng phần thưởng đó như thế nào?
Giải thưởng của em được chuyển luôn thành suất học bổng 4 năm bên Úc, em vẫn sẽ chọn du học ở Đại học Kỹ thuật Swinburne như các anh chị quán quân những năm trước.
Đến thời điểm hiện tại, em vẫn chưa có dự định nào cụ thể cả vì còn đang trong quá trình chọn ngành nghề. Chắc là còn phải nhờ tư vấn từ phía mọi người nữa.
Cận cảnh vòng nguyệt quế mạ vàng nguyên chất của Đường lên đỉnh Olympia. (Ảnh: Fanpage Đường lên đỉnh Olympia)
Dự định "xả hơi" của bạn sau khi hoàn thành một chặng đường khá dài cùng "Đường lên đỉnh Olymia" là gì?
Chắc chắn là sẽ khao mọi người một bữa và cảm ơn những người đã, đang và sẽ ủng hộ em.
Sau đó, em sẽ quay về với việc học vì trong quá trình ôn luyện để đi thi, nhà trường cũng tạo điều kiện cho em học riêng với các thầy cô, việc học trên lớp bị gián đoạn một chút. Tiếp nữa là chuẩn bị mọi thứ cho việc đi du học.
Nếu không trở thành quán quân của "Đường lên đỉnh Olympia", không giành học bổng đi du học thì sang năm bạn sẽ thi vào trường đại học nào?
Em nghĩ là em sẽ thi khối Khoa học tự nhiên, chọn giữa khối A hoặc B. Nếu không về nhất thì em cũng chắc một suất trong trường đại học Swinburne cơ sở Việt Nam dành cho các bạn nhất quý của chương trình.
Thu Hằng chụp ảnh tại Đài truyền hình Việt Nam sau trận chung kết
Nhiều quán quân "Đường lên đỉnh Olympia" năm trước đã chọn ở lại làm việc tại đất nước mà họ du học. Còn bạn dự định thế nào?
Quan điểm của em rất rõ ràng là nếu luôn hướng đến quê hương, đất nước thì dù có học tập hay ở lại làm việc ở nước ngoài thì vẫn luôn có ý thức đóng góp và cống hiến cho nước nhà.
Quán quân Olympia 2020: Đừng làm tổn thương tuổi 17 bằng những lời cay nghiệt Cô gái vàng duy nhất của vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2020 - Nguyễn Thị Thu Hằng - đã xuất sắc giành vị trí quán quân với số điểm cao ngất ngưởng, bỏ xa 3 chàng trai còn lại. Thế nhưng, một số ý kiến trái chiều lại đánh giá rằng, Thu Hằng có vẻ kiêu ngạo, coi thường các bạn...