HOT: Tâm thư người hâm mộ gửi bình luận viên bóng đá VTV
Thông qua cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn, bức tâm thư của một người hâm mộ bóng đá đã được gửi đến các BLV nhân mùa World Cup 2014.
Hôm qua, trong phần bình luận sau trận đấu giữa Bỉ và Algeria, cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn đã khiến tất cả ngỡ ngàng khi đọc một bức “tâm thư” của fan bóng đá chỉ trích số đông các BLV bóng đá truyền hình hiện tại.
Quang Huy, một trong những BLV được yêu thích nhất ở Việt Nam
Ông Mẫn nhấn mạnh ông từng là một tiền đạo, có cơ hội là dứt điểm ngay, và ở đây, ngay khi có cơ hội nói với khán giả truyền hình cả nước, ông Mẫn đã đọc một bức thư ngắn mà ông tâm đắc, nói lên bức xúc với các BLV bóng đá trong mùa World Cup.
Sau đây là toàn văn bức thư ngỏ này: “Các bạn blv bóng đá thân mến!
Cảm ơn các bạn đã thức khuya dậy sớm cùng chúng tôi trong mùa world cup này. Chỉ xin các bạn một điều sau:
Video đang HOT
Hãy học tập blv Quang Huy, nói những gì cần nói, tức những gì người người xem cần nghe: Quả bóng từ chân ai đến chân ai và 1 vài thông tin thật cần thiết về các cầu thủ đang có bóng trong chân. Ngoài ra xin các bạn nhường không gian âm thanh sôi động của trận đấu cho người xem, để người xem nghĩ ngợi và phán đoán.
Nhiều bạn blv nói như kẻ khát nói, cung cấp thông tin tít mù, bình luận nhăng cuội liên tù tì, gây căng thẳng và khó chịu cho người xem. Nói thật trong mùa world cup này, trừ blv Quang Huy, câu nói của các blv bóng đá được người xem chờ đợi nhất là: Xin chào và hẹn gặp lại!”
Theo VNE
Tản mạn chuyện các bình luận viên
Các trận bóng không thể thiếu sự khuấy động không khí và cung cấp thông tin từ các bình luận viên, nó sẽ không thể trọn vẹn với khán giả truyền hình.Tuy nhiên, cái công việc tưởng như đơn giản là ngồi bình phẩm trong 90 phút ấy đã khiến rất nhiều BLV trẻ phải nhận chỉ trích vì không làm tròn nhiệm vụ của một "thức uống ngon" trong bữa tiệc bóng đá.
Những điểm yếu cố hữu của các BLV
Nghề của BLV là nói, nhưng không có nghĩa là họ cứ tha hồ nói. Giống như nghề của ca sĩ là hát, người nghe đòi hỏi họ hát hay, hát truyền cảm, và hát phù hợp với mỗi chương trình. Khi xem bóng đá, những người khó tính sẽ rất mất thiện cảm với các BLV kể lể quá nhiều các tiểu tiết ngoài sân cỏ, đưa ra những phân tích dài dòng, thiếu chiều sâu, hoặc không phù hợp với không khí trận đấu.
Một hiện tượng cũng rất phổ biến, đó là quá mải mê nói, tình huống trôi qua lâu rồi vẫn không biết đó là ném biên hay đá phạt, bóng vào lưới rồi vẫn đang nói dở câu. Khán giả luôn thích thú với những mẩu tin mới, nhưng nó cần được đưa ra đúng lúc và dừng lại khi cần. Sự phân tích cũng vậy, nó chẳng cần dài, mà cần tinh. Nhiều BLV để mạch văn của mình tuôn trào mà quên bẵng diễn biến trên sân, họ cũng để cảm tính cá nhân chi phối, khi tung hô hết lời một đội, còn khi đội kia ghi bàn thì lại hưởng ứng một cách uể oải.
BLV Tạ Biên Cương
BLV hay được nhắc đến nhất gần đây là Tạ Biên Cương. Anh có vẻ ngoài, ngữ điệu và cả văn phong giống như một thầy giáo trẻ đang hăng hái với các tác phẩm trên giảng đường vậy. Tuy thế, ở Tạ Biên Cương vẫn có chất riêng để người ta nhận ra, với một số khán giả, sự say mê và thú vị của anh khiến họ hài lòng. Với những nỗ lực đi lên, luyện giọng để khắc phục tiếng địa phương, sự bền bỉ qua nhiều giải đấu mà không bao giờ cạn ý tưởng trong phát ngôn, chí ít anh vẫn là một BLV yêu nghề, yêu bóng đá thực thụ.
Ai đó ước rằng BLV hãy chỉ đọc tên cầu thủ, đọc diễn biến, và hét lên khi có đội ghi bàn, vậy còn hơn nói quá nhiều, lan man khỏi trận đấu. Nhưng, nếu sự hào hứng thái quá thiếu chắt lọc có thể gây khó chịu, thì sự đều đều, sáo rỗng còn tai hại hơn, nó khiến khán giả ngủ gục trong những trận bóng phát lúc nửa đêm. Thói quen dùng những cụm từ, câu nói dập khuôn là một căn bệnh của những BLV thiếu sáng tạo trong công việc, họ bình luận bóng đá theo phong cách của một phóng sự chính thống, không hề có cảm xúc.
Có người lúc nào cũng bê nguyên câu "Rất có thể hiệp một sẽ khép lại với tỷ số xyz" vào tất cả các trận đấu, dự đoán này thường được đưa ra cuối hiệp, khi thế trận đã quá rõ ràng, hai đội chơi chậm lại đợi vào giờ nghỉ. Có nhiều tình huống khác nhau, nhưng họ sẽ lặp đi lặp lại những gì hay nghe từ các đàn anh đi trước, hoặc tự học nhau. Ví dụ như câu "Đây là sự thay đổi người mang tính chiến thuật" được dùng ám chỉ việc kéo dài thời gian, song chính xác thì sự thay đổi người nào cũng mang tính chiến thuật cả.
Thừa kiến thức, thiếu thực tế
Kiến thức ở đây thực chất là thông tin, là những số liệu thống kê hoặc những bài báo các BLV sưu tầm được. Hầu hết trong số đó khán giả có thể tự tra cứu trên mạng, nhưng rất hay bị dùng tràn lan ăn đè lên các pha bóng đáng lẽ cần được theo sát. Thông tin chuẩn bị thì dư thừa, nhưng một trong những yếu tố có nhiều ý nghĩa với nghề bình luận thì họ lại thiếu, đó là hiểu biết ngoài đời thực về việc chơi bóng.
BLV Quang Huy vẫn là hình mẫu về tài năng và sự chuyên nghiệp
Với những khán giả yêu bóng đá và biết đá bóng, họ sẽ rất muốn nghe những nhận xét ngắn nhưng tinh tế về động tác xử lý, về bản chất kỹ năng của từng cầu thủ, hay kiến thức về loại chấn thương xảy ra, về thói quen với bóng của cầu thủ khi thi đấu. Cảm giác thiếu trải nghiệm thực tế với trái bóng, chỉ tận dụng khả năng văn chương và câu chữ của những người có kinh nghiệm biên tập và dẫn chương trình.
Lỗi nhận định do quan sát kém cũng gây khó chịu khi diễn ra thường xuyên ở những BLV đã quen mặt trên sóng truyền hình. Nhiều lúc khán giả đã biết rõ chuyện gì vừa diễn ra, nhưng BLV vẫn ngơ ngác, vô tư tường thuật theo một hướng sai lầm. Bóng đá là một bộ môn phức tạp, một BLV giỏi không chỉ biết nhìn, anh ta còn biết suy luận, có trực giác tốt với những phản ứng trên sân, qua đó nắm rõ từng tình huống. Lắm khi, nó đòi hỏi người làm bình luận phải có một tâm hồn rộng mở, vốn hiểu biết đến tận gốc chứ không chỉ là đọc đó đọc đây, họ cũng phải tâm lý, sâu sắc để đánh giá một vấn đề từ nhiều góc, không chỉ phớt qua cái vỏ mà ai cũng thấy rành rành. Đương nhiên, được như vậy là rất khó.
Các khán giả có thể bị coi là quá khó tính và soi mói, nhưng họ không vô lý khi mong muốn được thấy chất lượng hàng đầu từ các kênh sóng của đài truyền hình quốc gia, từ những đội ngũ được cho là chuyên nghiệp nhất nước trong lĩnh vực bình luận thể thao. Truyền hình là nghề làm dâu trăm họ, làm truyền hình về bóng đá, nơi người xem rất đa dạng về sở thích, nhu cầu, lại biết nhiều chẳng kém các BLV, thì lại càng khó nữa. Hy vọng, những BLV tâm huyết với bóng đá sẽ trau dồi nhiều hơn, lắng nghe phản hồi nhiều hơn, và giữ được sức khỏe để phục vụ khán giả lâu dài. Họ vẫn luôn là một phần rất quan trọng để làm trọn vẹn bầu không khí mỗi lần bóng lăn.
Theo VNE
Nhà báo Vũ Công Lập: "Bình luận viên là nghề khó" Chiều 21.6, Tiến sĩ, nhà báo Vũ Công Lập đã chia sẻ với PV về cái khó của nghề bình luận viên (BLV) nếu muốn truyền tải những thông tin tốt nhất tới người xem ngày nay vốn rất am hiểu và tinh tường... Những năm qua, nhà báo Vũ Công Lập đã trở thành gương mặt quen thuộc đối với khán giả...