Hot mom Hà Trang: Phim Thế giới hôn nhân – một câu chuyện khác ngoài hôn nhân khiến người làm mẹ cần suy nghĩ
Một câu chuyện hôn nhân, nhưng đằng sau đó là cách ứng xử của một người mẹ mà ở đó chúng ta có thể tự rút ra nhiều bài học.
Sau “Hạ cánh nơi anh”, “ Thế giới hôn nhân” là bộ phim Hàn đang khiến bao phụ nữ Việt sục sôi. Mối quan hệ ngoài luồng, ứng xử vợ chồng, cách vật lộn các mối quan hệ, tất cả hiện thực xã hội về hôn nhân hiện nay được đạo diễn nhào nặn thành bộ phim.
Thế nhưng, với một người đang xem ở tập 8, mình không đủ kiên nhẫn để chú ý đến cách người ta xoay vần nhau trong hôn nhân (vì đó không phải là gu của mình). Cái khiến mình suy nghĩ là hình ảnh người mẹ với cách yêu con điển hình của không ít những người làm mẹ lâu nay. Thứ tình yêu độc đoán, chiếm hữu và giam cầm.
Người mẹ dùng lý lẽ truyền thống – phải học để phục vụ cho tương lai để phủ đầu chồng và con.
Jun Yoeng – con trai duy nhất của bác sĩ Ji (mẹ) và đạo diễn Lee (bố) luôn thấp thoáng ánh mắt e dè trước mẹ. Mở đầu bộ phim là phân cảnh Jun Yoeng nhờ sự giải cứu của bố để không phải học thêm Toán theo sự sắp đặt của mẹ, dù rằng em đã mệt nhoài với lớp học thêm Tiếng Anh và Piano. Người mẹ dùng lý lẽ truyền thống – phải học để phục vụ cho tương lai để phủ đầu chồng và con. Việc con có muốn hay không, không quan trọng, mẹ là người quyết định mọi thứ về con.
Nói trong nước mắt, đứng trước Jun Yoeng, bác sĩ Ji giải thích về cơn thịnh nộ, về hành động vứt điện thoại của con qua cửa sổ ô tô. Tất cả vì người chồng ngoại tình bội bạc. Khi hôn nhân đổ vỡ, người ta giành giật những thứ thuộc về mình. Người ta giành của, giành con, giành giật lòng tự tôn. Mà quên mất đi cảm xúc của những đứa trẻ. “Là bố phản bội mẹ, chứ bố không phản bội con”, Jun Yoeng đờ đẫn đáp.
“Là bố phản bội mẹ, chứ bố không phản bội con”.
Bác sĩ Ji – mẫu phụ nữ nghị lực, vượt khó, đầy quyết tâm. Thiếu vắng bàn tay vun đắp của bố mẹ, nhưng cô lớn lên mạnh mẽ, thành đạt. Chẳng phải nói, phía sau sự thành đạt đó là nỗ lực gấp trăm lần người khác để đạt được một chỗ đứng xã hội nhất định. Nhưng cái giá phải trả của một người phụ nữ thành đạt là đứa con thơ phải bỏ lại cho chồng để đi thực tập, là tuổi thơ của một đứa trẻ vắng bóng mẹ.
Cái giá phải trả của một người phụ nữ thành đạt là đứa con thơ phải bỏ lại cho chồng để đi thực tập.
Jun Yeong thẳng thắn: “Làm sao chúng ta có thể sống thiếu ba được. Mẹ lúc nào cũng bận rộn. Mẹ quan tâm đến công việc nhiều hơn con. Ba mới là người ở cùng con mà. Mẹ không bao giờ xuất hiện cả”. Lý do của sự thiếu vắng mẹ là bởi “Mẹ làm thế để có thể cho con mọi thứ con cần”. Nhưng điều con cần nhất, hơn cả, là mẹ, mẹ biết không?
Video đang HOT
Jun Yeong rúm ró trong cái vít cổ của mẹ, thằng bé khóc vì sợ, sợ cái phần thịnh nộ đang điên cuồng trong mẹ, sợ phải thiếu bố. Dù ông bố ấy có người đàn bà khác, thì đó vẫn là ông bố biết con mình mê bóng chày và luôn cổ vũ con sống với những đam mê của nó.
Bác sĩ Ji không nhận ra, điều to lớn đáng ngại hơn sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, là đứa con cô quyết liệt giành giật ngày nào dần trở nên vô hồn, vô cảm với chính mẹ đẻ của nó. Nó xa lánh mẹ từ trong suy nghĩ, bởi cái cách mẹ yêu nó đến chiếm hữu và giáo dục nó độc đoán đến mệt mỏi.
Một câu chuyện hôn nhân, nhưng đằng sau đó là cách ứng xử của một người mẹ, mà ở đó chúng ta có thể tự rút ra nhiều bài học. Ly hôn là việc của bố mẹ. Nhưng cách thức xử lý ly hôn lại trực tiếp ảnh hưởng đến cách trưởng thành của con. Yêu con là làm mọi điều tốt nhất cho con theo tiêu chuẩn của bố mẹ. Hay yêu con là ướm một chiếc áo tình yêu vừa vặn với đúng phom người con?
Vài nét về tác giả:
Hot mom Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên mầm non sống tại Sydney. Cô là mẹ của 2 bé trai Subi và Subo.
Hà Trang định cư tại Úc năm 2013 và được biết đến với nhiều bài viết hay chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích.
Nhà văn Phan Ý Yên: Đàn ông "mạnh dạn" ngoại tình hơn vì biết dù có thế nào cũng sẽ được tha thứ
Cùng bàn về chủ đề hôn nhân, tình yêu, sự phản bội, nhà văn Phan Ý Yên đã chia sẻ góc nhìn sắc sảo nhưng không kém phần thấu hiểu cho cả hai giới.
Khi ta lớn lên, nỗi buồn cũng lớn lên theo.
Dù lạc quan và hạnh phúc đến mấy, ai rồi cũng sẽ phải để tâm đến những chấp chênh của cuộc sống, nhất là ở khía cạnh tình cảm. Hẳn là, ít nhất một lần bạn cũng thấy tim mình nhịp vội khi đọc một bài "bóc phốt" ngoại tình trên mạng, xem một bộ phim khai thác góc khuất của đời sống hôn nhân. Hay tình huống tệ hơn là thổn thức với những tan vỡ của chính mình.
Chẳng dễ dàng gì để chúng ta thừa nhận: Tình yêu không là mãi mãi. Và phải mất thêm một đoạn nữa để hiểu, chấp nhận rằng: Bỏ cái cũ xuống, tiếp tục tìm kiếm những giá trị mang lại niềm vui mới là một phần của hành trình bước đi thăng bằng trong đời mà ai cũng phải học.
Nếu bạn thấy mình còn đang xoay vòng trong mớ bòng bong tình yêu, hôn nhân, sự phản bội... Nào! Hãy ngồi xuống trò chuyện cùng nhà văn Phan Ý Yên. Những góc nhìn sắc sảo nhưng không kém phần thấu hiểu cho cả hai giới của cô trong "thế giới hôn nhân" , "thế giới của những người đang yêu hay đã từng yêu" biết đâu sẽ giúp bạn được điều gì đó.
Nhà văn Phan Ý Yên.
Chào Ý Yên,
Chị cảm nhận thế nào về thế giới hôn nhân cả trong bộ phim đang hot lẫn ngoài đời thực?
Theo tôi, hôn nhân là một dạng giao ước giữa hai người. Ngoài những giá trị truyền thống nằm trong giao ước ví như trách nhiệm hay sự tôn trọng, thì ngày nay, người ta còn đặt vào bản giao ước ấy rất nhiều điều khác nữa có thể khiến nhiều người vốn theo đuổi các nền tảng đạo đức cơ bản khó lòng chấp nhận. Chẳng hạn như tôi biết có những cặp vợ chồng, họ giữ hôn nhân của mình không bằng tình yêu. Họ bỏ qua cả sự chung thuỷ. Đôi bên cùng chấp nhận đối phương có các mối quan hệ khác bên ngoài. Nhưng họ vẫn tiếp tục sống bên nhau hoà thuận, vui vẻ vì có chung công việc kinh doanh, hoàn thành trọn vẹn nghĩa vụ với con cái và gia đình hai bên. Họ không đau khổ, sống rạch ròi và sòng phẳng với nhau. Tôi thường không dám bình luận gì ở các trường hợp như vậy bởi đơn giản tôi không sống cuộc đời của họ nên chắc chắn tôi không đủ tư cách để hiểu hết hay hiểu đủ sâu.
Phan Ý Yên chưa đả động gì đến chuyện chồng con trên MXH, không biết ngoài đời chị có đối tượng chưa? Chị có sợ drama hôn nhân không?
Tôi nghĩ làm gì có người nào mà thích drama hôn nhân. Càng nhiều tuổi, con người chắc chắn sẽ càng có xu hướng tìm kiếm sự bình yên. Trải nghiệm càng phong phú sẽ càng khiến bản thân tin rằng một mối quan hệ trông "nhàn nhạt" vẫn tốt hơn rất nhiều một mối quan hệ mà cứ phải thấp thỏm và bất an cho dù nó mang đến nhiều phút giây rực rỡ đến đâu.
Tôi chưa kết hôn. Nhưng thành thật mà nói. Tôi không có niềm tin lắm vào nó. Tôi muốn tin vào con người ở bên cạnh mình hơn là những chức danh hay biên bản giấy tờ hợp pháp. Nó khó hơn nhiều. Rất khó!
Theo chị, giữa đàn ông và phụ nữ thì ai là người dễ có đối tượng để mắt đến hơn (sau khi kết hôn)? Khoảng cách giữa sự để mắt đến việc ngoại tình có xa không?
Nếu để mắt đến đối tượng khác thì tôi nghĩ tỉ lệ giữa đàn ông và phụ nữ là ngang nhau. Nhưng từ việc để mắt rồi tiến đến hành động, tôi tin đàn ông sẽ "mạnh dạn" hơn phụ nữ. Bởi vì cấu tạo não, vì cách phân chia cảm xúc giữa hai giới vốn khác nhau.
Đàn ông rạch ròi hơn. Cảm xúc, trách nhiệm, nhu cầu của họ được chia xếp rõ ràng từng ngăn. Trong khi phụ nữ thường suy nghĩ cùng suy diễn mọi vấn đề, móc xích chúng với nhau, bị cảm xúc chi phối nên cũng khó che giấu. Vì thế, họ cũng thường "hèn" hơn. Tuy nhiên, tôi tin chuyện ngoại tình vốn không chỉ của riêng đàn ông được. Phụ nữ vẫn ngoại tình không ít. Và khi ngoại tình rồi, thì ai cũng tìm được lí do của riêng mình.
Chị có sợ bị phản bội trong tình yêu hay phản bội chính là 1 điều tất yếu trong tình yêu mà chúng ta vẫn khó để chấp nhận?
Tôi nghĩ không ai muốn bị phản bội hết cả. Nhưng bây giờ chuyện thay lòng đổi dạ nhan nhản quá. Vì lòng tin của con người không đủ, vì chúng ta sợ bị phản bội trước, sợ thiệt thòi trong tình cảm nên chúng ta cũng dễ dàng sa ngã hơn, chuẩn bị cho mình các đối tượng "back up plan" ngay khi có thể. Chúng ta nhiều khi còn không tin vào bản thân thì nói gì đến tin người khác?!
Tuy nhiên, đến giờ tôi vẫn cho rằng không nên bình thường hoá sự phản bội. Vì dù thế nào, lựa chọn tổn thương một người có tình cảm với mình cũng thật xót xa. Cho cả đôi bên.
Giữa người yêu cũ và tình mới xuất hiện, đâu là báo động nguy hiểm của một mối quan hệ?
Theo tôi, báo hiệu nguy hiểm của một mối quan hệ chính là khi bạn thấy mình bắt đầu nghi ngờ đối phương. Còn người yêu cũ hay tình mới cũng đều chỉ là một con người mà thôi. Quan trọng nhất vẫn là thứ có được giữa bạn và người yêu/chồng bạn.
Vì sao phụ nữ thường có xu hướng hành hạ nhau chỉ vì một người đàn ông không xứng đáng?
Có rất nhiều lí do mà phụ nữ lại chọn chiến đấu lẫn nhau thay vì vứt bỏ người đàn ông đã làm họ đau khổ. Là vợ thì còn có con cái, tài sản, quá khứ. Là bồ thì tin tưởng vào cái gọi là tình yêu đích thực. Nhưng dù là vợ hay là bồ, họ "hành hạ nhau" vì sự tự tôn nữa. Thật đáng buồn! Phụ nữ khi yêu luôn tìm đủ lí do để biện minh cho người đàn ông mình yêu. Và thế là họ sẽ đổ lỗi cho tất thảy những cái khác trước khi "luận đúng tội" của người đàn ông đó. Nên đôi khi đàn ông biết, biết là dù có thế nào mình cũng sẽ được tha thứ mà "mạnh dạn" ngoại tình hơn.
Kết cục của Tuesday đôi khi cũng rất thê thảm nhưng họ vẫn chen chân vào tình yêu của người khác?
Rất hiếm khi Tuesday có được kết cục hạnh phúc. Nhưng có rất nhiều phụ nữ chọn làm người thứ ba trong yên lặng, chấp nhận chia sẻ người đàn ông với một người phụ nữ khác chỉ đơn giản họ muốn sống trong hiện tại. Tôi không bênh vực, nhưng tôi biết không phải người thứ ba nào cũng tranh giành, cũng nanh nọc hay chiêu trò hòng phá đến cùng hôn nhân của người phụ nữ khác. Họ chọn sống cho mỗi bản thân mình, thoả mãn cảm xúc của riêng mình, không cần nghĩ tới ngày mai. Ai cũng có quyền lựa chọn cách sống. Mà đã chọn thì cũng phải chấp nhận cái giá của nó.
"Tôi đã 5 lần ly hôn, điều đó có nghĩa gì? Là tôi đã 5 lần tin vào tình yêu", câu nói nổi tiếng của Berlin nhân vật trong series Money Heist, chị nghĩ sao về câu nói này?
Tôi thấy Berlin hay bất kì ai nói được câu này đều vô cùng may mắn và lạc quan. Thật đáng ngưỡng mộ vì không phải ai sau đổ vỡ cũng có thể nhìn vào những điều tích cực, tiếp tục hi vọng, bỏ xuống đau thương làm lại từ đầu như thế. Nhất là phụ nữ lại càng khó hơn với gánh nặng tâm tư, rồi con cái nữa chứ! Nhưng vẫn cứ khuyến khích tin vào những điều đẹp đẽ tươi sáng thôi đúng không?
Hạnh phúc trong tình yêu, theo chị đến từ những điều gì? Và hạn sử dụng của chúng là bao lâu?
Hạnh phúc trong tình yêu đến từ sự tương hợp, niềm tin và cùng vun đắp. Còn lại đừng bàn đến hạn sử dụng làm gì cả. Mỗi ngày chúng ta đều trưởng thành. Có những người sẽ trưởng thành cùng nhau nhưng có những người sẽ chỉ cùng chúng ta đi một đoạn đường. Biết đâu, đôi khi chính ta mới là người muốn rẽ ngang trước?
Tại sao chúng ta phải kết hôn?
Tôi không biết người khác nghĩ gì. Riêng bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ là PHẢI kết hôn hết cả. Ngày nay, nhiều bạn lựa chọn sống chung, có con cái nhưng không ràng buộc hôn thú. Bởi sự cam kết tốt nhất giữa hai cá thể vốn không phải là tờ giấy đăng kí mà là sự tự nguyện dành cho nhau. Tự nguyện chân thành, tự nguyện yêu thương, quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, bao dung. Chừng nào những điều ấy không còn, hãy trung thực đối diện chứ đừng lừa dối.
Cảm ơn những chia sẻ của Ý Yên!
Lê Ái/Thiết kế: Trường Dương
Mạng xã hội bùng nổ tranh cãi chuyện lương 8 triệu có nên lấy vợ hay không? 'Đàn ông lương tháng bao nhiêu thì có thể lấy vợ?', đó luôn là câu hỏi gây tranh cãi. Người ủng hộ, người phản đối, một câu hỏi bâng quơ hóa ra lại là điều chúng ta phải thực sự suy ngẫm ở thời buổi hiện nay. Chúng ta vẫn nghe trong không ít câu chuyện hay bài hát câu nói 'một túp...