Hot blogger Robbey không nhận tiền để thi The Voice
Gây ồn ào ở đêm thi thứ ba của “Giọng hát Việt”, thí sinh Lê Minh Mẫn trở thành tâm điểm của những tranh cãi khen, chê và nghi vấn là chiêu bài PR của BTC cuộc thi. Anh chàng 27 tuổi đã thẳng thắn trả lời tất cả các câu hỏi.
Lê Minh Mẫn – thí sinh đang gây nhiều luồng dư luận trái chiều sau màn trình diễn khác lạ ở The Voice.
Không huấn luyện viên nào chọn cũng là chuyện bình thường!
- Nguyên nhân nào đưa anh tới với quyết định tham gia sân chơi “The Voice”?
- Chương trình đầu tiên tôi theo dõi là American Idol, ngay từ mùa đầu tiên, đến nay đã hơn 10 năm. Kể từ đó, tôi cũng đã tham khảo qua rất nhiều phiên bản của Idol, cũng như các show tranh tài – giải trí tương tự như X-Factor, The Voice, Got Talent… Tôi không xa lạ gì với bất kỳ hiệu ứng hay chiêu trò của các đơn vị tổ chức, vì “cú sốc” hay bất ngờ ghê gớm nào cũng từng chứng kiến rồi. Tuy nhiên, đứng ở ngoài nhìn vào bao giờ cũng hời hợt hơn, cho đến khi chính ta bước vào cuộc.
Điều quan trọng nhất khi đến với The Voice chính là thu về những trải nghiệm thật nhất. Nó như một khóa đào tạo ngắn hạn, giúp tôi rõ hơn về quy trình sản xuất, cách thức làm PR cũng như sự tương tác giữa giám đốc âm nhạc – huấn luyện viên – ban nhạc – thí sinh.
Mục tiêu ban đầu đã đạt được, bên cạnh đó, tôi còn làm quen được khá nhiều cá tính thú vị trong dàn thí sinh. Khoản bonus này hơi bị… dễ thương, vì tôi không nghĩ là bước vào môi trường cạnh tranh gay gắt ấy lại dễ kết bạn.
- “The Voice” vốn là sân chơi của những giọng ca xuất sắc hoặc hiếm có nên cũng đã thu hút nhiều gương mặt được giới chuyên môn đánh giá cao như Đồng Lan, Tiêu Châu Như Quỳnh, Thái Trinh…, là 1 trong 120 thí sinh của vòng Giấu mặt, anh tự đánh giá thế nào về giọng ca của mình?
- Tôi đánh giá rất cao các tên tuổi bạn vừa nêu, đặc biệt là Đồng Lan và Đinh Hương. Ngay khi tập trung 30 thí sinh đầu tiên của khu vực TP.HCM, tôi đã choáng ngợp trước giọng hát, phong cách và cá tính của các bạn. Tôi còn tự hỏi rằng, những “cao nhân” này xưa giờ ẩn dật nơi đâu, bây giờ mới ra mặt? Thật ra, họ đều là những ca sĩ từng đi hát tại phòng trà, quán bar, cà phê… nhưng đối tượng khán giả tại các sân khấu ấy quá nhỏ nên họ chưa nổi tiếng được. The Voice chính là cơ hội, là bệ phóng để tên tuổi của họ nổi tiếng và lan xa hơn.
Cột hơi và kỹ thuật của tôi còn nhiều hạn chế, vì chưa từng qua một giờ đào tạo thanh nhạc nào trước khi đến với cuộc thi. Tuy nhiên, chất giọng và cách xử lý của tôi hoàn toàn không đụng với ai trong số 120 thí sinh. Chính vì sự khác biệt này mà chị Phương Uyên đã chọn tôi vào, vì tôi có cá tính và màu sắc riêng. Tôi không nghĩ khả năng của mình quá xuất sắc, nhưng đã vào đến vòng Giấu mặt thì không ai tệ cả, vì chúng tôi đã vượt qua trên 5.000 thí sinh rồi. Đây là sân chơi chuyên nghiệp chứ không phải nghiệp dư, và đã có nhiều ca sĩ phải dừng chân trước đó, không có sự nhân nhượng nào đâu.
Phần trình diễn của Lê Minh Mẫn trên sân khấu The Voice.
- Tuy vậy, phần trình diễn của anh trong tuần thi thứ ba cũng hứng nhiều dư luận trái chiều với không ít lời chê bai. Bản thân anh đánh giá thế nào về phần trình diễn của mình?
- Tôi hài lòng vì đã làm được khoảng 70% những gì mình muốn trình bày trên sân khấu live, nhưng lúc chiếu lên TV thì chỉ còn tầm 50%.
Thực ra, những phần thi trên TV của các thí sinh khác cũng chỉ phản ánh được khoảng 70% thực lực của họ thôi. Tâm lý đi thi mà, ai chả bị hao hụt? Nên nói ở đây không phải lý do lý trấu. Chỉ giá như trước khi thi, mình chịu khó tích lũy kinh nghiệm tại sân khấu, có lẽ đã nâng được tỉ lệ % lên một chút.
Video đang HOT
- Anh tự nghĩ hay ai tư vấn cho anh cách mix lại ca khúc “60 năm cuộc đời” theo phong cách hoàn toàn khác lạ như thế này?
- 60 năm cuộc đời trước đây từng được thể hiện thành công theo phong cách blues, bởi những nghệ sĩ tôi yêu thích như Hồ Ngọc Hà, Thu Minh và Phương Vy. Nhưng họ trình bày theo kiểu các quý cô hát blues. Còn tôi thì muốn đẩy lùi chất blues lại cũ hơn nữa, pha một chút country, như cách hát của một anh cao bồi từ thập niên 20. Thực chất, bài này đã từng được thể hiện trước đó theo lối country cũ bởi Chu Minh Ký, thầy của Phương Vy, đồng thời là tác giả lời Anh của bài hát. Tôi đã xem xét, giữ những gì cần giữ, đồng thời thêm nét riêng của mình vào đấy. Tôi không muốn phần xử lý của mình giống hay rập khuôn ai cả.
Được coi là hot-blogger, Lê Minh Mẫn nổi tiếng với nickname Robbey trên nhiều mạng xã hội. Hiện tại, ở Zing Me, anh chàng cũng có hơn 9 ngàn người hâm mộ.
- Tại sao anh không chọn một ca khúc toàn tiếng Anh hay thuần Việt mà lại “trộn lẫn” hai thứ tiếng trong một ca khúc vốn đã rất nổi tiếng và quen thuộc với nhiều người yêu nhạc?
- Tôi nghĩ chuyện này rất bình thường. Trừ khi nào tôi hát câu 1 tiếng Anh, câu 2 tiếng Việt mới là có vấn đề (một thí sinh khác đã hát kiểu này và các HLV đã góp ý thẳng nhưng tiết mục này không được phát). Đằng này, tôi hát đoạn tiếng Anh ra tiếng Anh, tiếng Việt ra tiếng Việt, chuyện này quá bình thường. Trước đây, Phương Vy cũng đã thu âm bài 60 năm cuộc đời theo lối song ngữ 2 lần trong 2 album khác nhau rồi.
- Cảm giác của anh như thế nào khi không có vị huấn luyện viên nào nhấn đèn lựa chọn mình?
- Tôi thấy mọi chuyện rất bình thường.
Từ xưa vẫn lắm anti-fan
- Anh có lường trước chuyện sẽ tạo nên một làn sóng dư luận trái chiều và thậm chí là bị “ném đá” khi tham gia chương trình này?
- Có. Mọi thứ diễn ra đúng như dự đoán của tôi. Không phải chờ đến The Voice, tôi mới được biết tới.Robbey vốn đã là một cái tên quá quen thuộc trong cộng đồng mạng. Chuyện tôi nhiều fan và lắm anti-fan thì những ai quan tâm tới tôi đều biết.
Một thành viên trong số anti-fan lại là admin của 2 hội chuyên “ném đá” trên một mạng xã hội với số lượng thành viên lên tới trên 100 nghìn người. Nhóm này không hẳn anti riêng tôi hay bất kỳ ai cả, mà cứ dẫn link đi đâu là họ lại “bay vào” phá hoại, chửi bới. Nhiều ca sĩ nổi tiếng đình đám cũng đã bị tấn công trên mạng như vậy rồi.
- Anh cảm thấy như thế nào khi người ta gọi mình là “ thảm họa The Voice”?
- Tôi thấy quá vô duyên. Người ta là ai nhỉ? Vì anti-fan thì nói gì chả được. Vả chăng, theo tôi thì khi xét thảm họa, một là ở phần ca từ và bản phối, hai là ở giọng hát. Ca từ, cả lời Anh lẫn Việt, đều đã được duyệt qua trước đó trong đĩa Phương Vy. Bản phối mới thì ban nhạc Hoài Sa đánh đã quá hay rồi.
Phần hát của tôi chỉ đơn giản là lạ tai, chưa xuất sắc thì cũng không vướng phải lỗi nào quá đáng. Tôi cũng có tham khảo qua một số nhạc sĩ, phóng viên văn nghệ, đặc biệt những người thường bình luận chương trình trên trang cá nhân của họ. Tôi thấy họ hiểu ý định của tôi, chỉ bảo là tôi làm chưa tới, thậm chí có người còn khẳng định “gọi là thảm họa thì hơi bị thâm thù cá nhân”.
Thêm vào đó, tôi thấy những kẻ đã ác ý với mình dường như quên mất một điều là cần tham khảo thông tin từ nhiều chiều. Tôi không phủ nhận là có những người ghét mình, song nhiều người vẫn hứng thú với sự phá cách của tôi đấy thôi. Từ sau đêm thi, số lượng fan trên trang cá nhân của tôi tăng thêm thành viên, những nhận xét tích cực cũng lên đến nhiều ngàn. Các con số này vẫn còn đấy, mọi người đều có thể dễ dàng kiểm chứng và chụp hình lại.
Không định làm ca sĩ chuyên nghiệp
- Nhiều người cho rằng một blogger đình đám như bạn tham gia gameshow này đơn giản chỉ là một chiêu hợp tác với BTC để gây chú ý…
- Chẳng có chút liên quan nào trong chuyện này cả! Tôi thích chương trình nên tham gia. Còn ai nói gì khác hơn là chuyện của họ.
Ngay cả với người “quen” trong ban tổ chức, tôi cũng nói: “Cứ để em trải nghiệm giống như các bạn, đừng ưu ái gì cả, không hay đâu”. Và thực tế, ở những vòng sơ tuyển, phỏng vấn, ráp nhạc…, tôi vẫn chờ đợi 5-6 tiếng đồng hồ để đến lượt mình. Thậm chí, nếu bạn nào có việc bận, tôi sẵn sàng nhường lượt cho họ trước. Tôi tham gia với tư cách thí sinh, chứ không phải người làm PR hay hot blogger. Nếu bạn để ý, sẽ thấy phần lên hình của tôi không hề nhắc tới “hot blogger” hay Robbey.
- Còn chuyện anh nhận được một khoản cát-xê hậu hĩnh từ BTC để tham gia nhằm thu hút sự chú ý của khán giả đến cuộc thi này thì sao?
- Ở những chương trình khác, nếu có ký hợp đồng và nhận chi phí, thì đó hoàn toàn đến từ đơn vị tài trợ chứ không phải đơn vị tổ chức. Riêng lần này, tôi xác định đi thi để trải nghiệm, nên tôi không nhận tiền từ phía nào cả. Như thế cho đầu óc thoải mái, không vướng bận!
- Cũng có những thông tin cho rằng việc tham gia cuộc thi này chỉ là bước đệm để anh lấn sân vào con đường ca hát chuyên nghiệp…
- Tôi thấy buồn cười quá, vì tôi có kế hoạch mà chính tôi cũng không biết nốt. Vả chăng, nếu tôi thật sự muốn đi hát thì đâu nhất thiết phải tham gia cuộc thi nhỉ? Mối quan hệ của tôi với những người trong giới chưa đủ sao?
Tôi không muốn PR thêm cho Uyên Linh
- Mới đây, rộ lên thông tin anh “xỉ vả” Uyên Linh là thông minh nhưng khôn lỏi…
- Một bạn phóng viên đã dứt khoát hỏi tôi cho bằng được một số thông tin về cô này, dù tôi đã từ chối. Tôi chỉ biết là cô ấy có những động thái “ăn theo” độ nóng của The Voice. Thế thôi!
- Chính bởi thông tin này mà không ít người cho rằng anh đang “đánh đu” theo tên tuổi của Uyên Linh để mưu cầu danh lợi. Anh trả lời thế nào về chuyện này?
- Tôi đã nói với bạn phóng viên đó thế này: “Hỏi mấy câu về Uyên Linh làm gì, có liên quan gì tới cuộc thi đâu?”. Còn chuyện bạn ấy tự tiện đưa chuyện tôi kể riêng với bạn ấy về Uyên Linh lên, tôi cũng không cấm được. Tuy nhiên, tôi luôn quan điểm rất rõ ràng: “Không muốn nhắc tên trên báo vì không muốn PR thêm cho bạn này”.
HOÀNG KHANG
Theo Infonet
Vì sao Hà Hồ, Thu Minh chỉ mặc một bộ quần áo trong The Voice?
Sự xuất hiện của thí sinh Lê Minh Mẫn vốn bị đánh giá là thảm họa âm nhạc trong đêm thi thứ 3 của "Giọng hát Việt" cũng như những bộ trang phục mặc đi mặc lại của các giám khảo khiến dư luận nghi ngờ về một sự sắp đặt...
Lộ chiêu?
Theo cách nhìn nhận của nhiều người, The Voice thêm một lần nữa để lộ "chiêu" dàn xếp. Trước đó, việc sắp xếp cho một số thí sinh tàn tật vào thi ở tập thứ hai cũng bị hiểu là nhằm mua nước mắt khán giả. Hay việc để HLV Trần Lập "thất bát" trong tập đầu tiên rồi lại "bứt phá" trong tập tiếp theo cũng nhanh chóng bị các báo mạng "lật tẩy" chiêu bài cắt ghép chứ hoàn toàn không theo thứ tự mỗi đêm thi.
Trong The Voice, các HLV phải mặc một bộ quần áo để BTC dễ... biên tập.
Dự luận tỏ ra bức xúc khi mấy tập liền mà ban HLV đều mặc có một bộ trang phục, khiến cho không khí cuộc thi trở nên cũ và đơn điệu. Thực tế, việc mặc duy nhất một bộ trang phục cũng chỉ là giải pháp "chẳng đặng đừng" để sau khi biên tập, mỗi tập phát sóng vẫn giữ được sự đồng bộ cần thiết mà không xảy ra tình trạng các HLV thay áo nhanh như tắc kè hoa. Điều này cũng lý giải vì sao The Voice tập 1 được ca ngợi lên mây với toàn những tiết mục xuất sắc và những giọng ca gây ấn tượng mạnh. Chất lượng thí sinh giảm dần qua các tập kế tiếp, khiến khán giả hoang mang về những tập phát sóng cuối cùng của vòng giấu mặt. Liệu cuộc thi có giống như một bát bún riêu đầy màu mè bề mặt nhưng ở dưới lại nhạt thếch?
Một số bài báo cho rằng những chiêu trò này khiến cuộc thi mất đi sức nóng tự nhiên, bởi khán giả dường như đã nắm bắt "đường đi nước bước" của ban tổ chức. Thậm chí họ còn cảm thấy như đang bị lừa khi sản phẩm được xem thực chất đã bị cắt xén, sắp đặt.
Đừng tự hào vì không chiêu!
Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu một cuộc thi hoàn toàn không có chiêu trò? Lúc đó, chương trình có thể sẽ như một viên ngọc thô bị quên lãng trong một đống tạp chất mà không khiến ai chú ý. Chuyện này khá phổ biến trong các cuộc thi của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn làng giải trí chưa xuất hiện các chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài.
Cuộc thi Sao Mai điểm hẹn (SMĐH) đang phát sóng có thể được xem là điển hình cho thất bại của một chương trình có chất mà thiếu chiêu. Dù thí sinh đều là những ca sĩ chuyên nghiệp, có tố chất, nhưng cuộc thi hầu như không gây được ấn tượng nào trong công chúng, có chăng chỉ tạo sự quan tâm trong giới chuyên môn. Cùng với SMĐH, nhiều cuộc thi tìm kiếm giọng ca truyền thống cũng đang dần chìm đi như Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Sao Mai...
Sự xuất hiện của thí sinh Lê Minh Mẫn, một blogger nổi tiếng với nickname Robbey, trong đêm thi thứ 3 của The Voice khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Tuy nhiên, sự thành công của bất kỳ chương trình nào cũng không thể trông chờ vào chiêu trò, mà điều cốt lõi vẫn là chất lượng thí sinh. Thực tế cho thấy, nhiều chương trình khá ầm ĩ nhưng lại không được đánh giá cao, như Vietnam's Got Talent với scandal Quỳnh Anh, Vietnam Next Top Models với scandal kiện cáo vì để lộ thông tin bí mật... Tất cả chỉ tạo được hiệu ứng tức thời, sau đó nhanh chóng bị lãng quên mà không để lại dấu ấn gì.
Đã đến lúc nhà sản xuất không nên tự hào rằng chương trình của mình "sạch", không chiêu trò nữa. Thay vào đó, họ cần nghĩ đến việc tìm ra điểm nhấn và làm bật lên. Vấn đề còn lại chỉ là chiêu trò như thế nào và đâu là ngưỡng cho việc áp dụng nó. Nếu sự can thiệp của nhà sản xuất chỉ nhằm tăng sự hấp dẫn cho chương trình mà không gây tổn hại gì đến người liên quan cũng như không "bóp méo" suy nghĩ của khán giả, thì sự can thiệp đó hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Ngược lại, những chiêu trò "bẩn" sẽ rất nguy hiểm, để lại cái nhìn xấu trong công chúng, hay có thể còn "giết chết" tương lai của thí sinh (như trường hợp của Quỳnh Anh trong Got Talent). Dĩ nhiên, quyết định sử dụng chiêu sạch, bẩn ra sao thì phụ thuộc vào đạo đức nhà sản xuất mà thôi.
Theo Báo Đất Việt
Vietnam Idol: Tác giả clip "Ni cô dự thi Idol" lên tiếng xin lỗi Trong những ngày vừa qua, dù chưa lên sóng nhưng Vietnam Idol 2012 đã gây sốt với một clip thí sinh gây xôn xao dư luận vì những phát ngôn nhạy cảm về bản thân và sự tự tin có phần quá đà về khả năng ca hát của mình. Sự việc bắt nguồn từ một clip được đăng tải trên mạng video...