Hợp tác vì tương lai
Không lâu sau khi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sunnylands, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chào đón 10 nhà lãnh đạo ASEAN trong một hội nghị cấp cao đặc biệt ở chính khu nghỉ dưỡng được xem là “Nhà Trắng thứ hai”.
Trong mối quan hệ đối thoại tốt đẹp thiết lập từ năm 1977 giữa Mỹ và ASEAN, đây chắc chắn không phải là cuộc gặp song phương duy nhất. Nhưng sự kiện ở Sunnylands lại đánh dấu lần nhóm họp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 11-2015 và Cộng đồng ASEAN hứa hẹn một sự liên kết mới ở Đông Nam Á được hình thành.
Gần 4 thập kỷ song hành và trải qua những thăng trầm dâu bể của chính trường quốc tế, nhưng mối quan hệ Mỹ – ASEAN không bị chi phối bởi bất kỳ sự đổi thay tiêu cực nào của thời tiết chính trị thế giới. Trái lại, sự liên kết này ngày càng gắn bó, thể hiện bằng những nâng cấp quan hệ trong từng giai đoạn và các chỉ số hợp tác ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực. Gồm 11 quốc gia có vị trí địa – chính trị quan trọng tại khu vực phát triển năng động bậc nhất hành tinh, nguồn tài nguyên dồi dào, dân số trẻ và gia tăng nhanh, khao khát nguồn vốn và công nghệ, Đông Nam Á luôn chiếm giữ một vị thế đặc biệt trong chính sách Châu Á – Thái Bình Dương và chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Vì vậy, hội nghị ASEAN – Hoa Kỳ đầu tiên trên xứ Cờ hoa theo sáng kiến của Tổng thống B.Obama là một cử chỉ rõ ràng khẳng định rằng cho dù các thể chế đa phương từ BRICS đến G-20 chưa phát huy vai trò như kỳ vọng, nhưng Mỹ vẫn cam kết với các cơ chế hợp tác cùng ASEAN như một phần của sự hiện diện bắt buộc tại Đông Nam Á, khu vực đã và sẽ luôn là ưu tiên đối với Mỹ. Không chỉ thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 4 nước trong ASEAN gồm Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia là thành viên, thông qua các trao đổi ở Sunnylands, chính quyền Tổng thống B.Obama cũng xác lập được cách thức tiếp cận, những sáng kiến mới phù hợp với nhu cầu và tiềm năng khu vực Đông Nam Á đa dạng, làm bản lề cho sự hợp tác hiệu quả ASEAN – Hoa Kỳ trong giai đoạn mới vốn có sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt hơn. Với việc đề cao sức mạnh của ASEAN trên mặt trận kinh tế, Mỹ cũng mong muốn tạo lập một Đông Nam Á tự cường, phát huy được lợi thế để từ đó củng cố vai trò an ninh của khu vực trước những cuộc đọ sức quyền lực đang dẫn tới bất ổn nghiêm trọng tại Châu Á – Thái Bình Dương và trên quy mô toàn cầu.
Video đang HOT
Sở hữu vị trí địa lý chiến lược, các quốc gia ASEAN là thành trì không thể thay thế và cũng là những nước sẽ thụ hưởng lợi ích từ một Biển Đông hòa bình, an ninh và tự do hàng hải, hàng không mà Mỹ đang thúc đẩy. Do đó, những người bạn ở Đông Nam Á sẽ là một phần trong bản nguyên tắc mà Tổng thống B.Obama ngay trong bài phát biểu khai mạc hội nghị đã khẳng định nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền tự do đi lại. Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ cũng là dịp để ASEAN một lần nữa nhận thức được tầm quan trọng của sự đoàn kết nội khối, yếu tố hàng đầu để Hiệp hội duy trì và tăng cường vị thế trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, sự xuất hiện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với việc tham gia tích cực vào các phiên thảo luận cũng như các cuộc gặp gỡ thân tình với lãnh đạo nhiều nước đã khẳng định thiện chí, tinh thần xây dựng và trách nhiệm của Việt Nam với các hoạt động của ASEAN cũng như cơ chế ASEAN – Hoa Kỳ. Với nỗ lực và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai, quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ đã có những cơ sở mới, động lực mới để cùng nhau vượt qua khó khăn, tiến những bước vững chắc và ổn định trên hành trình của thế kỷ XXI. Vân Khanh
Theo_Hà Nội Mới
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm 3 nước Trung Đông
Hôm nay (19/1), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức 3 nước Trung Đông gồm Saudi Arabia, Ai Cập và Iran.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 14 năm nguyên thủ Trung Quốc đến thăm Iran và là lần đầu tiên trong vòng 12 năm đến thăm Ai Cập. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mục đích chính của chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.
Phát biểu trong cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh ngày hôm qua (18/1), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Minh cho biết, Chủ tịch nước này Tập Cận Bình thăm 3 nước Trung Đông là hoạt động ngoại giao quan trọng đầu tiên trong năm 2016 , diễn ra đúng vào dịp Trung Quốc và các nước Ả rập khởi động các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ông Tập Cận Bình sẽ thảo luận với lãnh đạo 3 nước về các biện pháp tăng cường quan hệ hữu nghị song phương, thực hiện kết nối chiến lược phát triển, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiện lợi hóa thương mại đầu tư, hàng không vũ trụ và các lĩnh vực khác:
"Mục đích chính của chuyến thăm 3 nước lần này là củng cố, tăng cường hợp tác có lợi, thúc đẩy giao lưu giữa các nền văn minh, có ý nghĩa quan trọng và lâu dài đối với việc làm sâu sắc hơn quan hệ giữa TQ với 3 nước đến thăm nói riêng và các nước trong khu vực nói chung".
Mặc dù tình hình chính trị khu vực Trung Đông - Bắc Phi thời gian qua có nhiều biến động, nhưng Trung Quốc về cơ bản vẫn duy trì được quan hệ tích cực với tất cả các nước trong khu vực. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của các nước Ả rập, còn các nước Ả rập là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc và là đối tác cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc.
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tập trung cho cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhiều nước lớn đã cử lực lượng quân sự tham dự ở các mức độ khác nhau, nhưng đến nay Trung Quốc vẫn từ chối cử lực lượng quân sự tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở đây.
Trước thềm chuyến thăm, vào ngày 13 tháng 1, Trung Quốc lần đầu tiên công bố "Văn kiện chính sách của Trung Quốc đối với các nước Ả rập", trong đó đưa ra cơ chế hợp tác "1 2 3" xác định hợp tác năng lượng là trục chính, xây dựng cơ sở hạ tầng và tiện lợi hóa đầu tư thương mại là hai cánh, còn hợp trác trong lĩnh vực hạt nhân, hàng không vũ trụ và năng lượng mới là 3 khâu đột phá./.
Hà Thắng - Lê Bảo
Theo_VOV
Lọt khe cửa hẹp, tương lai ông Yatsenyuk vẫn chông chênh? Dù vượt qua khe cửa hẹp trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ, nhưng tương lai của ông Yatsenyuk vẫn chông chênh. Thủ tướng Ukraine vượt qua khe cửa hẹp Ngày 16/2, trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm bất thường tại quốc hội Ukraine, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã giành chiến thắng và tiếp tục giữ được ghế của mình...