Hợp tác quân sự, một lá bài trong chính sách “xoay trục” của Nga
Việc Nga “ngả” về châu Á đã nằm trong tiên liệu của nhiều người nhưng Moscow có thành công hay không vẫn là một câu hỏi lớn.
Không phải chỉ đến khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra và mối quan hệ giữa Nga và phương Tây bị rơi vào tình trạng “lạnh nhạt”, Moscow mới tìm sang châu Á như là chiếc phao cứu sinh. Tổng thống Vladimir Putin trước đó cũng luôn được coi là một trong số các nhà lãnh đạo Nga quan tâm đến việc củng cố mối quan hệ với châu Á nhất dù trên thực tế, cha đẻ của chính sách hướng về châu Á là cựu Tổng thống Boris Yeltsin.
Tổng thống Putin tham dự lễ diễu binh mừng ngày chiến thắng tại Quảng trường Đỏ (Ảnh: mil.ru)
Không trực tiếp tuyên bố về chiến lược xoay trục như Mỹ nhưng rõ ràng là trong bối cảnh hiện nay Nga đang nhìn về phương Đông như là một định hướng cho tương lai bởi ở đây, ngoài việc dễ dàng phát triển các thị trường tiềm năng, Nga còn có thể tạo một hậu phương vững chắc để qua đó tăng sức nặng trong tiếng nói với các vấn đề quốc tế.
Việc châu Á Thái Bình Dương đang trở thành ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại của Nga là hoàn toàn hợp lý bởi đây là khu vực địa chính trị phát triển nhanh nhất, khu vực này cũng được dự báo sẽ là tương lai phát triển của nhân loại.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa đã và đang làm trầm trọng thêm các cuộc đấu tranh giành vị trí lãnh đạo và ảnh hưởng trong khu vực. Điều này đã được chứng minh qua việc các quốc gia trong khu vực đang không ngừng xây dựng sức mạnh quân sự. Theo thống kê, có tới 7 trong số 10 quân đội quy mô lớn nhất thế giới ở châu Á; 6 quốc gia trong khu vực này sở hữu vũ khí hạt nhân và 3 quốc gia khác có thể sở hữu loại vũ khí hủy diệt này bất cứ khi nào cần thiết.
Những thách thức an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương đang ảnh hưởng trực tiếp đến Nga. Theo đánh giá của giới phân tích, tương lai của nước Nga trong vai trò cường quốc phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển kinh tế, công nghệ và xã hội của vùng Siberia và Viễn Đông. Và để đạt được điều này, Nga cần phải duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng. Nga cũng cần nguồn kinh phí rất lớn để phát triển khu vực phía Đông và đó cũng là lý do tại sao Moscow cần thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Chính sách xoay trục sang châu Á của Nga dựa trên hai trụ cột chính là kinh tế và quân sự. Moscow hiện có thể tạm yên tâm với trụ cột đầu tiên là quan hệ kinh tế khi mà thỏa thuận khí đốt lịch sử với Trung Quốc vừa được ký kết. Bên cạnh đó là quan hệ thương mại khá tốt với Nhật Bản và Hàn Quốc – hai nền kinh tế hàng đầu của châu lục này.
Trong hợp tác quân sự, Trung Quốc và Ấn Độ được cho là đối tác quan trọng nhất của Nga ở châu Á và trên thực tế, điều này đã được Moscow thực hiện rất tốt thông qua các cuộc tập trận chung diễn ra thường xuyên cũng như hoạt động mua bán vũ khí, chuyển giao công nghệ.
Ông Igor Korotchenko, thành viên Hội đồng xã hội thuộc Bộ Quốc phòng Liên bang Nga nhận định: “Hiện nay, vectơ lợi ích của Nga đã bộc lộ rất rõ ràng, đó là xích về phía các nước châu Á, trước hết là với Ấn Độ và Trung Quốc”.
Nga – Trung tăng cường hợp tác quân sự
Mối quan hệ với Trung Quốc được cho là mối quan hệ quan trọng nhất của Nga ở châu Á. Hai nước chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên, Trung Á và Trung Đông – nơi các đồng mình của họ đang bị đe dọa bởi các lực lượng khác nhau. Trong khi Trung Quốc nổi lên như là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga, Bắc Kinh cũng mong muốn hưởng lợi từ việc Moscow xoay trục sang châu Á để tạo thế đối trọng vững chắc với Mỹ.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga (Ảnh: RIA)
Trong những năm gần đây, Nga đã nới lỏng những gì mà trước đó Moscow gọi là giới hạn trong hợp tác với Trung Quốc. Nếu như trước đây Nga không muốn bán cho Trung Quốc những loại vũ khí tiên tiến nhất vì lo sợ Bắc Kinh ăn cắp bản quyền và sản xuất hàng loạt thì hiện nay, Nga dường như thấy việc củng cố tiềm lực kinh tế là quan trọng hơn khi “đòn thù” của phương Tây có thể làm nền kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng, và Bắc Kinh đương nhiên là khách hàng đáng mơ ước.
Sau nhiều năm trì trệ, doanh số bán vũ khí của Nga sang Trung Quốc lại một lần nữa bùng nổ, điều đáng nói là Nga còn sẵn sàng bán cho Trung Quốc hệ thống vũ khí mà nước này không cung cấp cho đối tác quốc phòng thân thiết là Ấn Độ.
Lý giải về những động thái gần đây của Nga, tờ The Diplomat cho rằng, đối với hầu hết các thành viên trong hội đồng an ninh quốc gia Nga, Trung Quốc không phải là mối đe dọa quân sự trong tương lai gần với Nga. Đúng là một số hành động quân sự của Trung Quốc khiến Nga phải lưu tâm, chẳng hạn như các cuộc tập tận của hải quân Trung Quốc diễn ra gần vùng biển của Nga, nhưng Nga cũng đã ngay lập tức tiến hành các hoạt động tương tự.
Giới phân tích cho rằng, Nga vẫn tự tin vào sức mạnh của quân đội Nga, của hệ thống vũ khí Nga hiện cao hơn của Trung Quốc một bậc. Dù Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được cho là chiếm ưu thế về số lượng nhưng tiềm năng hạt nhân của Nga lại chưa bao giờ bị đánh giá thấp. Nhận thức rõ mối quan hệ với Trung Quốc là cơ hội cũng là một thách thức, Moscow luôn tránh sử dụng lời lẽ động chạm làm mất lòng Bắc Kinh, đồng thời đặc biệt quan tâm củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược.
Ngay từ năm 1992, những vấn đề chủ chốt trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự Nga – Trung đã được Ủy ban liên chính phủ về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự bàn thảo và thông qua. Hàng năm, các Bộ trưởng quốc phòng Nga – Trung là đồng chủ tịch của Ủy ban nói trên được tổ chức vào dịp tháng 10, luân phiên tại Moscow và Bắc Kinh.
Việc Nga xuất khẩu vũ khí trang bị cho Trung Quốc đã bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định, đạt mức tương đương với “thời đại hoàng kim” mua bán vũ khí của hai nước, (từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến mấy năm đầu của thế kỷ này), đồng thời có cơ hội xác lập kỷ lục hợp đồng mua bán trong vài năm tới, tính từ khi Liên Xô tan rã đến nay.
Video đang HOT
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, Nga đã xuất khẩu cho Trung Quốc các loại vũ khí rất hiện đại như: hệ thống tên lửa phòng không tầm cao, tầm xa S-300PMU2 và hệ thống phòng không tầm trung Tor-M1; máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30; tàu ngầm Kilo; cũng với hàng chục loại tên lửa đối không, đối hạm, đối đất, chống radar và nhiều loại đạn dược khác…
Với những hợp đồng mua sắm chất lượng, các loại vũ khí Nga đã trở thành yếu tố quan trọng không thể thiếu của quân đội Trung Quốc. Đồng thời, Bắc Kinh cũng nhận được giấy phép chuyển giao công nghệ cho đa số các hợp đồng đó. Cho đến nay, nhiều công ty của họ vẫn còn đang sản xuất những loại trang bị, vũ khí theo nội dung chuyển giao công nghệ giữa 2 nước trước đây.
Hiện nay, Nga và Trung Quốc cũng đang đàm phán hàng loạt hợp đồng mua sắm các loại vũ khí tối tân nhất thế giới hiện nay. Trong đó có hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa S-400, tàu ngầm AIP Amur-1650 (phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm Lada), máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 Su-35…
Đối tác truyền thống Ấn Độ
Tương tự như Trung Quốc, Ấn Độ có những phản ứng rất chậm chạp và gần như im tiếng trong sự kiện Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ là nền dân chủ theo kiểu phương Tây duy nhất có quan hệ đối tác an ninh mạnh mẽ với Liên Xô và mối quan hệ tốt đẹp này đã “đơm hoa kết trái” bằng việc Moscow đã cung cấp cho Ấn Độ hầu hết các loại vũ khí và các công nghệ chiến lược.
Lực lượng tàu chiến thuộc hạm đội Biển Đen của Nga (Ảnh: Reuters)
Từ lâu, Nga đặc biệt quan tâm đến Ấn Độ trong việc định hình cán cân quyền lực châu Á. Những mối quan hệ chính trị mạnh mẽ với Nga là phần không thể tách rời trong chiến lược của Ấn Độ nhằm đối phó với sự không chắc chắn hiện nay trong chính sách của Mỹ đối với châu Á, nhất là những hậu quả không mong muốn từ sự can dự của Mỹ với Pakistan và những tác động chính trị tiêu cực giữa một Trung Quốc trỗi dậy và một nước Mỹ suy yếu.
Hiện lực lượng Không quân của Ấn Độ chủ yếu dựa vào chiến đấu cơ MiG do Nga sản xuất. Hồi tháng 5/2013, New Delhi quyết định thành lập Phi đội “Black Panthers” trang bị trên tàu sân bay gồm 12 chiếc MiG-29K một chỗ ngồi và chiếc MiG-29KUB hai chỗ ngồi, được Nga cung cấp cho Bộ Quốc phòng Ấn Độ theo bản hợp đồng ký kết năm 2004.
Chiến đấu cơ mạnh nhất của Ấn Độ hiện nay có nguồn gốc từ Nga là loại chiến đấu cơ đa năng Sukhoi Su-30MKI thuộc lực lượng United Aircraft Corp. Hiện có khoảng 150 chiếc hiện đang hoạt động và con số này sẽ được nâng lên 272 chiếc tính đến năm 2019. Trong quân đội Ấn Độ hiện nay cũng có sự phục vụ của các trực thăng đời mới Mil-17, có tên gọi Mil-17 V-5.
Ngoài ra trong biên chế của Quân đội Ấn Độ còn có sự phục vụ của hàng loạt vũ khí có nguồn gốc từ Nga như tàu ngầm, xe tăng… Chương trình vũ khí do New Delhi và Moscow hợp tác sản xuất được cho là thành công nhất là tên lửa BrahMos.
Không quên phần còn lại của châu Á
Hơn ai hết, Nga hiểu rõ, muốn xoay trục sang châu Á, họ không thể bỏ quên Hàn Quốc và Nhật Bản – hai trong số các nền kinh tế hàng đầu khu vực. Trong đó, Nga và Hàn Quốc đã cam kết sẽ phát triển quan hệ song phương “trên tinh thần mối quan hệ đối tác chiến lược”.
Nga cần phải duy trì quan hệ với Hàn Quốc chủ yếu để cải thiện tình hình chung trên bán đảo Triều Tiên. Căng thẳng giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã cháy âm ỉ trong hơn 50 năm qua và đến nay vẫn đang là mối đe dọa với an ninh ở Đông Bắc Á.
Máy bay chiến đấu Nga trên bầu trời Moscow (Ảnh: RIA)
Hàn Quốc là một cường quốc quân sự lớn và cũng là một đồng minh quân sự quan trọng của Mỹ, quân đội nước này là một trong mười đội quân hùng mạnh nhất trên thế giới. Giới phân tích quân sự cho rằng, động thái mua sắm vũ khí của Seoul gần đây không thể được xem như hành động phòng thủ mà có thể được sử dụng để bảo vệ lợi ích quân sự của một quốc gia thống nhất. Điều này có thể sẽ khiến Moscow phải lưu tâm. Tuy nhiên, có thể nói, mối quan hệ song phương giữa hai nước sẽ chủ yếu về mặt kinh tế, chính trị, thăm dò không gian và ngành công nghiệp hạt nhân.
Về phía Nhật Bản, đây là quốc gia đã và đang có những tranh chấp lãnh thổ với Nga. Tuy nhiên, kể từ năm 2001 đến nay, Nga và Nhật Bản đã có những nỗ lực để giải quyết các tranh chấp này. Có thể nói, mối quan hệ Nga – Nhật đang ở trong trạng thái “tương đối tốt” điều này được thể hiện rõ qua việc Thủ tướng Shinzo Abe là nhà lãnh đạo thân phương Tây duy nhất tham dự lễ khai mạc Olympic mùa đông ở Sochi trong khi tất cả các lãnh đạo khác của G7 đều vắng mặt.
Nhật Bản và Nga thời gian gần đây cũng đã tổ chức cuộc gặp cấp Bộ trưởng “2 2″ để xây dựng niềm tin, cải thiện quan hệ. Hai bên cũng đã đồng thuận tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với mục đích chống khủng bố và hải tặc nhằm tăng cường hợp tác an ninh và ngoại giao.
Mỹ và Nga chia sẻ các mục tiêu quan trọng ở châu Á, cả hai đều muốn ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân ở khu vực này, giữ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc đi đúng trên một con đường hòa bình, được hưởng lợi ích từ nền kinh tế năng động của châu Á và tránh một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên hoặc giữa Trung Quốc với Nhật Bản hay giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Nga không phải là đồng minh cũng chẳng phải kẻ thù của Mỹ ở châu Á, chính vì thế, Washington sẽ không tìm cách để cản trở Moscow xoay trục sang khu vực này. Trong bối cảnh hiện bị phương Tây ghẻ lạnh, việc Nga “ngả” về châu Á đã nằm trong tiên liệu của nhiều người, nhưng liệu chính sách này có mang lại những lợi ích thực sự cho Moscow hay không vẫn là một câu hỏi lớn./.
Hùng Cường
Theo_VOV
ASEAN hoan nghênh Nga hướng về châu Á
Trong cuộc phỏng vấn nói trên, ông Lê Lương Minh đã bình luận về sự quan tâm ngày càng gia tăng của Nga với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm những triển vọng cho sự hợp tác gần gũi hơn của Nga với các nước thành viên ASEAN và sự hình thành các mối quan hệ kinh tế mới.
VOV xin giới thiệu bài phỏng vấn của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh
Russia Direct: Nga đã và đang nỗ lực đóng vai trò tích cực hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngài đánh giá như thế nào về những triển vọng của Nga ở khu vực này?
Tổng Thư ký Lê Lương Minh: ASEAN hoan nghênh sự tham gia tích cực của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là thông qua các cơ chế do ASEAN lãnh đạo như Hội nghị Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM ).
Chúng tôi thấy rằng Nga có tiềm năng để có những đóng góp quan trọng cho việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Chúng tôi cũng đánh giá cao những ủng hộ của Nga đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế khu vực đó.
ASEAN coi trọng những nỗ lực của Nga trong đề xuất về một cấu trúc an ninh cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đề xuất này, cùng với những đề xuất tương tự - như kiến nghị của Indonesia về việc hoàn thành một hiệp ước hữu nghị và hợp tác khu vực Indonesia - Thái Bình Dương, cần tiếp tục được thảo luận kỹ lưỡng.
Hoạt động này đang được tiến hành thông qua nhiều cuộc hội thảo khác nhau. Hai hội thảo đã được thực hiện và hội thảo thứ ba sẽ được tổ chức ở Indonesia trong thời gian tới.
Trong khi những đề xuất đang được thảo luận, thì điều quạn trọng đối với các quốc gia trong khu vực, kể cả Nga, cần tiếp tục sử dụng các cơ chế hiện hành để thúc đẩy hợp tác nhằm củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Russia Direct: Trong bối cảnh quốc tế hiện tại và những tác động của nó, liệu những lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có ảnh hưởng tới hợp tác của Nga với các nước ASEAN hay không?
Tổng Thư ký Lê Lương Minh: Hợp tác ASEAN - Nga đã và đang được mở rộng kể từ khi Nga trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN năm 1996. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để làm sâu sắc hơn nữa những quan hệ hợp tác này. Chúng tôi sẽ hợp tác với Nga thông qua tất cả các cơ chế đã thiết lập để đưa quan hệ đối tác lên một cấp độ cao hơn.
Russia Direct: Ngài có thể mô tả như thế nào về tình hình hiện tại của các mối quan hệ Nga - ASEAN? Những triển vọng cho tương lai là gì?
Tổng Thư ký Lê Lương Minh: Các mối quan hệ và hợp tác ASEAN - Nga đã được mở rộng và làm sâu sắc, đặc biệt là sau việc ký kết Tuyên bố Chung ASEAN - Nga về Quan hệ Đối tác Toàn diện tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Nga lần thứ nhất ở Kuala Lumpur/Malaysia tháng 12/2005.
Hơn 18 năm qua, hợp tác giữa hai bên đã được mở rộng tới các lĩnh vực chủ chốt như khoa học công nghệ, giáo dục, an ninh lương thực, nông nghiệp, năng lượng, du lịch, vận tải và quản lý thảm họa. Khi ASEAN và Nga bước vào thập kỷ thứ hai của quan hệ đối tác, cả hai bên cần chú trọng đến các cách thức nhằm hiện thực hóa hơn nữa sự hợp tác của mình.
Với tiềm năng của một cường quốc lớn, là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có trách nhiệm quan trọng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như hòa bình và an ninh toàn cầu, chúng tôi cũng hy vọng Nga sẽ giữ vai trò chủ động hơn trong các cơ chế khu vực như ARF, ADMM và EAS, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Russia Direct: Hiện nay, những dự án quốc tế lớn, chẳng hạn như các vùng thương mại tự do, xuất hiện dưới hình thức của những trật tự và cấu trúc mới về các vấn đề quốc tế. Ngài đánh giá như thế nào về triển vọng của Nga trong việc tham gia vào thành lập các mối quan hệ kinh tế chiến lược mới, chẳng hạn như các vùng thương mại tự do?
Tổng Thư ký Lê Lương Minh: Các Hiệp định thương mại tự do ASEAN 1 (FTAs) - với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand - là một phần trong nỗ lực hội nhập ASEAN vào nền kinh tế toàn cầu với bốn trụ cột chính trong kế hoạch xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ASEAN tiếp tục tập trung vào quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu với việc thực thi các FTAs ASEAN 1, các cuộc đàm phán đang tiến hành về Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và sẵn sàng cho các cuộc đàm phán Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Hong Kong (AHKFTA).
Trong khi đó, Nga hiện đã thực thi các FTAs song phương với một số quốc gia (Azerbaijan, Moldova, Serbia, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) và Hiệp định chung về thuế quan (Liên minh Thuế quan) với Belarus và Kazakhstan.
Nga và các đối tác hiệp định chung về thuế quan bắt đầu các cuộc đàm phán về FTA với New Zealand năm 2011 và với Việt Nam năm 2013. Tháng 6/2014, Nga và Ấn Độ thỏa thuận thành lập một nhóm nghiên cứu chung xem xét tính khả thi của FTA giữa các đối tác Liên minh Thuế quan với Ấn Độ.
ASEAN coi trọng các mối quan hệ kinh tế với Nga. Thương mại và đầu tư ASEAN - Nga đã và đang gia tăng với tốc độ cao. Tổng thương mại giữa ASEAN và Nga tăng khoảng 9,9% từ 18,2 tỷ USD năm 2012 lên 19,9% năm 2013. Trong đó, xuất khẩu của ASEAN sang Nga tăng 7,5%, từ 4,9 tỷ USD năm 2012 lên 5,2 tỷ USD năm 2013 và nhập khẩu từ Nga tăng 10,7%, từ 13,3 tỷ USD năm 2012 lên 14,7 tỷ USD năm 2013. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nga vào ASEAN đã tăng đáng kể trong hai năm, khoảng 369,2% năm 2012 (180 triệu USD) và 194% năm 2013 (542 triệu USD).
ASEAN hoan nghênh việc Nga gia nhập WTO sau 19 năm đàm phán. Điều này đã góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai bên do cơ chế WTO giúp làm giảm chi phí các giao dịch kinh doanh và giải quyết các tranh chấp thương mại có thể nảy sinh.
Việc ASEAN tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc kinh tế khu vực và hội nhập kinh tế toàn cầu sẽ là điều kiện thuận lợi đối với Nga khi Nga tìm kiếm sự hội nhập toàn cầu, khai thác quan hệ đối tác kinh tế với ASEAN.
Nhu cầu nhập khẩu của ASEAN gia tăng do tốc độ tăng trưởng cao của các nước thành viên. ASEAN nhập khẩu máy móc công nghệ cao, thiết bị quân sự, các sản phẩm hóa chất, nhiên liệu và năng lượng và tất cả những gì mà Nga có thể cung cấp.
Trong khi Nga xuất khẩu nhiên liệu và năng lượng, các quốc gia ASEAN hầu hết xuất khẩu các mặt hàng chế tạo và sản phẩm nông nghiệp. Nga và ASEAN đều có lợi từ sự bổ sung này. Cả hai bên có thể là đối tác của nhau trong các dự án cơ sở hạ tầng và công nghệ cao.
Russia Direct: Những triển vọng quan hệ đối tác giữa Liên minh Kinh tế Âu - Á (EEU) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là gì?
Tổng Thư ký Lê Lương Minh: EEU và AEC là các thỏa thuận thương mại khu vực khác nhau đặc trưng bởi quy mô chiều sâu, rộng của loại hình hội nhập kinh tế. Đối với AEC, mục tiêu cấp thiết là chuyển đổi khu vực sang một thị trường và nền tảng sản xuất độc lập có sự lưu thông tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề và cùng với đó là sự thông thoáng hơn trong lưu thông các dòng vốn. AEC không phải là một liên minh thuế quan.
Mặc dù hàng hóa có thể lưu thông tự do trong 10 nước thành viên, tuy nhiên mỗi thành viên có quyền quyết định chính sách thuế quan ngoại thương với các quốc gia không phải là thành viên. Đến thời điểm này, các nước thành viên ASEAN không có chính sách thuế quan ngoại thương chung. Trong khi đó, liên minh thuế quan bao gồm Nga, Belarus và Kazakhstan có quy tắc thuế quan và cơ chế thương mại chung với các nước bên thứ ba.
Điều đó không có nghĩa là một quan hệ đối tác giữa EEU và AEC là không thể thực hiện. Vấn đề khó khăn để đạt được điểm này kịp thời có thể là quan hệ đối tác kinh tế "khu vực - khu vực" giữa hai nhóm.
Mối quan hệ đối tác giữa hai bên có thể bao gồm hợp tác kinh tế và kỹ thuật, đặc biệt là trong các lĩnh vực hai bên cùng có lợi như: trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong hội nhập kinh tế; thực thi cơ chế cho đối thoại thường xuyên nhằm củng cố thương mại và đầu tư song phương thông qua các giải pháp hạ tầng và xúc tiến chung; thúc đẩy đối thoại kinh doanh; các hoạt động nhằm xây dựng lòng tin giữa các chính phủ và cộng đồng kinh tế.
Russia Direct: Quan hệ "kinh doanh - kinh doanh" (B2B) giữa Nga và ASEAN đã và đang được tăng cường trong hơn thập kỷ qua. Theo ngài, đâu là những khía cạnh tiềm năng nhất của hợp tác kinh tế, xã hội và văn hóa?
Tổng Thư Ký Lê Lương Minh: Thương mại và đầu tư giữa hai bên đang tăng trưởng đáng kể nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của cả hai khu vực.
Về đầu tư, các dự án kết nối ASEAN tạo cơ hội tốt cho hợp tác Quan hệ Đối tác Tư nhân - Cộng đồng (PPP).
Các nhà đầu tư Nga có thể quan tâm về các dự án cơ sở hạ tầng của ASEAN trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt. Cộng đồng kinh doanh Nga có thể hợp tác với cộng đồng kinh doanh ASEAN trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng; các nhà đầu tư Nga có thể tham gia vào các dự án PPP về kết nối ASEAN.
Nga có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật dưới hình thức quan hệ đấu thầu, tư vấn để cải thiện sự kết nối ASEAN, như dự án Kết nối Đường sắt Singapore-Kunming (SKRL) và 11 dự án kết nối nội khối khác của ASEAN. Tiềm năng cho tăng cường hợp tác còn nằm ở các lĩnh vực mà Nga có thế mạnh như năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, kinh doanh điện...
Russia Direct: Trong quá khứ Liên Xô có mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia ASEAN. Truyền thống này có ảnh hưởng như thế nào đến các mối quan hệ của chúng ta hiện nay?
Tổng Thư Ký Lê Lương Minh: Liên Xô có quan hệ hữu nghị và nhiều mặt với nhiều nước thành viên ASEAN. Nhiều sinh viên từ các quốc gia ASEAN sang học tập ở Liên Xô và sau đó trở về đất nước của họ phục vụ và nắm giữ nhiều cương vị quan trọng.
Khi Nga trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN năm 1996, các nước này đã ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác và hội nhập lớn hơn giữa ASEAN và Nga. Truyền thống lịch sử nói trên đã góp phần vào củng cố các mối quan hệ hiện tại giữa chúng ta.
Theo VOV
Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy hợp tác an ninh - Nhật Bản khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam thông qua việc đào tạo phát triển nhân lực, thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Chiều 7/7, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp thân mật Đoàn Ủy ban An ninh Hạ nghị viện Nhật bản do...