Hợp tác Nhật Việt Phi: Những khởi đầu mới!
Sự liên kết giữa Nhật – Việt – Phi sẽ làm phá sản âm mưu của Bắc Kinh là chia rẽ các nước ASEAN…
Đã hơn một tháng kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tình hình vẫn đang tiếp tục căng thẳng. Việt Nam vẫn duy trì sự hiện diện của lực lượng chấp pháp tại hiện trường. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng tỏ ra manh động.
Hoa Kỳ và Nhật Bản đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối hành động “đơn phương”, “khiêu khích” của Trung Quốc, tại Đối thoại Shangri-La đầu tháng 6 vừa qua. Dư luận quốc tế cũng đã lên tiếng quan ngại trước những căng thẳng trên Biển Đông, sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981.
Thế nhưng, Trung Quốc vẫn không cho thấy họ sẽ xuống thang trong vụ việc này. Ngược lại, hành động của Bắc Kinh trên thực địa ngày càng đáng lo ngại. Từ chỗ chỉ ngăn cản tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan 981, Trung Quốc đã tiến tới hành động cố tình đâm chìm tàu của Việt Nam. Đây là hành động hết sức nguy hiểm. Thậm chí đã có những lời cảnh báo về khả năng xảy ra xung đột vũ trang.
Tàu đổ bộ Kunisaki thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có mặt tại Đà Nẵng sáng 6/6, mở đầu Chương trình Đối tác Thái Bình Dương kéo dài đến 15/6. (Ảnh: AFP/BBC)
Trong bối cảnh đó, người ta thấy ngoài sự kiềm chế trong việc xử lý căng thẳng hiện nay trên Biển Đông, Việt Nam đã có những động thái mới trong sự hợp tác với Nhật Bản và Philippines.
Mặc dù chưa có một điều tra dư luận chính thức, nhưng vẫn có thể nhận thấy rằng sự hợp tác chặc chẽ hơn giữa Việt Nam với Nhật Bản và Philippines nhận được sự đồng tình của người dân Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ qua rất nhiều ý kiến của cư dân mạng, trong thời gian vừa qua.
Tăng cường sức mạnh cho Việt Nam
Video đang HOT
Lâu nay Việt Nam vẫn theo chính sách “ba không”: Không liên minh quân sự; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình; không liên minh với nước này để chống nước khác.
Chính sách này tương tự như chính sách mà Phần Lan đã áp dụng đối với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Có thể nói chính sách này cũng đã có những kết quả nhất định. Nhưng nay thời thế đã thay đổi. Vì vậy, việc đánh giá lại chính sách này là việc nên làm, nhất là ở tầm chiến lược.
Đại diện hai đoàn Việt – Phi chụp ảnh lưu niệm trên đảo Song Tử Tây ngày 8/6 (Ảnh: Báo QĐND)
Trên phương diện hành động thực tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Philippines và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến Nhật Bản để bàn việc hợp tác. Lần đầu tiên, quân đội Việt Nam đã có những hoạt động giao lưu, hợp tác trên thực địa với quân đội Philippines ở Trường Sa và với Nhật Bản ở Đà Nẵng. Mặc dù, đây chỉ là những hoạt động “phi tác chiến”, nhưng nó đã phát đi những tín hiệu tích cực. Đối với người dân Việt Nam, họ cảm thấy bớt đi cái cảm giác đơn độc, trong việc đối phó với nước láng giềng to lớn và hung hăng ở phương Bắc.
Việc tăng cường hợp tác giữa Việt – Nhật – Phi sẽ giúp các quốc gia này có sự tham vấn, trao đổi kinh nghiệm để đối phó hiệu quả hơn với những thách thức do Trung Quốc gây ra. Nhật Bản cũng đã quyết định cung cấp tàu tuần tra biển cho Philippines và sau đó là Việt Nam, vào năm 2015.
Tăng cường an ninh, ổn định của khu vực
Trung Quốc ngày càng giống hình ảnh một “con ngựa bất kham”. Và người ta sẽ không kiềm chế được con ngựa bất kham ấy chỉ bằng lời lẽ. Cần có một “sợi dây cương”. Sự hợp tác chặc chẽ của ba nước Nhật – Việt – Phi, cộng thêm sự ủng hộ của Hoa Kỳ, sẽ là sợi dây cương đó.
Chiến lược cơ bản của Bắc Kinh là chia rẽ các nước ASEAN, chia rẽ các nước có cùng mối quan ngại về những tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ tự tin hơn nếu “bẻ đũa từng chiếc”. Vì vậy, sự liên kết giữa Nhật – Việt – Phi sẽ làm phá sản âm mưu đó của Trung Quốc.
Sự góp mặt của yếu tố Nhật Bản cũng có khả năng làm cho ASEAN gắn kết hơn, giảm đi tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, như đã từng xảy ra khi Campuchia làm chủ tịch luân phiên của khối ASEAN.
Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc hơn về các hành động của mình trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Họ sẽ nghĩ đến giải pháp đàm phán, thương lượng nhiều hơn là giải pháp dùng sức mạnh. Điều đó sẽ làm cho tình hình an ninh của khu vực ổn định hơn.
Theo Giáo Dục
Trung Quốc đang áp dụng "3 chiêu thức chiến tranh" mới ở Biển Đông?
Theo chuyên gia Richard HuPhó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh tại Đại học Quốc gia Chengchi của Đài Loan, Trung Quốc đang mở rộng "3 chiêu thức chiến tranh" của mình trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Ông Hu cho hay, tờ Nhật báo Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã lần đầu tiên chính thức khai sinh "3 chiêu thức chiến tranh" mới của Trung Quốc vào năm 2003. Đó là chiến tranh dư luận hay chiến tranh truyền thông, chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý.
Có thể hiểu nôm na rằng, chiến tranh tâm lý là những nỗ lực gây ảnh hưởng hoặc làm gián đoạn khả năng ra quyết định của đối phương, tạo sự nghi ngờ và kích động chống đối lãnh đạo cũng như đánh lừa đối thủ. Các đòn tấn công bao gồm áp lực ngoại giao, dựng chuyện, thêu dệt tin đồn và sách nhiễu để đe dọa đối phương.
Về chiến tranh truyền thông, hay còn gọi là chiến tranh dư luận, Trung Quốc liên tục tung ra các hoạt động gây ảnh hưởng đến nhận thức và thái độ. Mục tiêu là làm suy yếu ý chí chiến đấu và thay đổi nhận thức của đối phương, đồng thời hỗ trợ chiến tranh tâm lý và pháp lý.
Tàu Trung Quốc chủ động tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam
Trong khi đó, chiến tranh pháp lý khai thác các khía cạnh luật pháp để đạt được mục tiêu chính trị và thương mại. Trung Quốc hiện đang vận dụng và lợi dụng nó để củng cố các yêu sách lãnh thổ bất hợp pháp và mở rộng kiểm soát trên Biển Đông, cũng như biển Hoa Đông. Các công cụ tiến hành "chiến tranh pháp lý" thường được sử dụng kết hợp bao gồm: pháp luật trong nước, luật pháp quốc tế, tư pháp, tuyên bố pháp lý và thực thi pháp luật,
Ba chiêu thức này từ lâu đã được Bắc Kinh thông qua và áp dụng với các vấn đề Đài Loan, nhưng bây giờ, chiến trường đã chuyển từ eo biển Đài Loan tới Biển Đông, theo ông Richard Hu.
Mặc dù đây là ý kiến của chuyên gia, song, với những gì đang diễn ra ở Biển Đông, có thể thấy Trung Quốc đang tiến hành một "cuộc chiến truyền thông" và "cuộc chiến tâm lý". Bắc Kinh đã bịa đặt không ngượng mồm khi ngang nhiên dựng chuyện tàu Việt Nam đâm va vào vào các tàu Trung Quốc đang bảo vệ hoạt động trái phép của giàn khoan 981 trong vùng biển chủ quyền Việt Nam.
Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/6, Bắc Kinh tiếp tục vu cáo Việt Nam dùng phương tiện đâm va vào các tàu hải cảnh Trung Quốc 1.416 lần tại khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981, bất chấp thực tế là lực lượng chấp pháp Việt Nam chỉ đấu tranh bằng phương thức hòa bình.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trắng trợn vu cáo rằng "Việt Nam đã cử một lượng lớn tàu, người nhái và thả nhiều chướng ngại vật, trong đó có lưới đánh cá", xuống vùng biển mà Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan 981.
Reuters trích thông cáo viết "ngày 7/6, vào lúc cao điểm có 63 tàu của Việt Nam vượt hàng rào của Trung Quốc để đâm vào các tàu Trung Quốc tổng cộng 1.416 lần".
Cũng trong thông cáo trên, Trung Quốc nói rằng nước này đã liên lạc với Việt Nam "30 lần ở nhiều cấp khác nhau" và muốn quan hệ tốt với láng giềng nhưng họ "có những nguyên tắc không thể bỏ qua".
Điều đáng nói là những thông tin này được đưa ra mà không có bất cứ bằng chứng nào kèm theo. Và thực tế là, chính các tàu của Trung Quốc đã tổ chức tấn công các tàu Việt Nam, sử dụng đến cả các tàu quân sự, máy bay quân sự và tàu cá vỏ sắt.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trước đó cho biết, Việt Nam đã hết sức kiên trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao với Trung Quốc, kiên trì sử dụng mọi biện pháp hòa bình để thực hiện yêu cầu Trung Quốc phải đưa ngay giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, ngừng ngay các hành vi gây căng thẳng tại khu vực. Quyết tâm và thiện chí của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ và đánh giá cao, nhưng đáp lại, Trung Quốc lại càng hung hăng hơn. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đưa ra những luận điệu sai trái về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo Petrotimes
Học giả Trung Quốc: Ở cạnh nước lớn không muốn bị đánh phải ngoan?! Họ có súng ống, vũ khí tối tân hiện đại thật đấy, nhưng người Việt lại luôn biết "lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo". Một số học giả, quan chức và giới truyền thông nhà nước Trung Quốc luôn tỏ ra diều hâu, hiếu chiến với láng giềng, lúc nào cũng chỉ thích nói chuyện...