Hợp tác để quản lý tài nguyên nước trên dòng Mê Công
Mê Công là dòng sông chảy qua nhiều quốc gia. Nếu không làm việc trên tinh thần hợp tác thì hành động của quốc gia này sẽ gây tác động bất lợi cho quốc gia khác. Do đó, các nhà khoa học khẳng định cần hợp tác để quản lý tài nguyên nước Mê Công.
Vấn đề sống còn
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị quốc tế khởi động cho Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công, ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường bày tỏ quan ngại về các dự án phát triển thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh, các dự án thủy lợi và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản… trên sông Mê Công. Ông cho hoạt động trên tuy tạo ra lợi ích cho phát triển kinh tế – xã hội nhưng cũng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và chất lượng nước.
Đặc biệt là thủy điện đang được phát triển hàng loạt trên dòng Mê Công đang khiến các nhà khoa học tham dự hội nghị lo ngại. Hiện các thủy điện trên sông Mê Công được phát triển chủ yếu ở lãnh thổ Lào, Campuchia và biên giới Lào – Thái Lan.
Lưu vực hạ lưu sông Mê Công sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề nếu phát triển mạnh thủy điện trên dòng sông này (ảnh: Quốc Long)
Theo TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường Việt Nam, việc phát triển thủy điện trên dòng Mê Công có thể gây ra 2 hệ lụy chính có ảnh hưởng đến Việt Nam. Thứ nhất là làm biến đổi dòng chảy của sông, gây hại cho hệ sinh thái. Thứ 2 là nước về hạ lưu sẽ không còn chở nặng phù sa và hạ lưu sẽ không có phù sa bồi đắp, cộng với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu thì tốc độ ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long sẽ nhanh hơn.
Phát biểu trong phiên khai mạc, ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, đại diện đối tác phát triển của Ủy hội sông Mê Công quốc tế nêu ra nhiều thách thức đối với sự phát triển khu vực liên quan đến vấn đề năng lượng, nguồn nước và lương thực. Ông Benedito Braga, Chủ tịch Hội đồng Nước thế giới cũng cho biến đổi khí hậu có nhiều tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước trên sông Mê Kông, gây ảnh hưởng xấu đến các vấn đề kinh tế, xã hội trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Thái Lai, với nền kinh tế và dân số phát triển nhanh như Việt Nam, viêc đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực là vân đê sông con đôi vơi nước ta. Thách thức ở đây không chỉ là sản xuất lương thực ở đồng bằng Mê Công khó khăn do biến đổi khí hậu, thách thức còn đến từ việc khai thác thủy điện trên dòng sông này để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của các nước trong khu vực.
Các đại biểu tham dự hội nghị đều nhìn nhận việc hợp tác trong lưu vực sông Mê Công là rất quan trọng
Hợp tác để cùng phát triển
Video đang HOT
Theo Ủy hội sông Mê Công quốc tế, hiệp định hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công do 4 nước thuộc hạ lưu sông Mê Công (Campuchia, Lào, Thái lan và Việt Nam) ký năm 1995 là cơ sở pháp lý cơ bản thành lập Uỷ hội sông Mê Công. Theo hiệp định, 4 nước cam kết: “…hợp tác trong mọi lĩnh vực phát triển, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và liên quan tới nước lưu vực sông Mê Công”. Sự hợp tác này “nhằm mục đích sử dụng tổng hợp tối ưu và cùng có lợi cho cả 4 nước thành viên và giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi do tác động tự nhiên và hoạt động của con người”.
Do vậy, ông Nguyễn Thái Lai kỳ vọng hội nghị cấp cao lần thứ 2 sẽ tập trung ứng phó, giải quyết các thách thức đối với lưu vực sông Mê Công. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là cần tiếp tục thực hiện các cam kết hợp tác mà 4 nước thành viên của Ủy hội đã đạt được tại các hội nghị, hiệp định trước đây.
Trong bài tham luận của mình, ông Anoulak Kittikhoun, thành viên Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công cũng nhấn mạnh các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công cần phải ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, xây dựng những lợi ích chung, những dự án hợp tác chung trong phạm vi 2 nước hoặc nhiều nước. Từ đó, các bên mới có thể tạo nên sự hợp tác và chia sẻ lợi ích chung từ nguồn nước dòng Mê Công.
Ông Anoulak Kittikhoun đề nghị các nước cần ngồi lại với nhau trên tinh thần xây dựng vì lợi ích chung
Ông Fritz Holzwarth, Bộ Môi trường – Bảo tồn thiên nhiên – Xây dựng & An toàn hạt nhân Đức đánh giá khu vực sông Mê Công là một điển hình của quan hệ xuyên biên giới. do đó, các nước cần nhìn nhận các vấn đề liên quan đến nó dưới góc nhìn của quan hệ xuyên quốc gia. Nếu không làm việc trên tinh thần hợp tác thì hành động của quốc gia này sẽ gây tác động bất lợi cho quốc gia khác. Nếu ai cũng tự làm theo ý mình thì đến các nước giàu có cũng sẽ gặp khó khăn.
Tại hội nghị An ninh nguồn nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các nhà khoa học quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm nhiều mô hình quản lý, hợp tác khai thác những dòng sông xuyên biên giới như lưu vực sông Danube, Orange Senqu, Senegal, Sava, Nin… Các nhà khoa học đều nhấn mạnh đến mối liên kết giữa nước và năng lượng, lương thực cũng như tầm quan trọng của việc hợp tác để cùng phát triển.
Tùng Nguyên
Theo Dantri
Đại diện UNESCO: "Tôi ước có tuổi thơ lớn lên ở Nam Bộ"
Trong bài phát biểu tại lễ trao bằng công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào Danh sách đại diện Di sản phi vật thể của nhân loại, đại diện UNESCO- Katherine Muller Marin khẳng định, bà ước đã được lớn lên ở vùng Nam Bộ- Việt Nam.
Lễ trao bằng công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành Di sản phi vật thể của nhân loại vừa diễn ra đêm 11/2, tại TpHCM. Phát biểu tại buổi lễ, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, TS. Katherine Muller- Marin đã có bài phát biểu xúc động. Trong bài phát biểu của mình, TS. Katherine Muller Marin dành nhiều lời ngợi ca cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam. Đây là môn nghệ thuật "...đưa con người đến gần nhau hơn, gợi lên cuộc sống trên mảnh đất miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, phản ánh tâm tư tình cảm của họ, cũng như sự chuyên cần, lòng quả cảm và khí phách của người dân nơi đây...".
TS Katherine Muller Marin khẳng định, bà ước có một tuổi thơ lớn lên ở vùng đất Nam Bộ để được đắm mình trong những câu hát, câu đờn thấm đượm tình cảm như Dạ cổ hoài lang của nghệ sỹ Cao Văn Lầu, hay những cung bậc đầy cảm xúc của những nhạc cụ đa dạng và độc đáo này...
TS. Katherine Muller Marin cũng dành lời chúc mừng tới văn hóa thấm đẫm truyền thống của Việt Nam đã có những tinh túy như Nghệ thuật đờn ca tài tử để thế giới hiểu hơn về đời sống tinh thần của người Việt, và cùng người Việt nâng niu, giữ gìn bản sắc.
Bà Katherine Muller- Marin tại lễ trao bằng công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào Danh sách đại diện Di sản phi vật thể của nhân loại, 11/2.
Chúng tôi xin trích đăng lại nguyên văn bài phát biểu của TS. Katherine Muller Marin tại Lễ trao bằng công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành Di sản phi vật thể của nhân loại:
"Một dây kết bạn đồng tâm,
Hai dây kết bạn tri âm suốt đời"
Kính thưa Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Kính thưa quý vị,
Những đúc kết này của một nghệ sỹ đờn ca tài tử khuyết danh giúp giải thích vì sao Nghệ thuật đờn ca tài tử đã trở thành một phần không thể thiếu được trong đời sống của những người nắm giữ truyền thống văn hóa này ở khắp 21 tỉnh thành Nam Bộ Việt Nam
Môn nghệ thuật này đưa con người đến gần nhau hơn, gợi lên cuộc sống trên mảnh đất miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, phản ánh tâm tư tình cảm của họ, cũng như sự chuyên cần, lòng quả cảm và khí phách của người dân nơi đây .
Tôi ước rằng mình có một tuổi thơ lớn lên ở vùng đất Nam Bộ, như rất nhiều quý vị ở đây, được đắm mình trong những câu hát, câu đờn thấm đượm tình cảm, như Dạ cổ hoài lang của cố nghệ sỹ Cao Văn Lầu, hay những cung bậc đầy cảm xúc của những nhạc cụ đa dạng và độc đáo này.
UNESCO tin rằng di sản văn hóa phi vật thể phải thuộc về cộng đồng, được liên tục trao truyền và tái tạo để đảm bảo rằng những người nắm giữ di sản và con, cháu của họ được tiếp tục giữ gìn và phát huy văn hóa của mình.
Chúng tôi mong rằng Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ sẽ tiếp tục được tái tạo thông qua giao lưu văn hóa giữa các nhóm cộng đồng, trong sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau, tăng gắn kết cộng đồng và đề cao bản sắc văn hóa thông qua trao đổi âm nhạc, phát huy sự đa dạng của các cộng đồng, nhóm người và cá nhân.
Vì tất cả những lý do trên, tại phiên họp thường niên lần thứ 8 được tổ chức tại thành phố Baku, Azerbaijan, Ủy ban Liên chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã quyết định ghi danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tình yêu và quyết tâm bảo vệ truyền thống này của các bạn đã cho người dân Việt Nam và trên toàn thế giới niềm hân hạnh được thưởng thức, tìm tòi, và có cơ hội phần nào hiểu về nền văn hóa tươi đẹp và phong phú của các bạn.
Kính thưa quý vị,
Cũng nhân dịp này, thay mặt UNESCO, tôi xin hoan nghênh Việt Nam về những thành công trong việc đưa khái niệm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vào các chính sách quốc gia trong hơn một thập kỷ qua.
Những nỗ lực này chính là những biện pháp cụ thể và hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức về Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và thực thi những nguyên tắc của Công ước này.
Chúng tôi cũng rất hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục tiên phong trong các nỗ lực quốc tế nhằm đưa văn hóa thành một ưu tiên quan trọng của chương trình nghị sự sau 2015.
Tôi cũng xin tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trên con đường dài, nhưng vô cùng thú vị và đầy ý nghĩa, của công cuộc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của đất nước đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.
Đêm nay, tôi rất tự hào được có cơ hội quý báu này để trao cho những người nắm giữ di sản Đờn ca tài tử của 21 tỉnh thành Nam Bộ chứng nhận của UNESCO về sự công nhận vinh dự này.
Đây thật là một sự bắt đầu hoàn hảo cho năm mới.
Chúc mừng năm mới!
Theo Dantri
Vẻ đẹp khó cưỡng ở vựa hoa miền Cửu Long Làng hoa Sa Đéc được ví là vựa hoa cung cấp cho các tỉnh ở Khu vực ĐBSCL và TP.HCM. Hoa ở vùng đất này được trồng quanh năm, nổi tiếng với hàng nghìn loại hoa khác nhau: hồng, cúc, vạn thọ, mai, lan,... Các loại hoa được trồng nhiều nhất ở phường Tân Quy Đông, phường An Hòa và xã Tân Khánh...