‘Hợp tác ASEAN đẩy lùi Covid-19: Đoàn kết là sức mạnh’
Với sự đoàn kết của các nước thành viên ASEAN và các đối tác, Việt Nam tin tưởng ASEAN sẽ vượt qua thử thách COVID-19.
VTC News trân trọng giới thiệu bài viết “Hợp tác ASEAN đẩy lùi Covid-19: Đoàn kết là sức mạnh” của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về nỗ lực của Việt Nam, với vai trò chủ tịch ASEAN trong việc ứng phó đại dịch COVID-19 tại khu vực.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Chống dịch là trách nhiệm chung
Thế giới đang phải vật lộn để vượt qua một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, mà nguyên nhân lại do một con virus rất nhỏ bé nhưng không phân biệt biên giới, có thể len lỏi đến mọi ngóc ngách, đe dọa sự sinh tồn của từng con người, từng cộng đồng và tương lai chung của nhân loại.
Chống dịch là trách nhiệm chung của từng quốc gia, từng chính phủ và các cơ chế khu vực và toàn cầu. Tại Đông Nam Á và trên thế giới, chính phủ và người dân đang triển khai các hành động quyết liệt để chiến đấu chống lại kẻ thù chung này.
Đặc biệt, các quốc gia thành viên ASEAN đã quan tâm hỗ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ tối đa công dân ASEAN ở nước mình. Điều đó cho thấy tinh thần đoàn kết và lớn hơn là sự hợp tác, phối hợp quốc tế là những thành tố thiết yếu hơn bao giờ hết.
Là tổ chức đóng vai trò trung tâm ở khu vực, ASEAN chính là mái nhà chung để các quốc gia thành viên cùng nhau vượt qua cơn bão đại dịch này.
Lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35.
Trong lịch sử hơn năm thập kỷ hình thành và phát triển, sau mỗi khó khăn, thách thức và khủng hoảng, chúng ta lại mạnh mẽ hơn trước. Nay chính là thời điểm ASEAN tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó và thể hiện sứ mệnh của mình là làm chỗ dựa cho các quốc gia thành viên trong lúc gian nguy nhất.
ASEAN đoàn kết chống COVID-19
Ngay từ đầu năm nay, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho năm 2020 là “ASEAN – Gắn kết và chủ động thích ứng”, nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động.
Sự bùng phát bất ngờ và những hệ lụy, đảo lộn mọi mặt chưa từng có tiền lệ của COVID-19 cho thấy chủ đề và phương châm đó thật đúng lúc và đích đáng hơn bao giờ hết.
Từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Việt Nam đã cùng ASEAN thực sự thể hiện khả năng phản ứng mau lẹ, kịp thời với đại dịch cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa các thành viên.
Video: Tâm sự đầy nước mắt của bác sĩ Việt Nam ở tuyến đầu chống COVID-19
ASEAN đã sớm có Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN đối với COVID-19 (ngày 14/2) và tiếp đó là một loạt những cuộc họp cấp Bộ trưởng quan trọng trên các lĩnh vực y tế, kinh tế, quốc phòng, nhằm bảo đảm sự phối hợp đồng bộ trong phòng chống dịch.
Đồng thời, ASEAN đã kịp thời tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác đối thoại như Trung Quốc, EU, Mỹ và các tổ chức quốc tế quan trọng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh.
ASEAN không phải là một ốc đảo tự thân. Sức khỏe người dân và sức khỏe của nền kinh tế ASEAN gắn chặt với khu vực Đông Á và toàn cầu. Các nước trong khu vực chúng ta đều là những nơi chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 nhưng đã có những nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc chiến chống dịch, và đến nay đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu có thể chia sẻ với nhau.
Tiêu biểu là việc phát hiện sớm, thực hiện cách ly và giãn cách xã hội, yêu cầu đeo khẩu trang đại trà, nâng cao ý thức và khuyến khích người dân cùng tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh.
Cùng chung tay với nỗ lực hợp tác quốc tế gần đây trong ứng phó COVID-19 ở nhiều diễn đàn khác nhau như G-7, G-20, Liên hợp quốc…, chúng ta tin tưởng vào tinh thần quốc tế mạnh mẽ hơn và gắn kết hơn từ các nỗ lực và sáng kiến của ASEAN.
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 3 năm 2020 họp trực tuyến bàn đối phó COVID-19.
Trước mắt, ngày 14/4 tới, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN 3 đặc biệt (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về COVID-19.
Các nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng chống dịch bệnh đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.
5 nhóm giải pháp
Những trao đổi và kinh nghiệm của chúng ta thời gian qua cho thấy, ASEAN và các đối tác cần tập trung vào một số hướng giải pháp sau trong ứng phó và đẩy lùi COVID-19.
Thứ nhất, khẩn trương huy động các nguồn lực chung, đặc biệt là các kho vật tư y tế dự phòng chung của khu vực để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp; lập quỹ hợp tác ứng phó đại dịch COVID-19 trên cơ sở tranh thủ các nguồn lực hiện có và sự hỗ trợ của các đối tác, trong đó có Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới.
Thứ hai, chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách và hành động, tập trung vào xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống dịch bệnh; trước mắt là tổ chức diễn tập trực tuyến giữa các nước về ứng phó dịch bệnh.
Thứ ba, chống dịch cần đi đôi với chống suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội. Trong đó, người dân cần được đặt vào vị trí trung tâm; không để một quốc gia nào đơn lẻ trong cuộc chiến chống dịch và không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thứ tư, xây dựng chiến lược về kết thúc dịch ở từng quốc gia và có sự phối hợp ở cấp độ khu vực, nhằm vừa nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, vừa sớm đưa đời sống kinh tế – xã hội của các quốc gia trở lại quỹ đạo bình thường, ổn định.
Thứ năm, cùng nhau chia sẻ và kiên trì thực hiện các giá trị chung về tự do thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư, không để các chuỗi cung ứng bị đứt quãng; sớm bình thường hóa các hoạt động giao thương và lưu chuyển xuyên biên giới khi đã kiểm soát được dịch… nhằm tận dụng mọi động lực để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bao trùm và bền vững trong toàn khu vực.
Hơn bao giờ hết, chúng ta thấu hiểu tầm quan trọng của tư duy Cộng đồng và hành động Cộng đồng. Đó cũng là trách nhiệm chung và vai trò trung tâm của ASEAN trong đóng góp vào việc bảo đảm một thế giới và khu vực hậu đại dịch sẽ tiếp tục hội nhập, phát triển thịnh vượng và bền vững hơn
Trong 3 tháng qua, những nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã thể hiện đúng tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng.
Cùng với sự đoàn kết, gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN và sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của các đối tác, Việt Nam tin tưởng rằng, con thuyền ASEAN sẽ cùng khu vực và thế giới vượt qua thử thách đại dịch này.
SONG HY
ASEAN đối phó Covid-19: Cần sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất
ASEAN ngày 9/4 nhất trí thành lập một quỹ ứng phó với Covid-19 trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo điều tồi tệ nhất có thể vẫn chưa xảy ra.
Quyết định thành lập quỹ ứng phó được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 25 về Covid-19. Theo đó, quỹ hoạt động với mục tiêu huy động các nguồn lực tài chính để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vaccine phòng chống Covid-19, và chuẩn bị cho các phản ứng khẩn cấp trong tương lai.
Các Bộ trưởng cũng bày tỏ cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hơn nữa nỗ lực chung nhằm khống chế dịch Covid-19 và tác động kinh tế và xã hội mà đại dịch này gây ra cho khu vực, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc chiến phòng chống dịch tại mỗi nước.
Bộ trưởng Brunay Dato Erywan Pehin Yusof nhấn mạnh: "Chúng ta cần người dân tin tưởng vào chính phủ, trong khi chính phủ cũng cần cung cấp cho người dân một cách minh bạch và rõ ràng về tình hình dịch bệnh, đưa ra các khuyến cáo cùng biện pháp để cùng nhau hợp tác vượt qua thách thức hiện nay. Tôi cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chống lại các tin tức giả đang lan tràn gây sự hoang mang trong bộ phận người dân"
Tại hội nghị, từng Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã lần lượt tuyên bố bằng ngôn ngữ của nước mình cùng một câu nói: "Chúng tôi đoàn kết với các quốc gia thành viên ASEAN trong cuộc chiến chống Covid-19".
Những nỗ lực chung của ASEAN đưa ra khi số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng nhanh chóng gần đây, làm dấy lên những quan ngại rằng khu vực ASEAN có thể trở thành tâm dịch tiếp theo. Những nước có hệ thống chăm sóc y tế nghèo nàn như Indonesia và Philippines, được đánh giá là có nguy cơ cao nhất.
Nhiều chuyên gia nhận định, có lẽ điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến với khu vực Đông Nam Á, với nhiều nguy cơ tiềm ẩn phía trước. Tháng 4 là thời điểm lễ hội tết truyền thống của một số quốc gia như Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar. Indonesia đang chuẩn bị tiếp nhận một làn sóng lao động di trú trở về từ Malaysia và Tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu từ cuối tháng 4/2020 với hàng triệu người Indonesia trở về quê hương.
Tổng thống Indonesia Joco Widodo ngay lập tức yêu cầu người dân phải tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội: " Điều quan trọng nhất là giãn cách xã hội, tránh việc tụ tập đông người. Mọi người cần làm việc hay cầu nguyện tại nhà. Các chính sách giãn cách xã hội phải được tuân thủ nghiêm túc và kỷ luật hơn".
Hiện các nước cũng đang tích cực đưa ra biện pháp để đối phó với Covid-19 nhằm ngăn chặn viễn cảnh xấu nhất. Philippines đã áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài một tháng trên hòn đảo chính Luzon với 60 triệu dân, trong đó, quân đội được huy động để hỗ trợ thực thi lệnh phong tỏa này.
Malaysia đóng cửa biên giới và tạm dừng các hoạt động kinh doanh không cần thiết từ giữa tháng 3, đồng thời phạt nặng những người vi phạm.Thái Lan đã đưa ra những chính sách thậm chí còn nghiêm khắc hơn như lệnh giới nghiêm và hạn chế phát ngôn gây hoang mang.
Singapore cũng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn virus từ sớm và có một hệ thống y tế tiên tiến. Nhưng ngay cả Chính phủ Singapore cũng đang ở trong tình trạng báo động trước thực trạng số ca nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng, gây hạn chế cho hoạt động kinh tế, nhấn mạnh thêm những thách thức đang chờ đợi đối với các quốc gia láng giềng.
Phạm Hà
Hội nghị cấp cao ASEAN và ASEAN+3 họp trực tuyến ngày 14/4 Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN 3 về Ứng phó dịch bệnh COVID-19 sẽ được tổ chức hôm 14/4 theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì các hội nghị này trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trước đó cũng đề...