‘Hộp nhạc ma quái’: Câu chuyện kinh dị mới mẻ nhưng chưa trọn vẹn
Nối dài chuỗi những chiếc hộp kinh dị của màn ảnh rộng, mùa hè năm nay, đạo diễn John Real đã cho ra mắt bộ phim “ Hộp nhạc ma quái”.
Nối tiếp chuỗi câu chuyện về những chiếc hộp
Hộp nhạc ma quái (tên tiếng Anh: The Music Box) là câu chuyện xoay quanh hai dì cháu Annabelle ( Rachel Daigh) và Sophie ( Cearl Pepper). Cô bé Sophie 6 tuổi bị tổn thương nặng sau cái chết của bố mẹ, phải liên tục điều trị tâm lý. Vì vậy, người giám hộ của Sophie là Annabelle đã đưa cháu mình đến thuê tạm một ngôi nhà để ở.
Trong lúc dọn dẹp lại mảnh vườn, Sophie vô tình phát hiện một chiếc hộp được chôn sâu dưới lòng đất. Vì tò mò, hai dì cháu đã mở ra và tìm thấy bên trong có một hộp nhạc. Sophie từ ngày có hộp nhạc bỗng trở nên vui vẻ, giao tiếp nhiều hơn và luôn miệng nhắc đến một người bạn tên là Lania. Tuy nhiên, hai dì cháu đều không hề hay biết đó chính là một linh hồn oán hận, chết do bị giết. Cô bé ra đi khi chỉ mới 10 tuổi và khao khát được yêu thương. Đó cũng là lý do oan hồn này muốn cướp đi mạng sống của người sở hữu hộp nhạc, đi theo người thân của họ để thay vào vị trí của nạn nhân.
Có thể xem Hộp nhạc ma quái như một mảnh ghép thú vị trong chuỗi những chiếc hộp chết chóc đáng sợ của màn ảnh rộng. Sau hộp nhạc trong The Conjuring, hộp gỗ trong The Possession, hộp điều ước trong Wish Upon, thì bây giờ hộp nhạc trong The Music Box sẽ là nỗi ám ảnh mới về những chiếc hộp…
Khi những tình tiết quan trọng bị bỏ qua đầy tiếc nuối…
Nhìn chung, câu chuyện của Hộp nhạc ma quái mang đến cho khán giả cảm giác mới lạ so với những phim kinh dị Âu Mỹ khác. Cốt truyện được khai thác ở khía cạnh mới mẻ hơn, tạo dựng hình ảnh linh hồn chỉn chu, gây ám ảnh nhiều hơn, chứ không đơn thuần chỉ là con quái vật dị thường như một số tác phẩm của dòng phim này. Điều đáng nói, chính là sự khéo léo trong cách sử dụng âm thanh quen thuộc từ chiếc hộp nhạc. Những đoạn nhạc được ngân lên đúng lúc, đúng bối cảnh đã tạo sự ám ảnh đến rợn người cho khán giả. Sau khi thưởng thức bộ phim, nếu ở nhà có hộp nhạc, tôi cá là bạn sẽ phải mang nó đi chôn đấy!
Tuy nhiên, nếu là một tín đồ của dòng phim kinh dị và đòi hỏi cao ở những bộ phim thể loại này thì đây thật sự không phải một tác phẩm ấn tượng. Mở đầu đầy lôi cuốn, diễn biến kịch tính và tạo được hứng thú cần thiết cho khán giả nhưng kết phim lại hoàn toàn gây thất vọng. Cú “out” phim và “out” luôn cả cảm xúc chính là khuyết điểm lớn nhất của The Music Box, nếu xét về tổng thể. Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết, đó lại là một câu chuyện khác.
Trong phim, một số tình tiết lẽ ra cần phải được khai thác kĩ hơn, lại bị bỏ qua một cách đáng tiếc. Đầu tiên phải kể đến chính là cái chết của bố mẹ Sophie. Thiết nghĩ, việc lồng ghép lời giải thích vào một phân cảnh nào đó không tốn nhiều thời lượng, nhưng lại khiến người xem hiểu rõ hơn về nhân vật nhí này, đồng cảm với cô bé và tạo cảm giác dễ chịu cho khán giả vì ít nhất họ không phải tò mò hay đoán già đoán non. Tiếp đó, chính là nguyên nhân cái chết của linh hồn Lania. Đây lẽ ra phải là chi tiết được xoáy vào nhiều nhất trong phim, để dẫn đến nỗi hận thù chất chứa của oan hồn này sau rất nhiều năm đã qua. Vậy mà tình tiết này lại chỉ được điểm qua một cách rất mờ nhạt trong kí ức và những cơn ác mộng của nhân vật Annabelle.
Chưa dừng lại ở đó, sự “non” trong cách xây dựng nhân vật nhà ngoại cảm Nills ( Fiona Whitelaw) và chàng bác sĩ tâm lý Loris ( Antonio Lujak) cũng gây thất vọng cho người xem. Một nhà ngoại cảm nghiên cứu về những hiện tượng siêu nhiên lại tỏ ra khá kém cỏi trước một linh hồn. Về cơ bản, bà chỉ giúp dì cháu Annabelle trong việc cầu cơ, gọi linh hồn một nhà ngoại cảm khác đã khuất, nhưng đó âu cũng chỉ là ăn may nhất thời. Riêng về nhân vật Loris, tuyến tình cảm giữa anh và Annabelle được điểm qua trong vài phân cảnh nhưng chỉ dừng lại ở một nụ hôn, sự động viên bằng lời nói. Phần còn lại của câu chuyện, từ việc chôn chiếc hộp cho đến giải quyết nút thắt của câu chuyện đều do Annabelle đảm nhận. Có thể nói, trong câu chuyện này, dì cháu Annabelle chỉ đang giải quyết vấn đề do chính mình tạo ra mà thôi.
Kết
Cuối cùng, chính là cái kết gây quá nhiều tiếc nuối cho khán giả và những câu hỏi bị bỏ dở sau khi phim kết thúc. Thậm chí, khán giả còn chưa kịp hiểu ra vì sao vấn đề được giải quyết và giải quyết bằng cách nào. Đây không phải là sai lầm hiếm gặp ở dòng phim kinh dị. Khai thác tốt chất liệu sẵn có nhưng cách giải quyết nút thắt để thỏa mãn khán giả vẫn là câu hỏi lớn đối với các nhà làm phim. Vết xe đổ “đầu voi đuôi chuột” đã có không ít tác phẩm đi qua, nhưng khuyết điểm phổ biến và đặc trưng của dòng phim này chưa được khắc phục tốt tính đến hiện tại.
Trailer phim.
Phim được công chiếu tại tất cả cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 27/07/2018.
Theo Saostar
Sau 'Truth or Dare', đến lượt phim kinh dị hạng nặng về Ông kẹ 'Slender Man' bị cấm chiếu
Ông kẹ "Slender Man" đã khiến cho fan của thể loại phim kinh dị phải đau lòng khi có thông tin sẽ không trình chiếu tại thị trường Việt Nam.
Slender Man xoay quanh nhân vật thường xuyên được đem ra để hù doạ, dạy dỗ trẻ con nhưng dần dần cũng trở thành những truyền thuyết ám ảnh cả người lớn. Một số những "ông kẹ" đã thực sự bước ra ngoài đời thực với những vụ án kinh điển khiến cả thế giới rùng mình hoài nghi. Sắp tới, Hollywood sẽ kể lại nỗi sợ hãi mang tên "Slender Man" bằng ngôn ngữ hình ảnh và câu chuyện man rợ phía sau.
Bộ phim được dự kiến khởi chiếu vào ngày 10/08 năm nay, thế nhưng mới đây từ phía nhà phát hành phim tại Việt Nam đã xác nhận phim không ra rạp.
Phim do hãng phim chuyên làm phim kinh dị Screen Gems (trực thuộc Sony) thực hiện, nổi tiếng với loạt phim Resident Evil, Underworld, Don't Breathe, Hostel,... Phim có sự góp tay của nhà biên kịch nổi tiếng ở mảng kinh dị David Birke, người từng chắp bút cho Freeway Killers, 13 Sins, Elle,... Ghế đạo diễn được giao cho nhà làm phim tài năng Sylvain White, chuyên trị các bộ phim đen tối như Sleepy Hollow, The Americans,... Slender Man là một nhân tố mới lạ của dòng phim kinh dị, được dự đoán sẽ là nét chấm phá đặc sắc trên màn ảnh rộng 2018.
Slender Man có nội dung xoay quanh 4 bé gái thực hiện nghi thức để vạch trần hiện tượng này, vì nạn nhân của Slender Man hầu hết là trẻ em, người thì mất tích, người thì hóa điên dại, có người tự sát. Thế nhưng 1 trong 4 đã mất tích một cách bí ẩn.
Những hình ảnh cắt ghép về giòi bọ, virus, bệnh tật lây lan khiến Slender Man trở thành đối tượng vừa đáng sợ vừa đáng ghê tởm. Nạn nhân của hắn được rải rác từ đầu đến cuối trailer khiến đây tựa như một thứ bệnh dịch nguy hiểm, có khả năng tước đi nhân tính và sức lực, biến một người bình thường trở nên hung hãn, khát máu hoặc thậm chí tuyệt vọng, phải tìm đến cái chết. Slender Man không hẳn là ma (ghost), lại càng không phải quỷ (demon) hay thực thể xấu xa (devil). Chính xác hơn cả thì Slender Man được coi là một sinh vật siêu năng lực huyền bí sở hữu nhiều khả năng quái dị và có hứng thú đặc biệt với trẻ em.
Chính vì nội dung mang đến những "tội ác" tìm đến trẻ con và những bi kịch không ai muốn nhắc lại vào năm 2009 và 2014, nên nhận được vô số lời chỉ trích khi phim chuẩn bị ra mắt khán giả. Còn đối với thị trường phim ảnh Việt Nam thì những thông tin như thế không thể vượt qua vòng kiểm duyệt. Cuối cùng nhà phát hành của phim đã chính thức xác nhận thông tin này. Sau Slender Man có lẽ "thị trường phim kinh dị sẽ khó sống hơn" ở Việt Nam khi trước đó hàng loạt phim thuộc thể loại này như Truth or Dare, The Strangers, Prey at night hay cả You Shall Not Sleep.
Chính vì điều này mà fan lại càng lo lắng hơn cho số phận của The Nun và The Purge 4,...
Theo Saostar
Khiếp sợ lẫn cảm động trước câu chuyện về quái thú rừng sâu Có những truyền thuyết về quái vật ăn thịt người từng đeo bám tuổi thơ biết bao đứa trẻ. Khai thác nỗi sợ hãi về loài quái thú man rợ và hành trình tiến hoá đầy kinh hoàng của một cô bé khác người, Wilding (tựa Việt hoá: Quái Thú Rừng Sâu) giàu phá cách trong lối kể chuyện. Tác phẩm kết hợp...