Họp lớp kỳ nghỉ lễ
Gần tới kỳ nghỉ lễ, anh đi công tác về sớm hơn dự định. Chị và các con mừng rỡ đón anh. Mấy mẹ con bảo nhau: “Thế là dịp nghỉ lễ này cả nhà mình được ở bên nhau”.
Vậy mà, hôm sau anh bảo chị: “Dịp nghỉ mùng 2 tháng 9 này, hội bạn cấp 2 của anh tổ chức họp lớp em ạ. Anh đã đồng ý đi rồi”. Chị thở dài cười nhẹ.
Chỉ thoáng buồn, nhưng chị cũng không ngạc nhiên vì anh thường xuyên như vậy. Ngày mới cưới, con còn nhỏ, chị mong ngày lễ cả hai vợ chồng được nghỉ, anh sẽ đưa hai mẹ con về thăm ông bà ngoại. Nhưng không, anh còn bận đi họp lớp, đi chơi với các bạn nhóm học cùng đại học, nhóm cấp 3, nhóm cấp 2…
Mà lạ một điều, bạn bè của anh cứ nhằm vào dịp nghỉ lễ để tổ chức họp lớp. Có lần chị bảo: “Hình như các bạn của anh không có gia đình thì phải. Ngày lễ, ngày Tết là để gia đình đoàn viên, nhưng năm nào bạn anh cũng nghĩ ra lý do để gặp nhau dịp này”. Anh gắt lên: “Thì chỉ dịp này mọi người mới cùng được nghỉ chứ sao”. Thế là hai vợ chồng giận nhau, anh lấy cớ đi họp lớp luôn một mạch vài ngày mới về.
Ảnh tư liệu
Sau này, chắc do nhiều gia đình “phản ứng” nên một số nhóm bạn của anh cũng đã điều chỉnh lịch họp lớp sao cho hợp lý hơn. Duy chỉ còn một nhóm toàn các bạn gia đình tan vỡ, “chồng chê vợ bỏ” là chăm chỉ hội họp, thậm chí mỗi năm vài bận. Và… họ tuyệt nhiên không hoan nghênh việc đưa theo vợ, chồng đi họp lớp.
Bạn bè thường hỏi về “bí quyết” ra khỏi nhà đi chơi thoải mái của anh. Không ngại ngần, anh đắc thắng chia sẻ “tuyệt chiêu” với các bạn trong những dịp trà dư tửu hậu: “Muốn đi chơi với bạn bè, chỉ cần về kiếm cớ gây sự với vợ, sau đó đi thoải mái. Khi nào về xin lỗi sau cũng được. Đàn bà mà, nói ngọt xíu là lại hết giận ngay”. Trong một lần anh giở chiêu trò “hậm hực” trước kỳ nghỉ lễ, chị lạnh lùng nói luôn với anh: “Thôi, anh đừng mất công gây sự làm gì cho nó mệt ra. Anh thích đi đàn đúm chơi bời với các bạn thì cứ việc. Hết lễ anh về. Mẹ con em tự sắp xếp chương trình cho kỳ nghỉ của mình”.
Video đang HOT
Thời gian trôi, mẹ con chị đã quen với việc anh thường xuyên đi chơi, đi họp lớp với bạn bè vào kỳ nghỉ lễ. Ngày con còn nhỏ, mấy mẹ con đưa nhau về ông bà ngoại chơi mấy ngày. Khi con lớn, chị có những chương trình riêng cho mình. Lâu dần, chị cũng đánh mất cảm giác mong chờ anh trở về nhà vào kỳ nghỉ.
Bạn bè chị cũng cảm thấy ngạc nhiên khi mẹ con chị vẫn vui vẻ bên nhau kỳ nghỉ lễ. Chị không tỏ ra khó chịu, giận hờn khi anh bỏ đi chơi biền biệt như vậy. Một cô bạn bức xúc: “Họp lớp, tốt thôi. Đi chơi với bạn, không phải là xấu. Nhưng phải biết ngày lễ là dành cho gia đình chứ”. Chị cười nhẹ mà rằng: “Nếu một người đàn ông của gia đình, mình không cần phải níu giữ, họ vẫn ở nhà với vợ con. Người đàn ông thích hướng ngoại vui vẻ, nếu ta ép họ phải ở nhà vào ngày lễ, anh ta sẽ sưng xỉa giận dỗi thì có nghĩa kỳ nghỉ của chính mình bị phá hỏng”.
Tối nay, đường phố lấp lánh hoa đèn kỳ nghỉ lễ, mọi người tay trong tay nhộn nhịp. Các con đã lớn, rủ nhau đi xem phim. Chị uống trà một mình, buồn khẽ vương qua mi và tự nhủ lòng: “Ừ thôi, hết kỳ nghỉ lễ anh ấy sẽ về!”.
Vy Anh
Theo phapluatxahoi.vn
Cầu nối kỳ diệu
Con như đã hiện diện khắp nơi trong gia đình mình, trong trái tim, tình yêu và sự quan tâm của mọi người. Con thật sự là một chiếc cầu nối kỳ diệu, con yêu dấu ạ!
Người ta thường gọi một đứa trẻ là gì con nhỉ? Là thiên thần, là bông hoa, là hạnh phúc... nhiều lắm nhưng với mẹ, một đứa trẻ còn có thể trở thành một cầu nối, gắn kết những người thân yêu trong gia đình. Chính con cũng là một chiếc cầu nối diệu kỳ đấy, con biết không?
Để xem nhé, sau khi có con, mẹ ở nhà ông bà ngoại thường xuyên hơn. Mẹ ở đó suốt một tháng dưỡng thai. Đến khi đi làm lại, mẹ về nhà ông bà vào mỗi cuối tuần. Ngày nào không về, mẹ và bà ngoại cũng "tám" điện thoại hai lần. "Tám" quanh quẩn chỉ những chuyện ấy thôi con ạ, nào là mẹ khỏe không, mẹ ăn gì, con có hành mẹ không... thế mà nói mãi không biết chán.
Sau khi có con, mẹ về nhà ông bà ngoại để dưỡng thai. Ảnh minh hoạ
Từ ngày có con, bà ngoại cưng mẹ hẳn. Mỗi khi mẹ về, bà nấu món mẹ thích. Mỗi ngày đi làm về, bà mua thức ăn xế và trái cây cho mẹ. Bà không cho mẹ làm gì cả, chỉ có ăn, ngủ và xem ti-vi thôi. Bà mua cho mẹ nào sữa, nào đầm bầu...
Ông bà ngoại con sắp về hưu rồi, vậy mà còn đi làm ngày nào vẫn ráng lo cho mẹ và cậu Ba ngày ấy. Mẹ biếu tiền chẳng bao giờ ông bà nhận, cứ bảo để đấy về hưu tính. Mẹ thấy mình thật tệ, lớn bằng này, đi làm bao nhiêu năm mà chưa nuôi được ông bà ngày nào cả, lại còn làm ông bà lo lắng!
Mỗi khi mẹ nói thế, bà lại gạt đi. Bà bảo: "Mẹ con mà, ngại cái gì!". Có con rồi, mẹ mới thấy thương bà thật nhiều. Ngày xưa, bà cũng mang nặng đẻ đau. Mẹ cũng hành bà thai nghén, nôn lên nôn xuống. Bà nuôi mẹ bao năm cực khổ nhưng có phải lúc nào mẹ cũng ngoan và vâng lời đâu?
Có con rồi, mẹ mới thấy thương bà ngoại biết bao. Ảnh minh hoạ
Ông ngoại không hay biểu lộ tình cảm như bà nhưng mẹ biết ông cũng thương mẹ và yêu con nhiều lắm. Hôm trước, mẹ nhận kết quả xét nghiệm trong nước tiểu có đường và giấy hẹn làm tiếp một cuộc xét nghiệm máu để kiểm tra chính xác. Thế là ông cứ hối thúc mẹ đi xét nghiệm nhanh nhanh, dặn mẹ kiêng ăn ngọt, rồi bảo hay để ông dùng máy đo đường của bà để kiểm tra cho mẹ... Ông lo mẹ bị tiểu đường, ảnh hưởng sức khỏe và cả cháu gái bé bỏng.
Không chỉ có ông bà ngoại, ông bà nội cũng thương mẹ con mình không kém. Nhà ông bà nội ở tận ngoại thành. Từ ngày có thai, sức khỏe mẹ không tốt nên không thể về thăm ông bà thường xuyên như trước được. Thương con thương cháu, ông bà lặn lội lên thăm mẹ. Mẹ nhớ mãi một lần mẹ buột miệng bảo thèm sườn non sốt cà của bà nội làm. Vậy là một hôm chủ nhật, bà nội nấu món ấy rồi ông chở bà mang lên tận nơi cho mẹ.
Ngồi ăn sườn của bà nội, mẹ cảm động đến rưng rưng. Giờ đây, cứ mỗi lần nhìn món sườn non, mẹ lại nhớ đến cà-mên sườn của ông bà nội hôm ấy. Khoảng cách giữa con dâu và ba mẹ chồng tự lúc nào đã xóa nhòa.
Mẹ nhớ mãi món sườn bà nội làm rồi ông nội tận tay mang lên cho mẹ. Ảnh minh hoạ
À, thật thiếu sót nếu mẹ quên mất một nhân vật quan trọng: bố heo của con. Trước khi có con, bố mẹ rất hay cãi nhau nhưng từ ngày có con, "chiến tranh" giảm hẳn. Bố con giỏi lắm nhé, một mình cáng đáng việc nhà, nào giặt đồ, phơi đồ, ủi đồ, quét nhà, dọn cơm, pha sữa cho mẹ uống... Tóm lại, bố làm tất tần tật. Đêm nằm ngủ, bố đắp chăn, gãi lưng cho mẹ. Hôm nào trời nóng, bố lấy khăn ướt lau mình cho mẹ.
Mẹ chỉ cần nhõng nhẽo: "Anh ơi" một tiếng, bố con có mặt ngay. Bố chiều chuộng mẹ hết lòng. Có hôm bố đòi đi uống cà phê với bạn, tự dưng mẹ tủi thân vì ở nhà một mình nên khóc òa. Thế là bố con cuống quýt dỗ dành và ở nhà luôn. Mẹ quyết định phong cho bố con làm "Người chồng ưu tú" nếu bố có thể giữ vững phong độ này đến ngày con chào đời. Chắc chắn bố sẽ làm được thôi, phải không con yêu?
Nhờ có con, bố mẹ thêm yêu thương và nhường nhịn nhau. Ảnh minh họa
Con gái yêu dấu, con chỉ mới được năm tháng trong bụng mẹ thôi. Phải thêm một hành trình dài tương đương, con mới chính thức chào đời. Nhưng từ bao giờ, con như đã hiện diện khắp nơi trong gia đình mình, trong trái tim, tình yêu và sự quan tâm của mọi người dành cho nhau. Con thật sự là một chiếc cầu nối kỳ diệu, con yêu dấu ạ!
Hải Yến
Theo phunuonline.com.vn
Vợ không chịu tin tôi đã thay đổi Tôi đã từng là một người chồng không ra gì, nhưng bây giờ đã thay đổi. Tại sao vợ không thể tin tôi... Ảnh minh họa Đúng là có một thời gian tôi đã sống buông thả, không nghĩ cho vợ, con. Tôi ham mê rượu chè, thường xuyên la cà quán xá sau giờ làm và trở về nhà trong cơn say...