Hợp đồng 2 tỷ USD mua 6 trung đoàn pháo phản lực mới: Liệu có tiền mất tật mang?
Pinaka Mark-II đã trở thành ứng viên sáng giá và duy nhất để thay thế các tổ hợp pháo phản lực BM-21 Grad đang dần lạc hậu trong biên chế của Lục quân Ấn Độ.
Mừng thì rất mừng…
Đó là thông tin được nhà báo – chuyên gia quân sự Vivek Raghuvanshi người Ấn Độ chia sẻ trên trang tin quân sự DefenseNews hôm qua, 11/05/2017
Theo đó, trong nỗ lực đẩy mạnh hiện đại hóa các đơn vị pháo binh, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã chính thức đưa ra yêu cầu chào thầu để các đơn vị công nghiệp quốc phòng nước này tham gia vào gói thầu cực lớn cung cấp 6 trung đoàn pháo phản lực Pinaka sản xuất trong nước trị giá tới 2 tỷ USD.
Dự kiến trong vòng 18 tháng tới, hợp đồng đặt mua sẽ chính thức được ký kết sau khi nhà thầu chính được lựa chọn. Tháng 12 năm ngoái, Bộ Quốc phòng nước này cũng đã đặt mua 2 trung đoàn pháo phản lực Pinaka trị giá 350 triệu USD, với biên chế mỗi trung đoàn 18 tổ hợp.
Hợp đồng này được phân bổ 2 công ty công nghiệp quốc phòng quốc doanh chính của Ấn Độ là Bharat Earth Movers Limited (BEML) và OFB, ngoài ra còn có các nhà thầu tư nhân Larsen & Toubro (L&T) và Tata Power SED.
Tổ hợp pháo phản lực Pinaka Mark-II do Ấn Độ chế tạo bắn thử nghiệm.
Theo hợp đồng, BEML sẽ cung cấp xe khung gầm, L&T và Tata Power SED cung cấp bệ phóng, còn OFB cung cấp đạn phản lực. L&T and Tata Power SED chính là 2 đơn vị chủ công thiết kế và phát triển tổ hợp Pinaka trên cơ sở phối hợp với Cục Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng (DRDO).
Trước đó, Lục quân Ấn Độ đã đưa vào trang bị cho 2 trung đoàn pháo phản lực những tổ hợp Pinaka đầu tiên.
“Tổ hợp pháo phản lực mới này đáp ứng được các yêu cầu của Lục quân Ấn Độ, đồng thời giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung từ nước ngoài, thay thế, bổ sung cho các tổ hợp pháo phản lực BM-21 Grad và BM-30 Smerch xuất xứ từ Nga”, một quan chức quốc phòng Ấn Độ cho biết.
Video đang HOT
Lục quân Ấn Độ cần được trang bị các tổ hợp pháo phản lực tăng tầm Pinaka Mark-II càng sớm càng tốt, nguồn tin trên cho biết thêm, “tuy nhiên, đơn hàng mới nhất lại đặt mua Pinaka Mark-I với tầm bắn chỉ vỏn vẹn có 30km, cho dù họ cái muốn là phiên bản Mark-II với tầm bắn lên tới 65km, bởi lẽ chúng còn đang được phát triển”.
Ông Jayant Damodar Patil, người phụ trách mảng quốc phòng và hàng không của L&T cho biết:
“Pinaka Mark-II là một chương trình phát triển của DRDO. Các thử nghiệm kỹ thuật đã hoàn thành vài tháng trước, nhưng việc đưa vào sản xuất loạt vẫn chưa được quyết định. DRDO và các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ấn Độ hiện đang tìm khách hàng nước ngoài để xuất khẩu các tổ hợp pháo phản lực Pinaka Mark-I”.
Xe tiếp đạn của tổ hợp pháo phản lực Pinaka.
… nhưng lo thì vẫn lo
Tuy nhiên, một số quan chức Lục quân Ấn Độ đã chỉ ra những hạn chế đối với đạn dùng cho các tổ hợp pháo phản lực Pinaka của 2 trung đoàn đầu tiên là chúng đã được đưa vào sử dụng từ hơn một thập kỷ trước.
Ông Bhupinder Yadav – một cựu tướng lĩnh Lục quân Ấn Độ nghỉ hưu, hiện là nhà phân tích quốc phòng chỉ rõ là có vấn đề với đạn phản lực được cung cấp bởi OFB:
“Việc sản xuất đạn cho các tổ hợp Pinaka bị tạm ngưng sau khi phát hiện một số vấn đề cốt lõi đối với động cơ đẩy do OFB sản xuất như tầm ngắn, và đã xảy ra những tai nạn liên quan đến luồng phụt trong bệ phóng,…
Tuy nhiên, những vấn đề trên chỉ phát sinh nếu chất lượng động cơ đẩy không đồng đều và có các bóng khí và việc cung cấp ngòi cũng như chất lượng của chúng cũng là vấn đề”.
“Hàm lượng hấp thu công nghệ của OFB cũng khá ngheo nàn, và họ (OFB) có thể không duy trì được tiêu chuẩn cất lượng trong giai đoạn sản xuất, nhất là khi đưa vào sản xuất hàng loạt”, nhà phân tích quốc phòng Rahul Bhonsle cho biết.
Không có bất cứ thông tin chính thức nào từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ bình luận về những vấn đề của tổ hợp pháo phản lực và tình trạng của chúng.
Tổ hợp pháo phản lực Pinaka của Ấn Độ.
Nói về khả năng nhập khẩu đạn cho các tổ hợp Pinaka, ông Patin khẳng định:
“Đạn phản lực được kỳ vọng là sẽ tra cho nhà sản xuất OFB cũng như các nhà thầu quốc phòng tư nhân nhân chuyển giao công nghệ từ DRDO (đơn vị phát triển đạn). Trước mắt, sẽ không có bất cứ hợp đồng nhập khẩu đạn nào vì nếu có, các loại đạn mẫu sẽ cần được thử nghiệm để đánh giá và điều đó sẽ phải mất tới vài năm”.
Vẫn biết Chính phủ và Bộ Quốc phòng Ấn Độ luôn khuyến khích việc tự chủ sản xuất vũ khí theo chương trình “Make in India” cho đích thân Thủ tướng Modi phát động, nhưng dường như quyết đặt mua ồ ạt loại vũ khí vẫn còn khiếm khuyết là chưa thật thỏa đáng, theo như nhiều chuyên gia quân sự Ấn Độ đã phân tích.
(Theo Soha News)
Hình ảnh mới nhất về tàu Gepard 3.9 của Việt Nam tại Nga
Trang livejournal.com vừa đăng tải những hình ảnh mới nhất về chiếc tàu Gepard 3.9 thứ ba của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Theo đó, chiếc Gepard 3.9 mang số hiệu tại nhà máy là 486 (chiếc đầu tiên của cặp tàu Gepard 3.9 thứ hai Nga đóng cho Việt Nam, chiếc còn lại mang số hiệu 487) đang neo đậu tại cảng Novorossiysk (biển Đen), bên cạnh tuần dương hạm Mikhail Kutuzov (hiện đóng vai trò bảo tàng nổi).
Hình ảnh chiếc Gepard 3.9 đầu tiên của cặp tàu thứ hai đang neo đậu cạnh tuần dương hạm Mikhail Kutuzov.
Trước đó, chiếc Gepard 3.9 số hiệu 487 cũng từng thả neo cạnh tuần dương hạm Mikhail Kutuzov. Việc hai tàu Gepard của Việt Nam xuất hiện tại vùng biển Đen là nhằm tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển trước khi bàn giao.
Hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức về quá trình thử nghiệm của cặp chiến hạm này. Nhưng trước đó, vào tháng 2 năm nay, chiếc Gepard 486 đã có mặt tại biển Đen sau khi hoàn tất một số lần đánh giá trên biển.
Đến nay sau gần 3 tháng, dường như con tàu đã sẵn sàng để được chuyển giao chính thức cho Việt Nam. Tổng Giám đốc Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk (nơi thi công các tàu Gepard 3.9 cho Việt Nam), ông Renat Mistahov đã cho biết, việc bàn giao cặp Gepard 3.9 tiếp theo cho Hải quân Việt Nam sẽ được tiến hành vào giữa năm nay.
Một vài hình ảnh khác của tàu Gepard 486 tại cảng Novorossiysk:
Phần đuôi tàu Gepard 3.9 nhìn từ phía tuần dương hạm Mikhail Kutuzov. Do chưa được chuyển giao nên con tàu vẫn mang quốc tịch Nga, với quốc kỳ nước này treo trên cột cờ.
Phần sàn đáp và khu vực chứa trực thăng trên tàu Gepard 3.9. Cặp tàu thứ hai vẫn không có nhà chứa trực thăng, tương tự cặp đầu tiên.
Pháo hạm AK-176MA, hệ thống phòng thủ Palma cùng tháp radar trên tàu Gepard.
(Theo Vnexpress)
MiG-29K của Hải quân Nga gặp nạn trong tư thế "ngửa bụng lên trời" Trên mạng internet vừa xuất hiện bức ảnh một chiếc tiêm kích hạm MiG-29K của Hải quân Nga gặp nạn ở sân bay Severomorsk-3. Chiếc MiG-29K số hiệu "41 xanh" này nằm trong biên chế Trung đoàn máy bay tiêm kích tàu sân bay riêng biệt, trực thuộc Không quân Hạm đội Biển Bắc Nga. Hiện vẫn chưa có bất cứ thông tin...