Họp cấp cao trên tàu chiến, Indonesia gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 23/6 đã tới thăm quần đảo Natuna trên Biển Đông. Đây là động thái nhằm gửi thông điệp về cam kết của Jakarta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo trước những đòi hỏi của Trung Quốc.
Tổng thống Widodo cùng quan chức an ninh cấp cao Indonesia trên tàu chiến. (Ảnh: Twitter).
Tổng thống Widodo, cùng với các quan chức an ninh hàng đầu của Indonesia, đã đi quanh khu vực biển ở quần đảo Natuna trên đúng chiếc tàu chiến đã nổ súng bắn cảnh cáo tàu cá Trung Quốc hồi tuần trước và bắt giữ một tàu cùng thủy thủ đoàn có 7 người.
Sau đó, Tổng thống Indonesia đã tiến hành một cuộc họp ngay trên tàu, thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm cả quá trình phát triển của quần đảo Natuna, vốn nằm cách thủ đô Jakarta khoảng 1.100km về phía Bắc.
Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Luhut Binsar Pandjaitan cho biết chuyến đi trên của Tổng thống Widodo đã “gửi đi một thông điệp rõ ràng” rằng Hải quân Indonesia rất nghiêm túc trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Tờ Jakarta Post dẫn lời Bộ trưởng Pandjaitan nói: “Trong lịch sử, chúng tôi chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh này (với Trung Quốc). Chuyến đi tới quần đảo Natuna cũng là thông điệp cho thấy Tổng thống Joko sẽ không coi nhẹ vấn đề này”.
Video đang HOT
Hôm 19/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng phản đối vụ tàu Hải quân Indonesia bắn cảnh cáo các tàu cá của nước này. Bắc Kinh cáo buộc Hải quân Indonesia đã “lạm dụng sức mạnh của quân đội”. Ngoài ra, thông báo cũng lập luận rằng vùng biển xung quanh quần đảo Natuna là ngư trường đánh bắt cá truyền thống của Trung Quốc.
Những đòi hỏi chủ quyền mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua không bao gồm quần đảo Natuna. Tuy nhiên, cái gọi là tuyên bố hàng hải “đường chín đoạn” của Trung Quốc đã chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận của Indonesia tại vùng biển xung quanh quần đảo Natuna.
Vụ việc tuần trước là lần thứ 3, tàu Hải quân Indonesia đụng độ các tàu cá Trung Quốc trong những tháng gần đây. Hồi tháng Ba vừa qua, Indonesia đã chặn một tàu cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển của nước này. Tháng trước, một tàu khu trục của Hải quân Indonesia đã bắn cảnh cáo một tàu cá Trung Quốc sau khi tàu này không dừng hoạt động đánh bắt cá trái phép. Sau đó, Indonesia đã bắt giữ tàu này và thủy thủ đoàn có tám người.
Indonesia, quốc gia mệnh danh là “xứ vạn đảo”, đã áp dụng quan điểm cứng rắn trước hoạt động đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của nước này kể từ khi Tổng thống Widodo lên nắm quyền hồi tháng 10/2014. Indonesia đã đánh chìm 176 tàu cá nước ngoài bị bắt khi đang hoạt động trái phép trong vùng biển của nước này.
Liên quan tới căng thẳng ở quần đảo Natuna, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên đã bày tỏ lo ngại về việc tàu Hải cảnh Trung Quốc luôn hộ tống các tàu cá hoạt động trong những khu vực, bao gồm ở cả vùng biển của Indonesia.
Quan chức trên nói: “Tôi cho rằng có xu hướng về việc tàu đánh bắt cá Trung Quốc được hộ tống bởi tàu Hải cảnh của nước này như là một nỗ lực để đưa ra đòi hỏi chủ quyền vốn không hợp pháp”. Ngoài ra, quan chức này cũng lưu ý việc Trung Quốc tăng cường sử dụng quân đội và các lực lượng bán quân sự “là động thái khiêu khích và có nguy cơ gây bất ổn” tình hình trong khu vực./.
Ngọc Anh
Theo Dantri/ ABC
Tổng thống Indonesia lên tàu chiến thăm đảo ở Biển Đông
Tổng thống Joko Widodo lên chiến hạm thăm quần đảo Natuna, thể hiện động thái cứng rắn nhằm củng cố chủ quyền, sau khi Bắc Kinh "tuyên bố chủ quyền chồng lấn" ở vùng biển gần đó.
Vị trí quần đảo Natuna. Đồ họa: Developmentadvisor
Ông Widodo hôm nay thực hiện chuyến thăm cùng tư lệnh lực lượng vũ trang và bộ trưởng Ngoại giao, trong sự kiện được các quan chức Indonesia mô tả là thông điệp mạnh mẽ nhất với Trung Quốc về vấn đề. Thông báo của Phủ tổng thống cho biết ông Widodo dự định họp nội các trên tàu chiến.
"Trong lịch sử chúng tôi, chúng tôi chưa bao giờ cứng rắn như lúc này. Điều này cũng cho thấy tổng thống không hề xem nhẹ vấn đề", Jakarta Post dẫn lời Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh, hôm qua nói.
Bắc Kinh đầu tuần này tuyên bố dù Trung Quốc không tranh chấp chủ quyền với Indonesia ở quần đảo Natuna, "một số vùng biển của Biển Đông" là đối tượng của "tuyên bố chủ quyền chồng lấn về quyền và lợi ích hàng hải".
Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi hôm qua bác bỏ lập trường của Trung Quốc, cho rằng vùng biển xung quanh Natuna là lãnh thổ của Indonesia.
Tàu Trung Quốc và Indonesia vừa trải qua một chuỗi cuộc đối đầu ở khu vực, nhưng cả hai bên đều bác bỏ vấn đề là tranh chấp lãnh thổ hay ngoại giao.
Chuyến thăm của ông Widodo tới chuỗi đảo xa nằm cách mũi tây bắc của Kalimantan, phần phía Indonesia của đảo Borneo, hơn 340 km. Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng cơ sở tại các khu vực biên giới nước này.
"Chúng tôi muốn cho thấy Indonesia là một nước lớn và chúng tôi phải cho thấy điều này trên thực tiễn", ông Widodo nói, ý chỉ các tham vọng phát triển hạ tầng cơ sở.
Trọng Giáp
Theo VNE
Lai lịch tàu Trung Quốc chuyên 'bắt nạt' ở Biển Đông Các lực lượng bảo vệ bờ biển trên thế giới thường không được chú ý nhiều. Nhiệm vụ của họ thường là hành pháp, tìm kiếm, cứu nạn. Theo tạp chí National Interest, lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc lại có vẻ uy lực hơn cả. Và Trung Quốc có một tàu đặc biệt rất dễ gây gổ, đó là...