Họp báo tại Nga thông báo quan điểm của Việt Nam về Biển Đông
Ngày 19/6, tại trụ sở hãng thông tấn Itar-Tass ở thủ đô Moskva, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn đã họp báo thông báo quan điểm của Việt Nam về Biển Đông cho bạn bè và truyền thông Nga.
Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Xuân Sơn cũng đã thông báo về Ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga.
Thông báo trong cuộc họp báo, Đại sứ Phạm Xuân Sơn cho biết theo chương trình hợp tác thường xuyên về văn hóa giữa Việt Nam và Nga, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam cùng với Bộ Văn hóa Liên bang Nga sẽ tổ chức Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga từ 24/6 đến 1/7 tại ba thành phố của Nga là Moskva, St. Petersburg và Yaroslavl.
Đây là sự kiện văn hóa lớn rất quan trọng trong quan hệ hai nước, là cơ hội đặc biệt để tăng cường hiểu biết, tìm hiểu các đặc điểm dân tộc, nét đẹp nghệ thuật của nhau. Điều quan trọng là sự kiện này tạo ra các điều kiện tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Video đang HOT
Đoàn nghệ sỹ Việt Nam gồm 80 người, với nhiều nghệ sỹ nổi tiếng do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Hoàng Tuấn Anh dẫn đầu. Các ngày văn hóa Việt Nam là chương trình đa dạng với các sự kiện ca múa nhạc truyền thống kết hợp hiện đại, trình diễn thời trang áo dài, võ thuật Vovinam, triển lãm tranh sơn dầu, công chiếu phim Việt Nam, hội thảo bàn tròn về hợp tác văn hóa và xúc tiến du lịch để người dân Nga có thể tiếp xúc với sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.
Trong buổi họp báo, Đại sứ Phạm Xuân Sơn cũng thông báo vắn tắt về tình hình kinh tế- xã hội, chính sách đối ngoại của Việt Nam, hiện trạng quan hệ Nga-Việt cũng như thực tế tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông.
Đại sứ Phạm Xuân Sơn khẳng định Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi đối thoại và tiếp xúc nghiêm túc ở nhiều cấp với Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực và thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục đưa thêm tàu và máy bay tới nơi hạ đặt giàn khoan.
Lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, chỉ sử dụng tàu dân sự và không sử dụng tàu chiến, đã kiềm chế tối đa. Ngược lại, Trung Quốc triển khai hơn 100 tàu tại khu vực này, trong đó có cả tàu chiến, và tìm cách đâm, sử dụng súng phun nước công suất lớn với tàu thực thi luật pháp của Việt Nam, đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam ngày 26/5 và khiến nhiều tàu của Việt Nam bị hư hại, nhiều người bị thương.
Theo Đại sứ, hoạt động của giàn khoan Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, đe dọa sự ổn định, an toàn hành hải trên Biển Đông.
Ông quả quyết Việt Nam có mọi bằng chứng lịch sử, luật pháp về chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa trong nhiều thế kỷ qua và đưa ra một loạt dẫn chứng. Ông cho biết nhiều tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo nước ngoài đã ủng hộ Việt Nam, bày tỏ đoàn kết với Việt Nam phản đối hành động bất hợp pháp của Trung Quốc.
Đại sứ Phạm Xuân Sơn cho biết nhân cơ hội này ông muốn bày tỏ sự biết ơn đối với Nga trong việc ủng hộ Việt Nam trên vũ đài quốc tế, đặc biệt là quan điểm khách quan của Nga trong vấn đề tranh chấp trên biển Đông, theo đó tất cả các bên cần giải quyết vấn đề theo con đường hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, căn cứ theo luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS và DOC.
Việt Nam cũng hoan nghênh và khuyến khích cộng đồng quốc tế, trong đó có Nga, tiếp tục ủng hộ Việt Nam và đóng góp để giảm căng thẳng nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.
Theo Duy Trinh
VietnamPlus/TTXVN
Đã có phương án đối phó với giàn khoan Nam Hải 9
Tối qua 19.6, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho hay theo thông tin mà Cục Hải sự Trung Quốc công bố thì giàn khoan mới mà nước này đang kéo ra biển Đông sẽ hạ đặt tại thềm lục địa của Trung Quốc. Tọa độ dự kiến hạ đặt giàn khoan này là 17 độ 14,1 vĩ bắc, 109 độ 31 kinh đông trên biển Đông thuộc vùng biển đảo Nam Du Lâm trong thềm lục địa Trung Quốc khoảng 50 - 60 hải lý.
Ảnh minh họa
Vị trí này cách các đảo của Việt Nam là đảo Cồn Cỏ chừng 130 hải lý, đảo Lý Sơn khoảng 140 hải lý. "Đây là khu vực mà cách đây 5 năm, Trung Quốc đã đặt một vài giàn khoan vẫn hoạt động đến bây giờ. Hiện chúng tôi vẫn theo dõi sát sao tình hình và đã có những phương án dự liệu luôn sẵn sàng các kịch bản đối phó với nhiều tình huống có thể xảy ra", thiếu tướng Đạm cho hay.
Lãnh đạo Cảnh sát biển cũng cho biết thêm, giàn khoan Nam Hải 9 là loại giàn nửa chìm nửa nổi thuộc Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Giàn khoan này bắt đầu di chuyển từ tọa độ 17 độ 38 vĩ bắc, 110 độ 12,3 kinh đông đến vị trí mới từ ngày 18.6. Dự kiến, hôm nay 20.6 giàn khoan Nam Hải 9 sẽ đến vị trí dự kiến hạ đặt.
Theo TNO
GS Carl Thayer: Cần đưa vấn đề giàn khoan ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc Căng thẳng leo thang xoay quanh giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam cần được đưa ra bàn luận ở cấp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) và từ đó cộng đồng quốc tế có thể yêu cầu Bắc Kinh rút giàn khoan, theo Giáo sư Carl Thayer. Giáo sư Carl Thayer (phải)...