Hồng Quế ấn tượng với áo dài xưa
Hồng Quế trở lại với phong cách nền nã và khoe dáng ấn tượng trong những thiết kế áo dài xưa.
Hồng Quế trong trang phục dân tộc Hoàng Thành Thăng Long, di tích của thời Phục hưng Đại Việt và cũng là di sản văn hóa thế giới, đã tạo cảm hứng cho nhà thiết kế Đinh Hồng Nga sáng tạo bộ sưu tập Hoài niệm Phục hưng Đại Việt. Trong khung cảnh lãng mạn, cổ kính của Hoàng Thành, bộ sưu tập hiện lên với vẻ đẹp vừa hiện đại vừa vương vấn nét đẹp hoài niệm xưa. Những nét đặc trưng văn hóa mặc đã được hình thành rõ rệt thời Lý Trần như áo yếm, chuỗi hạt, thắt lưng thêu và đặc biệt là tay áo rộng, trùm cả tay vẫn được mặc trong các nghi lễ trang trọng được thể hiện rõ nét trong bộ sưu tập đem đến một vẻ đẹp sang trọng mà vẫn đậm nét văn hóa di sản thời trang. Bộ sưu tập được làm từ chất liệu jean, gấm, satin, lụa taffta, voan mỏng với tông mầu chủ đạo là trắng đen, họa tiết đôi khi sử dụng thêm màu ghi, nhấn nhá màu cam với các phụ kiện được làm từ ngọc trai, đá màu, san hô tự nhiên. Đó là sự kết hợp hoàn hảo để tạo nên vẻ đẹp của di sản thời trang.
Hồng Quế phô nét duyên thầm qua tà áo dài Việt
Bộ sưu tập được làm từ chất liệu jean, gấm, satin, lụa taffta, voan mỏng
Tông mầu chủ đạo là trắng đen
Bộ ảnh được thực hiện bởi giám đốc sáng tạo Henri Hubert và nhiếp ảnh gia Tô Thanh Tân
Theo Khám phá
Video đang HOT
Áo dài Việt xưa và nay
Áo dài xuất hiện trong từ điển tiếng Anh cũng vẫn là "aodai" chứng tỏ sự biểu trưng mạnh mẽ cho dân tộc Việt Nam của tà áo dài.
Trải qua nhiều thăng trầm, chiếc áo dài trở thành một hình ảnh gắn liền và là niềm tự hào của người Việt. Để có được vị trí như hôm nay, áo dài cũng đã trải qua một bề dày lịch sử với nhiều mốc đáng nhớ.
Cội nguồn lịch sử
Không thể xác định niên đại chính xác của áo dài, bởi ngay tà áo được coi là quốc phục của người Việt cũng phải trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, thời gian, du nhập nhiều nền văn hóa qua nhiều giai đoạn mới có ngày hôm nay. Tuy nhiên, ngay trên những tranh khắc của Trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài nghìn năm đã thấy thấp thoáng bóng dáng của tà áo dài, tranh khắc trang phục của phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ.
Áo dài trước năm 1910 do công chúa Thuyền Hoa mặc
Áo dài Giao Lãnh, sơ khai của áo dài Việt Nam
Tại sao nói trang phục với hai tà áo xẻ lại là bóng dáng của áo dài, vì nét đặc trưng mạnh mẽ nhất của áo dài chính là hai tà áo. Cho dù trải qua bao nhiêu ngàn năm với bao nhiêu biến thể, nét duy nhất còn nhận ra được trang phục truyền thống của người Việt không bị lai tạp với các nền văn hóa khác chính là hai tà áo dài. Có nhiều người cho rằng áo dài Việt là một bản khác của sườn xám của phụ nữ Trung Quốc, nhưng chiếc sườn xám chỉ xuất hiện vào khoảng 1920, còn tà áo dài Việt đã có từ rất lâu trước đó. Điều đó chứng tỏ áo dài là một nét văn hóa của riêng Việt Nam, chỉ người Việt mới có.
Tiếp theo dòng lịch sử, sử giả Đào Duy Anh có viết: "Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo dài về bên tả. Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu. Theo những lời sách đó chép thì ta có thể suy luận rằng trước hồi Bắc thuộc thì người Việt gài áo về tay trái, mà sau bắt chước người Trung Quốc mới mặc áo gài về tay phải". Kể từ cuộc chiến do Hai Bà Trưng khởi nghĩa thất bại, nước ta chịu đô hộ hơn một ngàn năm dưới tay phương Bắc, tuy nhiên áo dài vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng. Kiểu sơ khai nhất của áo dài là áo Giao Lãnh. Tương truyền, do tôn kính Hai Bà, phụ nữ Việt Nam tránh mặc áo hai tà mà may thay bằng áo tứ thân với bốn thân áo tượng trưng cho bốn bậc sinh thành (của hai vợ chồng).
Áo dài tứ thân
Vả lại, khi đó kỹ thuật còn thô sơ, vải được dệt thành từng mảnh khổ nhỏ nên phải ghép bốn mảnh lại mới may đủ một áo, gọi quen là áo tứ thân. Áo gồm hai mảnh đằng sau chắp lại giữa sống lưng (gọi là sống áo), mép của hai mảnh được nối vào nhau và giấu vào phía trong.hai mảnh trước được thắt lên và để thòng xuống thành hai tà áo ở giữa, nên không phải cài khuy khi mặc. Bình thường, gấu áo được vén lên, chỉ khi có đại tang (tang chồng hay cha mẹ) mới thả xuống và mép vải để lộ ra ngoài thay vì giấu vào trong. Đấy là hình ảnh chiếc áo dài tứ thân mộc mạc, khiêm tốn.
Mãi đến thời vua Gia Long (1802-1819), chiếc áo dài tứ thân mới đổi thành áo ngũ thân, lúc này áo có thêm một thân nhỏ tượng trưng cho người mặc. Đến năm 1884, khi triều đình Huế nhượng quyền cai trị vào tay Pháp, văn hóa Tây phương bắt đầu du nhập vào Việt Nam và đem lại nhiều biến đổi với tà áo dài. Từ đây áo dài bước qua một trang sử khác và hé lộ nhiều dáng dấp của áo dài ngày nay.
Áo dài đương đại theo dòng thời gian
Sau khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội được mở ra, đã có nhiều họa sĩ tâm huyết với tà áo dài dân tộc thiết kế thêm để áo dài dễ dàng đến với người hiện đại hơn. Áo dài Le Mur chính là bản đầu tiên, Le Mur chính là tên tiếng Pháp của họa sĩ Cát Tường, người đã thực hiện một cải cách lớn với chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn hai vạt trước và sau mà thôi. Vạt trước được họa sĩ nối dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi đồng thời thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo. Để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn.
Sau đó, họa sĩ Lê Phổ cải tiến áo Le Mur và mẫu áo dài này được hoan nghênh trong Hội chợ Nữ Công Đà Nẵng. Đây là một kết hợp giữa áo Le Mur và áo tứ thân, rất gần gũi với chiếc áo dài tân thời ngày nay: nối vai và tay không phồng lên, cổ kín, cài nút bên phải, thân ôm sát người, hai tà áo mềm mại bay lượn. Đến lúc này tay áo raglan nổi tiếng của áo dài ngày nay vẫn chưa xuất hiện, áo dài Lê Phổ vẫn giữ nguyên hình dáng và được phụ nữ Việt yêu thích và mặc suốt nhiều thời kỳ. Chỉ đến thập niên 60, nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn mới sáng tạo ra kiểu tay raglan với phần tay và thân áo được nối xéo uốn lượn theo đường cong của nữ giới. Với phần tay này và quần cắt vải xéo thướt tha, áo dài trở thành tà áo vừa quyến rũ, vừa kín đáo phù hợp với hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Con gái Huế trong tà áo dài xưa
Áo dài cổ thuyền do bà Trần Lệ Xuân thiết kế
Từ đây tà áo dài hiện đại chính thức ra đời và vẫn giữ nguyên nét đẹp ấy cho đến ngày nay, dù đã trải qua bao năm tháng chiến tranh, áo dài vẫn là một biểu trưng của người phụ nữ Việt. Áo dài còn trở nên đặc biệt khi một chiếc áo chỉ may riêng cho một người và chỉ một người ấy mà thôi, không thể sản xuất đại trà, một khi đã may thì may vừa khít với số đo riêng của từng người nên tuyệt nhiên áo dài ôm sát cơ thể rất đẹp.
Tết với áo dài
Cho dù giờ đây người Việt không còn mặc áo dài như một loại trang phục thường ngày như trước đây, nhưng áo dài vẫn là một loại trang phục trang trọng để mặc trong những dịp quan trọng, trong những bữa tiệc hay áo dài đồng phục của một số công ty. Đặc biệt nhất là vào dịp tết, khi mọi người tụ họp về gia đình và trở về cội nguồn, thì tà áo dài lại trở nên một loại trang phục mang nhiều nét dân tộc.Vì là trang phục đặc biệt in sâu dấu ấn vào tâm trí người Việt, áo dài ngày càng được khuyến khích mặc trong ngày tết.
Áo dài cách điệu dành cho giới trẻ
Hình ảnh áo dài trong bộ sưu tập của Emillio Pucci
Không cần quá cầu kỳ trong cách mặc áo dài, đối với phụ nữ thì có thể may áo theo kiểu truyền thống, tà áo dài thướt tha mặc với quần lụa. Ngày nay các nhà thiết kế áo dài nổi tiếng như Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung, Việt Hùng... vẫn sáng tạo ra những mẫu áo dài cách điệu để phù hợp với giới trẻ như áo dài tay ngắn, tà ngắn và có thể mặc chung với quần jeans, quần ôm... Ngay cả nam giới cũng khuyến khích mặc áo dài trong dịp này, điều này sẽ càng tôn vinh lên nét đẹp truyền thống đáng ngưỡng mộ của người Việt.
Áo dài đang dần trở thành thời trang khi không chỉ người Việt mới mặc áo dài, mà ngay cả các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới cũng đưa tà áo dài làm cảm hứng sáng tạo cho những bộ sưu tập trên sàn diễn quốc tế của mình. Trong bộ sưu tập mới nhất lấy cảm hứng từ Việt Nam, nhãn hàng Emillio Pucci đã cho ra mắt những mẫu thiết kế hết sức hiện đại và sang trọng, đặc biệt là in đậm hình ảnh của hai tà áo dài. Đây là một bước tiến vô cùng quan trọng của áo dài Việt, khi được thế giới đón nhận với một cách nhìn khác, dự báo áo dài sẽ trở thành một biểu tượng của văn hóa và thời trang chứ không phải chỉ là trang phục truyền thống.
Theo 24h
Váy cưới màu pastel cho mùa thu lãng mạn Với những chiếc váy màu pastel, cô dâu vừa thoát khỏi màu trắng truyền thống đơn điệu, lại vừa giữ được nét dịu dàng, đằm thắm nhờ những gam màu ngọt ngào, đáng yêu. Khi nhắc đến váy cưới, nhiều người nghĩ ngay đến màu trắng - màu "truyền thống" dành cho cô dâu. Tuy nhiên, nếu không thích màu trắng, bạn hoàn...