Hồng Ngọc với Bản Tình Ca tháng 6
Ngày 22/6/2013, tại Nhà hát Bến Thành sẽ diễn ra chương trình Tình Khúc Vượt Thời Gian (TKVTG) chủ đề Tình Ca giới thiệu các tác phẩm của hai nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong và Phạm Duy với chủ đề Tình Ca.
Nhạc sĩ Đặng Thế Phong (1918 – 1942) là một trong những nhạc sĩ tiên phong trong thời sơ kỳ của dòng nhạc tiền chiến Việt Nam. Âm nhạc đến với Đặng Thế Phong như một duyên nợ. Ông có năng khiếu âm nhạc, tài vẽ tranh và giọng hát dễ làm xiêu lòng người nhưng cuộc đời ông rất ngắn ngủi. Ông chỉ sáng tác đúng 3 ca khúc, đều là những ca khúc về mùa thu mà người đời thường gọi “thu ca tam khúc”: Đêm thu, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu ( Vạn cổ sầu). Chỉ vỏn vẹn ba ca khúc nhưng cũng đã khẳng định tài năng của Đặng Thế Phong, đặc biệt là “Giọt mưa thu” đã được xếp hàng đầu trong danh sách những tác phẩm tiền chiến bất hủ. Đêm nhạc Tình ca sẽ gửi đến khán giả 3 ca khúc của người nhạc sĩ tài ba nhưng bạc mệnh này với tiếng hát ca sĩ Hồng Hạnh, Quang Hà và Ngọc Tuyền.
Nhạc sĩ Phạm Duy (1921 – 2013) được xem như một trong những nhạc sĩ lớn nhất đã góp phần hình thành nền tân nhạc Việt Nam cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Lê Thương, Văn Cao, Đoàn Chuẩn… Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từng nói “Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ”. Phạm Duy được đánh giá là người có sức sáng tạo bền bỉ với khoảng 1.000 ca khúc đa dạng về thể loại như tình ca, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca, tục ca. Điều đặc biệt nhất là trong bối cảnh Việt Nam ảnh hưởng mạnh bởi làn sóng văn hóa phương Tây thì ông luôn tôn vinh văn hóa âm nhạc dân gian Việt Nam, luôn giữ hồn Việt trên chất liệu âm nhạc Tây phương. Đêm nhạc Tình ca sẽ giới thiệu những tác phẩm tình quê hương và tình yêu đôi lứa tiêu biểu nhất của nhạc sĩ trong số hơn 100 ca khúc đã được cấp phép.
Nhạc sĩ Phạm Duy từng trả lời một nhà báo rằng đã 30 năm nay chưa ai hát Quê nghèo hay hơn nam ca sĩ Quang Linh và ông đặt nhiều kỳ vọng ở giọng ca gốc Huế này. Quang Linh sẽ gửi đến khán giả ca khúc Quê nghèo và truyện ca Áo anh sứt chỉ đường tà – được phổ thơ từ kiệt tác Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan.
Video đang HOT
Đức Tuấn là ca sĩ trẻ được nhạc sĩ Phạm Duy đánh giá hát tốt nhạc của ông, anh hát tự nhiên như hơi thở và thật nhập tâm. Đức Tuấn sẽ hát Nếu một mai em sẽ qua đời và cùng Ngọc Tuyền – một giọng opera đẹp – song ca ca khúc Vợ chồng quê.
Phần giới thiệu ca khúc về tình yêu đôi lứa của nhạc sĩ Phạm Duy sẽ gồm Mưa rơi (vừa được phép phổ biến), Cây đàn bỏ quên, Tình hờ… sẽ được thể hiện với tiếng hát Hồng Hạnh, Quang Hà, Khang Việt. Bài hát Ngày xưa Hoàng thị được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư đã từng gây xôn xao trong đời sống âm nhạc Việt Nam thập niên 70 sẽ do Quang Linh biểu diễn. Bài “tình ca một mình” Nghìn trùng xa cách – nhạc sĩ Phạm Duy đã viết khi người yêu tạ từ đi lấy chồng – sẽ được giới thiệu với tiếng hát Ngọc Liên.
Đặc biệt ca khúc Tình kỹ nữ – được Phạm Duy sáng tác khi tuổi mới đôi mươi từ câu chuyện tình có thật cùng một kỹ nữ tại Hà Nội – sẽ được gửi đến khán giả qua giọng hát trầm khàn đặc biệt của ca sĩ Hồng Ngọc.
Đêm nhạc sẽ một lần nữa giới thiệu từng giai điệu thấm đẫm hồn Việt của nhạc sĩ Phạm Duy trong tác phẩm Tình ca “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…” và cả những mơ ước, những khát khao về một gia đình đầm ấm trọn vẹn có mẹ, có cha trong Kỷ niệm với tiếng hát của nhóm Năm Dòng Kẻ.
Chương trình TKVTG tháng 6, chủ đề TÌNH CA do Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP HCM VTV9 và Jetstudio phối hợp thực sẽ diễn ra vào lúc 20g30 ngày 22/6/2013 tại Nhà hát Bến Thành và truyền hình trực tiếp trên VTV9, tiếp sóng trên VTV Huế, VTV Phú Yên – Đài truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng với sự đồng hành của nhãn hàng Sắc Ngọc Khang.
Theo Vnnews
Độc quyền nhạc sĩ: Đừng để khán giả chịu thiệt!
Những lùm xùm về tác quyền giữa Bến Thành A & V (đơn vị khai thác độc quyền nhạc phẩm của Lam Phương tại Việt Nam) và ban tổ chức chương trình Tình khúc vượt thời gian, chủ đề Tình khúc Lam Phương vừa qua cho thấy xu hướng độc quyền nhạc sĩ hiện nay trên thị trường âm nhạc đòi hỏi phải có những điều chỉnh cho phù hợp.
Dù nhiều người từng e ngại về độ phổ biến các nhạc phẩm vốn đã quen thuộc với nhiều thế hệ khi hình thức độc quyền khai thác xuất hiện tại Việt Nam, bắt đầu từ nhạc sĩ Phạm Duy nhưng hình thức này vẫn đang cho thấy một xu hướng phát triển tất yếu, khi thị trường âm nhạc ngày càng hình thành những nguyên tắc và quy luật cung - cầu riêng biệt. Ngay sau khi tiếp cận với các nhạc phẩm Lam Phương, Bến Thành A & V đã có công văn gửi đến các phòng trà, công ty biểu diễn, công ty sản xuất băng đĩa tại Việt Nam, thông báo rằng trên lãnh thổ Việt Nam, đơn vị nào muốn sử dụng nhạc của Lam Phương đều phải thông qua Bến Thành A & V. Công ty văn hóa Phương Nam (PNC) cũng không dừng với tên tuổi của Phạm Duy. Hiện đơn vị này đang khai thác độc quyền nhạc phẩm của Tuấn Khanh (tác giả Chiếc lá cuối cùng), và dự kiến sẽ là nhạc sĩ Vũ Thành An.
Không phải ngẫu nhiên mà Phạm Duy, Tuấn Khanh, Lam Phương và Vũ Thành An là những cái tên được chọn. Để được nhắm đến, đó phải là nhạc sĩ tên tuổi, có các tác phẩm được công chúng yêu thích. Nói cách khác, nhu cầu của công chúng sẽ quyết định các hợp đồng.
Thực tế, hình thức độc quyền toàn bộ tác phẩm của nhạc sĩ, hay gọi ngắn gọn là độc quyền nhạc sĩ, không hề lạ với các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, nếu hợp đồng giữa PNC và nhạc sĩ Phạm Duy là 20 năm kể từ ngày ca khúc đó được phổ biến, thì với nhạc sĩ Tuấn Khanh, hợp đồng hai bên ký kết với nhau theo từng năm một. Theo ông Huỳnh Tiết - Giám đốc Bến Thành Audio, lý do lớn nhất để các nhạc sĩ chọn phương án bán, ủy thác độc quyền cho một công ty nào đó là không phải mất nhiều thời gian theo đuổi chuyện tác quyền. Tuy nhiên, sau thời gian đầu tự mình giám sát, các công ty được ủy thác cũng "đuối" dần, phải nhờ đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Khai thác độc quyền các ca khúc của nhạc sĩ như Đêm nhạc Trịnh Công Sơn (ảnh) ngày càng phổ biến trên thị trường âm nhạc hiện nay - Ảnh: V.H.
Một cách nào đó, không phải là không có lý khi nhiều người băn khoăn về độ phổ biến của tác phẩm sau các hợp đồng này, bởi sự hợp tác này thực chất là một thương vụ kinh doanh, đương nhiên bị yếu tố lợi nhuận chi phối. Ngay sau khi độc quyền khai thác, PNC đã đưa ra biểu giá tác quyền theo ý mình đối với tác phẩm của Phạm Duy và Tuấn Khanh, được tính theo quy mô của từng sô diễn, dựa vào sức chứa khán giả, giá vé... Điều đó cũng diễn ra với các tác phẩm của Trịnh Công Sơn hay Lam Phương, với mức tiền triệu trở lên cho một ca khúc nếu đó là biểu diễn trên sân khấu. "Ca khúc bây giờ giống như một sản phẩm, thuận mua vừa bán", ông Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Văn phòng VCPMC phía Nam nhận định.
Sự thiệt thòi của khán giả trước tình trạng độc quyền này là điều có thật, như trường hợp đêm nhạc về tác giả Lam Phương phải hủy bỏ cách đây vài ngày và từ đây đến tháng 9/2013 khán giả còn phải tiếp tục chờ đợi. Bên cạnh đó, giá tác quyền cao sẽ khiến các công ty tổ chức biểu diễn phải tính toán thiệt hơn khi chọn tác phẩm cho sô diễn, sự phổ biến vì thế cũng hạn chế. Sự chuyên nghiệp đang xung đột với nhu cầu chính đáng của khán giả, và đó là điều hoàn toàn không đáng có. Theo ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc Công ty Nhạc Xanh, các công ty đang sở hữu độc quyền có thể linh động hơn trong việc đưa ra biểu giá tác quyền, lẫn cách thức thỏa thuận và mua/bán. Thị trường âm nhạc ngày càng chuyên nghiệp là điều khán giả luôn ủng hộ vì được cung cấp những sản phẩm có chất lượng, nhưng bên cạnh yếu tố lợi nhuận, khán giả cũng cần được đáp ứng trên tinh thần vị nghệ thuật.
Theo Phunuonline
Mai Khôi say đắm với nhạc Quốc Bảo Thông qua âm nhạc, nữ ca sĩ muốn chia sẻ thông điệp về tình yêu thương trong cuộc sống. Sau thời gian sinh sống tại Hà Nội, nữ ca sĩ cá tính Mai Khôi đã trở lại Sài Gòn và đánh dấu sự "tái xuất" bằng đêm nhạc đầy say đắm và quyến rũ mang tên Mai Khôi và Hành trình yêu thương...