Hong Kong hoãn thi hành vô thời hạn dự luật dẫn độ sau 1 tuần biểu tình dữ dội
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam đã tuyên bố hoãn thông qua dự luật dẫn độ về Trung Hoa Đại lục sau một tuần biểu tình căng thẳng và bạo động bùng phát khiến chính quyền Hong Kong phải chịu sức ép rất lớn.
Trong một cuộc họp báo diễn ra ngày 15/6, sau ba ngày im lặng, bà Lam cho biết bà đã “làm hết khả năng của mình” nhưng thừa nhận rằng dự luật “đã gây ra những bất đồng lớn” trong xã hội. Bà nói thêm, quá trình xem xét áp dụng dự luật này đã được ngừng lại vô thời hạn để cho phép chính quyền tiếp nhận ý kiến của người dân Hong Kong.
Chính quyền Hong Kong đã tuyên bố hoãn xem xét dự luật dẫn độ vô thời hạn sau một tuần biểu tình dữ dội trên đường phố.
Mặc cho tuyên bố của bà Lam, một cuộc biểu tình lớn vẫn sẽ được tổ chức vào ngày 16/6 tới khi những người biểu tinh tin rằng chính quyền Hong Kong đang tìm cách cứu mình khỏi sự bẽ mặt cũng như giảm bớt những tiếng nói phản đối từ phe đối lập.
“Bà Lam đang tìm cách kéo dài thời gian cho mình cũng như những người bạn thân Bắc Kinh của bà”, ông Kenneth Chan, một giáo sư của một trường đại học ở Hong Kong cho biết.
Một số nguồn tin cho biết bà Lam chỉ có ý định trì hoãn xem xét chứ không bãi bỏ hoàn toàn dự luật này, với hi vọng rằng thời gian và những ý kiến có lợi có thể thu được trong tương lai sẽ khiến phe đối lập mất đi ảnh hưởng của mình.
“Ý định của chính quyền đó là tìm cách giảm bớt số người có mặt trong các cuộc biểu tình, và sau đó sẽ tìm một thời điểm thích hợp để tìm cách thông qua dự luật này, rất có thể là sau cuộc bỏ phiếu diễn ra vào tháng 11 năm nay, khi học sinh, sinh viên phải trở lại trường để học tập”, ông Chan cũng nói thêm.
Video đang HOT
Hong Kong đã rơi vào tình trạng khủng hoảng sau khi chính quyền thành phố tìm cách áp dụng dự luật dẫn độ người dân về Trung Quốc xét xử. Hàng trăm ngàn người biểu tình đã đổ xuống các con phố lớn để phản đối dự luật này, và những hành động bạo lực của cảnh sát để trấn áp biểu tình và sự cứng rắn từ phía chính quyền Hong Kong càng khiến dư luận phẫn nộ.
Cuộc biểu tình cũng tạo được sự chú ý của nhiều nơi trên thế giới, cụ thể là ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khen ngợi những người tham gia biểu tình và cảnh báo các quan chức Hong Kong rằng “thế giới đang dõi theo các người”.
Việc bà Lam quyết định trì hoãn xem xét thực thi dự luật dẫn độ vẫn có thể coi là một bước đột phá lớn, khi vài ngày trước bà vẫn lên tiếng chỉ trích người biểu tình và khẳng định sẽ theo đuổi việc áp dụng dự luật này đến cùng.
Trong khi đó, phe đối lập tin rằng quyết định này thực chất là một sự rút lui có chiến lược nhằm kéo dài thời gian để làm những người phản đối mất tinh thần. Ông Baggio Leung, một chính trị gia và là nhà hoạt động xã hội Hong Kong nhận định: “Tôi nghĩ chính quyền đang tìm cách kìm hãm phong trào phản đối”.
Ông nói thêm rằng cuộc biểu tình ngày 16/6 vẫn sẽ được tổ chức và phong trào này sẽ còn tiếp tục cho đến khi dự luật dẫn độ bị bác bỏ hoàn toàn, song ông lo ngại rằng chính quyền Hong Kong sẽ tiến hành bắt giữ hàng loạt người tham gia biểu tình.
“Chúng tôi kêu gọi không được áp dụng dự luật dẫn độ cũng như không được bắt giữ người phản đối”, ông nói. “Chúng tôi lo ngại họ sẽ buộc tội rất nhiều người để răn đe dư luận”.
Những người phản đối dự luật tin rằng nó sẽ khiến nền kinh tế và đời sống xã hội Hong Kong bị tác động tiêu cực, khi không chỉ người dân Hong Kong mà cả những người nước ngoài có thể bị bắt giữ và đưa đến Trung Quốc xét xử một cách thiếu công bằng.
Anh Tuấn (lược dịch)
Theo Infornet
Lãnh đạo Hong Kong nói gì về hoãn luật dẫn độ vô thời hạn?
Chính quyền Hong Kong dự kiến sẽ hoãn dự luật dẫn độ về Trung Quốc nhằm xoa dịu dư luận sau nhiều ngày liền biểu tình lan rộng khắp đặc khu này.
Tại buổi họp báo hôm 15-6, Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam cho biết sau khi đã nhất trí với các nhà lập pháp khác, dự luật dẫn độ sẽ bị tạm hoãn vô thời hạn. Bà cũng cho biết rất có thể dự luật sẽ không được thông qua cho đến ít nhất là hết năm 2019.
Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lamt tại buổi họp báo 15-6. Ảnh: SCMP
"Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để giảm thiểu sự khác biệt và xoá tan nghi ngờ", Bà Lam nói. "Tuần trước, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình và tụ tập. Những xung đột nghiêm trọng đã xảy ra... khiến một số sĩ quan cảnh sát, báo giới, và những người dân bị thương. Điều này làm tôi rất buồn".
Theo Trưởng Đặc khu, qua việc tạm hoãn dự luật dẫn độ, bà hy vọng chính quyền có thể "lập lại sự yên bình" cho xã hội mà nếu không thực hiện được thì xã hội Hong Kong sẽ phải "nhận thêm một đòn nữa".
"Trong các cuộc đối đầu [giữa người biểu tình và cảnh sát mà tôi thấy vào hôm 12-6, rất có thể... sẽ còn có cuộc đối đầu nghiêm trọng hơn như vậy nữa. Rất có thể các sĩ quan cảnh sát và công dân của tôi sẽ phải chịu nhiều thương tích hơn nữa. Tôi không muốn bất kỳ thương vong nào như vậy xảy ra", bà Lam chia sẻ.
Một phóng viên sau đó đã hỏi bà liệu những tranh cãi xung quanh dự luật dẫn độ có phải là do vì người dân "hiểu sai" ý định của chính quyền Hong Kong hay lý do thật sự là vì người Hong Kong "nghi ngờ sâu sắc" Bắc Kinh và cho rằng Trưởng Đặc khu hành động cho lợi ích của chính quyền Trung Quốc.
Carrie Lam cho biết tất cả những diễn biến gần đây là một sự hiểu lầm, nhưng thú nhận rằng tất cả những chính sách nào có liên quan đến chính quyền đại lục đều có nguy cơ tạo ra "xung đột". Mặc dù vậy, bà nói rằng hiện tại con đường duy nhất để tiến về phía trước chỉ có thể là "gia tăng niềm tin và xua tan nỗi lo" của người dân Hong Kong.
Khi được hỏi qua sự việc lần này Carrie Lam có làm "bẽ mặt" chính quyền Bắc Kinh hay không, bà nói rằng chính quyền Trung Quốc "đã thể hiện sự hiểu biết, tin tưởng, tôn trọng và hỗ trợ".
Theo bà Lam, Bắc Kinh hiểu rằng Hồng Kong rất khác với đại lục, và đôi khi "làm việc tốt" ở đây là điều không dễ dàng.
Một phóng viên khác đã hỏi liệu sắp tới Trưởng Đặc khu có tổ chức một buổi xin lỗi công khai hay không, Carrie Lam từ chối trả lời.
Theo hãng tin CNN, những tranh cãi xung quanh dự luật dẫn độ cũng đặt dấu chấm hỏi cho sự nghiệp của bà Lam với vai trò là Trưởng Đặc khu Hong Kong. Khi nhậm chức vào năm 2017, Carrie Lam đã tuyên bố sẽ từ chối nếu "dư luận khiến tôi không muốn tiếp tục làm việc này nữa". Khi được hỏi về vấn đề từ chức, bà Lam đã lảng tránh trả lời và chỉ nói đơn giản rằng bà rất buồn vì đã tạo ra xung đột trong xã hội, nhưng trong suốt hai năm cầm quyền, bà đã cố gắng xây dựng một xã hội hoà hợp.
Tờ South China Morning Post cho hay, Chính quyền của bà Lam được cho là đang chia rẽ vì dự luật dẫn độ, khi một số cố vấn cấp cao của bà trước đó đã công khai lên tiếng phản đối việc vội vã thông qua dự luật vốn châm ngòi cho hai cuộc biểu tình bạo lực gần đây.
Dự luật sửa đổi "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" cho phép Hong Kong bàn giao nghi phạm tới các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục. Người Hong Kong lo ngại dự luật này có thể khiến ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục gia tăng ở Đặc khu.
Theo PLO
Tương lai của Hong Kong nếu dự luật dẫn độ được thông qua Hong Kong sẽ đối mặt với một số tác động nhất định nếu dự luật dẫn độ được thông qua, trong đó có nguy cơ mất đi bản sắc và không còn là điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế. Cảnh sát Hong Kong đối phó với người biểu tình ngày 12/6. (Ảnh: Reuters) Chính quyền Hong Kong đã lên...