Hong Kong cử cựu quan chức ‘cứu’ hãng bay
Hong Kong chỉ định hai cựu quan chức cấp cao làm đại diện của chính quyền giám sát gói cứu trợ hãng hàng không Cathay Pacific.
Cựu lãnh đạo cơ quan thanh tra tài chính Carlson Tong Ka-shing và cựu lãnh đạo tư pháp Rimsky Yuen Kwok-keung sẽ được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị hãng hàng không Cathay Pacific để giám sát gói cứu trợ 27,3 tỷ đôla Hong Kong (khoảng 3,06 tỷ USD) của chính quyền đặc khu dành cho hãng bay, nguồn thạo tin cho biết hôm nay.
Quyết định bổ nhiệm hai cựu quan chức trên được chính quyền Hong Kong phê duyệt trong tuần này. Trước đó, Cathay Pacific đã nhận được sự đồng thuận của cổ đông về khoản cứu trợ trị giá 39 tỷ đôla Hong Kong (khoảng 5,03 tỷ USD) từ chính quyền để ngăn nguy cơ sụp đổ do thiệt hại từ đại dịch Covid-19.
Cựu lãnh đạo cơ quan thanh tra tài chính Hong Kong Carlson Tong Ka-shing. Ảnh: SCMP.
Đây là lần đầu tiên chính quyền đặc khu trực tiếp tham gia xử lý vấn đề của hãng hàng không Cathay Pacific, động thái hiếm xảy ra trong ngành. Điều này tương tự việc Singapore Airlines và Air France-KLM, hai tập đoàn có cổ phần của chính phủ Singapore và Pháp, đều được nhận các khoản cứu trợ sau khi Covid-19 gây thiệt hại nặng nề trong ngành du lịch hàng không.
Carlson Tong Ka-shing, cựu chủ tịch cơ quan điều tiết thị trường chứng khoán Hong Kong từ năm 2012 đến 2018, vốn không xa lạ với ngành hàng không. Ông hiện là giám đốc Cảng vụ Hong Kong từ tháng 6/2017.
Video đang HOT
Trong khi đó, Rimsky Yuen Kwok-keung từng là cựu lãnh đạo ngành tư pháp dưới thời cựu trưởng đặc khu Lương Chấn Anh và tiếp tục giữ chức vụ này vài tháng dưới thời trưởng đặc khu Carrie Lam. Sau thời gian hoạt động trong chính phủ từ năm 2012 đến năm 2018, Yuen trở lại hoạt động trong lĩnh vực tư nhân, chuyên về luật thương mại.
Rimsky Yuen Kwok-keung. Ảnh: SCMP.
Cả Tong và Yuen đều có kinh nghiệm khi đang và từng là thành viên của Ủy ban Cố vấn Trao đổi Tài chính Hong Kong, đứng đầu là lãnh đạo tài chính Paul Chan Mo-po, người thiết kế gói cứu trợ cho Cathay Pacific.
Hãng hàng không Cathay Pacific liên tiếp hứng chịu khủng hoảng từ phong trào biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở đặc khu hành chính Hong Kong hồi năm ngoái và đại dịch Covid-19 năm nay. Hãng bay hồi tháng hai đã đề nghị 27.000 nhân viên nghỉ không lương tới ba tuần để xử lý khủng hoảng.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 13,2 triệu người nhiễm và hơn 576.000 người chết. Đặc khu Hong Kong đang đối diện làn sóng dịch lần ba với hơn 1.500 ca nhiễm và 8 ca tử vong.
Cảnh sát Hong Kong ập lên máy bay, bắt giữ người chuẩn bị sang Anh
Cảnh sát Hong Kong bắt giữ nam thanh niên 24 tuổi bị cáo buộc đâm cảnh sát khi người này lên máy bay tới Anh.
Một phát ngôn viên cảnh sát Hong Kong cho biết đối tượng bị bắt giữ tên Wong, 24 tuổi.
Wong được cho là đã dùng vật sắc nhọn đâm vào một cảnh sát khi lực lượng này giải tán đám đông biểu tình ở đường Causeway hôm 1/7.
Cảnh sát Hong Kong tối 1/7 đăng tải lên Twitter hình ảnh viên cảnh sát với cánh tay đầm đìa máu và nói rằng anh này bị đâm bởi những kẻ bạo động.
"Các nghi phạm đã bỏ trốn", lực lượng này cho hay.
Hình ảnh sỹ quan bị đâm chảy máu cánh tay được cảnh sát Hong Kong đăng tải lên Twitter. (Ảnh: Twitter)
Một số nguồn tin nói nghi phạm đã lên chuyến bay của Cathay Pacific tới London khởi hành lúc 23h55 ngày 1/7.
Một nhân chứng cho biết 3 xe cảnh sát di chuyển tới cổng ra máy bay khi chiếc máy bay của Cathay Pacific đang chuẩn bị cất cánh. Khoảng 10 cảnh sát chống bạo động sau đó ập lên máy bay.
SCMP dẫn nguồn tin từ cảnh sát Hong Kong cho biết vụ bắt giữ diễn ra 1 giờ sau khi lực lượng chức năng nhận được thông tin về kế hoạch di chuyển của nghi phạm.
Theo SCMP, các sỹ quan mặc thường phục lên máy bay tìm kiếm nghi phạm nhưng đối tượng không ngồi ghế của mình và cũng không trả lời thông báo tìm người trên loa. Cảnh sát sau đó rà soát cả máy bay và tìm thấy Wong. Nghi phạm đang bị giam giữ. Cathay Pacific hiện chưa bình luận về thông tin này.
Trong thông báo đăng tải trên Facebook hôm 1/7, cựu Trưởng đặc khu Hong Kong Leung Chun-ying thông báo, người cung cấp thông tin giúp bắt được nghi phạm bỏ trốn sẽ được thưởng gần 65.000 USD.
Hôm 1/7, các cuộc biểu tình nổ ra ở Hong Kong phản đối việc Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới với thành phố này.
Hàng nghìn người tràn xuống các con phố tại khu vực Causeway Bay và Wanchai, bất chấp lệnh cấm biểu tình. Đám đông người biểu tình đào bới gạch đá trên đường, gây hư hại các rào chắn, đập phá một số cửa sổ, và có thời điểm tràn ra chặn cả 6 làn xe của đường Hennessy.
Theo Guardian, hơn 370 người biểu tình ở Hong Kong bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình, 10 người trong số này bị cáo buộc vi phạm luật an ninh mới, bao gồm việc cầm bảng biểu hay cờ có nội dung ủng hộ Hong Kong độc lập.
Điều gì xảy ra nếu Mỹ hủy quy chế đặc biệt cho Hồng Kông? Theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hồng Kông năm 1992, Mỹ sẽ đối xử với Hồng Kông khác với Trung Quốc đại lục về thương mại và nhiều lĩnh vực khác. Trong hoàn cảnh hiện tại, khi Bắc Kinh vừa thông qua nghị quyết về dự luật an ninh Hồng Kông, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng có thể hủy...