Hong Kong chỉnh lại chiến lược chống COVID-19 để giữ kỷ lục 0 ca mắc mới
Khi Hong Kong (Trung Quốc) sắp đạt 2 tháng không có ca mắc cộng đồng mới, giới chức đặc khu hành chính này bắt đầu điều chỉnh lại chiến lược chống dịch COVID-19.
Một người đàn ông rời khỏi trung tâm tiêm chủng ngừa COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Tờ Straits Times đưa tin, trước làn sóng bùng phát mới trên thế giới cùng với hoành hành của biến thể Delta dễ lây lan hơn, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Carrie Lam hôm 2/8 khẳng định trọng tâm chiến lược chống COVID-19 của họ là ngăn chặn các ca mắc từ vùng khác đến. Ngoài ra, còn có phân luồng cách ly đối với hành khách đã tiêm phòng, mở rộng chiến dịch tiêm vaccine đối với nhân viên trong lĩnh vực công và trường học.
Hiện tại, toàn bộ người đến Hong Kong cần xuất trình kết quả xét nghiệm nuclei acid âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay, và chỉ người dân Hong Kong mới có thể vào thành phố này nếu như họ trở về từ các nước có nguy cơ cao. Theo các quy tắc đã được điều chỉnh, những người không cư trú ở Hong Kong từ các khu vực có nguy cơ cao cũng có thể vào Hong Kong nếu họ đã tiêm phòng đầy đủ.
Đối với khu vực nguy cơ trung bình, chỉ có người Hong Kong và người đã tiêm vaccine được vào. Trước khi thay đổi, toàn bộ người đến từ khu vực nguy cơ trung bình đều có thể vào thành phố này.
Hay hiện tại, mọi du khách đều phải cách ly tại các khách sạn chỉ định trong 7 ngày nếu như họ đến từ vùng nguy cơ thấp và 21 ngày đối với vùng nguy cơ cao. Quy định mới nêu rõ người đến từ vùng nguy cơ thấp có thể chọn lựa phương án làm xét nghiệm kháng thể tại Hong Kong, sau đó cách ly 7 ngày ở khách sạn và tự giám sát thêm 7 ngày nữa.
Mặt khác, nếu cư dân Hong Kong chưa được tiêm vaccine nhưng muốn vào thành phố này phải cách ly thêm 7 ngày. Ví dụ, nếu một cư dân chưa tiêm vaccine đến từ vùng nguy cơ thấp, thay vì cách ly bắt buộc 7 ngày như cũ, người này sẽ phải cách ly 14 ngày.
Chính quyền Hong Kong cũng tăng cường xét nghiệm bắt buộc đối với tất cả những người đến thành phố này. Bà Lam cho hay tối đa một số người sẽ phải làm 7 lần xét nghiệm bắt buộc trong vòng 19 ngày kể từ ngày đến, trong đó đã tính cả lần xét nghiệm tại sân bay.
Video đang HOT
Hành khách hạ cánh xuống sân bay Hong Kong đều phải làm xét nghiệm COVID-19. Ảnh: CNS
Còn đối với lực lượng nhân viên tiếp xúc với người đến Hong Kong, chẳng hạn như nhân viên khách sạn cách ly và nhân viên lái xe chuyên chở, họ đều phải tiêm vaccine. Ngoài ra, bà Lam cũng thông báo kế hoạch “không tiêm vaccine, tự trả tiền xét nghiệm” sẽ được triển khai từ ngày 2/8 và đẩy mạnh hơn nữa.
Bắt đầu từ ngày 1/9, những công chức chưa tiêm chủng ngừa COVID-19 sẽ phải tự thanh toán chi phí xét nghiệm. Trong khi đó, những công chức từ chối tiêm vaccine hoặc làm xét nghiệm sẽ đối mặt với các hình thức kỷ luật.
Bà cho biết nhân viên y tế, người làm việc tại nhà dưỡng lão và người làm việc tại các trường học công lập sẽ là những đối tượng tiếp theo được đưa vào kế hoạch này. Cho đến nay, tại Hong Kong có 70% công chức, 67% nhân viên y tế, 64% nhân viên chăm sóc người già và người khuyết tật, cũng như 47% nhân viên giáo dục đã tiêm vaccine.
Người phụ trách lĩnh vực giáo dục, ông Kevin Yeung cho hay từ 1/9 toàn bộ nhân viên trường học và những người thường xuyên đến trường học sẽ phải tiêm ít nhất 1 liều vaccine, nếu không phải tự trả tiền làm xét nghiệm 2 tuần/lần. Những người không thể đi tiêm được vì lý do sức khỏe sẽ được miễn trừ. Ông thông báo sẽ cân nhắc mở lại lớp học trực tiếp cả ngày khi tỷ lệ tiêm chủng của các trường đạt 70%.
Hiện tại, 48% dân số Hong Kong đã tiêm 1 liều vaccine, trong khi có 36% đã tiêm đủ 2 liều.
Tính đến ngày 25/7, giới chức thành phố nhận được báo cáo về 4.500 ca phản ứng phụ sau tiêm, tương đương 0,09% những người đã tiêm vaccine, đa số đều là các phản ứng nhẹ. Và 27 người tử vong sau tiêm hay tỷ lệ là 0,005% nhưng không ca nào có mối liên hệ trực tiếp đến vaccine.
Người phụ trách y tế và thực phẩm, bà Sophia Chan thông báo trong tháng 8, chính quyền sẽ yêu cầu nhóm nhân viên phục vụ chưa tiêm vaccine tại các cơ sở ăn uống thuộc nhóm B phải xét nghiệm COVID-19 thường xuyên hơn.
Các nhà hàng loại B được phép cung cấp dịch vụ ăn uống cho đến 10 giờ tối, với số lượng khách hàng tối đa mỗi bàn là bốn người. Nhân viên tại các nhà hàng này cần phải tiêm phòng hoặc đi xét nghiệm 2 tuần/lần.
Theo đó, sau khi sửa đổi, nhân viên trong ngành dịch vụ ăn uống sẽ phải xét nghiệm hàng tuần, còn những người đã tiêm vaccine thì được miễn xét nghiệm.
Ngoài ra, các biện pháp giãn cách xã hội tại Hong Kong sẽ được kéo dài thêm hai tuần cho đến ngày 18/8. Tính đến ngày 2/8, Hong Kong có trên 11.900 ca mắc và 212 ca tử vong do COVID-19.
Lào lần thứ 7 liên tiếp gia hạn lệnh phong tỏa
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trong nước và khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày 3/8, Chính phủ Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa kéo dài từ ngày 4-18/8.
Đây là lần thứ 7, Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Quyết định gia hạn lệnh phong tỏa nêu rõ do lo ngại nguy cơ lây nhiễm từ người lao động nhập cảnh và một số ca lây nhiễm trong cộng đồng, Chính phủ Lào đã yêu cầu tăng cường truy vết người mắc COVID-19 để đưa đi điều trị kịp thời và thúc đẩy chương trình tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu đề ra. Ban lãnh đạo các tỉnh có nhiều ca mắc COVID-19 cần bàn bạc và xây dựng cơ chế hỗ trợ lẫn nhau giải quyết tình trạng đông người cách ly và số bệnh nhân gia tăng trong thời gian tới.
Quyết định mới cũng yêu cầu các tỉnh mở rộng cơ sở cách ly và bệnh viện để đảm bảo tiếp nhận lượng lao động trở về từ nước ngoài. Chính quyền các địa phương cần tổ chức cách ly tập trung thêm 14 ngày đối với lao động về nước vừa hoàn thành thời gian cách ly ở các trung tâm tại các tỉnh biên giới; Tăng cường hoạt động tuần tra, giám sát và ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp, coi đó là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phòng chống dịch tiếp theo của Lào.
Trong 15 ngày tới, các quy định được duy trì bao gồm đóng cửa các tụ điểm giải trí, karaoke, cafe Internet, spa; không cho phép hoạt động thể thao tiếp xúc cơ thể; cấm người dân ra vào vùng đỏ; cấm tổ chức tiệc tùng, tụ tập đông người. Các hoạt động được nới lỏng bao gồm: cho phép mở trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, chợ thực phẩm, chợ đêm, quán tóc, quán làm đẹp ngoài vùng đỏ. Quán ăn, cà phê, khu du lịch, ẩm thực ngoài vùng lây nhiễm có thể được mở cửa nhưng không cho phép phục vụ đồ uống có cồn. Hoạt động hội họp chính thức được phép diễn ra với điều kiện đảm bảo tuân thủ biện pháp chống lây nhiễm.
Lào cũng cho phép nối lại hoạt động vận tải đường bộ và hàng không ở địa phương không có dịch hoặc giữa các địa phương có dịch nếu tài xế và hành khách đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19. Ở khu vực không có dịch bệnh lây lan, trường học các cấp và trung tâm thể thao được phép mở cửa trở lại với điều kiện đảm bảo biện pháp phòng chống lây nhiễm.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, ngày 3/8, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 250 ca mắc mới, trong đó có 13 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đánh dấu sự gia tăng trở lại của các ca lây nhiễm trong nước.
Với 250 ca mắc mới, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào tới nay đã lên tới 7.015 ca, trong đó có 7 ca tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này ghi nhận 577 ca mắc mới (trong đó có 224 ca nhập cảnh) và 29 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 79.051 ca và 1.471 ca tử vong. Đến nay, 72.145 bệnh nhân đã phục hồi.
Quốc gia Đông Nam Á này đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vào ngày 10/2 với mục tiêu tiêm chủng cho 12 triệu người (gồm 10 triệu người trưởng thành và 2 triệu thanh thiếu niên), chiếm 75% trong tổng số 16 triệu dân của nước này cho đến tháng 11/2021. Tính đến ngày 2/8, khoảng 7,5 triệu người, chiếm 46,8% dân số nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Ấn Độ, Chile ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm đáng kể Số ca mắc mới theo ngày tại Ấn Độ đã liên tục giảm trong những tuần qua, từ đỉnh điểm trên dưới 400.000 ca/ngày giảm xuống trên dưới 40.000 ca/ngày. Trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á này ghi nhận thêm 43.654 ca mắc mới, nâng tổng số nhiễm virus tại nước này lên 31,44 triệu, trong đó có 422.054 ca tử...