Hong Kong bắt hơn 360 người biểu tình
Hơn 360 người biểu tình Hong Kong bị cảnh sát bắt sau một ngày đụng độ vì phản đối cơ quan lập pháp thảo luận dự luật quốc ca.
Hàng nghìn cảnh sát vũ trang Hong Kong hôm qua xuống đường để chặn các cuộc biểu tình được lên kế hoạch nhằm ngăn dự luật truy tố hình sự những người xúc phạm quốc ca Trung Quốc. Người biểu tình chiếm các con đường ở Mongkok vào ban đêm sau một ngày biểu tình và đụng độ. Cảnh sát cho biết tính đến 21h30, hơn 360 người đã bị bắt vì các hành vi phạm tội bao gồm tụ tập trái phép và sở hữu các đồ vật gây nguy hiểm như bom xăng.
Một nhóm người biểu tình Hong Kong bị cảnh sát bắt và áp giải hôm 27/5. Video: Twitter/ ShibaniMahtani.
Trước đó một ngày, cảnh sát chống bạo động đã chặn và tìm kiếm chủ yếu những người trẻ tuổi bên ngoài các ga tàu điện ngầm của Hong Kong trong giờ cao điểm buổi sáng.
Các con đường xung quanh tòa nhà Hội đồng Lập pháp bị chặn khi các nghị sĩ tổ chức thảo luận về luật quốc ca. Những người tổ chức biểu tình trên mạng xã hội kêu gọi mọi người tiếp tục di chuyển khắp thành phố.
Cảnh sát cáo buộc những người biểu tình đốt lửa và ném đồ vật vào họ. Theo lực lượng này, họ không có lựa chọn nào khác và cần sử dụng vũ lực tối thiểu, bao gồm bắn đạn hơi cay để ngăn hành vi bất hợp pháp và bạo lực có liên quan. Đám đông người biểu tình vẫn ở lại trên phố, hô: “Hong Kong độc lập, con đường duy nhất”.
Những người biểu tình Hong Kong ngồi trên mặt đất hôm 27/5, xung quanh họ là cảnh sát chống bạo động. Ảnh: HKFP.
Cơ quan lập pháp Hong Kong sẽ thảo luận về luật quốc ca vài ngày và dự kiến bỏ phiếu ngày 4/6. Những người phản đối cho rằng luật quốc ca có thể chống lại các nhà hoạt động dân chủ và nhà lập pháp vì phần “có ý định xúc phạm quốc ca”, như thay đổi lời bài hát, giai điệu hoặc hát “theo cách bất kính”. Người vi phạm có thể bị xử phạt tài chính boặc bỏ tù lên tới ba năm.
Macau ban hành luật quốc ca vào tháng 1/2019, nhưng Hong Kong bị đình trệ do các cuộc biểu tình năm ngoái. Chính quyền Hong Kong bác bỏ quan điểm cho rằng dự luật sẽ làm mất tự do ngôn luận, nói rằng hành vi phạm tội sẽ chỉ xảy ra nếu ai đó bày tỏ quan điểm của họ bằng cách công khai và cố ý xúc phạm quốc ca.
Một người biểu tình Hong Kong bị cảnh sát chống bạo động bắt và áp giải hôm 27/5. Ảnh: AFP.
Biểu tình phản đối dự luật quốc ca diễn ra vài ngày sau khi hàng nghìn người Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối dự luật an ninh do Trung Quốc đại lục đề xuất. Quốc hội Trung Quốc dự kiến thông qua dự luật vào hôm nay, sau đó chuyển cho Ủy ban Thường vụ quốc hội để soạn thảo điều luật chi tiết.
Nhật quan ngại tình hình Hong Kong
Phát ngôn viên chính phủ Nhật bày tỏ quan ngại tình hình Hong Kong sau khi người dân đặc khu biểu tình phản đối dự luật an ninh.
"Điều quan trọng đối với Hong Kong là duy trì hệ thống tự do và cởi mở hiện nay trong khuôn khổ nguyên tắc 'một quốc gia, hai chế độ', cũng như phát triển một cách dân chủ và ổn định", Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho hay tại họp báo thường kỳ hôm nay ở Tokyo.
Ông Suga khẳng định chính phủ Nhật Bản "rất quan ngại" tình hình ở Hong Kong. "Chúng tôi hy vọng phía Trung Quốc có phản ứng khôn ngoan", ông nói.
Tuyên bố được phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản đưa ra trong bối cảnh cảnh sát Hong Kong hôm nay sử dụng hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình ở khu vực Causeway Bay và quận Central để phản đối dự luật quốc ca Trung Quốc.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga trong cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 1/4. Ảnh: Reuters.
Dự luật quốc ca Trung Quốc được thảo luận lần hai vào hôm nay và dự kiến được chuyển thành luật vào tháng tới, trong đó yêu cầu "toàn bộ cá nhân và tổ chức" thể hiện thái độ tôn trọng và trang nghiêm với "Nghĩa dũng quân tiến hành khúc", quốc ca Trung Quốc, trong những dịp thích hợp.
Dự luật cũng yêu cầu quốc ca Trung Quốc phải được dạy trong trường học và được các tổ chức hát, cũng như áp dụng phạt tù hoặc phạt tiền với những hành vi thiếu tôn trọng. Nếu dự luật được thông qua, người xúc phạm quốc ca Trung Quốc phải đối mặt án tù tối đa ba năm hoặc phạt tiền lên tới 6.450 USD.
Những người phản đối cho rằng dự luật là một ví dụ khác về việc Bắc Kinh "xâm phạm" Hong Kong, trong khi những người ủng hộ khẳng định chính quyền thành phố có nghĩa vụ đảm bảo các biểu tượng quốc gia phải được tôn trọng.
Cảnh sát chống bạo động Hong Kong đụng độ với người biểu tình phản đối dự luật quốc ca Trung Quốc hôm nay. Ảnh: Reuters.
Các cuộc biểu tình diễn ra ở Hong Kong vài ngày sau khi dự luật an ninh Hong Kong được đệ trình lên quốc hội Trung Quốc hôm 22/5, cấm các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố cũng như sự can thiệp của nước ngoài trong thành phố.
Bắc Kinh khẳng định dự luật an ninh trên thực tế củng cố nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển. Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố dự luật an ninh không ảnh hưởng đến quyền, tự do, tính độc lập tư pháp của đặc khu và bà sẽ "hợp tác hoàn toàn" với quốc hội Trung Quốc để hoàn thành dự luật.
Hàng nghìn người Hong Kong hôm 24/5 xuống đường để phản đối dự luật an ninh, khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay, vòi rồng để giải tán đám đông, gợi lên ký ức về các cuộc biểu tình làm tê liệt thành phố năm ngoái.
Cảnh sát Hong Kong bắn đạn hơi cay giải tán người biểu tình Cảnh sát chống bạo động Hong Kong bắn đạn hơi cay vào người biểu tình bên ngoài trụ sở chính quyền đặc khu để phản đối dự luật quốc ca. Hàng trăm người dân Hong Kong đã xuống đường biểu tình trưa nay ở khu vực Causeway Bay và quận Central, khu thương mại trung tâm của thành phố, để phản đối dự...