‘Hồn Papa da con gái’: Bước tiến dài diễn xuất của Kaity Nguyễn sau ‘Em chưa 18′
“ Hồn Papa da con gái” là câu trả lời thích đáng cho bước đi “chậm mà chắc”, sự lựa chọn kịch bản nghiêm túc và chuẩn bị kì công của Kaity Nguyễn – cô gái không bị vùi sâu sau hào quang của cú sốc “ Em chưa 18″.
Em chưa 18 được xem là cú sốc lớn của điện ảnh Việt Nam khi không những xô đổ mọi kỷ lục về doanh thu mà còn ẵm nhiều giải thưởng nghệ thuật danh giá. Bộ phim cũng trở thành bệ phóng tên tuổi cho ngôi sao sáng muộn Kiều Minh Tuấn và gương mặt chưa từng thấy trước đó: Kaity Nguyễn – khi ấy mới tròn 18. Sau Em chưa 18, Kiều Minh Tuấn thành hiện tượng phòng vé với tần suất xuất hiện tại các rạp chiếu nhiều đến nỗi nhiều khán giả cho rằng, hễ ra đến rạp là thấy Kiều Minh Tuấn. Song, Kaity Nguyễn là một trường hợp ngược lại hoàn toàn.
Em chưa 18 có thể trở thành cơ hội “một không hai” để Kaity Nguyễn tranh thủ sức nóng và nhận về loạt hợp đồng điện ảnh. Tuy nhiên, nữ diễn viên sinh năm 1999 chấp nhận chững lại một nhịp để chuẩn bị cho một bước đi khác dài hơn. Sau gần 2 năm kể từ đầu năm 2017, Kaity Nguyễn trở lại với Hồn papa da con gái, đóng cặp cùng ông hoàng giải trí Thái Hòa.
Chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của Nhật Bản Papa to Musume no Nanokakan của tác giả Takahisa Igarashi, chuyện phim Hồn papa da con gái theo chân hai cha con sống cùng nhau sau khi mẹ qua đời vì bệnh nặng. Trong khi Hải (Thái Hòa) là người cha ham chơi, sống thờ ơ, vô tâm với mọi thứ, luôn thích những thứ sáng tạo, vượt ra khỏi các chuẩn mực; thì Châu (Kaity Nguyễn đảm nhận) dường như trưởng thành ngay lập tức sau cái chết của mẹ. Nữ sinh lớp 12 đảm đương mọi việc trong gia đình, sống nguyên tắc, luôn khao khát giành chiến thắng và trở thành một vũ công ballet chuẩn chỉnh ở từng tư thế như mẹ mình trước kia.
Tuy nhiên, một biến cố xảy ra trong đám giỗ của mẹ đã khiến hai cha con bị hoán đổi thân xác cho nhau: Hải phải sống cuộc sống của một nữ sinh cuối cấp, tham gia nốt cuộc thi tài năng với phần diễn múa ballet mà Châu từng dày công tập luyện. Trong khi đó, Châu đến nơi làm việc của bố và đối mặt với hàng loạt rắc rối khi phải sống ở môi trường quá ồn ào và đòi hỏi sự sáng tạo. Thay nhau nhìn mọi việc qua lăng kính của người khác, Hải và Châu đã dần thay đổi suy nghĩ, thấu hiểu nhau hơn và tìm lại cảm giác gia đình thực thụ từ ngày mất mẹ.
Video đang HOT
Ở Hồn papa da con gái, nữ diễn viên sinh năm 1999 đã cho thấy bước tiến dài về diễn xuất, khi thể hiện tròn trịa cả hai sắc thái của nhân vật Châu sau khi hoán đổi thân xác. Khán giả có thể nhìn thấy một “bà cụ non” vô cùng nhạy cảm, luôn sống nguyên tắc, mong muốn dành cả tương lai của mình để sống nốt cuộc đời của mẹ: chăm lo cho bố, tìm lại cảm giác gia đình, trở thành vũ công múa ballet, học theo mẹ từ cách trang điểm, công thức nấu ăn cho đến những vũ điệu trên sân khấu…
Trái lại, khi Hải mắc kẹt trong thân xác của Châu, Kaity Nguyễn đã cho thấy một chân dung hoàn toàn đối lập. Cô trở về với sự trẻ trung, nhí nhảnh và có phần nổi loạn đúng với lứa tuổi. Không những thể hiện tự nhiên đến không tưởng những phân cảnh hài hước, “lầy lội” không thua kém đàn anh Thái Hòa trước đó; mà nữ diễn viên sinh năm 1999 còn tạo nên sự trái ngược rõ ràng trong diễn xuất của chính mình ở cùng một bộ phim. Đây có lẽ là một điều không dễ dàng đối với một ngôi sao chưa tròn 20 tuổi.
Từ một bộ phim thiên về tình cảm lứa đôi, không quá nặng về thông điệp, Kaity Nguyễn đã cho thấy bước tiến dài khi không hề tỏ ra lúng túng trước tác phẩm gia đình cần nhiều chiều sâu hơn. Sánh vai cùng nam diễn viên gạo cội Thái Hòa trong gần như mọi phân cảnh, song nữ diễn viên 19 tuổi cũng không trở nên nhạt nhòa hay lép vế. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Thái Hòa thành công nhờ kinh nghiệm lâu năm và có một vai diễn không mấy khác biệt; thì ngôi sao Em chưa 18 đã khẳng định năng lực thực sự và hoàn toàn có thể tiến xa hơn.
Bên cạnh năng lực diễn xuất được bộc lộ thông qua các phân cảnh cảm xúc, cũng như hai hình tượng đối lập; Kaity Nguyễn còn cho thấy sự đầu tư công phu cho vai diễn lần này. Hình ảnh cô bé chưa đầy 19 tuổi biểu diễn màn ballet kì công, hay phô diễn những pha kungfu ngẫu hứng đầy sáng tạo kết hợp cùng với khả năng nhả khói vape đã khiến người xem không khỏi bất ngờ.
Câu chuyện về màn hoán đổi thân xác giữa hai cha con chưa được thành hình hoàn hảo trên màn ảnh vì thời lượng có hạn, không ít điều tiếc nuối cũng khiến khán giả ít nhiều lấn cấn. Song không thể phủ nhận, bộ phim vẫn hoàn toàn có khả năng trở thành ứng cử viên sáng giá cho cuộc đua phòng vé cuối năm 2018. Đồng thời, tác phẩm cũng là câu trả lời thích đáng cho bước đi “chậm mà chắc”, sự lựa chọn kịch bản nghiêm túc và chuẩn bị kì công của Kaity Nguyễn – cô gái không bị vùi sâu sau hào quang của cú sốc Em chưa 18.
Theo saostar
Hồn Papa, Da Con Gái: Cuối cùng điện ảnh Việt cũng có phim hay về đề tài hoán đổi thân xác
Đề tài hoán đổi thân xác tại Việt Nam vẫn là một mảnh đất màu mỡ mà chưa có nhà làm phim nào khai thác thành công. Ơn Giời là khi vào tay Charlie Nguyễn, bộ phim thực sự trở thành một tác phẩm tử tế.
Chuyển thể từ bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Nhật Bản: "Papa to Musume no Nanokakan", xoay quanh câu chuyện éo le khi 2 cha con bất đồng quan điểm bỗng dưng vì một tai nạn bất ngờ mà hoán đổi thân xác cho nhau, " Hồn Papa, Da Con Gái" được kì vọng sẽ làm nên kì tích cho một năm khá bình yên của điện ảnh nước nhà. Phim được thực hiện bởi đạo diễn người Nhật, Ken Ochiai, sản suất bởi cái tên đã làm nên những kỉ lục phòng vé, Charlie Nguyễn, với sự góp mặt của 2 gương mặt đình đám, Thái Hòa - Kaity Nguyễn.
Phim về hoán đổi thân xác tại Việt Nam: Một bản nhạc trầm buồn
Thực chất, đối với thị trường phim Việt, hoán đổi thân xác không phải đề tài quá mới, thậm chí cuối tháng 8 vừa qua còn có 1 bộ phim khai thác đề tài này đã ra mắt khán giả. Trước đó cũng từng có không ít những nhà làm phim đã mạo hiểu thử sức với thể loại khó nhằn này. Đáng buồn là phim về hoán đổi thân xác của Việt Nam mãi vẫn chỉ nặng về "số lượng" chứ không thực sự có "chất lượng". Hầu hết những bộ phim đã trình làng đều bị xếp vào hàng hài nhảm. Chỉ có "Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt" (2006) của Nguyễn Quang Dũng là được đánh giá khá cao nhưng đáng buồn là bộ phim này lại không mấy thành công về mặt doanh thu và không thực sự tiếp cận được khán giả của mình.
Cái khó của việc làm phim về hoán đổi thân xác là phải khiến cho khán giả tin vào câu chuyện mà bộ phim muốn truyền tải, diễn viên cũng phải một lúc đảm nhận được 2 dạng tính cách hoàn toàn đối lập. Trong khi đó, phim về đề đề tài này ở Việt Nam đa phần chỉ nặng về tính chất giải trí, lấy việc hoán đổi để làm trò mua vui cho khán giả, tình huống, cốt truyện và ngay cả diễn xuất cũng không đủ sức thuyết phục. Tổng thể khiến cho người xem hoàn toàn mất niềm tin mỗi khi một ekip nào đó có ý định cho một dự án khai thác đề tài này. Thế nhưng, với " Hồn Papa, Da Con Gái" lại khác, khán giả hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, điện ảnh Việt cũng có làm một bộ phim tử tế về đề tài hoán đổi thân xác.
Kịch bản Việt hóa độc lập, gãy gọn, sáng tạo và hợp lý
Lỗ hổng lớn nhất trong những bộ phim về đề tài hoán đổi thân xác của Việt Nam có lẽ chính là phần kịch bản. Đa phần những bộ phim về đề tài này thường nặng về yếu tố giải trí mà yếu đi phần thông điệp hoặc thiếu tính logic và ngập tràn những chi tiết nhảm nhí. Đáng mừng là "Hồn Papa, Da Con Gái" không đi vào vết xe đổ này. Vốn dĩ phần tiểu thuyết gốc đã có quá nhiều điểm cộng bởi xoay quanh một câu chuyện thú vị về tình cảm gia đình. Vào tay của ekip Việt, câu chuyện còn có phần thú vị hơn khi được gọt rũa rất khéo léo và đan xen những chi tiết rất thuần Việt, sáng tạo.
" Hồn Papa, Da Con Gái" ăn đứt cả 2 phiên bản phim của Hàn và Nhật khi táo bạo thay đổi đến 80% chi tiết so với tiểu thuyết. Tính cách nhân vật trong phim hoàn toàn thay đổi so với nguyên gốc, người cha từ kẻ sống trong khuôn mẫu trở thành một nhân viên văn phòng đầy nhiệt huyết và ưa sáng tạo. Cô con gái từ một học sinh cá biệt, luôn bị điểm kém trở thành một "bà cụ non", trưởng thành, tài năng và cực kì nổi bật. Thậm chí ekip Việt còn "chơi lớn" khi bỏ luôn cả tuyến nhân vật người mẹ còn sống trong tiểu thuyết, thay vào đó là chi tiết người mẹ đã mất cùng những đau đớn mà 2 cha con phải cùng nhau chịu đựng. Chính chi tiết này cùng một chút màu sắc tâm linh rất Việt Nam đã khiến cho việc hoán đổi của 2 cha con trở nên hợp tình, hợp lý hơn. Hóa ra, căn nguyên của việc hoán đổi đó chính là vì linh hồn người mẹ muốn 2 cha con ông Hải thay đổi cách suy nghĩ, nhận ra giá trị của tình thân, từ đó, thông điệp về gia đình trong phim cũng trở nên càng rõ nét.
Biên kịch Việt cũng rất tinh tế trong việc dẫn dắt câu chuyện, không ôm đồm quá nhiều chi tiết, khiến một cuốn tiểu thuyết từng được Nhật Bản chuyển thể thành phim truyền hình gói gọn một tác phẩm điện ảnh dài chưa tới 2 tiếng. Đặc biệt, " Hồn Papa, Da Con Gái" cũng khác những bộ phim hoán đổi linh hồn trước đó và khác luôn tiểu thuyết ở chỗ, thay vì mải miết tìm cách trở về với chính mình, 2 nhân vật lại tập sống cuộc đời của đối phương và nhận ra cách để cùng nhau giải quyết những khúc mắc. Họ để mọi chuyện xảy ra một cách tự nhiên nhất khiến chuyện phim vẫn rất đầy đặn mà không hề khiên cưỡng và khán giả thì hoàn toàn tin tưởng vào câu chuyện về sự hoán đổi.
Không chỉ đơn thuần là hoán đổi thân xác
Như đã nói ở trên, trong phim, 2 nhân vật là ông Hải và Châu thay vì tìm cách trở lại với chính bản thân mình thì họ lại tập cách sống cuộc đời của đối phương, tập phản kháng và chấp nhận để rồi nhận ra những sai lầm của chính mình trong quá khứ. " Hồn Papa, Da Con Gái" vẫn có những chi tiết hài hước của một bộ phim về đề tài hoán đổi linh hồn quen thuộc nhưng điều mà nhà làm phim muốn nhấn mạnh lại không đơn thuần là những rắc rối khi phải sống trong thân xác của người khác. Vấn đề mấu chốt của phim là hành trình mà những con người tưởng chừng đã quá hiểu đối phương sẽ đứng ở góc độ của nhau mà hiểu, cảm thông cho nhau rồi nhìn nhận, sắp xếp lại chính cuộc đời của mình. Sẽ có những khoảnh khắc khán giả như quên luôn chuyện 2 cha con đang hoán đổi thân xác, đó là khi họ thực sự học được cách yêu thương, thực sự hiểu đối phương đã phải khổ sở, vất vả đến nhường nào và thực sự biết cách để hi sinh. Khoảnh khắc mà ông Hải trong thân xác của Châu nói chuyện với cô hàng xóm sau khi gây ra đại họa ở trưởng, khoảnh khắc mà chính ông nói ra câu "Con không thể lớn được nếu mà ba con không bao giờ chịu trưởng thành" cũng là lúc khán giả không còn nhận ra, là linh hồn của Châu hay ông Hải đang ngự trị trong thân xác cô bé cấp ba kia. Bởi đó là tiếng lòng của cả 2 cha con sau một hành trình họ sống cuộc đời của đối phương.
Vốn dĩ, ngay từ khi mẹ mất, ông Hải và Châu đã "hoán đổi" vị trí cho nhau. Ông Hải trở nên vô tư, vui vẻ đến mức quên cả cách làm cha còn Châu bỗng dưng khao khát được làm bản sao của mẹ, chững chạc trước tuổi và vô tình coi cha là người chưa trưởng thành. Họ đã không còn là ông Hải và Châu của ngày gia đình đủ 3 mảnh ghép. Và cuộc hoán đổi linh hồn do người mẹ sắp đặt chính là cái cớ để họ tìm lại bản sắc của chính mình, một cái cớ rất hợp lý hợp tình khiến cho tổng thể bộ phim duyên dáng và tình đến lạ.
Diễn xuất tự nhiên
Với mỗi bộ ở bất kì thể loại nào thì diễn xuất vẫn là một trong những yếu tố tiên quyết sự thành công. Và ở phim khai thác đề tài hoán đổi thân xác thì yếu tố diễn xuất càng được xem trọng bởi nó đòi hỏi diễn viên có thể một lúc sống với tính cách của 2 nhân vật khác nhau, phải thuyết phục được khán giả tin tưởng vào sự hoán đổi. Trong khi những "tiền bối" đi trước đều khiến khán giả có phần thất vọng vì diễn xuất không thực sự thuyêt phục thì đáng mừng là 2 diễn viên chính của " Hồn Papa, Da Con Gái" đều đủ đô để khán giả cảm thấy đã.
Thái Hòa vốn đã quá quen với việc đảm nhận những vai diễn mang "tâm hồn con gái" nên vai diễn lần này không thể làm khó được nam diễn viên. "Chị Hội" vẫn duyên dáng như ngày nào và khiến khán giả hực sự ngạc nhiên bởi làm quá tốt trong những phân đoạn cảm xúc. Kaity một lần nữa chinh phục người xem bởi sự diễn xuất rất bản năng nhưng đầy tinh tế của mình. Một cô bé Châu khi mạnh mẽ, chững chạc, sâu lắng, lúc lại vui vẻ, hồn nhiên, tất cả đủ để chứng minh rằng, Kaity thực sự tài năng và "Em Chưa 18" năm nào chỉ là sự khởi đầu.
Tạm kết
Phim về đề tài hoán đổi thân xác ở Việt Nam thực sự không hề mới nhưng có vẻ như tất cả chỉ là mộ sự khởi đầu ảm đạm để đợi đến này cú nổ lớn mang tên " Hồn Papa, Da Con Gái" ra đời. Dĩ nhiên, phim vẫn có những khuyết điểm đáng tiếc nhưng hơn hết " Hồn Papa, Da Con Gái" thật sự là một bộ phim đáng yêu, dễ xem, dễ cảm nhận, là một pha hạ màn đầy ấn tượng, khép lại một năm đầy những thăng trầm của điện ảnh Việt.
Theo hoahoctro.vn
'Hồn Papa, da con gái': Cú hạ màn ấn tượng cho điện ảnh Việt năm 2018 Tái hợp trong 'Hồn Papa, da con gái", song Charlie Nguyễn lại giữ vai trò sản xuất đối với phim mới lần này của Thái Hòa. Sát cánh bên bộ đôi "trăm tỷ" lại là cô nàng "trăm tỷ" của "Em chưa 18" Kaity Nguyễn. Cả ba gương mặt hứa hẹn tạo nên nhiều bất ngờ cho bộ phim cũng như phòng vé...