Hơn nửa dân Mỹ đồng ý tiêm vaccine nCoV
Kết quả khảo sát của Associated Press (AP-NORC) cho thấy khoảng 60% dân Mỹ xác nhận sẽ tiêm vaccine nCoV khi hoàn thiện.
Số liệu thu thập từ cuộc khảo sát do AP-NORC thực hiện ngày 27/5 trên toàn lãnh thổ Mỹ, được xem là khá thấp so với dự đoán của nhiều chuyên gia. Những người xác nhận sẽ tiêm vaccine Covid-19 chỉ đồng ý khi các nhà khoa học làm việc cật lực để tìm ra loại vaccine thành công và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho họ.
Trong khi đó, 31% số người tham gia khảo sát cho biết họ vẫn chưa chắc chắn về quyết định tiêm vaccine. Những người còn lại xác nhận sẽ không tiêm dù vaccine cho Covid-19 có hoàn thiện hay không.
Các chuyên gia đã lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra nếu lời hứa về “300 triệu liều vaccine nCoV sẽ có vào tháng 1/2021″ của Tổng thống Mỹ Donald Trump không thành hiện thực. Hiện tại vẫn chưa có bất cứ điều gì chắc chắn rằng một loại vaccine giúp nhân loại phòng SARS-CoV-2 sẽ hoàn thiện trong vài tháng tới. Và kết quả khảo sát cho thấy một bộ phận công chúng thực sự hoài nghi về những nghiên cứu vaccine gần đây trên thế giới.
“Nguy cơ đến từ việc nghiên cứu và điều chế vaccine nhanh chóng thế này là không hề nhỏ. Đó là lý do vì sao tôi không đặt kỳ vọng vào vaccine vào thời điểm này bởi để làm được điều đó, chúng ta cần phải có một cơ sở dữ liệu khổng lồ để đảm bảo mức độ an toàn của chúng. Tốt nhất vẫn nên hứa ít, làm nhiều”, Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt cho biết.
Những người dân Mỹ tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tiêm vaccine nCoV khi nó hoàn thiện, tuy nhiên vẫn lo lắng về mức độ an toàn nếu quá trình nghiên cứu diễn ra quá nhanh chóng. Ảnh: AP.
Thống kê từ cuộc khảo sát của AP-NORC ghi nhận 7 trong số 10 người đồng ý tiêm vaccine cho biết họ muốn tiêm, song vẫn lo lắng về sự an toàn. “Tôi không nằm trong nhóm phản đối tiêm vaccine nhưng việc nhiều người nói rằng vaccine Covid-19 có thể hoàn thiện trong một hoặc hai năm tới khiến tôi lo sợ. Có khả năng vaccine này chưa được thử nghiệm trên người đủ rộng và các tác dụng phụ vẫn chưa được chứng minh kỹ càng do áp lực về thời gian”, bà Melanie Dries (56 tuổi) sống tại Colorado, Mỹ, chia sẻ. Dù lo lắng nhưng nhóm này vẫn đồng tình với quan điểm cuộc sống sẽ không trở lại bình thường nếu không có vaccine.
Tiến sĩ Francis Collins, người chỉ đạo Viện Y tế Quốc gia (NIH), khẳng định an toàn là ưu tiên hàng đầu trong phát triển vaccine. NIH đang lên kế hoạch tổng thể về việc thử nghiệm các “ứng viên” vaccine Covid-19 tiềm năng trên hàng chục nghìn người, để chứng minh hiệu quả và mức độ an toàn của chúng.
Video đang HOT
“Chúng tôi không muốn mọi người nghĩ rằng các bước nghiên cứu, thử nghiệm vaccine bị lược bớt để đảm bảo áp lực thời gian vì đó là một sai lầm lớn. Tình trạng cấp bách hiện tại là nỗ lực thúc đẩy để chúng tôi cố gắng đạt được hiệu quả trong thời gian sớm nhất, song điều đó không đồng nghĩa với việc chúng tôi phải hy sinh sự nghiêm ngặt trong khâu kiểm tra, thử nghiệm vaccine. Nguy cơ lớn nhất chúng ta có thể đối mặt trong thời gian tới chính là đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm loại vaccine có thể gây một số tác dụng phụ”, Collins nói với Associated Press vào đầu tháng 5.
Vaccine thử nghiệm tại Viện Y tế Quốc gia, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Những người xác nhận muốn tiêm vaccine trong cuộc khảo sát AP-NORC cho biết lý do hàng đầu khiến họ đồng ý là vì muốn bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. “Tôi chắc chắn sẽ tiêm vaccine ngay khi nó hoàn thiện. Là một người bố của hai đứa con, tôi nghĩ tôi có nghĩa vụ bảo vệ gia đình khỏi Covid-19 và điều đó mang ý nghĩa quan trọng với gia đình tôi”, anh Brandon Grimes (35 tuổi) ở Texas, chia sẻ.
Grimes đã chủ động đi hỏi nhiều gia đình trong khu vực và cả những người đồng nghiệp của mình về quyết định tiêm vaccine khi nó hoàn thiện. Đa số đều thể hiện sự sẵn sàng và mong đợi được tiêm để giảm thiểu rủi ro trong công việc.
SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất đối với người lớn tuổi và người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc bệnh tim. Cuộc thăm dò cho thấy 67% người từ 60 tuổi trở lên xác nhận họ sẽ tiêm vaccine, 40% còn lại là những người ở độ tuổi trẻ hơn.
Vì khả năng tiếp cận các cơ sở y tế khác biệt mà số người có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao hơn, trong đó có người Mỹ gốc Tây Ban Nha và Mỹ gốc Phi. Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát lại cho thấy chỉ khoảng 25% người Mỹ gốc Phi và 37% người gốc Tây Ban Nha sẽ tiêm vaccine.
Trong số những người không muốn tiêm vaccine, khoảng 4 trên 10 người nói rằng họ lo ngại về nguy cơ nhiễm Covid-19 khi tiêm vaccine. Thực tế, hầu hết các “ứng viên” hàng đầu đang thử nghiệm hiện nay đều không chứa virus SARS-CoV-2, đồng nghĩa với việc người tiếp nhận sẽ không bị nhiễm thông qua vaccine. Mặt khác, 3 trên 10 người cho biết họ sẽ không tiêm vaccine, không phải lo sợ độ an toàn hay chúng không hiệu quả, mà với lý do họ không sợ bị nhiễm bệnh.
Vaccine trong giai đoạn thử nghiệm tại Cơ sở sản xuất chế phẩm sinh học ở Oxford, Anh. Ảnh: Reuters.
Mặt khác, 20% số người dân Mỹ thể hiện sự mong đợi và tin tưởng vào lời hứa sẽ có vaccine kịp vào cuối năm nay. Hầu hết những người còn lại cho rằng quá trình này có thể kéo dài đến năm sau.
Hiện thế giới đã có gần 6 triệu ca nhiễm Covid-19 với hơn 362.000 ca tử vong. Riêng tại Mỹ đã có hơn 1,7 triệu người nhiễm và trên 103.000 người tử vong. Các chuyên gia dự đoán con số này sẽ vẫn tiếp tục tăng lên.
Dù đến nay nhiều người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ và đã hồi phục, các bác sĩ vẫn phát hiện ra SARS-CoV-2 gây ra nhiều tác hại tiềm ẩn khác đến sức khỏe con người. Loại virus này không chỉ gây viêm phổi mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác như đông máu, tổn thương tim, thận và phát hiện mới nhất khiến nhiều người lo sợ – phản ứng viêm – thứ đe dọa tính mạng những đứa trẻ nhiễm nCoV.
Mỹ tố tin tặc Trung Quốc 'dòm ngó' vaccine Covid-19
Các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ cảnh báo rằng tin tặc Trung Quốc đang tìm cách đánh cắp nghiên cứu phát triển vaccine chống nCoV của nước này.
Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa Mỹ chuẩn bị đưa ra cảnh báo về việc tin tặc Trung Quốc tấn công mạng để đánh cắp thông tin vaccine nCoV, vốn đang được chính phủ cùng các công ty tư nhân gấp rút phát triển, Wall Street Journal và New York Times ngày 11/5 đưa tin.
Tin tặc cũng nhắm đến thông tin và quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến phác đồ điều trị và xét nghiệm Covid-19. Giới chức Mỹ nghi ngờ các tin tặc có liên quan đến chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bác bỏ cáo buộc và tuyên bố nước này kiên quyết phản đối tất cả các cuộc tấn công mạng.
"Chúng tôi đang dẫn đầu thế giới về nghiên cứu vaccine và điều trị nCoV. Tung tin đồn và vu khống Trung Quốc nhưng không có bằng chứng là vô đạo đức", phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nói.
Chuyên gia thực hiện nghiên cứu vaccine nCoV tại một công ty ở San Diego, Mỹ, ngày 18/3. Ảnh: Reuters.
Khi được hỏi về thông tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump không xác nhận. "Có gì mới với Trung Quốc không? Nói cho tôi biết đi. Tôi không hài lòng với Trung Quốc. Chúng tôi đang theo dõi họ rất chặt chẽ", Trump nói.
Bill Evanina, giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia, cho biết cơ quan này đang hối thúc các cơ sở nghiên cứu, bệnh viện và công ty dược phẩm Mỹ tìm mọi cách để bảo vệ các công trình nghiên cứu của mình. "Chúng tôi không muốn các công ty, cơ sở nghiên cứu đó bị đánh cắp thành quả trước khi kịp hoàn thành", Evanina nói.
Chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nỗ lực của tin tặc đã thành công, một quan chức Mỹ nói. Cảnh báo sẽ được FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đưa ra trong vài ngày tới.
New York Times nhận định cảnh báo này có thể là tiền đề cho hoạt động đáp trả của các cơ quan Mỹ phụ trách chiến tranh mạng, bao gồm Bộ Tư lệnh Tác chiến Điện tử của Lầu Năm Góc và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).
Trong thông điệp chung hồi tuần trước, Mỹ và Anh cảnh báo các cuộc tấn công mạng nhằm vào chuyên gia y tế tham gia đối phó với nCoV gia tăng. Những cuộc tấn công này do các nhóm tội phạm có tổ chức "thường liên kết với các thực thể nhà nước khác".
Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Anh và Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng của Mỹ cho biết đã phát hiện ra chiến dịch "dò mật khẩu" quy mô lớn. Tin tặc thử hàng loạt mật khẩu hay được sử dụng để tìm cách truy cập tài khoản và nhằm vào các cơ quan cùng tổ chức nghiên cứu y tế.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 4,2 triệu ca nhiễm, hơn 287.000 người chết và hơn 1,5 triệu người đã hồi phục.
EU phát động chiến dịch gây quỹ mới phòng chống Covid-19 EU hôm 28/5 phát động chiến dịch gây quỹ toàn cầu mới nhằm tài trợ cho sự phát triển và phân phối vaccine trên toàn thế giới chống Covid-19. Chiến dịch cũng chú trọng đảm bảo sự công bằng giữa các nước trên thế giới. Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy. Ảnh: Reuters. Chủ tịch Ủy ban...