Hòn ngọc xanh giữa núi rừng Tuyên Quang
Đó là tên gọi mà người dân và du khách đã đặt cho điểm du lịch Na Hang ( huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang). Na Hang là một hồ thủy điện sinh thái nằm giữa núi rừng mênh mông với 8.000ha diện tích mặt nước và nhiều suối, thác hấp dẫn.
Khách du lịch chụp hình bên dòng thác Khuổi Nhi.
Đường về Na Hang khúc khuỷu, khó đi nhưng những lời giới thiệu của người dân Tuyên Quang khiến chúng tôi quên cái mệt của đường dài. Sau nhiều giờ đồng hồ ngồi xe, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được hồ thủy điện sinh thái Na Hang. Những người bạn đồng nghiệp ở Tuyên Quang đã chờ đón đoàn chúng tôi trên chiếc thuyền du lịch của cơ sở homestay Hoàng Tuấn. Chiếc thuyền lướt nhẹ trên mặt hồ êm ả, xanh trong. Sóng điện thoại yếu dần khi thuyền càng lúc càng đi xa, chỉ còn không gian bình yên giữa lòng hồ mênh mông. Quẳng hết những lo lắng, muộn phiền, chúng tôi hòa mình cùng cảnh đẹp và không gian bình yên nơi đây.
Ngoài phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, vùng văn hóa đa dạng, Na Hang còn hấp dẫn du khách bởi những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, các món cá đặc sản của vùng hồ. Một chiếc mẹt tròn đầy đặn những món ăn đặc sản của núi rừng Tuyên Quang như tép sông rang, vịt luộc, rau rừng xào măng, chả trứng lá mơ, cá suối nướng muối ớt… Và không thể thiếu những gói xôi ngũ sắc bọc lá chuối mở ra còn nóng hổi khiến mâm cơm càng hấp dẫn.
Vừa thưởng thức món ngon của núi rừng, chúng tôi vừa cùng nhau nâng ly rượu ngô men lá ngon nổi tiếng của Na Hang. Theo giới thiệu của chủ thuyền, rượu này uống vào chỉ lâng lâng mà khó say. Để làm ra được rượu ngô ngon – tạo nên thương hiệu rượu ngô men lá Na Hang phải trải qua nhiều giai đoạn công phu và tỉ mỉ từ hơn 20 loại lá thuốc quý hiếm, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Cao Huy – đồng nghiệp chúng tôi vẫn gọi anh là “phóng viên thường trú tại Na Hang” giới thiệu với đoàn về Na Hang bằng một niềm tự hào và vốn kiến thức, hiểu biết sâu về vùng đất. Anh Huy cho hay, Na Hang từ lâu được coi như một vùng đất cổ, nơi mà mỗi con sông, con suối, mỗi cánh rừng, ngọn núi đều gắn liền với những truyền thuyết hấp dẫn. Nơi đây có nhiều cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình được kiến tạo bởi hai con sông lớn là sông Gâm và sông Năng cùng dãy núi Pác Tạ hùng vĩ với 99 ngọn. Kể từ khi được tích nước, hồ thủy điện Na Hang trở thành một vùng hồ rộng tới trên 8.000 ha. Du lịch sinh thái trên hồ thủy điện Na Hang cũng bắt đầu phát triển.
Hồ thủy điện sinh thái Na Hang tọa lạc trên dòng sông Gâm, thuộc thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Hồ thủy điện như bức tranh thủy mặc mà thiên nhiên tạo nên giữa non cao đại ngàn. Thuyền trôi chầm chậm trên hồ, để chúng tôi có nhiều thời gian chiêm ngưỡng cảnh đẹp. Hồ được bao bọc bởi hệ sinh thái rừng đa dạng với nhiều động thực vật quý hiếm (hơn 40 loài thú, 70 loài chim, nhiều loài bò sát, thực vật).
Đến Na Hang, du khách không bỏ lỡ cơ hội đi du thuyền trên hồ thủy điện Tuyên Quang, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện kể về sự tích gắn với từng địa danh nơi đây. Trên đường vãn cảnh lòng hồ, chúng tôi còn được ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ) kỳ ảo, thơ mộng được xếp hạng là thắng cảnh Quốc gia. Những người dân nơi đây kể lại, truyền thuyết về thác Mơ là câu chuyện đầy cảm động về vợ chồng nàng Mơ sinh sống dưới chân núi Pắc Ban.
Vẻ đẹp của hồ thủy điện sinh thái Na Hang.
Video đang HOT
Thú vị nhất là điểm dừng chân trên đỉnh thác Khuổi Nhi. Thác ẩn mình giữa rừng già thuộc danh thắng quốc gia Na Hang – Lâm Bình, bao quanh là lòng hồ thủy điện. Khu vực chân thác là một hồ nước rộng, có nhiều cá suối, chúng tôi ngồi xuống kè đá đặt chân xuống nước, đàn cá bơi đến massage chân, mang lại cảm giác dễ chịu, thích thú.
Vừa ngâm chân, anh Huy vừa kể tiếp, Na Hang không chỉ hấp dẫn khách du lịch bởi khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, nơi đây còn có sức cuốn hút kỳ lạ bởi Na Hang là một vùng văn hóa đa dân tộc (có 12 dân tộc anh em) như: Tày, Dao, Mông… Các dân tộc ở Na Hang đã tạo nên một kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc, một vùng âm nhạc dân gian độc đáo với những làn điệu then, sli, lượn… cùng với tiếng đàn tính, tiếng khèn làm say đắm lòng người.
Được tạo hóa ban tặng những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, hệ thống rừng nguyên sinh, thảm thực vật phong phú cùng với cộng đồng văn hóa đa dạng đậm đà bản sắc dân tộc, huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang được nhắc đến như một điểm sáng với nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch. Chính bởi vậy, huyện Na Hang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, khai thác có hiệu quả tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Huyện phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang thành trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu quốc gia.
Ba dòng thác đẹp ở Tuyên Quang trong đề cử 'Top 7 thác nước ảo diệu'
Đều nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, thác Nặm Me, Khuổi Nhi, Khuổi Súng mang vẻ đẹp ấn tượng, hùng vĩ và nằm trong đề cử 'Top 7 thác nước ảo diệu' trong khuôn khổ chương trình 'Top 7 ấn tượng Việt Nam 2022'.
Thác Nặm Me
Vẻ đẹp ấn tượng của thác Nặm Me. Ảnh: Hoàng Hưng
Thác có chiều dài khoảng 4km cùng 15 tầng thác hùng vĩ, xen giữa các tầng thác lớn là những tầng thác nhỏ, tạo nên "dải lụa trắng mềm mại" nổi bật giữa xanh thẳm núi rừng. Thác có bề mặt rộng và thoáng, nước chảy bốn mùa len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh và dãy núi đá vôi trùng điệp, cây rừng cổ thụ đặc trưng, quý hiếm vùng nhiệt đới.
Leo thác Nặm Me là xác định phải đi một quãng đường thác dài. Ghềnh suối đoạn khó đoạn rất khó, đá gối đá liên tục và có ba đến bốn điểm leo cực khó, vách thẳng đứng, cao tầm 10 - 15m và rêu trơn.
Ảnh: Hoàng Hưng
Nhằm phục hồi sinh thái và cảnh quan môi trường tại thác Nặm Me, từ tháng 8-2022, UBND huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) đã thông báo tạm dừng các hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại thác cho đến khi có thông báo mới.
Trong trường hợp đặc biệt, người dân và du khách muốn lên thác Nặm Me phải đăng ký và có sự cho phép của các cơ quan chức năng huyện. Người lên thác phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định.
Bình chọn cho thác Nặm Me vào "Top 7 thác nước ảo diệu" năm 2022 tại đây.
Thác Khuổi Nhi
Thác Khuổi Nhi là điểm dừng chân lý thú, không thể thiếu của du khách khi đến huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Thác Khuổi Nhi nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Hưng
Để chinh phục ngọn thác, du khách bắt đầu hành trìn từ chân đập thủy điện Tuyên Quang, hơn 1 giờ lênh đênh trên lòng hồ, ngắm cảnh đẹp hai bên, du khách đã tới được thác Khuổi Nhi. Thác có nhiều tầng, chảy dài 3km từ trên đỉnh núi xuống lòng hồ mềm mại tựa như suối tóc nàng tiên giữa đại ngàn.
Dòng thác Khuổi Nhi mềm mại giữa núi rừng xứ Tuyên. Ảnh: Hoàng Hưng
Theo Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang, thác Khuổi Nhi đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trên vùng lòng hồ. Đơn vị đã tiến hành khảo sát, làm các bậc lên thác một cách thuận tiện, an toàn. Hệ thống cây xanh, rừng nguyên sinh được bảo vệ nguyên trạng, tránh tác động của con người.
Bình chọn cho thác Khuổi Nhi vào "Top 7 thác nước ảo diệu" năm 2022 tại đây.
Thác Khuổi Súng
Bên cạnh thác Nặm Me, thác Khuổi Nhi, thì thác Khuổi Súng cũng được biết đến là một trong những thác nước đẹp của tỉnh Tuyên Quang và hành trình chinh phục thác Khuổi Súng cũng khá khó khăn.
Thác Khuổi Súng gây ấn tượng bởi vẻ đẹp ảo diệu, nhiều dòng thác nhỏ đan xen tạo nên bức tranh thiên nhiên đặc sắc. Ảnh: Hoàng Hưng
Thác Khuổi Súng bắt nguồn từ dãy núi Sinh Long gồm nhiều mạch nước ngầm, khe nhỏ chảy đến núi Trung Phìn thì lộ ra thành dòng thác lớn. Thác gồm 15 tầng thác lớn nhỏ khác nhau, mỗi tầng rộng từ 30m-50m, trải dài khoảng 5km, cao trung bình hơn 700m so với mặt nước biển, lưu lượng nước lớn quanh năm.
Ảnh: Hoàng Hưng
Các tầng thác có độ cao từ 20m đến hơn 120m, được chia thành nhiều tầng thác lớn nhỏ, dòng nước tuôn chảy tạo nên những vũng nước trong vắt ở dưới chân thác. Chinh phục được 15 tầng thác thật sự là một thử thách đối với du khách, khi đoạn đường đi là vách đá dựng đứng, cây cối rậm rạp, hoang vu.
Bình chọn cho thác Khuổi Súng vào "Top 7 thác nước ảo diệu" năm 2022 tại đây.
Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang và cũng là vùng đất sơn thủy hữu tình, trập trùng những dãy núi kỳ vĩ, rừng đại ngàn xanh thẳm, với nhiều thác nước nổi tiếng như thác Nặm Me, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng...
Nhằm phát huy tiềm năng được thiên nhiên ban tặng, những năm qua, huyện Lâm Bình chú trọng phát triển du lịch, trong đó, địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm, tour du lịch đặc trưng như du lịch cộng đồng (homestay); du lịch trải nghiệm, khám phá hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình; khám phá hang động, thác nước, rừng nguyên sinh; trải nghiệm lễ hội Lồng Tông, lễ hội Nhảy lửa.
Sau thời gian phát động, chương trình "Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022" đã nhận về hơn 220 đề cử. Cổng bình chọn đã chính thức được mở từ ngày 1-11-2022 để độc giả tham gia bình chọn. Theo đó, bạn đọc truy cập vào trang https://top7vietnam.sgtiepthi.vn/, giao diện hiện ra năm hạng mục, bạn đọc click vào các hạng mục và nhấn bình chọn cho đề cử yêu thích. Thời gian bình chọn đến hết ngày 15-12-2022.Với sứ mệnh tìm kiếm và giới thiệu đến du khách những điểm đến ấn tượng, mới lạ, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch nước nhà, Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022 là chương trình do Sài Gòn Tiếp Thị phát động và tổ chức. Chương trình nhận được sự đồng hành từ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MVT (Saigontourist).
Ghé Tuyên Quang nhớ đến 'nàng tiên' Nặm Me Nếu có dịp đặt chân đến mảnh đất Tuyên Quang thì nhất định đừng quên ghé 'nàng tiên xanh' giữa núi rừng thác Nặm Me. Thác Nặm Me là một con thác lớn tại Tuyên Quang, thác có chiều dài khoảng 4.000 m và cao trên 200 m so với mặt nước biển với 15 tầng thác lớn, xen giữa các tầng thác...