Hơn một nửa số thực phẩm trên thế giới đang bị bỏ phí
Một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia từ Hiệp hội Kỹ sư máy tại Anh chỉ ra rằng, mỗi năm, chúng ta đang bỏ phí từ 30 đến 50% số lương thực (khoảng 2 tỉ tấn) trồng và sản xuất được trên thế giới.
Lượng lương thực bị bỏ đi này có thể do một số nguyên nhân như việc thu hoạch mùa màng không tốt, điều kiện bảo quản kém, thiếu sự kiểm soát nghiêm ngặt đối với việc kinh doanh các sản phẩm quá hạn hoặc do người tiêu dùng quá phung phí.
Lấy ví dụ như có đến 30% lượng rau xanh trồng ở Anh bị bỏ thối trên cánh đồng vì chúng không đủ hấp dẫn đối với thị hiếu của thị trường.
Nếu không có chiến lược tốt thì rất có thể,
trong tương lai gần, sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực mới
Các tác giả của nghiên cứu trên đã đánh giá nhiều mặt của sự thật đáng buồn này. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng con người chúng ta nên suy xét đến một chiến lược về chế độ ăn uống hợp lý, bởi có một thực tế mà chúng ta cần quan tâm là dân số toàn cầu đến năm 2075 sẽ tăng thêm 3 tỉ người. Một con số không nhỏ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực nói riêng và nhiều vấn đề toàn cầu khác nói chung.
Trong khi đó, Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc đã công bố Chỉ số giá lương thực FPI. Trong năm 2012, FPI đã giảm đi 7% lên 212 điểm trong 3 tháng liên tiếp. Trong tháng 12-2012 so với tháng 11 trước đó FPI giảm 1,2% do giá các sản phẩm gạo, ngũ cốc, dầu thực vật và chất béo cơ bản trên thế giới cũng giảm. Năm 2012 cũng chứng kiến sự giảm mạnh trong các chỉ số giá đường (17,1%), sữa (14,5%) và dầu thực vật (10,7%). Giá ngũ cốc và thịt giảm lần lượt là 2,4% và 1,1%.
Theo Jomo Sundaram, trợ lý Phó tổng thư ký Liên Hợp quốc về phát triển kinh tế tại Phòng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc thì kết quả trên là do bước chuyển biến tình thế bất ngờ vào tháng 7 năm ngoài khi giá cả tăng đột biến trước các lo lắng về một cuộc khủng khoảng lương thực mới có thể xảy ra.
Tuy nhiên, hợp tác quốc tế và nhu cầu giảm, xu thế chung trong tình hình kinh tế thế giới ảm đạm hiện nay, làm cho sự tăng giá đó chỉ diễn ra rất ngắn. Các nhân tố này đã giúp tình hình thị trường được ổn định và cuối cùng là làm cho giá cả giảm thấp hơn so với năm ngoái.
Theo ANTD
Đầu tàu kinh tế châu Á
Dù tiềm ẩn nhiều rủi ro từ sự mất ổn định do tranh chấp lãnh thổ cũng như chuyển giao lãnh đạo song châu Á vẫn được xem là một điểm sáng, dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu trong năm 2013 còn khó khăn này.
Châu Á đang giữ vai trò đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế thế giới
Nhìn nhận về triển vọng kinh tế châu Á năm 2013, mạng tin "Project syndicate" của Canada ngày 6-1 cho rằng, dù phải đối mặt với nhiều thách thức song châu lục này đang hướng tới sự tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện. Tốc độ tăng trưởng cao đi kèm với sự ổn định đã khiến châu Á tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu trong năm 2013 được dự báo còn nhiều khó khăn.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh, châu Á tiếp tục duy trì là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2012 với khoảng 6%, trong khi kinh tế Mỹ hồi phục mong manh còn châu Âu phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ. Đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong khi vẫn phải chịu tác động tiêu cực từ các trung tâm kinh tế Mỹ và châu Âu, châu Á xứng đáng với vai trò đầu tàu dẫn dắt kinh tế toàn cầu vượt khó thời khủng hoảng.
Đầu tàu kinh tế châu Á không chỉ kéo nền kinh tế thế giới qua chặng đường gập ghềnh suốt cả năm 2012 mà còn tăng tốc nhanh hơn trong năm nay. Theo dự báo mới nhất được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra ngày 5-1 vừa qua, kinh tế châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2013.
Kinh tế châu Á tăng trưởng mạnh hơn trong năm nay, theo ADB, là nhờ cả 2 nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh là Trung Quốc và Ấn Độ phần nào lấy lại tốc độ tăng trưởng nhanh thời gian qua cùng sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản. Trong khi kinh tế Trung Quốc dự báo tăng 8,1%, so với 7,9% năm 2012, thì Ấn Độ cũng tăng khá mạnh với 6,7%, so với 5,6% năm 2012.
Đáng nói là kinh tế châu Á tăng trưởng nhanh trở lại không phải do kinh tế Mỹ và châu Âu bớt ảm đạm hơn mà nhờ nỗ lực chủ quan của các thành viên châu lục. Đi đôi với điều chỉnh kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa, các nền kinh tế châu Á đã có cải cách theo hướng phát triển bền vững, cân đối hài hòa hơn giữa tăng trưởng với đảm bảo an sinh xã hội cũng như bảo vệ môi trường.
Thành công ban đầu để thích nghi với nền kinh tế thế giới có những thay đổi sâu sắc sau cuộc khủng hoảng và suy giảm, song đòi hỏi châu Á phải tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực đúng hướng này để vượt qua những thách thức. Trong đó nổi lên vẫn là làm sao đảm bảo cân bằng giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng bền vững dựa trên tăng trưởng xanh và "xám" (tăng trưởng dựa trên tri thức)...
Bên cạnh đó, các quốc gia ở châu Á cũng phải giải quyết ổn thỏa những thanh chấp về chủ quyền trên biển nhằm tiếp tục duy trì môi trường hòa bình và ổn định để tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cũng không dễ dàng khi châu Á vừa xử lý những tranh chấp chủ quyền, vừa tiếp tục các nỗ lực cải cách khi mà nhiều nhà lãnh đạo mới lên cầm quyền, nhất là cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc.
Dù phải đối mặt với những thách thức và cả rủi so, song theo nhận định của giới phân tích, nhìn tổng thể châu Á vẫn sẽ là khu vực kinh tế năng động và là đầu tàu kéo kinh tế thế giới phục hồi và phát triển trong cả trước mắt và lâu dài.
Theo ANTD
Gập ghềnh năm 2013 Ngày đầu năm, nhân loại thường nghĩ đến tương lai, nhưng triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 không làm mấy người lạc quan. Theo hàng loạt bài viết đăng trên các tạp chí "Courrier International" và "The Economist" mới đây, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 sẽ tiếp tục chậm, không đồng đều giữa các nước và...