Hơn một nửa người Nga muốn ông Putin làm tổng thống sau 2024
Hơn một nửa số người Nga tham gia khảo sát cho biết, họ muốn ông Vladimir Putin tiếp tục làm tổng thống Nga sau khi nhiệm kỳ hiện tại của ông hết hạn vào năm 2024.
Chân dung Tổng thống Vladimir Putin trên một bức tường ở Yalta. Ảnh: Sputnik
Theo kết quả thăm dò được Viện nghiên cứu ý kiến công chúng Levada thực hiện, 51% số người được hỏi muốn ông Putin tiếp tục làm tổng thống sau năm 2024, 27% “không mong muốn” kịch bản này.
Hiến pháp Nga không cho phép một người giữ cương vị tổng thống hơn 2 nhiệm kỳ. Tổng thống Putin cũng nhiều lần phát biểu với báo giới rằng ông không có ý định vi phạm hay thay đổi hiến pháp.
Hồi tháng 4 năm nay, lãnh đạo Chechnya, ông Ramzan Kadyrov, kêu gọi sửa đổi hiến pháp Nga để ông Putin có thể tái đắc cử tổng thống sau năm 2024.
Video đang HOT
“Chúng ta thậm chí không nên hỏi ông Putin về điều này. Người dân, Hội đồng Liên bang (Thượng viện), Duma quốc gia (Hạ viện) và các thể chế nhà nước khác phải khởi động và thông qua quyết định này, thu thập chữ ký và tổ chức trưng cầu dân ý trên toàn quốc. Tôi tin rằng mọi người sẽ ủng hộ” – RT dẫn lời ông Kadyrov.
Giữa tháng 5, hội đồng lập pháp của Chechnya đã soạn thảo một dự luật trình lên quốc hội liên bang, trong đó cho phép ông Putin và tất cả tổng thống Nga tương lai được giữ 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Người đứng đầu cơ quan lập pháp của Chechnya, ông Magomed Daudov, nhấn mạnh rằng điều này không làm suy giảm các nền tảng dân chủ của nhà nước Nga, mà cho phép công dân quyết định tốt hơn tương lai của họ.
Bình luận về sáng kiến nói trên, thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Putin không nêu vấn đề này trong chương trình nghị sự, đồng thời nhà lãnh đạo Nga cũng đã nhiều lần bày tỏ phản đối về việc thay đổi hiến pháp.
VÂN ANH
Theo Laodong
Tổng thống Putin đề xuất quy chế đặc biệt cho các nước cộng hòa ở Donbass
Tổng thống Vladimir Putin đề nghị giới chức Kiev cấp quy chế đặc biệt cho các nước cộng hòa ở Donbass, như Nga đã làm với Chechnya, để ngăn chặn xung đột nội bộ ở Ukraina.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Áo ORF. Ảnh: Sputnik
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Áo ORF đăng tải trên website Điện Kremlin ngày 5.6, Tổng thống Putin cho biết "Nga đã phải đưa ra một quyết định rất phức tạp và cấp quy chế nước cộng hòa cho Chechnya và nhiều khu vực khác để họ có mức độ độc lập lớn trong Liên bang Nga".
"Điều tương tự có thể được thực hiện ở Donbass nhưng tôi tự hỏi vì sao họ vẫn chưa thực hiện? Với kịch bản như vậy không cần thiết phải hạn chế việc sử dụng ngôn ngữ thiểu số ở Ukraina, ý tôi không chỉ là tiếng Nga, mà còn cả tiếng Romania, Hungary và Ba Lan. Ở Châu Âu người ta ít nói về vấn đề này, nhưng đây là những thực tế của ngày hôm nay" - Tổng thống Nga nói.
Cuộc xung đột vũ trang ở các khu vực đông nam Ukraina, bắt đầu vào năm 2014 sau một cuộc đảo chính bạo lực ở Kiev đưa chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền, gần như ngay lập tức đã vi phạm quyền của người nói tiếng Nga và các dân tộc thiểu số khác sống ở những khu vực này.
Cuộc xung đột khiến hàng nghìn người thiệt mạng và kéo dài cho đến hôm nay. Người dân vùng đông nam Ukraina tuyên bố ly khai và thành lập hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk.
Tháng 9.2017, ông Putin kêu gọi đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đến đông Ukraina. Sáng kiến này được Đức hoan nghênh nhưng Ukraina và Mỹ từ chối thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Giữa tháng Giêng năm nay, quốc hội Ukraina thông qua cái gọi là "Luật tái hòa nhập Donbass", cho phép tổng thống có quyền sử dụng vũ lực quân sự bên trong Ukraina mà không cần sự chấp thuận của quốc hội. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng động thái này chứng tỏ ý định của Ukraina giải quyết xung đột bằng vũ lực.
Vào cuối tháng Năm, vấn đề này một lần nữa được đưa ra tại phiên họp mở của Ủy ban An ninh Liên Hợp Quốc. Các thành viên tham dự nhất trí rằng tình hình ở Donbass đang xấu đi, nhắc lại các đề xuất để đưa Donbass trở lại trạng thái bình thường, nhưng đến nay chưa có đề xuất nào được thông qua.
KHÁNH MINH
Theo Laodong
Sức mạnh của đặc nhiệm Nga trong cuộc tập trận trên băng tuyết Ngay cả những khu vực quanh năm đóng băng như Bắc Cực cũng không thể thách thức sức mạnh của đặc nhiệm Nga - lực lượng được đào tạo để hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.A Từ cuối tháng 4, lực lượng đặc nhiệm Nga đã bắt đầu cuộc tập trận chống khủng bố tại khu vực Bắc Cực....