Hôn lễ trong căn nhà cổ ở An Giang chỉ tốn 12 triệu tiền trang trí
Một hôn lễ truyền thống trong căn nhà cổ chắc hẳn là ý tưởng thú vị cho các cô dâu chú rể thích hoài niệm.
Xu hướng lựa chọn việc trang trí, tổ chức hôn lễ theo phong cách truyền thống vẫn luôn được nhiều cô dâu- chú rể lựa chọn.
Đám cưới trong căn nhà cổ ở An Giang
Cô dâu Lam Phương, 25 tuổi đến từ An Giang đã có một hôn lễ như vậy. Đám cưới của Phương được tổ chức trong căn nhà cổ của gia đình chồng. Cùng những chi tiết căn nhà có sẵn được truyền từ đời này qua đời khác, cô đã lên kế hoạch cho phần trang trí khiến cho đám cưới trở nên đậm chất truyền thống và mang đậm nét cổ điển.
Lam Phương và chú rể Hoàng Việt hiện đang kinh doanh các sản phẩm từ yến ở An Giang. Hôn lễ của họ được tổ chức vào ngày 25/11 vừa qua.
Phương và Việt là bạn cấp 2, cũng được coi là một đôi thanh mai trúc mã. Họ bắt đầu tình yêu khi cùng lên Sài Gòn học đại học vào năm 2014. Sau 8 năm yêu đương, họ quyết định về chung một nhà.
“Bọn mình cũng vượt qua nhiều sóng gió để đến ngày hôm nay. Có khoảng 2 năm yêu xa do mình đi du học Úc. Đó là thử thách thật sự với tình yêu của cả hai đứa. Sau đó mình lại chờ anh học xong thạc sĩ 2 năm nữa mới đi đến cái kết là một hôn lễ như mong muốn”, Lam Phương kể.
Vốn là một người truyền thống, cô thích tổ chức lễ cưới theo đúng phong cách này. May mắn sao, căn nhà của gia đình Việt là nhà cổ vẫn còn nguyên sơ được để lại từ thời ông bà nhiều năm trước. Nổi bật trong đó chính là ban thờ với dàn hoành phi gần như còn nguyên vẹn, hoa văn chi tiết khắc gỗ cầu kỳ, tỉ mỉ và mang đậm nét văn hóa miền Tây.
Đó chính là một yếu tố quan trọng để làm nổi bật lên hôn lễ theo phong cách xưa của cặp đôi và giúp cho nó mĩ mãn nhất.
Gian nhà cổ khiến cho không gian hôn lễ càng trở nên cổ kính hơn.
Lam Phương chia sẻ: “Ban đầu mình cũng muốn trang trí theo tông màu đỏ nhưng chọn không phù hợp được. Ba mẹ chồng quyết định giữ nguyên những đường nét có sẵn của căn nhà với chi tiết nổi bật nhất là ban thờ truyền thống. Phong cách của bàn giữa và hoa cưới làm theo kiểu vintage, kết hợp những chiếc nón lá nhỏ và tông màu đỏ của phông nền, dải lụa để hợp với màu của gỗ”.
Video đang HOT
Hoa trên ban thờ cũng được trang trí theo phong cách truyền thống, được cắm thành lẵng và đặt trang trí hai bên rất nổi bật. Trong không gian ban thờ đủ tinh xảo với nhiều màu sắc thì việc trang trí cũng không quá mức cầu kỳ.
Đám cưới chỉ tốn 12 triệu tiền trang trí
Nhà của chú rể là kiểu nhà sàn miền Tây được xây dựng từ nhiều năm trước để tránh lũ. Bởi vậy, ở khu vực ngoài có một chiếc cầu nhỏ dẫn lên nhà. Ở đây, cô dâu chú rể quyết định dùng những dải lụa đỏ và hoa giả cùng tông màu cho phần trang trí. Theo quan điểm của cô dâu thì dù cho thế nào đi chăng nữa, màu đỏ vẫn là màu lễ hội, màu của việc cưới xin nên không thể bỏ qua tông màu này được.
Về hôn lễ của mình, Lam Phương và Hoàng Việt đã có 1 tháng để dồn hết tâm sức chuẩn bị. Họ tỉ mẩn chọn phong cách, kiểu dáng cho từng món đồ rồi màu sắc. Ba mẹ chồng Phương dễ tính và rất tôn trọng con cái nên các ý tưởng được triển khai cho phần trang trí ở căn nhà đều được thực hiện.
Chiếc cầu lên nhà sàn cũng được trang trí với tông màu đỏ.
Ở cổng chào bên ngoài, Phương quyết định dùng hoa màu đỏ để làm cổng. Phía dưới, họ sử dụng tiếp những cây xanh “cây nhà lá vườn” trang trí khu vực check-in. Đây đều là những loại hoa mà có lẽ ở khu vườn nào của các nhà miền Tây cũng đều có.
Phương chia sẻ: “Ba mẹ chồng mình đều là người theo hướng truyền thống nên mọi tục lệ và lễ nghi vẫn được giữ nguyên. Tất cả các thủ tục đám cưới đều được tiến hành và tuân theo truyền thống. Không có những loại hoa hiện đại và lạ ở phần trang trí mà gia đình mình chọn những loại hoa đơn giản, gần gũi như thủy trúc, hạnh phúc, mỏ két hay hoa hồng”.
Cổng chào đơn giản nhưng rất đẹp bằng những loại cây cảnh quen thuộc.
Tổng chi phí cho việc trang trí mà cô dâu chú rể bỏ ra là khoảng 12 triệu đồng. Đây có thể coi là một khoản đầu tư “ngon bổ rẻ” nhưng mang đến kết quả rất ấn tượng.
Chia sẻ về hôn lễ của mình, Phương cho biết vì làm theo kiểu truyền thống nên vẫn có màn trao vàng đặc trưng. Với hôn lễ của mình, Phương được tặng 40 cây vàng, 200 triệu tiền mặt và một bông tai hột xoàn. Theo cô, đây cũng là một dấu ấn đậm nét của đám cưới An Giang nói riêng và miền Tây nói chung. Chỉ cần nhìn vào, người ta sẽ chẳng bất ngờ mà nói luôn đó là một đám cưới miền Tây.
Đối với nhiều người, đám cưới là ước nguyện và là ngày trọng đại khiến cho họ dồn nhiều tâm sức. Và với Lam Phương, có lẽ cô đã có một hôn lễ trong mơ đích thực trong không gian nhà cổ.
8 dấu hiệu chứng tỏ bạn đang sống trong quá khứ và cần thay đổi
Bạn có thể đang sống trong quá khứ mà thậm chí không hề hay biết. Đôi khi chúng ta thấy mình bị ngắt kết nối với thời điểm hiện tại
1. Bạn hoài niệm
Nỗi nhớ là một trong những cảm xúc phổ biến và quen thuộc với tất cả mọi người. Tâm trạng, mùi hương hoặc ký ức cụ thể nào đó có thể là điều gợi lên trạng thái cảm xúc này.
Nhưng nếu bạn trải qua nỗi nhớ quá thường xuyên thì sao? Đó là khi một khoảnh khắc thoáng qua của nỗi buồn đẹp đẽ biến thành sự thôi thúc dai dẳng, khiến bạn hồi tưởng những sự kiện trong quá khứ mãi không thôi.
Bạn có thể thấy mình đắm chìm trong ký ức và ở đó cho đến khi có điều gì đó hoặc ai đó "đánh thức" bạn. Bạn nhớ lại từng chi tiết, hồi tưởng cảm giác hạnh phúc khi đó như nào. Nỗi nhớ có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn nhưng cũng khiến bạn xa rời khoảnh khắc hiện tại.
2. Những tổn thương hoặc xung đột chưa được giải quyết trong quá khứ ám ảnh bạn
Những tổn thương thời thơ ấu hoặc những xung đột nghiêm trọng là điều không dễ để buông bỏ. Khi bị tổn thương, chúng ta thường chọn cách kìm nén cảm xúc thay vì giải quyết chúng. Thời gian trôi đi, những tổn thương chưa được giải quyết đó tích tụ trong tâm trí chúng ta, ảnh hưởng đến chúng ta theo những cách chính bạn cũng không ngờ. Bạn có thể nghĩ rằng mình đã vượt qua từ lâu nhưng thực tế phản ứng cảm xúc của bạn đối với tình huống trong quá khứ lại nói điều ngược lại.
3. Bạn cảm thấy khó buông tay
Đó có thể là ký ức, một con người hoặc đồ vật cụ thể, bạn phải đấu tranh với việc buông bỏ. Bạn gặp khó khăn trong việc vượt qua sự chia ly hoặc quen với việc không thể ở gần một người bạn rất thân. Điều này cũng có thể xuất hiện trong những tình huống nhỏ nhặt nhất như bạn từ chối vứt bỏ đồ chơi nào đó từ thời thơ ấu của mình. Dường như bạn đang cố gắng nhớ lại quá khứ, dùng những món đồ từ thời thơ ấu của mình để níu kéo những ngày vui đã qua.
4. Bạn chống lại sự thay đổi
Những người sống trong quá khứ khó chấp nhận và đón nhận sự thay đổi. Họ giữ những thói quen bấy lâu của mình, những nơi họ vẫn đến và những người họ đã biết từ lâu. Họ không muốn trưởng thành và rời khỏi vùng an toàn của mình. Những người như vậy chỉ muốn mọi thứ vẫn như cũ.
Thận trọng khi tiếp cận những điều mới trong cuộc sống là điều hoàn toàn tốt nhưng sự phản kháng quá mức đối với sự thay đổi có thể khiến bạn mắc kẹt trong lối mòn. Tâm lý này cũng có thể khiến bạn phải chịu đựng những tình huống và con người độc hại vì bạn quá sợ hãi để thoát ra khỏi nơi đó.
5. Bạn nghĩ rằng mình từng có cuộc sống tốt hơn
Sống trong quá khứ thường có nghĩa là bạn tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống hiện tại so với trước đây. Bạn suy ngẫm về những kỷ niệm đẹp trong quá khứ của mình và cho rằng mọi thứ lúc đó thực sự hạnh phúc và dễ dàng hơn.
Ở những người lớn tuổi, những câu nói như "Vào thời của tôi, mọi thứ rất khác" hoặc "Vào thời của tôi, mọi người sống với nhau chân thành hơn"... là điều hoàn toàn có thể hiểu được, vấn đề là nhiều người mang theo suy nghĩ đó suốt đời. Sự thật là suy nghĩ "cuộc sống từng tốt đẹp hơn" bắt nguồn từ việc không biết ơn những gì mình có và tận hưởng khoảnh khắc hiện tại.
6. Hồi tưởng lại và ôm cảm giác tội lỗi
Sống trong quá khứ không chỉ khi bạn hướng sự tập trung vào những điều tốt đẹp đã qua. Đôi khi, thói quen tinh thần này khiến bạn nhớ lại những ký ức đau buồn, đổ lỗi cho bản thân về những điều đã xảy ra từ lâu.
Bạn có phải là người hay nghĩ về các tình huống trong quá khứ và phân tích tỉ mỉ không? Bạn muốn hiểu rõ hơn tại sao mọi thứ lại diễn ra theo cách như vậy, suy ngẫm về những lời đáng lẽ mình nên nói hay những quyết định mình nên đưa ra. Sau những suy nghĩ đó, cảm giác tội lỗi ngập tràn trong đầu bạn. Đó cũng là lý do tại sao bạn liên tục hồi tưởng lại tình huống trong quá khứ. Bạn nghĩ rằng đó là lỗi của mình và lẽ ra bạn nên tiếp cận nó theo cách khác.
7. Bạn có xu hướng giữ mối hận thù
Bạn đắm chìm trong những lỗi lầm trong quá khứ và cảm thấy cay đắng vì những điều ai đó đã làm với bạn nhiều năm trước. Bạn cảm thấy bực bội khi họ cố gắng giải thích hành vi của mình hoặc thuyết phục bạn tha thứ cho họ.
Tha thứ là điều không dễ để thực hiện nhưng việc giữ những mối hận thù chỉ khiến bạn trở nên tiêu cực hơn, kéo tụt bạn về phía sau và không thể tiến lên trong cuộc sống.
8. So sánh với quá khứ
Nếu bạn là người níu giữ quá khứ, bạn sẽ rất dễ có sự so sánh mọi thứ bạn có ngày hôm nay với những thứ bạn từng có. Có thể là cơ thể bạn hôm nay so với năm trước đó hoặc những người không còn là một phần cuộc sống của bạn hoặc công việc bạn có, thành phố bạn sống, chiếc xe bạn sở hữu... bất cứ thứ gì. Dù đó là gì đi nữa, sự so sánh luôn ủng hộ quá khứ của bạn và đặt tình hình hiện tại của bạn dưới lăng kính tiêu cực.
Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu trên ở mình, có lẽ bạn đã nhận ra sự ám ảnh bởi quá khứ đang ngăn cản bạn tiến lên trong cuộc sống. Đã đến lúc đón nhận sự thay đổi và buông bỏ những thứ đang kìm hãm bạn.
Giật mình khi biết thân thế của chồng mới cưới ngay đêm tân hôn Tôi tò mò hỏi về hình xăm trên lưng của chồng mới cưới. Anh buồn rầu kể hết bí mật về thân thế cho tôi nghe. Ảnh minh họa Quen nhau được 8 tháng thì tôi và Tân tổ chức hôn lễ. Trước đó, chồng mới cưới từng kể cho tôi nghe về quá khứ nổi loạn, đi đánh nhau rồi bị đuổi...