Hòn đảo sọ người và cách mai táng bằng kiến
Họ không chôn người chết mà để cho kiến ăn hết phần da thịt, sau đó mang hộp sọ đặt vào các hốc đá trên một hòn đảo nhỏ.
Nằm ở phía đông của đất nước Papua New Guinea trên vùng biển Nam Thái Bình Dương rộng lớn, quần đảo Solomon từng là một nơi biệt lập với thế giới trong nhiều thế kỷ cho đến khi bị người Anh xâm chiếm vào cuối thế kỷ 19. Những thổ dân nơi đây được cho là hậu duệ của tộc người Melanesia cổ sinh sống từ hàng nghìn năm trước.
Quần đảo Solomon bao gồm hơn 990 hòn đảo nhỏ với tổng diện tích là 28.000 km 2.
Những chủ nhân của quần đảo này sở hữu nền văn hóa truyền thống lâu đời với nhiều phong tục tập quán kỳ lạ mà tổ tiên họ đã truyền lại qua nhiều thế hệ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cũng như nhiều vùng đất khác, cuộc sống nơi đây đã thay đổi rất nhiều ngay khi những nhà truyền giáo phương Tây xuất hiện. Nhiều tập quán lâu đời của họ bị cho là không phù hợp và dần trở nên mai một, trong đó có phong tục mai táng người chết.
Hộp sọ được mai táng tại các ngôi mộ tập thể.
Người dân ở Solomon theo truyền thống không chôn cất người chết. Họ đặt thi thể của người đã khuất tại những nơi hoang vắng để cho kiến ăn hết phần da thịt. Riêng phần hộp sọ sau đó được thu lượm lại và mang đến đặt trên một hòn đảo nhỏ được gọi là Nusa Kunda, giống như một khu vực nghĩa trang.
Hộp sọ mang lên đảo thường được đặt theo từng nhóm trong các ngôi mộ chung được xây dựng đơn sơ bằng gỗ, đá và các tảng san hô tìm được ngay trên đảo. Mỗi ngôi làng thường có một hoặc hai ngôi mộ như thế để mai táng thành viên của mình.
Ngôi mộ chung tuy rất sơ sài, nhưng vị trí mai táng của các hộp sọ lại tuân theo những trật tự nghiêm ngặt. Ở phía dưới cùng là hộp sọ của những người bình dân và nô lệ, cả những tù binh bị bắt trong các cuộc xung đột với bộ tộc khác.
Trong khi đó, hộp sọ của những người có địa vị trong cộng đồng, thường là các chiến binh anh dũng và các nhà lãnh đạo, sẽ được đặt ở những vị trí cao nhất trong ngôi mộ. Những người này khi còn sống có rất nhiều quyền lực và tài sản.
Mộ tập thể trên đảo sọ người Nusa Kunda là một trong những hòn đảo nhỏ nhất nơi đây.
Chính vì vậy mà hộp sọ của những người này cũng được mai táng cẩn thận và trang trọng hơn, thường là được đặt trong những vách ngăn tạo thành từ đá để che mưa nắng. Ngoài ra bên cạnh hộp sọ cũng xuất hiện thêm những đồ tùy táng có giá trị như là đồ trang sức, tiền bằng vỏ ốc được chạm khắc tinh xảo…
Đời sống xã hội trên quần đảo Solomon giờ đây đã hoàn toàn thay đổi cùng với sự xâm nhập của nền văn minh hiện đại. Cư dân của các bộ tộc nơi đây không còn mai táng thân nhân theo cách từ hàng nghìn năm trước nữa mà đa phần đều đã chấp nhận các nghĩa trang.
Có thể đối với những du khách phương xa, hòn đảo kỳ lạ này mang một vẻ gì đó đáng sợ. Tuy nhiên đối với người dân địa phương, Nusa Kunda vẫn là một trong những nơi linh thiêng và được tôn kính nhất.
Họ vẫn cố gắng giữ gìn và trân trọng nó như là một trong số ít những nét văn hóa truyền thống lâu đời còn chưa bị lãng quên.
Theo VNE