Hòn đảo ‘không khách sạn’ ở Bình Thuận, khách tới đổi gió, cắm trại qua đêm
Với khung cảnh hoang sơ tuyệt đẹp, dù chưa phát triển dịch vụ du lịch, thiếu nhà nghỉ, khách sạn cho khách dừng chân nhưng hòn đảo này vẫn trở thành điểm đến được nhiều tín đồ ưa xê dịch yêu thích, đổ xô tới đổi gió, cắm trại xuyên đêm.
Nhắc tới du lịch Bình Thuận, ngoài các điểm đến nổi tiếng như đảo Phú Quý, mũi Kê Gà, Bàu Trắng, làng chài Mũi Né, bãi đá Ông Địa (phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết),… còn có một nơi vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ, yên bình mà chưa được nhiều du khách biết đến. Đó chính là Cù lao Câu (Ảnh: Nguyễn Thanh Tuấn).
Cù lao Câu (hay còn được gọi là hòn Cau) là một hòn đảo nhỏ thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây có chiều dài 1,5km, diện tích khoảng 140ha và hoàn toàn tách biệt với đất liền, được du khách ví von như “thiên đường xanh” vì sở hữu khung cảnh hoang sơ tuyệt đẹp (Ảnh: Azid Giau).
Theo người dân địa phương, sở dĩ hòn đảo này có tên gọi như vậy là bởi trên đảo có rất nhiều rau chân vịt.
Để tới Cù lao Câu, du khách hiện chỉ có thể tiếp cận bằng ca nô, thuyền máy hoặc tàu của ngư dân với nhiều lựa chọn về điểm xuất phát như từ cảng Cà Ná, cảng Phước Thể hoặc bến đò Liên Hương. Thời gian di chuyển trên biển khoảng 30 – 50 phút, tùy thuộc vào tình hình thời tiết cũng như loại phương tiện sử dụng (Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Hà).
Ở hòn đảo này, thời tiết được chia thành hai mùa khá rõ rệt, gồm mùa gió Nam và mùa gió Bắc. Trong đó, mùa gió Bắc kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12 âm lịch, trời hay có mưa bão, biển động rất mạnh. Du khách nên xem dự báo thời tiết trước khi lên kế hoạch trải nghiệm tại Cù lao Câu để có chuyến đi an toàn, thú vị nhất (Ảnh: Nguyễn Việt Hùng).
Video đang HOT
Còn mùa gió Nam kéo dài từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch hàng năm, được xem là thời điểm lý tưởng nhất để du khách ghé thăm Cù lao Câu. Lúc này, thời tiết tại đây dịu mát, nắng không quá gắt và biển lặng, sóng êm, thích hợp để khách du lịch khám phá và trải nghiệm, tham gia các hoạt động ngoài trời, hòa mình vào thiên nhiên (Ảnh: Đức Nam).
Điều đặc biệt ở Cù lao Câu là hòn đảo gần như vẫn giữ được toàn bộ vẻ nguyên sơ vốn có, chưa khai thác các dịch vụ thương mại phục vụ khách ghé thăm. Bởi vậy mà nhiều du khách từng tới đây cho hay, trên đảo chưa có khách sạn hay nhà nghỉ để khách lưu trú qua đêm. Hình thức lưu trú phổ biến nhất là dựng lều, cắm trại ngay ở bờ biển (Ảnh: Khánh Tuân).
“Ở Cù lao Câu mới có thêm 1,2 khách sạn nhỏ nhưng chi phí khá cao và có thể mất điện giữa đêm vì người dân sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, mình thấy trải nghiệm cắm trại, ngủ lều, tận hưởng thiên nhiên và không khí mát lành ven biển vẫn thú vị nhất”, Phương Thảo, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.
Tuy vậy, Cù lao Câu vẫn là địa điểm du lịch được nhiều du khách yêu thích và tìm đến trải nghiệm vì khung cảnh thiên nhiên đẹp, nước biển xanh trong, có nhiều hoạt động hấp dẫn như lặn biển ngắm san hô, chèo thuyền, bơi lội,… (Ảnh: Azid Giau).
Chưa kể, dù chỉ là một hòn đảo nhỏ nhưng ở Cù lao Câu vẫn có nhiều điểm check-in thú vị mà du khách không nên bỏ qua như hang Yến, hang Ba Hòn, giếng Gia Long, khu bảo tồn rùa biển hay các bãi tắm, bãi san hô đẹp,…
Khu Bảo tồn rùa biển cũng là địa điểm hấp dẫn du khách khi đặt chân đến hòn đảo này. Ghé thăm nơi đây, du khách sẽ được nghe thuyết trình về tập tính sinh hoạt của loài rùa và các kỹ năng cứu hộ rùa biển cần thiết, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn môi trường sống cho các loài động vật xung quanh (Ảnh: Halo Nguyễn).
Cuối cùng, sau khi đã trải nghiệm hết các hoạt động cũng như tham quan các điểm đến nổi tiếng trên đảo, du khách có thể tìm kiếm một số mỏm đá, hẻm đá có hình thù đẹp để chụp ảnh check-in (Ảnh: Trần Lê Ngọc Thắng).
Ngoài các địa điểm check-in độc đáo, Cù lao Câu còn níu chân du khách bởi có nhiều đặc sản trứ danh với giá cả phải chăng. Hiện trên đảo có rất ít nhà hàng, quán ăn phục vụ ăn uống tại chỗ song du khách có thể liên hệ với người dân bản địa, đặt họ chế biến một số món ngon địa phương để thưởng thức như tôm, cá, ốc vú nàng, cùi sò hay cua mặt trăng (Ảnh: Nguyễn Thị Ngọc Hà, Azid Giau).
Tới Cù lao Câu, du khách cũng cần lưu ý một số điều để có chuyến du lịch thú vị, ý nghĩa như: Chuẩn bị sẵn hoặc thuê áo phao để đảm bảo an toàn; Xin phép bộ đội biên phòng nếu muốn lưu trú qua đêm; Mang theo nước uống vì trên đảo vẫn khan hiếm nước ngọt; Dọn dẹp sạch sẽ mọi khu vực trên đảo khi rời đi, không xả rác bừa bãi, giữ gìn cảnh quan, vẻ đẹp hoang sơ vốn có của hòn đảo này; Mang theo ô dù, bôi kem chống nắng kỹ càng để tránh bị cháy nắng;… (Ảnh: Loan Trương).
Phan Đậu
Hòn Cau, thắng cảnh độc đáo thu hút giới trẻ đến Bình Thuận
Hòn Cau, Bình Thuận đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút giới trẻ đến trải nghiệm và khám phá.
Hòn Cau hay còn gọi Cù Lao Câu là một đảo nhỏ thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách TP Phan Thiết khoảng 110 km.
Vào mùa khô, nước biển ở Hòn Cau càng trong xanh, hấp dẫn hơn. Không chỉ vậy, hòn đảo này còn giữ chân du khách bởi bãi cát trắng trải dài và những khối đá nhiều hình dạng khác nhau.
Bãi Tiên, bãi biển đẹp nhất Hòn Cau. Ảnh: CƯỜNG KAON.
Chia sẻ với chúng tôi anh Cường Kaon, một du khách tới trải nghiệm nói: Nơi đây chỉ có đơn vị bộ đội sinh sống, một nhà hàng và một lều nhỏ bán hàng cho khách du lịch.
Bình Minh trên Hòn Cau. Ảnh: CƯỜNG KAON.
Hòn Cau có nhiều điểm thăm quan cho du khách thỏa sức check-in. Không chỉ vậy, khu bảo tồn biển là một điểm hấp dẫn hơn bao giờ hết khi nơi đây hội tụ nhiều loài hải sản quý hiếm như trai tai tượng, tôm hùm, hải sâm... Đặc biệt nơi đây còn sở hữu rạn san hô nguyên thủy với nhiều chủng loại, đa sắc màu và có hình dáng phong phú.
Hoàng hôn trên Hòn Cau khiến du khách đứng ngồi không yên. Ảnh: CƯỜNG KAON.
Nơi đây đã níu chân khách du lịch bằng sự hoang sơ và cảm giác thư thái, yên bình. Hòn Cau còn thích hợp cho những du khách thích khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, biển cả với trải nghiệm có chút cảm giác mạo hiểm.
Một tảng đá giống hình con rùa rất độc đáo. Ảnh: CƯỜNG KAON.
Đặc biệt, đảo Hòn Cau là một trong ba địa điểm trên cả nước có rùa biển - loài động vật nguy cấp, quý hiếm đang sinh sống và sinh sản hàng năm.
Bãi cát trải dài cạnh dãy núi đá đẹp hút hồn: Ảnh: CƯỜNG KAON.
Bên cạnh đó, trên đảo còn một số di tích như Giếng Tiên (hay giếng Gia Long). Theo truyền thuyết là nơi vua Gia Long từng ghé lại uống nước. Không chỉ vậy, Đền thờ thần Nam Hải (Đền thờ cá Ông) là nơi ngư dân tại các xã ven biển của địa phương tổ chức Lễ hội Cầu Ngư hàng năm.
Khi nước biển xuống bãi cát trở thành sân bóng cho bộ đội bảo vệ Khu bảo tồn rèn luyện sức khỏe. Ảnh: CƯỜNG KAON.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định xếp hạng Di tích cấp tỉnh đối với thắng cảnh Hòn Cau. Đây là cơ sở trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị thắng cảnh trong thời gian tới.
San hô nhấp nhô dưới biển như đang vẫy chào du khách ghé thăm. Ảnh: CƯỜNG KAON.
Chị Hiếu, một du khách chia sẻ, để ra được Hòn Cau, du khách có thể đến các điểm như Cảng cá Phước Thể, thị trấn Liên Hương, thị trấn Cà Ná, xã Vĩnh Tân thuê ca nô giá vé khứ hồi khoảng 250 ngàn đồng.
Du khách cũng có thể đi bằng tàu chở nước ngọt, thực phẩm ra đảo mất khoảng 30 phút. Ngoài ra, du khách cũng có thể di chuyển bằng cano của trung tâm bảo tồn Hòn Cau. Cano thường ra đảo vào buổi sáng và chở khách với số lượng lớn.
Ai may mắn mới bắt gặp được những chú rùa dạo chơi trên cát. Ảnh: CƯỜNG KAON.
Nếu du khách muốn qua đêm tại Hòn Cau thì có thể đem theo lều hoặc trang bị túi ngủ.
Không chỉ vậy, đến với nơi đây du khách còn được thưởng thức nhiều loại hải sản tươi ngon, lạ và hấp dẫn như cua mặt trăng luộc, cùi sò nướng, nhum...
Trải nghiệm cắm trại qua đêm tại thảo nguyên đẹp như tranh ở Lạng Sơn Rời chốn thành đô náo nhiệt, gia đình Hà Nội hòa mình vào thiên nhiên yên bình của vùng đất Hữu Lũng Lạng Sơn. Thảo nguyên Đồng Lâm thuộc xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội khoảng 150 km. Khu vực có diện tích 100 ha, nổi tiếng bởi thảm cỏ tươi tốt, hồ trong xanh, nằm giữa...