Hòn đảo giống con khủng long ở Phú Yên
Đảo hòn Nưa nằm giữa vùng biển ranh giới Phú Yên và Khánh Hòa còn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí hệt như con khủng long khổng lồ hiện ra từ thời tiền sử.
Hòn Nưa (thị xã Đông Hòa) là đảo gần bờ giáp ranh giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Từ trên quốc lộ 1 đi qua đèo Cả, du khách phóng tầm mắt ra vịnh Vũng Rô, có thể dễ dàng nhận thấy hòn đảo sừng sững giữa biển trời hệt như con khủng long khổng lồ hiện ra từ thời tiền sử.
Hòn Nưa còn có dáng hình như cây trụ chia đôi cánh cửa hướng phía nam vào vịnh Vũng Rô nên trong Đại Nam nhất thống chí ghi là Trụ tự. Đến nay, ngư dân địa phương còn truyền tụng câu ca dao: “Hòn Nưa ngoài biển lồi lõm – Vách đá dựng đứng sóng xô mấy tầng”.
Theo cứ liệu lịch sử, hòn Nưa từng được vua chúa xem như cột mốc tự nhiên để chia ranh giới hành chính vị trí trung tâm Đại Việt và Chiêm Thành. Hiện nay hòn đảo này có vai trò như là cột mốc phân chia địa giới hành chính ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Trên đường đi đến hòn Nưa, du khách có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp của Bãi Môn dưới chân hải đăng Mũi Điện, điểm cực đông Tổ Quốc. Đi thêm vài cây số, có thể dừng chân ở Bãi Hương, vịnh Vũng Rô. Tại đây, mọi người đi thuyền cao tốc hoặc canô khoảng 20 phút là ra đến đảo hòn Nưa.
Bãi cát mịn, trải dài xung quanh hòn đảo là điểm đến lý tưởng cho các bạn trẻ đam mê du lịch khám phá. Hòn đảo được du khách ưu ái gọi là “thiên đường ngủ quên của Phú Yên”.
Dải cát trắng trải dài, nước biển xanh ngắt cùng với cụm đá hệt như mũi thuyền vươn ra biển… tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ thú của đảo hòn Nưa.
Video đang HOT
Chị Trần Thị Hạnh (khách du lịch Hà Nội) chia sẻ lần đầu tiên đến tham quan đảo hòn Nưa, bơi lặn trong làn nước biển mát lành, chị cảm thấy thích thú khi vui đùa cùng đàn cá nhỏ thoắt ẩn, thoắt hiện giữa rạn san hô rực rỡ sắc màu… “Cảm giác thư thái, khám phá biển trời hoang sơ hòn Nưa là những trải nghiệm khó thể quên trong đời tôi”, nữ du khách cho biết thêm.
Trên đỉnh hòn Nưa có ngọn hải đăng màu đỏ, ngày đêm là nơi chỉ dẫn phương hướng cho ngư dân đánh cá trở về vịnh Vũng Rô.
Buổi hoàng hôn hoặc trời về đêm, du khách có thể leo ngắm khung cảnh đất trời kỳ vĩ, tận hưởng không gian biển cả thoáng mát, thanh bình.
Phía bắc đảo hòn Nưa (phần đầu con khủng long) là những vách đá cao xếp chồng lên nhau tạo muôn hình kỳ thú, dựng đứng kỳ vĩ sát mặt biển.
Tại đây, nhiều món ăn tươi ngon khác như ốc hương, cá bớp, cua, tôm, mực nhảy… cũng được du khách ưa thích. Trong ảnh là gỏi mực nhảy, món ăn đặc sản ở vịnh Vũng Rô.
Hòn Nưa (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh: Google Maps.
Hòn đảo hình con chim ở Phú Yên
Mang hình thù giống một chú chim với chiếc mỏ dài màu trắng cùng thân hình béo tròn, đảo hòn Chùa (TP Tuy Hòa, Phú Yên) mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách tới khám phá.
Nằm cách TP Tuy Hòa khoảng 10 km về phía bắc, cụm đảo hòn Chùa thuộc xã An Phú (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) hoang sơ trông hệt như "con chim khổng lồ" dừng chân giữa biển trời mênh mông Phú Yên.
Đảo hòn Chùa có kích thước 0,22 km2, nằm gần bờ, được hình thành từ hoạt động phun trào núi lửa hàng triệu năm trước. Theo ngư dân địa phương, trước đây trên đỉnh hòn đảo từng có một ngôi chùa, nơi ẩn tu của một thứ phi của chúa Nguyễn Ánh. Do vậy hòn đảo này có tên gọi hòn Chùa và phổ biến cho đến ngày nay.
Những khối đá xếp chồng lên nhau tạo thành bức tường chắn sóng tự nhiên cho hòn Chùa. Theo giáo sư Guy Martini (Tổng thư ký mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO) đánh giá di sản địa chất ở Phú Yên rất phong phú và đa dạng.
Trầm tích núi lửa trải dài xung quanh đảo tạo nên không gian lý tưởng cho nhiều loại tôm, cá, mực, cua... tập trung về đây. "Địa phương này có hàng loạt thắng cảnh nổi bật gồm ghềnh Đá Đĩa, hòn Yến, hòn Chùa, hòn Nưa, bãi Môn - mũi Điện. Tỉnh Phú Yên hội đủ tất cả các giá trị về di sản địa chất, tự nhiên, văn hóa, phi vật thể để phát triển thành Công viên địa chất toàn cầu", ông Guy Martini cho biết.
Chị Phan Ý Thiên Duyên (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ mình cảm thấy ấn tượng đặc biệt khi lần đầu tiên cùng gia đình đến Phú Yên du lịch, khám phá nhiều hòn đảo hoang sơ gần bờ.
"Đến tham quan hòn Chùa, một trong những hòn đảo gần bờ của Phú Yên, tôi rất thích không gian biển trời hoang sơ nơi đây. Bờ cát mịn trắng trải dài với nước biển trong xanh mát lành tạo nên khung cảnh tuyệt vời để check-in, lưu lại kỷ niệm với vùng đất tuyệt vời này", nữ du khách cho biết thêm.
Mỗi năm, đảo hòn Chùa thu hút khá đông du khách đến tham quan, du lịch. Bà Nguyễn Thị Hồng Thái (Quyền Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Phú Yên) cho biết: "Du khách có thể đến bãi biển Long Thủy - hòn Chùa để trải nghiệm lặn biển, câu cá, lướt ván, chèo thuyền kayak".
Bãi cát trắng trải dài hàng trăm mét quanh hòn đảo là địa điểm thích hợp cho du khách trải nghiệm tắm biển hay cắm trại qua đêm trên đảo.
Bé Bảo Châu (du khách đến từ TP.HCM) thích thú khi nhặt vỏ ốc trên bãi tắm hòn Chùa.
Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên của hòn đảo, ngư dân sinh sống tại hòn Chùa còn tự xếp đá hình trái tim, vừa nuôi trồng thủy sản vừa chắn sóng để neo đậu tàu, thuyền cũng như tạo cảnh quan để thu hút khách du lịch.
Bãi biển Long Thủy - bến tàu thơ mộng để du khách ra tham quan hòn Chùa.
Hoàng hôn rực rỡ trên vùng biển Long Thủy - hòn Chùa.
Du khách có thể cắm trại qua đêm, câu cá, câu mực và tổ chức các trò chơi team building, thưởng thức nhiều món đặc sản tươi ngon như nhum sọ nướng với trứng gà, súp mực nang và các loại ốc gai, ốc nón, xà cừ... ở hòn Chùa.
Hòn Chùa (mũi tên đỏ) thuộc vùng biển Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa (Phú Yên). Ảnh: Google Maps.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên, 7 tháng đầu năm nay có hơn một triệu lượt du khách đến tham quan, tăng 208 % so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 3.180 lượt. Tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt hơn 1.225 tỷ đồng, tăng 268% so với cùng kỳ.
Các chuyên gia địa chất nhận định Phú Yên có tiềm năng, triển vọng để trở thành Công viên địa chất toàn cầu. Địa phương này hội tụ ba giá trị di sản chính để tạo thành công viên địa chất tiềm năng là di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học.
Đặc biệt, Phú Yên có đặc trưng đá biến chất cổ khoảng 2,5 tỷ đến 542 triệu năm trước, các công trình kiến trúc thể hiện giao thoa văn hóa Chăm-Việt-Hoa-châu Âu, các hệ sinh thái cát ven biển, đầm phá, rặng san hô phong phú.
Con đường xuyên biển tự nhiên nối hòn đảo hoang sơ với đất liền ở Phú Yên Vùng đất hoa vàng cỏ xanh chưa bao giờ hết làm du khách trầm trồ và Nhất Tự Sơn chính là một trong số đó. Là một hòn đảo có diện tích khiêm tốn chỉ 6ha, vẫn còn khá hoang sơ, nhưng Nhất Tự Sơn vẫn sở hữu cho mình vẻ đẹp riêng lôi cuốn du khách. Hình dáng đường thẳng nằm ngang...