Hỗn chiến tại Trung tâm cai nghiện vì thiếu “thuốc”?
Chiều ngày 31/10, một cán bộ Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh Gia Lai (xã Biển Hồ, TP Pleiku) xác nhận, có chuyện các học viên cai nghiện tại đây đánh nhau đến bị thương.
Trung tâm nơi xảy ra sự việc.
Nguồn tin từ một cán bộ công an, thuộc Công an TP Pleiku, Gia Lai cho biết, khoảng 11h ngày 30/10, có khoảng hơn 100 học viên cai nghiện thuộc Trung tâm nói trên đã dùng dao, rựa, gậy gộc… xông vào đánh nhau, khiến nhiều người bị thương. Trong đó có 4 học viên phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cấp cứu.
Bác sĩ Phạm Văn Lỹ – Trưởng khoa Ngoại thần kinh – Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai – cho biết, chiều 31/10, 4 bệnh nhân nói trên đã xuất viện.
Theo lời vị cán bộ công an nói trên, sự việc có diễn biến như sau: Tại trung tâm trên, các học viên cai nghiện được xếp vào các buồng, mỗi buồng có khoảng 10 người, trong đó có 1 người là buồng trưởng. Trong buồng có “nội quy” là mỗi học viên đều phải đóng “sổ hụi” vào một tài khoản bắt buộc từ 3-5 triệu đồng/tháng theo yêu cầu của các buồng trưởng.
Khi các học viên đóng tiền đầy đủ, buồng trưởng sẽ đảm bảo cho các học viên việc ăn uống, cung cấp heroin để sử dụng, không bị “ăn đòn”. Nếu học viên nào không đóng đủ “sổ hụi” sẽ bị đánh. Nguồn tin cũng cho biết, năm ngoái có một học viên không có tiền đóng đã bị đánh đến trọng thương.
Video đang HOT
Cán bộ công an trên nói thêm, lâu nay tình trạng ma túy được tuồn từ bên ngoài vào trung tâm để đáp ứng nhu cầu của các học viên cai nghiện luôn tồn tại.
Sự việc xảy ra trưa ngày 30/10 là do các học viên đã đóng đủ tiền hụi nhưng không được đáp ứng đủ “thuốc” nên nổi loạn.
“Năm ngoái cũng xảy ra tình trạng tương tự, các buồng trưởng do ăn chia không đồng đều đã kích động dẫn đến đánh nhau. Từ đó, các học viên đã xông vào hỗn chiến, đỉnh điểm của mâu thuẫn là họ đã đập phá cổng Trung tâm đòi ra ngoài. Công an TP Pleiku sau đó đã truy tố nhiều đối tượng buồng trưởng vì tội cố ý gây thương tích song đến nay tình hình đâu vẫn vào đấy” – người cung cấp thông tin tiết lộ thêm.
Trước thông tin trên, nhóm PV đã đến Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh Gia Lai liên hệ làm việc, xác minh thực hư. Tuy nhiên bà Lê Thị Lượng – Giám đốc Trung tâm – cho biết bà đang bận họp nên không thể tiếp PV.
Thiên Thư
Theo Dantri
Tòa án mới có quyền đưa người nghiện đi cai, người dân méo mặt!
Muốn đưa người nghiện đi cai, thủ tục quá phức tạp, phải mất hàng năm trời mới xử lý được vì phải làm hồ sơ, chờ 3-6 tháng, đợi quyết định của... tòa án. Từ thực tế đó, TPHCM muốn có cơ chế riêng đề xử lý người cai nghiện bắt buộc...
Khơi mào nội dung thảo luận về vấn đề đưa người nghiện đi cai bắt buộc trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại tổ ngày 21/10 của đoàn ĐBQH TPHCM, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đặt vấn đề, thủ tục cho việc này quá phức tạp.
Cụ thể, từ giữa tháng 2/2014, theo quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được Chính phủ ban hành, tòa án chứ không phải chính quyền địa phương có quyền ra quyết định cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy. Quy định này làm cho việc phân loại đối tượng gặp khó và kéo dài thời gian chờ đợi cai nghiện của đối tượng bắt buộc cai nghiện.
"Như vậy, tòa án ra quyết định đưa ai đi cai nghiện ma túy thì cũng giống như đưa họ vào tù?' - đại biểu Ánh băn khoăn.
Phiên thảo luận tại đoàn ĐBQH TPHCM.
Thủ tục phức tạp khiến việc quản lý người nghiện ma túy trên thực tế rất khó khăn. Đặc thù của TPHCM, vấn đề người nghiện ma túy đã không đơn giản. Vậy mà thành phố còn chịu áp lực "gánh" lượng dân nghiện ma túy ở các tỉnh, thành lân cận dồn về, số người nghiện sống vô gia cư rất lớn. Việc kiểm soát số lượng người nghiện trên địa bàn, vì thế, không hề đơn giản.
Trong khi đó, khi muốn đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung thì phải có phán quyết cùa tòa án, trước đó, điều kiện cần và đủ là người nghiện phải được tổ chức quản lý, cai nghiện ở địa phương từ 3-6 tháng không có kết quả mới đưa đi được. Nhưng đa số người nghiện đều vô gia cư, không thể quản lý được.
Những phân tích xác đáng của Phó Chánh án TAND TPHCM, được nhiều đại biểu trong tổ tán đồng.
Đại biểu Lê Đông Phong - Phó Giám đốc sở Công an TPHCM cũng nhận định, vừa qua, tuy chưa có thống kê riêng chính thức, nhưng thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa tình trạng nghiện ma túy với trộm cắp cướp giật, tệ nạn xã hội. Trong khi đó, Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính lại khiến cho thủ tục đưa người đi cai nghiện bắt buộc trở thành rất phức tạp, có trường hợp "phải mất hàng năm trời mới xử lý được".
Đại biểu cho rằng: "Có lẽ cơ quan quản lý đã chưa lường được khả năng quản lý của mình nên xây dựng pháp luật chưa sát thực tế. Tới đây, đề nghị quan tâm điều chỉnh theo hướng cho phép tòa áp dụng thủ tục giản lược khi ra phán quyết buộc người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc".
Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng bày tỏ lo lắng về tình hình trị an của TPHCM khi vừa qua, nạn ma túy bùng phát trở lại, nguyên nhân có nhiều nhưng trong đó có yếu tố luật pháp. Trước đây, việc áp dụng biện pháp buộc cai nghiện là do UBND cấp cơ sở quyết định nhưng hiện tại, quy định được sửa theo hướng chặt chẽ hơn, việc áp dụng biện pháp này cần đưa ra tòa án xem xét. Bất cập theo ông Đương, TPHCM hiện có tới 20.000 người nghiện nhưng tòa án mới đưa được hơn 4.500 trường hợp đi cai bắt buộc. Điều này dẫn đến việc tội phạm tăng, gây rối trật tự xã hội.
Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Huỳnh Thành Lập thẳng thắn, trong lúc chờ đợi phải nộp hồ sơ, đợi hồ sơ được phê duyệt và có quyết định từ tòa án, TPHCM rất muốn có được một cơ chế riêng đề xử lý người cai nghiện bắt buộc, tránh gây bất ổn an ninh cho xã hội.
Nữ đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng có cùng đề xuất, phải có giải pháp tình thế để giải quyết bất cập trong xử lý người cai nghiện, có thể bằng một nghị quyết của Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cảnh báo: "Đây là việc không thể chần chừ nữa. Nói là tôn trọng quyền con người, đối xử nhân văn trong vấn đề xử lý người nghiện ma túy không nên hiểu cứng nhắc vì quyền của người này không được ảnh hưởng tới người khác. Để tình trạng này kéo dài sẽ rất nguy hiểm".
P.Thảo
Theo Dantri
Ba người kích động học viên cai nghiện phá trung tâm bị khởi tố Nhóm học viên cầm đầu vụ phá cổng trung tâm Gia Minh khiến hơn 300 người đang cai nghiện bỏ trốn đã bị bắt với cáo buộc gây rối trật tự công cộng. Công an huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, hôm nay xác nhận cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng, bắt Nguyễn Hữu Đăng...