Hơn 90 năm bảo quản di hài Lenin
Các nhà khoa học Nga tiết lộ những phương pháp ướp xác kỳ công giúp bảo quản ngày càng tốt thi hài của nhà lãnh đạo Xô Viết Vladimir Lenin.
Di hài Lenin – Ảnh: Reuters
Lăng Lenin tại quảng trường Đỏ
Lenin có thể đã mất hơn 90 năm, nhưng di hài của ông được đánh giá là trông còn hoàn hảo hơn so với thời điểm qua đời vào năm 1924. Đó chính là tuyên bố của những người ướp xác ông, sau quá trình thử nghiệm các biện pháp nhằm duy trì bề ngoài và cảm giác đối với thi hài của nhà lãnh đạo cách mạng. Thậm chí, họ còn cho rằng những kỹ thuật được áp dụng đã được hoàn thiện sau gần 100 năm phát triển và điều chỉnh, tạo nên một nhánh khoa học mang lại lợi ích thiết thực trong các ứng dụng về mặt y khoa.
Lâu nay, công việc đầy khó khăn nhằm gìn giữ thi hài Lenin thuộc trách nhiệm của nhóm “chuyên gia lăng”, với thành viên lên đến 200 nhà khoa học vào thời đông đảo nhất. Theo bài viết trên trang Scientific America, người Nga thiên về mục tiêu bảo quản hình dạng, cân nặng, màu sắc và độ đàn hồi của cơ thể Lenin, và không quá chú trọng đến việc duy trì mô sinh học. “Họ thỉnh thoảng buộc phải thay thế một số vùng da và thịt bằng chất liệu nhân tạo và những vật liệu khác”, theo Alexei Yurchak, Giáo sư ngành nhân loại xã hội học của Đại học California tại Berkeley. “Điều này khiến quá trình bảo quản xác khác xa với những phương pháp trong quá khứ, như ướp xác”, theo Giáo sư Yurchak. Giáo sư Yurchak đã công bố báo cáo mới về đề tài này trên chuyên san Representations, cùng với quyển sách có tựa đề Mọi thứ sẽ vĩnh hằng, cho đến khi không còn gì cả: Thế hệ Xô Viết cuối cùng.
Thi hài của nhà lãnh đạo cách mạng vẫn tiếp tục được gìn giữ trong lăng Lenin ở quảng trường Đỏ tại Moscow trong suốt hơn 20 năm qua sau khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, năm nay hoạt động viếng được ngưng lại để các nhà khoa học chăm sóc thi hài Lenin trước lễ viếng kỷ niệm 145 năm ngày sinh của nhà lãnh đạo (đã diễn ra vào ngày 22.4). Trong cuốn sách của mình, Giáo sư Yurchak đã mô tả cách thức một chất tẩy nhẹ được dùng để xử lý những vết ố từ nấm đôi khi xuất hiện trên mặt Lenin. Da của nhà lãnh đạo được nghiên cứu hằng tuần bằng các công cụ chính xác, cho phép đo độ ẩm, màu sắc và cấu trúc da để phát hiện ngay lập tức các dấu hiệu bị mất nước.
Video đang HOT
Mỗi hai năm một lần, di hài sẽ được ngâm vào bồn chứa dung dịch glycerol và potassium acetate trong 30 ngày, một kỹ thuật mà các chuyên gia Nga đảm bảo rằng có thể giúp bảo quản xác trong vài thế kỷ. Trong khi huyết, dịch cơ thể và các cơ quan nội tạng được loại bỏ, râu tóc vẫn được giữ nguyên. Một vật liệu làm từ paraffin, glycerin và carotene được sử dụng để bồi đắp những phần da hỏng. Một số kỹ thuật ướp xác của nhóm chuyên gia lăng Lenin có thể ứng dụng một cách thiết thực trong lĩnh vực y khoa, theo Scientific American. Ví dụ, một phương pháp đã truyền cảm hứng cho kỹ thuật đã được áp dụng nhằm duy trì tuần hoàn máu thông qua thận được hiến trong quá trình cấy ghép.
Di hài của vị lãnh tụ Bolshevik hiện vẫn tiếp tục được đặt trong lăng tại Moscow. Vào năm 2012, Nga đối mặt với quyết định lịch sử về việc chôn thi hài Lenin. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục trì hoãn việc ra quyết định, lấy lý do là Lenin vẫn là một biểu tượng sáng chói trong lòng những người cao niên của nước này.
Hạo Nhiên
Theo Thanhnien
Hé lộ phương pháp bảo quản di hài lãnh tụ Lenin
Hàng ngàn năm qua con người đã sử dụng nhiều phương pháp ướp xác để bảo quản thi thể người đã khuất; nhưng không phương pháp nào sánh bằng cách các nhà khoa học Nga bảo quản di hài lãnh tụ Liên Xô Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924), theo đánh giá của chuyên san khoa học Scientific American (Mỹ).
Di hài lãnh tụ Liên Xô, Vladimir Ilyich Lenin (ảnh chụp năm 1993) - Ảnh: Reuters
Gần một thế kỷ nghiên cứu, phát triển
Trong gần một thế kỷ, nhiều thế hệ nhà khoa học Nga đã phát triển và cải thiện phương pháp bảo quản di hài lãnh tụ Lenin. Ngày 22.4 vừa qua, nước Nga kỷ niệm 145 năm ngày sinh lãnh tụ Lenin, mở cửa lăng Lenin để người dân vào viếng ông, theo chuyên san Scientific American ngày 22.4.
Một nhóm chuyên gia Nga, được gọi là "nhóm lăng mộ", bao gồm các bác sĩ giải phẫu, nhà hóa sinh, có nhiệm vụ bảo quản di hài Lenin. Họ cũng giúp bảo quản di hài của vị lãnh đạo khác là cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai vị cố lãnh đạo Triều Tiên là Kim Nhật Thành và Kim Jong-il (Kim Chính Nhật).
Trong quá trình bảo quản di hài lãnh tụ Lenin, các nhà khoa học Nga đã tạo ra một ngành khoa học bảo quản thi thể hoàn toàn khác với những phương pháp ướp xác khác.
"Họ bổ sung nhựa và các vật liệu khác vào một số phần da, giúp giữ nguyên gương mặt và hình dạng thi thể qua thời gian", giáo sư Alexei Yurchak, chuyên ngành nhân chủng học thuộc Đại học California (Mỹ), cho hay.
Phương pháp của các nhà khoa học Nga khác với phương pháp ướp xác thông thường chỉ giữ được thi thể nhưng không thể gìn giữ nguyên vẹn gương mặt và hình dạng thi thể qua thời gian, theo giáo sư Yurchak.
Ông Yurchak đã phỏng vấn các nhà khoa học Nga, nghiên cứu thấu đáo về phương pháp bảo quản di hài lãnh tụ Lenin và viết một quyển sách mô tả chi tiết về phương pháp này.
Trong quyển sách tựa đề Everything Was Forever, until It Was No More: The Last Soviet Generation của mình, giáo sư Yurchak mô tả các nhà khoa học Nga còn dùng thuốc tẩy nhẹ để xử lý những vết thâm do nhiễm nấm trên mặt Lenin.
Phần da di hài Lenin được kiểm tra hàng tuần bằng những công cụ đo đạc có độ chính xác cao do các nhà khoa học Nga phát triển, có thể đo độ ẩm, màu sắc da. Một vật liệu được làm từ chất paraffin, glixerin và carotin được dùng để thay thế một số phần da trên di hài Lenin.
Di hài lãnh tụ Liên Xô Vladimir Ilyich Lenin (ảnh chụp năm 1993) - Ảnh: Reuters
Cứ mỗi hai năm một lần, di hài Lenin được ngâm vào dung dịch glyxerol, kali axetat cùng nhiều loại dung dịch khác trong vòng 30 ngày. Các nhà khoa học trên thế giới đánh giá kỹ thuật này có thể giúp giữ gìn di hài nguyên vẹn trong nhiều thế kỷ.
Máu, dịch cơ thể và nội tạng đã được lấy ra khỏi di hài Lenin, nhưng phần lông mày, râu của ông được giữ nguyên. Phần lông mi cũng được thay thế bằng lông mi nhân tạo do bị hư hại trong quá trình bảo quản di hài.
Ứng dụng hữu ích cho y học thế giới
Phương pháp bảo quản di hài Lenin mang lại nhiều ứng dụng hữu ích cho ngành y học thế giới, theo Scientific American.
Chẳng hạn, các nhà khoa học Nga cắt động mạch và mạch máu chính để bơm dung dịch ướp xác khắp thi thể. Kỹ thuật này được áp dụng vào nền y học sau này. Theo đó, các nhà khoa học tạo ra một thiết bị đặc biệt giúp giữ máu luôn lưu thông qua quả thận được hiến trong quá trình cấy ghép thận.
Những công cụ dùng để kiểm tra da của di hài Lenin đã giúp các nhà khoa học Nga sau này phát triển ra thiết bị đo cholesterol qua da vào cuối thập niên 1980, giúp bệnh nhân dễ dàng đo cholesterol tại nhà, Scientific American cho hay.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
'Nghĩa địa' máy bay ở Mỹ Các loại máy bay được tập kết tại sân bay thuộc bang California, Mỹ sau khi chúng hết hạn sử dụng. Sân bay Hậu cầu Nam California, thường được gọi là sân bay Victorville, nằm cách thành phố Los Angeles khoảng 160 km về phía đông bắc. Nơi này phần lớn được sử dụng cho hàng hóa hàng không và bảo trì hàng...