Hơn 63 triệu ca nCoV toàn cầu, nhiều người châu Âu vẫn phản đối phong tỏa
Hơn 63 triệu ca nhiễm nCoV toàn cầu và hơn 1,4 triệu người chết, song nhiều người châu Âu vẫn phản đối phong tỏa và lệnh hạn chế tại nhà thờ.
Thế giới ghi nhận 63.044.066 ca nhiễm và 1.464.724 người đã tử vong do nCoV, tăng lần lượt 501.057 và 7.357 ca chỉ trong một ngày, 43.525.712 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 127.256 ca nhiễm và 782 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 13.739.472, trong đó 273.035 người đã chết. Hai bang ở Mỹ là Texas và California đã vượt mốc 1,2 triệu ca nhiễm.
Tiến sĩ Celine Gounder, thành viên nhóm cố vấn chống Covid-19 của Tổng thống đắc cử Joe Biden, dự đoán số ca nhiễm, nhập viện và tử vong sẽ tăng mạnh trong vài tuần tới, sau khi hàng triệu người Mỹ tăng cường đi lại, tụ tập trong các dịp lễ cuối năm.
Một số bang và thành phố của Mỹ đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm với hy vọng ngăn chặn nCoV lây nhiễm tại các quán bar, bữa tiệc và các sự kiện về đêm khác.
Ấn Độ , vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 39.000 ca nhiễm và 444 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.432.039 và 137.177.
Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại thành phố New Delhi, khiến nhiều bệnh viện quá tải. Giới chức New Delhi tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD).
Trong khi các khu vực khác ở Ấn Độ đã giảm ca nhiễm mới đáng kể từ đỉnh dịch giữa tháng 9, thủ đô 20 triệu dân đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Nhiều bệnh viện tại New Delhi hiện rơi vào tình trạng quá tải.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Porto Alegre, Brazil, hôm 19/11. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
Brazil , vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 196 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 172.833. Số người nhiễm nCoV tăng 24.468 trong 24 giờ qua, lên 6.314.740.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố sẽ không tiêm vaccine Covid-19, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nhiều người ủng hộ ông cũng làm điều tương tự, khiến Brazil không đủ tỷ lệ dân số tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng.
Pháp , vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, báo cáo 2.218.483 ca nhiễm và 52.325 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 9.784 và 198 ca. “Đỉnh của làn sóng thứ hai đã qua”, Tổng thống Emmanuel Macron nói hôm 24/11, nhưng nhấn mạnh vẫn cần tiếp tục nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Các cửa hàng không thiết yếu tại Pháp đã được phép mở cửa trở lại từ ngày 28/11 và các hoạt động tôn giáo trong nhà cũng được phép hoạt động trở lại, nhưng các tín đồ chỉ được tập trung dưới 30 người, bất kể quy mô của nhà thờ.
Các tổ chức Công giáo đã phản đối biện pháp hạn chế này, cho rằng các nhà thờ và thánh đường còn rộng rãi hơn nhiều so với các cửa hàng bán lẻ, nơi có giới hạn tụ tập là một người/ 8 mét vuông.
Anh báo cáo thêm 12.155 ca nhiễm và 215 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.617.327 và 58.245. Chính phủ Anh tái phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất tại nước này từ sau Thế chiến II.
Cảnh sát London cuối tuần qua đã bắt hơn 150 người tham gia biểu tình chống phong tỏa và phản đối vaccine Covid-19. Lệnh phong tỏa ở Anh sẽ kết thúc vào ngày 2/12.
Đức ghi nhận 13.637 ca nhiễm và 156 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.055.607 và 16.533. Giới chức Đức nhận định số ca nhiễm hàng ngày còn ở mức cao và lo ngại tình trạng quá tải tại các khu điều trị tích cực của nhiều bệnh viện.
Dân Đức không bị giới hạn trong nhà từ 2/11 đến 20/12, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì “mục đích phi du lịch”. Trường học và các cửa hàng vẫn được mở cửa, nhưng tất cả nhà hàng, quán bar, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa.
16 bang ở Đức dự kiến nới lỏng hạn chế trong dịp Giáng sinh từ 23/12 đến 1/1/2021, cho phép tụ tập tối đa 10 người để gia đình và bạn bè có thể tận hưởng kỳ nghỉ lễ cùng nhau.
Nga , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 26.683 ca nhiễm nCoV và 459 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.269.316 và 39.527.
Điện Kremlin cho biết hệ thống y tế của nước này đang chịu áp lực lớn, nhưng tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát ngoại trừ một số khu vực. Nga không áp đặt biện pháp phong tỏa toàn quốc mà tập trung vào các biện pháp hạn chế theo từng khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hôm 27/11 cho biết nước này đang lên kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 400.000 quân nhân, dự kiến hoàn thành 20% mục tiêu vào cuối năm.
Iran , một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 47.874 người chết, tăng 389, trong tổng số 948.749 ca nhiễm, tăng 12.950. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.
Giới chức Iran thừa nhận số liệu chính thức dường như thấp hơn so với mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở nước này. Từ 21/11, Iran áp đặt hạn chế chống dịch mới, bao gồm đóng cửa các hộ kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu tại thủ đô Tehran và khoảng 160 thành phố và thị trấn được xác định nguy cơ ở mức “đỏ”.
Sau một thời gian ổn định, Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 449 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 33.824, trong đó 523 trường hợp tử vong, tăng một ca.
Giới chức Hàn Quốc hôm 29/11 cho biết Thủ tướng Chung Sye-kyun sẽ thảo luận với các quan chức y tế về việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ hơn để ngăn Covid-19.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 534.266 ca nhiễm, tăng 6.267, trong đó 16.815 người chết, tăng 169.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo hồi giữa tháng 11 thông báo nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Indonesia sẽ sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.
Philippines báo cáo 429.864 ca nhiễm và 8.373 ca tử vong, tăng lần lượt 2.076 và 40 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực. Quốc gia này đã ký hợp đồng mua 2,6 triệu liều vaccine Covid-19 do Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca hợp tác nghiên cứu sản xuất.
Chính phủ Philippines trước đó từng đàm phán với một số nhà sản xuất vaccine Covid-19 tiềm năng, đến từ Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tổng thống Philippines Duterte hồi tháng 9 cho biết sẽ ưu tiên mua vaccine Covid-19 do Nga và Trung Quốc sản xuất, bởi họ không yêu cầu tiền đặt trước.
Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO ngày 27/11 nói rằng ngay cả khi các quốc gia ghi nhận ca Covid-19 mới giảm, họ vẫn cần phải cảnh giác. “Điều chúng tôi không muốn thấy là tình huống mà các bạn chuyển từ trạng thái phong tỏa để kiểm soát virus rồi lại phải tiến hành một đợt phong tỏa khác”, Kerkhove nói.
Brazil dừng thử nghiệm vaccine Covid-19 Trung Quốc
Cơ quan quản lý y tế Brazil thông báo dừng thử nghiệm vaccine Covid-19 do Trung Quốc phát triển sau "sự cố bất lợi" liên quan một tình nguyện viên.
Cơ quan quản lý y tế Brazil Anvissa hôm 9/11 thông báo họ đã "quyết định dừng thử nghiệm lâm sàng vaccine CoronaVac sau một sự cố bất lợi nghiêm trọng" ngày 29/10.
Cơ quan này cho biết họ không thể cung cấp chi tiết những gì đã xảy ra vì quy định về quyền riêng tư, nhưng những sự cố như vậy thường là tử vong, tác dụng phụ có thể gây tử vong, dị tật nghiêm trọng, nhập viện và các "hậu quả nghiêm trọng về mặt lâm sàng" khác.
Một bác sĩ cầm hộp vaccine Covid-19 do công ty Trung Quốc Sinovac Biotech sản xuất tại bệnh viện Sao Lucas ở Porto Alegre, miền nam Brazil hồi tháng 8. Ảnh: AFP.
Thông tin về CoronaVac, được phát triển bởi công ty dược Trung Quốc Sinovac Biotech, được đưa ra cùng ngày hãng dược phẩm khổng lồ Mỹ Pfizer cho biết ứng viên vaccine của họ đã cho thấy hiệu quả hơn 90%, khiến thị trưởng toàn cầu tăng vọt và làm dấy lên hy vọng chấm dứt đạt dịch.
Sinovac Biotech hôm nay ra thông cáo nói rằng "chúng tôi tự tin vào sự an toàn của vaccine".
Cả vaccine Pfizer và Sinovac đều đang được thử nghiệm Giai đoạn ba, giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi được cơ quan quản lý phê duyệt. Hai loại vaccine này cũng được thử nghiệm tại Brazil, quốc gia ghi nhận số người chết cao thứ hai trong đại dịch, sau Mỹ, với hơn 162.000 người tử vong.
CoronaVac đã bị cuốn vào một cuộc chiến chính trị ở Brazil. Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, một đối thủ hàng đầu của Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro ủng hộ loại vaccine này, trong khi Bolsonaro gọi đó là vaccine đến từ "quốc gia khác", và hướng tới vaccine do Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca phát triển.
Diễn biến COVID-19 tới 6h ngày 1/11: Thế giới vượt 46 triệu ca bệnh; Châu Âu siết chặt phòng dịch Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 453.000 ca bệnh COVID-19 và trên 6.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 46 triệu ca, trong đó trên 1,19 triệu ca tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ...