Hơn 5.500 tấm áo ấm giúp học trò vùng núi Mẫu Sơn bớt lạnh
Cuối tuần vừa qua, hơn 5.500 tấm áo ấm và những suất học bổng do các bạn sinh viên Hà Nội quyên góp đã được chuyển tới các em học sinh và bà con xã Công Sơn (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) – vùng đất thường xuyên bị đóng băng trong mùa đông giá lạnh.
Học sinh xã Công Sơn hân hoan nhận áo ấm.
Công Sơn là một xã vùng sâu, vùng xa thuộc diện 135 của Chính phủ. Toàn xã có hơn 1.400 nhân khẩu là người dân tộc Dao. Bà con sống chủ yếu bằng nghề nông, dân cư thưa thớt và không tập trung. Nằm trên khu vực núi thuộc dãy Mẫu Sơn, cách trung tâm Lạng Sơn 30km, đường lên đây dù đã được trải nhựa nhưng khá khó đi và có phần nguy hiểm khi có khá nhiều khúc cua, đường bé, dốc, lại ngoằn ngoèo chạy theo sườn núi, một bên là vực thẳm.
Vào mùa đông, đỉnh núi thường xuyên đóng băng cả vài tháng. Thậm chí, ở trên này, quanh năm người dân không bao giờ dùng quạt, đêm mùa hè nhiều khi còn phải đắp chăn…
Địa hình núi cao chia cắt nên việc đi lại giữa các hộ dân trong xã rất khó khăn, việc đi học của các em không được ổn định. Thời tiết giá lạnh, cộng thêm độ ẩm thấp vì không khí loãng, chân tay các em nứt nẻ hết cả, hai bên má khô ráp vì bị lạnh. Mỗi em chỉ có một đến hai bộ quần áo, được bố mẹ chắt chiu tằn tiện cả năm mua cho, hoặc xin quần áo cũ của những em đã lớn. Dép, chỉ để dành khi nào lên trường, đến cổng trường mới sử dụng, vì mua được một đôi dép cũng là vấn đề khá lớn đối với bố mẹ các em. Có em đi một đôi dép nhựa đã hai năm, dù đã mòn và đứt gần hết quai.
Toàn xã có một điểm trường duy nhất với khoảng 296 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Đa số học sinh đến trường phải đi bộ khoảng 10km trong điều kiện thời tiết giá lạnh, nhiều em không có đủ quần áo ấm để mặc tới trường. Em nào học cả ngày thì buổi trưa chỉ có bát cơm nhỏ và ít rau mang đi từ nhà, họa huần lắm có thêm chút ít thức ăn.
Video đang HOT
Chính vì những hoàn cảnh khó khăn này, cùng sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và các tổ chức, CLB Ấm áp vùng cao đã thực hiện chuyến đi trao tặng quần áo ấm giúp học sinh và người dân xã Công Sơn.
Chỉ sau 3 tuần phát động, Chương trình đã thu hút hơn 100 sinh viên và tình nguyện viên đến từ các trường trên địa bàn Hà Nội và Hải Phòng như Học viện Ngoại giao, ĐH FPT, Học viện Ngân hàng, CLB Mái ấm Hải Hậu, CLB Cầu vồng,…
Bà con xã Công Sơn cười vui nhận quà.
Trong hai ngày 22 và 23/12, CLB Ấm áp vùng cao phối hợp cùng với UBND và Đoàn Thanh niên xã Công Sơn tổ chức lễ trao tặng quần áo ấm và giao lưu văn nghệ lửa trại với học sinh trường Dân tộc nội trú Tiểu học – THCS Công Sơn.
Chương trình đã trao tặng xã hơn 5.500 bộ quần áo, 10 suất học bổng tới các em học sinh giỏi, 5 phần quà tới các hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách cùng nhiều chăn màn, đồ dùng học tập khác.
Trao học bổng tới học sinh nghèo học giỏi.
Anh Phạm Quang Thành – Trưởng Ban Tổ chức Chương trình cho biết: “Trong những lần trước đây đến với Công Sơn, chúng tôi hỏi một số em học sinh: “Em thích anh chị tặng quà gì”. Câu trả lời nhận được đều là áo ấm. Chúng tôi vui mừng khi được thấy nụ cười ấm áp của các em học sinh và bà con vùng cao khi đón nhận những bộ quần áo ấm từ tay tình nguyện viên. Trong những năm tới, CLB sẽ tổ chức thêm nhiều hơn nữa những chương trình thiện nguyện giúp đỡ nhiều hơn nữa cho nhân dân vùng cao. Gần nhất sẽ là Mùa hè xanh 2013 và Ấm áp vùng cao lần 2. Chúng tôi hi vọng và tin tưởng sẽ nhận được sự quan tâm hỗ trợ của đông đảo nhà hảo tâm như trong Chương trình lần này”.
Giao lưu văn nghệ tại trường Dân tộc nội trú Tiểu học – THCS Công Sơn.
Phương Nhung
Ảnh: CLB Ấm áp vùng cao
Theo dân trí
Những người thầy gắn bó với vùng biên
Đăk Long và Đăk Blô là hai xã nằm ở vùng biên giới phía Tây Bắc của huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum giáp với nước bạn Lào. Hơn mười năm về trước, Đăk Long, Đăk Blô vẫn còn là một vùng đồi núi xa xôi cách trở, giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân lạc hậu, quanh năm đói nghèo, nhưng giờ đây cảnh "tù mù" vì thất học đã không còn.
Làm nên kỳ tích đó chính là nhờ những sự hi sinh thầm lặng của những người giáo viên đang ngày đêm cắm thôn bản, bám trường nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với khát vọng giúp trẻ em nơi đây thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo.
Vượt hàng trăm cây số, lên với trẻ em miền núi từ năm 1997, cô giáo Hoàng Thị Hải, quê Nghệ An vẫn nhớ như in những ngày mới về nhận công tác tại trường. Cô giáo Hoàng Thị Hải, Trường Tiểu học Đăk Long, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei tâm sự: "Lúc đó đường sá đi lại khó khăn, xe cộ lại không có. Mỗi lần muốn đi về dưới miền xuôi, chúng tôi phải đi bộ 2 ngày đường mới ra tới quốc lộ 14".
Dạy học sinh dân tộc thiểu số mà người giáo viên không biết ngôn ngữ bản địa thì xem như thất bại. Bởi vậy, những người giáo viên nơi đây đã tự mày mò học ngôn ngữ của đồng bào. Qua đó, giáo viên còn có cơ hội để hiểu hơn hoàn cảnh gia đình từng học sinh. Vì lẽ đó mà đối với học sinh, giáo viên nơi đây gần gũi như người thân trong dân bản. Em Y Giang, học sinh lớp 5A, Trường TH Đăk Long, bộc bạch: "Cô giáo thường đến nhà em và các bạn trong làng thăm hỏi, động viên chúng em đến lớp thường xuyên."
15 năm làm nghề dạy học cũng là khoảng thời gian cô Hoàng Thị Hải gắn bó với con em đồng đồng bào dân tộc Giẻ vùng biên giới này và nhiều năm liên cô là giáo viên dạy giỏi của trường. Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học tại trường, cô còn tích cực tham gia các lớp xóa mù chữ ở địa phương.
Điều kiện học tập của học sinh Trường TH Đăk Blô ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng
Đối với cô Hải, những kỉ niệm và tình cảm yêu mến của học trò dành cho cô chính là động lực để cô tiếp tục cống hiến. Cô Hải bộc bạch: "Chúng em ở đây, ở giữa bốn bề núi rừng heo hút này ngày lễ, tết cũng giống như ngày thường. Có chăng cũng chỉ gói kẹo, bình trà mà giáo viên tự tổ chức ngày lễ cho mình. Những lúc đó, giáo viên thường hát cho nhau nghe, rồi ôm nhau khóc. Những năm gần đây, vào ngày 20/11 cũng có ít học sinh mang quà cho tặng cô những món quà đơn sơ như quả bí, cân gạo. Đó là những kỉ niệm mà những người giáo viên cắm bản như em không bao giờ tôi quên được..."
Rời Trường TH Đăk Long, chúng tôi đến thăm Trường TH Đăk Blô (xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei) được gọi là vùng đất phía sau cổng trời. Nơi đây khí hậu gần như ẩm ướt quanh năm. Một năm chỉ có ba tháng nắng. Cũng như các thầy cô giáo người địa phương khác, sau khi tốt nghiệp Trung học sư phạm, cô Y Hạnh về lại địa phương nhận công tác từ năm 1996. Với cô những ngày đầu bước vào ngành là khoảng thời gian đầy kỉ niệm khó quên. Cô Y Hạnh chia sẻ: "Về nhận công tác tại trường Đăk Blô, nói chung hồi đó đi lại rất là khó khăn. Từ trung tâm huyện vào xã Đăk Blô phải đi bộ mất 2 ngày đường. Trường lớp thì chưa có, cơ sở vật chất thì thiếu thốn, nhà ở thì tạm bợ, học sinh chưa biết tiếng phổ thông. Học sinh cũng chưa có ý thức đến trường, đến lớp. Thầy cô giáo phải tới nhà học sinh vận động, giải thích và thuyết phục nhiều lần mà có khi thất bại".
Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng với niềm say mê công việc, tình yêu thương đối với học trò nghèo vùng biên giới, cô Y Hạnh đã có hơn 16 năm công tác tại trường. Với lợi thế là một người dân địa phương, cô thường xuyên đến nhà các phụ huynh thăm hỏi, động viên chuyện học của con em. Đồng thời, cô còn hướng dẫn các giáo viên trẻ mới vào nghề học ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày và phong tục tập quán địa phương.
Nhìn lớp học của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thủy, với những dụng cụ dạy học đều do chính tay cô làm ra, chứng tỏ rằng phong trào tự làm đồ dùng dạy học được giáo viên ở đây tham gia rất tích cực. Cũng như cô Y Hạnh, cô Thủy cũng tự nguyện lên với xã biên giới Đăk Blô này để đem con chữ cho trẻ em nơi vùng biên giới. Sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, cô Thủy chưa một lần đặt chân đến Tây Nguyên. Năm 2009 vừa nhận công tác tại Trường TH Đăk Blô, cô không thể nào hình dung được những nỗi vất vả mà một giáo viên ở nơi núi cao, rừng sâu này phải gánh chịu.
Thầy Nguyễn Văn Quyền, Phó Hiệu trưởng Trường TH Đăk Blô, kể: "Các thầy cô giáo phải vượt qua bao nhiêu là đồi dốc, suối đèo để đến với bản làng, mang đến cái chữ cho con em đồng bào. Bây giờ có thuận lợi nhiều hơn so với trước, điều kiện đi lại có phần tốt hơn, cơ sở vật chất trường lớp cũng đã được cải thiện và được đầu tư mua sắm đảm bảo phục vụ tốt công tác giảng dạy. Phụ huynh cũng nhận thức được lợi ích từ việc học của con em mình. Một điều đáng quý hơn nữa là, có nhiều thầy cô giáo dù đã đầy đủ điều kiện luân chuyển công tác về những địa bàn thuận lợi hơn nhưng các thầy cô tình nguyện gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng biên giới, với con em đồng bào còn lắm nghèo khó này".
Cô giáo Hoàng Thị Hải, cô Y Hạnh, hay cô Nguyễn Thị Thủy chỉ là 3 trong rất nhiều thầy cô giáo đang quyết tâm bám trường, cắm bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới huyện Đăk Glei để mang con chữ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Với mong ước bằng tình yêu thương, trách nhiệm của người giáo viên thầm lặng "cõng chữ lên non" mang ánh sáng văn hóa cho vùng cao biên giới xa xôi còn lắm gian khó này.
Với một huyện xa xôi nhất tỉnh Kon Tum, huyện Đăk Glei có hơn 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số và có 4 xã đặc biệt khó khăn, đời sống còn nhiều khó khăn thì vẫn cần rất nhiều sự giúp đỡ từ các ban ngành. Bởi vậy, niềm mong ước của cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Trường Tiểu học Đăk Blô, xã Đăk Blô, cũng là ước muốn của đội ngũ giáo viên nơi đây: "Mong sao trong thời gian tới chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến đời sống kinh tế của bà con, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân. Để rồi để bà con có điều kiện chăm lo cho con em mình đến lớp học chữ, bài trừ được các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống mới!".
Theo Đại Thắng - Thanh Thảo (Giáo dục & Thời đại)
Quảng Bình: Chưa thông qua nghị quyết ưu đãi bác sĩ về tuyến xã Ngày 8.12, các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVI đã nhất trí thông qua 10 nghị quyết và chưa thông qua nghị quyết về chính sách thu hút, ưu đãi bác sĩ làm việc tại trạm y tế tuyến xã trên địa bàn tỉnh. ảnh minh họa Theo dự thảo nghị quyết này, khi về làm việc tại các trạm y...