Hơn 50.000 người mất việc vì đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ
Hơn 50.000 người đã bị bắt giữ, sa thải hoặc đình chỉ công tác sau cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một căn cứ quân sự ở Ankara bị hư hại nặng nề sau cuộc đảo chính. Ảnh: AP
Theo BBC, cuộc thanh trừng những người bị cho là thuộc phe đảo chính mở rộng vào hôm 19/7, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục và các cơ quan chính phủ.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin số lượng người bị sa thải hoặc buộc từ chức bao gồm: 15.200 giáo viên và các cán bộ giáo dục khác, 1.577 chủ nhiệm khoa các trường đại học, 8.777 nhân viên Bộ Nội vụ, 1.500 nhân viên Bộ Tài chính, 257 người làm việc trong văn phòng của thủ tướng.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những người này đã liên kết với giáo sĩ Fethullah Gulen đang lưu vong tại Mỹ, người bị cáo buộc chỉ đạo cuộc đảo chính.
Ngoài ra, 24 kênh phát thanh và truyền hình bị cáo buộc liên kết với ông Gulen đã bị rút giấy phép, 6.000 quân nhân cùng 9.000 cảnh sát cũng bị sa thải, 3.000 thẩm phán bị đình chỉ công tác.
Thủ tướng Binali Yildirim nói rằng nhà truyền giáo này cầm đầu một “tổ chức khủng bố”.
“Chúng ta sẽ nhổ cỏ tận gốc”, ông Yildirim tuyên bố.
Thổ Nhĩ Kỳ đang hối thúc Mỹ dẫn độ Gulen trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Erdogan hôm 19/7, theo Nhà Trắng.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Josh Earnest của Nhà Trắng cho biết việc dẫn độ sẽ được quyết định theo thỏa thuận song phương.
Việc loại bỏ cùng lúc hàng nghìn quan chức ở Thổ Nhĩ Kỳ gây quan ngại tới các quan sát viên quốc tế. Liên Hợp Quốc kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ cần đảm bảo thực thi đúng luật pháp và bảo vệ quyền con người.
Video đang HOT
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ Đô đốc Atilla Demirhan và một nhóm quân nhân ở Mersin hôm qua. Ảnh: AP
Bộ trưởng Nội vụ Bavarian Joachim Herrmann cho biết ông lo ngại sự kiện hôm 15/7 sẽ gây ra “chia rẽ sâu sắc” ở Thổ Nhĩ Kỳ, có thể làm nảy sinh bất ổn trong cộng đồng lớn người Thổ đang sinh sống tại Đức.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Martin Schulz, cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành “trả thù” chống lại các đối thủ. Ông cũng cho biết cuộc tranh luận xung quanh việc Tổng thống Erdogan muốn khôi phục lại án tử hình đã bãi bỏ từ năm 2004 là “vô cùng đáng lo ngại”. Liên minh châu Âu cảnh báo động thái này có thể sẽ kết thúc đàm phán về việc cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối.
Theo số liệu chính thức, 232 người chết và 1.541 người bị thương trong vụ đảo chính bất thành đêm 15/7.
Nguyễn Thành Minh
Theo VNE
Người lấy thân mình chặn xe tăng phe đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ
"Tôi muốn trái tim, bộ não, và tất cả bộ phận cơ thể bị nghiền nát cùng một lúc", Dogan kể về giây phút nằm trước xe tăng và sẵn sàng đón nhận cái chết.
Metin Dogan nằm trước xe tăng tại sân bay Ataturk ở Istanbul đêm 15/7. Ảnh:Reuters
Metin Dogan, 40 tuổi, sống tại Istanbul, không hề do dự khi lấy thân mình chắn ở phía trước một chiếc xe tăng, phản đối những binh sĩ cố gắng chiếm quyền kiểm soát chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15/7, theo nhật báo địa phương Hurriyet.
"Khi nằm xuống, tôi cố nằm thật thẳng, bởi vì tôi muốn trái tim, bộ não, và tất cả bộ phận cơ thể bị nghiền nát cùng một lúc", ông nói.
"Tôi chờ đợi xem giây phút đó sẽ có cảm giác như thế nào. Tôi không muốn bỏ lỡ giây phút đó. Nếu bỏ lỡ, tôi sẽ cảm thấy như để vụt mất một điều rất lớn. Tôi tập trung tâm trí, chờ đợi giây phút vì đó là cái chết".
Dogan từng phục vụ trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khi 30 tuổi. Ông tin chắc rằng những điều mình làm là đúng đắn, và hành động của ông được ca ngợi tại nhiều nơi trên thế giới, với cụm từ #tankman tràn ngập trên Twitter.
Dogan học ngành y khoa, có kế hoạch trở thành một nhà tâm lý học. Khi nhìn thấy các xe tăng trên bản tin truyền hình vào đêm 15/7, ông ngay lập tức xuống đường để đối mặt với những người lính đảo chính, và sẵn sàng hy sinh cho đất nước.
"Tôi lập tức quay sang anh trai tôi, nói rằng anh có con và còn phải chăm sóc gia đình, nhưng em sẽ đi. Tôi ngay lập tức rời đi, không để cho họ kịp nói câu nào", ông kể lại.
Ban đầu Dogan định chạy bộ 6 km đến sân bay Ataturk, nhưng sau đó tình cờ gặp một thanh niên đi xe máy và xin anh ta đi nhờ.
"Cậu ấy chỉ 22 hoặc 23 tuổi, tôi dừng xe và nói "vì tình yêu của Thượng Đế, xin hãy đưa tôi đến sân bay thật nhanh", Dogan kể.
Khi hai người lao xe vun vút về phía những chiếc xe tăng, Dogan đã trò chuyện với thanh niên lái xe để khiến cậu ta không quá sợ hãi.
Hai người là những người đầu tiên đến hiện trường, chỉ sau các phóng viên. Trước mặt Dogan là một hàng lính vũ trang, phía sau họ là ba xe tăng nối tiếp nhau, bên cạnh họ là một chiếc xe tải quân đội chở đầy thanh niên trẻ tuổi.
"Các binh sĩ bắt đầu bắn chỉ thiên. Không có người phản đối ở đó nhưng họ vẫn bắn, chắc là để lên hình".
"Tôi bắt đầu chạy giữa những binh lính và đến trước một chiếc xe tăng. Thời điểm chiến đấu đã đến", Dogan kể. "Tôi hét lên: Tôi là một người lính Thổ Nhĩ Kỳ, tôi là một người lính của đất nước này, các anh là lính của ai?".
"Họ cũng hét lên đáp trả tôi rằng: 'chúng tôi sẽ bắn đấy, hãy biến đi', và chiếc xe tăng lăn bánh về phía trước. Tôi nằm xuống ở phía trước bánh xe bên phải. Lúc đó, tôi nghĩ rằng cái chết của tôi có thể sẽ khiến họ phải dừng bước", ông nói.
Dogan kéo căng người và chờ đợi bị nghiền nát bởi hàng tấn kim loại.
Metin Dogan. Ảnh: Hurriyet
Bức ảnh ông nằm phía trước xe tăng ở lối vào sân bay Ataturk nhanh chóng trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng về sức mạnh của người dân xuống đường để ngăn chặn cuộc đảo chính quân sự.
Sau này, khi cuộc đảo chính kết thúc, Dogan cho biết ông hạnh phúc vì sống sót, nhưng vào thời điểm nghẹt thở đó, Dogan tin rằng mình sẽ chết. Khi nhận ra chiếc xe tăng dừng lại chứ không cán qua người mình, ông đứng dậy, thất vọng vì mọi việc không diễn ra theo kế hoạch ông vạch ra.
"Tôi nhìn thấy một người lính thò đầu ra khỏi xe tăng. Anh ta nói: 'Tôi cầu xin anh, tôi hứa chúng tôi sẽ rời đi nếu anh tránh ra khỏi phía trước xe tăng'".
"Tôi cho họ hai chọn lựa, hoặc là cán xe qua người tôi, hai là rời đi, và họ chọn phương án thứ hai", Dogan kể.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã truyền thông điệp của mình đến toàn nước thông qua một cuộc gọi bằng ứng dụng di động. Người dân được hiệu triệu xuống đường để phản đối những người đảo chính.
Khi Dogan rời khỏi phía trước xe tăng, một đám đông ùa đến, ném chai lọ vào những binh lính đảo chính.
"Đó là cách mọi chuyện kết thúc", Dogan nói một cách khiêm nhường.
Cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra thế nào. Đồ họa: Reuters (Click vào hình để xem cỡ lớn)
Phương Vũ
Theo VNE
Đảo chính hụt - cơ hội tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ siết quyền lực Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ mạnh mẽ hơn sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7 vì đây có thể là cơ hội để ông quét sạch những người chống đối. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ tuần hành ủng hộ Tổng thống Erdogan ở thành phố Istanbul. Ảnh: Reuters "Cuộc đảo chính bất thành sẽ khiến Tổng thống Erdogan...