Hơn 5.000 mộ ở nghĩa trang lớn nhất Sài Gòn chưa có người nhận
Sắp đến hạn di dời, giải tỏa giai đoạn 1 nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Bình Tân, TP HCM) nhưng còn đến hơn 5.000 ngôi mộ chưa có thân nhân đến nhận.
Nghĩa trang Bình Hòa đã có từ trước năm 1975. Ảnh: NLĐ
Theo UBND quận Bình Tân, tính đến hết tháng 11, gần 11.000 ngôi mộ tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa có thân nhân đến kê khai di dời, còn hơn 5.000 ngôi mộ vẫn chưa được người thân đến nhận.
Trước đó, đơn vị này đã thực hiện nhiều phương thức tuyên truyền, vận động thân nhân các ngôi mộ liên hệ để đăng ký kê khai. Tuy nhiên, do người thân của các ngôi mộ trú ở nhiều địa phương nên việc tuyên truyền thời gian qua chưa hiệu quả.
Việc di dời mộ là để thực hiện dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa được tiến hành từ đầu năm 2011. Trong giai đoạn 1 (dự kiến sẽ hoàn thành trước 30/4/2017), quận Bình Tân di dời khoảng 16.500 ngôi mộ, giải phóng 12 ha đất với kinh phí 784 tỷ đồng.
Để không ảnh hưởng đến dự án, sau ngày 31/1/2017, UBND quận Bình Tân tổ chức bốc mộ tập trung theo kế hoạch đối với các ngôi mộ đã kê khai hồ sơ nhưng chưa đăng ký bốc mộ và các ngôi mộ không có thân nhân kê khai.
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa rộng 40 ha có từ trước năm 1975 với hơn 75.000 ngôi mộ. Từ đầu năm 2011 nghĩa trang bị đóng cửa để chuẩn bị bồi thường, di dời giải tỏa, xây dựng trung tâm thương mại phức hợp, tháp lưu tro cốt và công viên cây xanh.
Trung Sơn
Theo VNE
Video đang HOT
4 mẹ con sống trong nghĩa trang lớn nhất Sài Gòn
Chồng đi biệt xứ, 4 mẹ con chị Liên dắt díu nhau vào nghĩa trang Bình Hưng Hòa dựng lều sống giữa hàng nghìn nấm mộ.
Giữa nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP HCM, ngôi nhà lụp xụp này làm nơi che mưa nắng cho gia đình 4 mẹ con nghèo.
Chủ căn nhà, chị Kiều Ánh Liên (quê Bình Phước) dọn vào sống với hàng nghìn nấm mộ 7-8 năm nay. Ở quê không đất, nghèo khó, vợ chồng chị về ở với nhau rồi có 3 con trai.
"Khi đứa út được gần tuổi, trong lần đi làm, anh ấy nói về trước rồi từ đó đi mất biệt. Tôi không còn gặp lại chồng nữa", chị Liên nghẹn giọng.
Không nơi nương tựa, 4 mẹ con dắt díu làm thuê nhiều nơi rồi dừng chân ở Sài Gòn. Không tiền thuê nhà, họ vào nghĩa trang Bình Hưng Hòa sống vạ vật rồi được chủ đất cho dựng chòi ở tạm.
"Thời gian đầu sống tại đây với mẹ con em là cực hình. Tối nào mấy mẹ con cũng ôm nhau khóc trong ánh đèn tù mù vì sợ. Khi mẹ đi phụ việc kiếm tiền, mấy anh em không đứa nào dám bước chân ra ngoài", Kiều Minh Được (18 tuổi, con đầu của chị Liên) kể.
Hằng ngày Được phụ mẹ tưới cây cho các mồ mả gần nhà. Công việc này nhằm trả ơn cho chủ đất đã cho họ chỗ nương thân.
Sống tại nghĩa trang lớn nhất Sài Gòn, những trò chơi của anh em Được chỉ xoay quanh những nấm mộ. Ngoài giờ học trên trường, cậu út Kiều Minh Tuấn (lớp 2) chỉ làm bạn với đàn chó mèo và người anh qua trò chơi trốn tìm.
"Tụi em ở trong này, ai mà dám chơi. Thế nên mấy anh em chỉ biết chơi với nhau, chơi chán rồi ngủ. Tụi em khuyên nhau ráng học, sau này kiếm cái nghề phụ mẹ", Được nói.
Trong cái nắng nóng của Sài Gòn giữa hè, sống trong căn nhà tạm bợ và hàng nghìn ngôi mộ là thử thách với 4 mẹ con. "Mồ hôi lúc nào cũng đầm đìa. Trưa nắng quá nhiều khi phải ra những tán cây che mộ mắc võng ngủ", Được nói.
Mẹ con chị Liên nuôi đàn gà để tăng thu nhập, đồng thời bầu bạn nơi nghĩa trang hiu quạnh, vắng người.
Hiện, chị Liên giúp việc cho các xơ nhà dòng tại một mái ấm gần đó. Công việc mang lại cho chị thu nhập hơn 4 triệu một tháng để lo cho đàn con. Chị cho biết đang mang cả chục căn bệnh như thiếu máu não, viêm đại tràng, tim... nhưng không dám đi chữa.
"Nếu đi chắc chắn sẽ nhập viện, tiền thuốc này nọ mình không có, không ai lo cho con", chị nói.
"Sau này con muốn làm bác sĩ", Tuấn nói khi nằm dài trên nấm mộ học bài. Nhiều năm nay các ngôi mả xung quanh lều trở thành bàn học của cậu bé lớp 2. Được mẹ và anh trai chăm bẵm, Tuấn khá ngoan và siêng học.
Do trong nhà tối, tiết kiệm điện cho mẹ nên bàn học của Tuấn nhiều khi là nấm mồ. Cậu bé lớp 2 khá nhút nhát, luôn được mẹ, anh tra chăm bẵm nhưng rất siêng học. Tuấn muốn sau này muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ.
Chị Liên giúp việc cho các xơ tại trường từ sáng đến đêm. Khoảng thời gian gần tối chị tranh thủ về nhà nấu cơm cho con trước khi trở lại phụ việc. "Khó khăn vầy nhưng tôi vẫn không thôi hy vọng dành dụm để có tiền mua ngôi nhà nhỏ, dọn khỏi đây", chị Liên nói.
UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân cho biết, mẹ con chị Liên sống ở nghĩa trang là không đúng quy định, đối diện với ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe. Chính quyền cũng cảm thông trước cảnh sống khốn khó của mẹ con chị Liên nên hỗ trợ 1,2 triệu đồng mỗi tháng để chị ra thuê nhà trọ. Việc hỗ trợ sẽ kéo dài trong 6 tháng.
Duy Trần
Theo VNE
TP HCM sẽ xóa gần 10.000 nhà 'ổ chuột' trong 5 năm tới Theo Sở Xây dựng, 5 năm tới, thành phố sẽ tập trung giải tỏa hơn 9.800 căn nhà "ổ chuột" ven kênh; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp. Ngày 15/10, tham luận tại Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, việc xây dựng chương trình...