Hơn 50 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu bầu tổng thống
Hơn 50 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm khi ngày bầu cử tổng thống 3/11 chỉ còn hơn một tuần.
Dự án Bầu cử Mỹ của Đại học Florida hôm 23/10 cho biết hơn 35 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu qua thư và hơn 15 triệu người đã tới bầu trực tiếp tại các địa điểm bỏ phiếu.
Số người Mỹ bỏ phiếu sớm bầu tổng thống năm nay cao gấp nhiều lần so với cùng thời điểm năm 2016, do những lo ngại về vấn đề sức khỏe khi tập trung đông người tại các điểm bỏ phiếu thời Covid-19.
Mỗi bang đều có những quy tắc bỏ phiếu sớm khác nhau. New York, một trong những nơi đông dân nhất, sẽ bắt đầu bỏ phiếu sớm vào ngày 24/10, nên điều này được dự đoán sẽ làm tăng số phiếu trước thềm bầu cử lên rất nhiều.
Người dân xếp hàng chờ bỏ phiếu sớm ở Dallas hôm 15/10. Ảnh: AP.
Đảng Dân chủ liên tục kêu gọi người dân sớm đi bỏ phiếu, trong khi các thành viên đảng Cộng hòa, dù không có bằng chứng, vẫn thường xuyên chỉ trích vấn đề bỏ phiếu qua thư hay nêu những lo ngại vô căn cứ về gian lận phiếu bầu.
Việc người Mỹ đổ xô đi bỏ phiếu sớm khiến các chuyên gia dự đoán cuộc bầu cử năm nay sẽ thu hút khoảng 150 triệu người đi bầu, mức cao chưa từng thấy, chiếm 65% cử tri hợp lệ, tỷ lệ cao nhất từ năm 1908.
Cuộc đua vào Nhà Trắng đã bước vào chặng cuối cùng và hai ứng viên Trump – Biden đã kết thúc buổi tranh luận cuối cùng để thể hiện lập trường riêng của mình tới các cử tri.
Không khí “điềm đạm” trong cuộc tranh luận hôm 22/10 đã giúp Trump – Biden thể hiện được quan điểm nhiều hơn trong 4 “điểm nóng” được cử tri quan tâm, gồm Covid-19, chương trình chăm sóc sức khỏe, tình hình tài chính cá nhân của ứng viên và mức lương tối thiểu toàn quốc.
Video đang HOT
Nguy cơ Mỹ không tìm được người thắng trong Ngày Bầu cử 2020
20 năm trước, người Mỹ thức dậy vào buổi sáng sau ngày bầu cử mà không biết ai sẽ là lãnh đạo tiếp theo của đất nước.
Phải mất 36 ngày để Mỹ phân định Al Gore hay George W. Bush mới là người đắc cử, vì số phiếu của hai ứng viên quá sít sao tại bang chiến trường Florida.
Điều này có thể xảy ra một lần nữa vào năm 2020, trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người ngần ngại đi bỏ phiếu trực tiếp ở Mỹ. Sẽ có thêm hàng triệu người bỏ phiếu qua thư so với các năm trước, gây lo ngại rằng có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để hoàn tất quá trình kiểm phiếu.
Cử tri bỏ phiếu sớm ở Virginia ngày 18/9. Ảnh: AFP.
Các bang ở Mỹ đóng hòm phiếu vào những thời điểm khác nhau. Bờ Đông là khu vực đóng hòm phiếu trước tiên, vào khoảng 19h trong ngày bầu cử (7h sáng hôm sau giờ Hà Nội) và sau đó họ bắt đầu kiểm phiếu.
Ứng viên nhận được nhiều phiếu phổ thông nhất chưa chắc đã chiến thắng, vì người dân Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống, thay vào đó là một cử tri đoàn gồm các đại cử tri sẽ bỏ phiếu theo kết quả phiếu phổ thông của bang mà họ đại diện.
Mỹ có tất cả 538 đại cử tri, được phân bổ cho mỗi bang tương ứng số đại diện họ có trong 435 ghế hạ viện và 100 ghế thượng viện. Ba đại cử tri còn lại đến từ thủ đô Washington. Bởi vậy, các ứng viên thường tìm cách giành chiến thắng tại các bang có số phiếu đại cử tri lớn để đảm bảo thắng lợi cuối cùng.
Trong quá trình kiểm phiếu, khi các hãng truyền thông xác định một ứng viên đã dẫn trước ở một bang với khoảng cách đủ lớn để khiến ứng viên còn lại không có cơ hội gỡ hòa, họ sẽ gần như khẳng định ứng viên đó đã chiến thắng và giành được toàn bộ phiếu đại cử tri của bang này, dù chưa có kết quả chính thức cuối cùng vì phiếu chưa được kiểm hết.
Tương tự, khi một ứng viên được xác định đã đắc cử, đó thực chất chưa phải là kết quả chính thức vì vẫn còn phiếu chưa kiểm.
Người chiến thắng thường được xác định ngay vào đêm bầu cử. Sau đó ứng viên thất cử sẽ có bài phát biểu nhận thua, còn tổng thống đắc cử đọc diễn văn tuyên bố chiến thắng.
Sau ngày bầu cử năm 2016, Trump được xác định là người chiến thắng vào khoảng 2h30 giờ miền đông Mỹ (14h30 giờ Hà Nội) sau khi giành chiến thắng ở Wisconsin, bang có 10 phiếu đại cử tri, đưa số phiếu đại cử tri ông giành được vượt ngưỡng 270 để đảm bảo thắng lợi chung cuộc.
Trong những ngày và tuần sau đó, thêm nhiều phiếu cử tri phổ thông ủng hộ Hillary Clinton được kiểm, nhưng chúng không thể làm thay đổi kết quả bầu cử. Cuối cùng, Hillary Clinton vượt qua Trump về phiếu phổ thông, nhưng thua về phiếu đại cử tri.
Trong những năm gần đây, bỏ phiếu qua thư đã trở nên phổ biến. Trước đây, một số bang chỉ cho phép một số trường hợp đặc biệt bỏ phiếu qua thư, như quân nhân hay viên chức đang phục vụ, công tác ở nước ngoài, nhưng hiện nay, hình thức bỏ phiếu này được đa số bang Mỹ chấp thuận rộng rãi.
Covid-19 hoành hành đã khiến ngày càng nhiều cử tri yêu cầu được bỏ phiếu qua thư. Khoảng 80 triệu người dự kiến bỏ phiếu qua thư, gấp đôi năm 2016 và nhiều hơn bất kỳ năm bầu cử nào khác.
Câu hỏi nhiều người đặt ra là hình thức bỏ phiếu này có làm trì hoãn việc công bố kết quả bầu cử hay không. Nỗi lo này tồn tại không chỉ do số lượng lớn lá phiếu cần kiểm đếm mà còn do Bưu điện Mỹ đang cắt giảm nguồn lực vào thời điểm họ phải gánh vác trọng trách lớn.
Họ trước hết phải gửi phiếu bầu qua thư tới cho cử tri, sau đó phải đảm bảo chuyển lại chúng cho ủy ban kiểm phiếu trước thời hạn do các bang ấn định.
Các bang Mỹ được quyền thiết lập một số quy tắc bầu cử riêng, bao gồm thời hạn nhận phiếu bầu qua thư. Pennsylvania chỉ nhận phiếu qua thư đến 20h ngày bầu cử, trong khi California chấp nhận phiếu bầu ngay cả khi chúng đến nơi muộn hơn vài tuần, miễn là chúng được bưu điện đóng dấu gửi đi trước thời hạn. Đó là lý do việc kiểm phiếu ở bang Bờ Tây đông dân này luôn mất nhiều thời gian.
Việc kiểm phiếu bầu qua thư còn mất nhiều thời gian hơn vì phải đảm bảo chữ ký trên phiếu bầu khớp với chữ ký trên phiếu đăng ký. Để đẩy nhanh tiến trình, một số bang như Florida tiến hành xác minh chữ ký trước ngày bầu cử, nhưng đến ngày bầu cử họ mới bắt đầu kiểm phiếu. Nhìn chung, hầu hết các bang và thủ đô Washington không bắt đầu kiểm phiếu bầu qua thư cho đến khi toàn bộ điểm bỏ phiếu trực tiếp đóng cửa.
Hình thức bỏ phiếu trực tiếp cũng tiềm ẩn nhiều rắc rối và điều đó đã được thể hiện trong vòng bầu cử sơ bộ năm nay. Ngoài những trục trặc muôn thuở như máy bỏ phiếu bị lỗi, năm nay còn xuất hiện những vấn đề như thiếu nhân viên, cử tri phải xếp hàng lâu và cần nhiều không gian xếp hàng hơn do phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Trong vòng bầu cử sơ bộ, Kentucky đã giảm mạnh số điểm bỏ phiếu. Vì vậy, người dân ở các khu vực thu nhập thấp phải đi xa hơn để bỏ phiếu, dù bang này đã cố gắng bù đắp bằng việc yêu cầu các điểm bỏ phiếu mở cửa lâu hơn. Động thái của Kentucky gây tranh cãi gay gắt, làm dấy lên cáo buộc rằng đại dịch đang bị lợi dụng để tước đi phiếu bầu của cộng đồng thiểu số.
Alaska yêu cầu tất cả cử tri ở một số khu vực phải bỏ phiếu qua thư vì không thể mở điểm bỏ phiếu trực tiếp, trong khi Georgia phải đối mặt với các vụ kiện tụng về việc máy bỏ phiếu bị trục trặc.
Vì những điểm phức tạp của mùa bầu cử năm nay, Trump và Biden có thể không dễ dàng nhận thua nếu kết quả cho thấy họ thất cử.
Trong quá khứ, bỏ phiếu qua thư là hình thức phổ biến hơn với người lớn tuổi và họ thường nghiêng về đảng Cộng hòa. Nhưng gần đây, xu hướng này chuyển sang những người không thể nghỉ làm để đi bầu trực tiếp và họ thường nghiêng về đảng Dân chủ. Do đó, có lý do để tin rằng các phiếu bầu qua thư sẽ có lợi cho Biden.
Vì vậy, Biden có cơ sở để không dễ dàng nhận thua. Tổng thống Trump có thể dẫn trước trong đêm bầu cử, nhưng Biden có thể thu hẹp khoảng cách trong những ngày tiếp theo, khi phiếu bầu qua thư được kiểm.
Trong nhiều tháng qua, Trump nói rằng các thế lực bất hợp pháp có thể "đánh cắp" cuộc bầu cử từ tay ông - bằng việc hạ thấp số phiếu ủng hộ ông hoặc thổi phồng số phiếu cho Biden. Vì vậy, Trump cũng có thể cáo buộc có gian lận nếu ông không đắc cử.
Một nhân tố khác có thể làm quá trình kiểm phiếu năm nay thêm rắc rối là những người giám sát bầu cử. Họ là tình nguyện viên làm nhiệm vụ giám sát các quan chức kiểm phiếu làm việc để đảm bảo minh bạch. Những người này cần được các bang phê duyệt ít nhất hai tuần trước ngày bầu cử. Lá phiếu bị những người giám sát cho là có vấn đề sẽ được để sang một bên để kiểm tra lại.
Giới chuyên gia cho rằng các tình nguyện viên này có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính dân chủ, nhưng họ cảnh báo các chiến dịch có thể thao túng chức năng của họ để làm chậm quá trình kiểm phiếu. Trump hồi đầu tháng này kêu gọi người ủng hộ đăng ký làm người giám sát bỏ phiếu, khi bày tỏ nghi ngờ rằng đảng Dân chủ sẽ gian lận.
Những thay đổi và vấn đề phức tạp này khiến các vụ lùm xùm kiện tụng hậu bầu cử là điều không thể tránh khỏi. 190 đơn kiện liên quan đến bầu cử đã được đệ trình vào năm nay, về các vấn đề như xác minh danh tính đối với người bỏ phiếu qua thư, tính hợp pháp của những thay đổi liên quan đến Covid-19 hay ngày bỏ phiếu sơ bộ. Vì vậy, công tác bầu cử và kiểm phiếu có thể đối mặt các thách thức pháp lý khác nhau.
Trong cuộc bầu cử năm 2000, Gore ban đầu nhận thua, nhưng sau đó rút lại tuyên bố vì cho rằng chênh lệch sít sao của ông với Bush ở Florida đòi hỏi kiểm phiếu lại. Tòa án ở Florida cho phép kiểm phiếu lại, nhưng Tòa án Tối cao đã chặn việc này. Bush cuối cùng được xác định là người đắc cử.
"Cuộc bầu cử năm 2020 có thể là cuộc bầu cử nhiều kiện tụng nhất trong lịch sử Mỹ", Richard Hasen, học giả pháp lý tại Đại học California Irvine, nói.
Harris nói nhầm '220 triệu người Mỹ chết vì Covid-19' Kamala Harris, "phó tướng" của ứng viên tổng thống Joe Biden, nói nhầm trong một cuộc vận động tranh cử rằng hơn 200 triệu người Mỹ đã chết vì Covid-19. Trong sự kiện vận động tranh cử ở Charlotte, bang Bắc Carolina, hôm 21/10, ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris đã có bài phát biểu quyết liệt chống lại...