Hơn 50% số cơ sở giáo dục đại học chưa kiểm định chất lượng
Đó là con số được Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tính đến tháng 9/2019.
Bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng là những hoạt động quan trọng và bắt buộc, thể hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục là yếu tố nền tảng giúp duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng các lĩnh vực hoạt động, đồng thời là cơ sở để thực hiện quyền tự chủ tại các trường.
Công tác này đã được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Chính vì vậy, hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định cần được thực hiện hiệu quả và nghiêm túc.
Mặc dù, trong những năm gần đây, giáo dục đại học Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những thành quả đáng ghi nhận, song vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục.
Tính đến tháng 9/2019 mới chỉ có chưa tới 50% số cơ sở giáo dục được kiểm định (Ảnh minh họa trên Giáo dục thời đại)
Trước thực tế đó, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra thực trạng công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam từ đó đề xuất một số nội dung nhằm cải tiến và nâng cao hiệu quả công tác này.
Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ một số bất cập, hạn chế trong công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng tại Việt Nam hiện nay.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đang tập trung chủ yếu cho công tác đánh giá, kiểm định, trong khi chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong vì mục tiêu nâng cao chất lượng.
Hệ thống văn bản phục vụ công tác bảo đảm chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu khi mới tập trung hướng dẫn triển khai bảo đảm chất lượng bên ngoài (để phục vụ công tác kiểm định chất lượng), thiếu các văn bản hướng dẫn xây dựng và triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.
Mặc dù công tác đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng được triển khai mạnh mẽ nhưng đa số các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng, tại nhiều đơn vị, công tác bảo đảm chất lượng được xác định đơn giản là thực hiện tự đánh giá và tham gia đánh giá ngoài theo quy định.
Video đang HOT
Thêm vào đó là đội ngũ cán bộ triển khai công tác bảo đảm chất lượng nhìn chung chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng. Công tác tập huấn cho nhân sự làm bảo đảm chất lượng bên trong chưa được quan tâm đúng mực.
Đồng thời, việc kiểm soát chất lượng bên trong tại nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa được thực hiện do chưa định kỳ thực hiện các hoạt động đánh giá nội bộ để cải tiến chất lượng trước khi đăng ký đánh giá ngoài chính thức.
Ngoài ra, Trung tâm này cũng chỉ ra là, kế hoạch số 118/BGDĐT ngày 23/02/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực sự phù hợp với bối cảnh thực tế khi yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục phải được kiểm định vào năm 2020, trong khi thiếu hướng dẫn và xác định lộ trình cho các đơn vị xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.
Hệ quả là tính đến tháng 9/2019 mới chỉ có chưa tới 50% số cơ sở giáo dục được kiểm định. Trong thời gian còn lại khó có thể đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra. Công tác kiểm định cũng chưa tạo được sự yên tâm, tín nhiệm từ các cơ sở giáo dục và từ xã hội.
Hơn nữa, Bộ tiêu chuẩn kiểm định được xây dựng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn đánh giá của AUN-QA, thiên về đánh giá theo nguyên lý (Principles Based), do đó có ưu điểm là hướng dẫn tốt giúp các cơ sở giáo dục xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.
Tuy nhiên lại khó áp dụng cho công tác kiểm định trong bối cảnh hệ thống bảo đảm chất lượng tại đa số các cơ sở giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn mới hình thành, năng lực của các kiểm định viên còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, một số Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đã được thành lập và hoạt động, tuy nhiên lại có phương thức tổ chức khác nhau (thuộc hiệp hội, trường đại học, đại học vùng, đại học quốc gia), hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn, hoặc được hỗ trợ một phần về tài chính và cơ sở vật chất. Kinh phí hoạt động của các Trung tâm chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu từ hoạt động kiểm định, vì vậy có nguy cơ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh.
Từ bối cảnh công tác bảo đảm chất lượng trong cả nước, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và thực tiễn phát triển bảo đảm chất lượng tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo đưa ra một số kiến nghị, đề xuất.
Thứ nhất, về phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, cơ quan quản lý cần sớm xem xét ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học, trước mắt có thể căn cứ Khung bảo đảm chất lượng ASEAN để xây dựng quy chế về bảo đảm chất lượng và để áp dụng thống nhất trong cả nước, cụ thể hóa các nội dung về bảo đảm chất lượng đã được quy định trong luật giáo dục đại học.
Thứ hai, tăng cường các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bảo đảm chất lượng. Xem xét xây dựng chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ bảo đảm chất lượng bên trong; quy định đội ngũcán bộ làm công tác bảo đảm chất lượng tại các cơ sở giáo dục phải tham gia đào tạo và đạt chứng chỉ này (thay cho yêu cầu về chứng chỉ kiểm định viên).
Thứ ba, có lộ trình đánh giá, kiểm định phù hợp giúp các cơ sở giáo dục từng bước xây dựng và kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong vững chắc, sau đó mới tiến hành kiểm định.
Thứ tư, xem xét xây dựng quy chế về tự kiểm định (self accreditation) cấp chương trình đào tạo cho các cơ sở giáo dục có hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong mạnh, đủ kinh nghiệm và năng lực triển khai như các đơn vị thành viên AUN của Việt Nam.
Với các cơ sở giáo dục đã hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, có thể thực hiện kiểm định ngay.
Với các cơ sở giáo dục đang trong quá trình hình thành và xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng cần thực hiện công tác đánh giá nhằm xác định thực trạng và hướng dẫn phát triển (chưa kèm theo biện pháp chế tài) trong giai đoạn 3-5 năm đầu, sau đó mới thực hiện kiểm định với những chế tài cụ thể.
Nhà nước có thể quản lý chất lượng của các cơ sở giáo dục này thông qua các hoạt động giám sát như định kỳ hàng năm cơ sở giáo dục gửi báo cáo về công tác đánh giá, công nhận chất lượng, kiểm tra công tác đánh giá của cơ sở giáo dục,…
Thùy Linh
Theo giaoduc.net
Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Đặt bài toán chất lượng lên hàng đầu
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, đảm bảo chất lượng là một quá trình và chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học (ĐH) mới là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải nhãn mác đạt hay không đạt 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí của kiểm định chất lượng.
Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục ĐH hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng tầm giáo dục ĐH Việt Nam.
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tín hiệu vui
Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT vừa thông báo danh sách 158 chương trình đào tạo được đánh giá/công nhận. Trong đó, bao gồm: 19 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước; 139 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Có 7 đơn vị được công nhận bởi tổ chức đánh giá/kiểm định quốc tế là những tín hiệu vui cho thấy việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong đã được các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) quan tâm thực hiện.
Theo Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019-2025, trong đó phấn đấu đến năm 2025 đạt một số mục tiêu cụ thể liên quan đến bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục như sau: Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục ĐH (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó khoảng 10% được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín; Có ít nhất 2 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong số 100 trường ĐH tốt nhất Châu Á, 10 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong số 400 trường ĐH tốt nhất châu Á, 4 cơ sở giáo dục ĐH được xếp hạng trong số 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.
Như vậy, tại thời điểm hiện nay, giáo dục ĐH Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ. Thống kê của Cục Quản lý chất lượng cho thấy, hiện đã có 251 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó có 218 cơ sở giáo dục ĐH và 33 trường cao đẳng (CĐ) sư phạm); 133 cơ sở giáo dục ĐH và 7 trường CĐ sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá ngoài, trong đó 123 cơ sở giáo dục ĐH và 5 trường CĐ sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Có 72 chương trình đào tạo hoàn thành tự đánh giá, trong đó có 64 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và 19 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Về đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 7 trường ĐH được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH Pháp (HCERES) và AUN-QA. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP Hồ Chí Minh được cả 2 tổ chức trên công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tới nay đã có 7 cơ sở giáo dục ĐH lọt top 500 trường hàng đầu châu Á, 4 cơ sở giáo dục ĐH nước ta có tên trong danh sách 1.000 trường tốt nhất thế giới của các bảng xếp hạng uy tín...
Chú trọng đào tạo kiểm định viên đạt chuẩn
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), từ tháng 3/2014 đến nay, cả nước đã đào tạo được hơn 1.700 kiểm định viên. Trong đó, 3 cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo kiểm định viên (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh và ĐH Đà Nẵng) đã đào tạo được 48 khóa, cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo cho 1.436 người. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng) cũng đã tổ chức tuyển chọn và cấp thẻ cho 346 kiểm định viên; trong đó có 9 người được đặc cách và 337 người đạt yêu cầu qua các kỳ tuyển chọn.
Bên cạnh việc nâng số lượng kiểm định viên, vấn đề được quan tâm hơn là chất lượng của các kiểm định viên này đến đâu. Nhiều hội thảo, hội nghị đã được tổ chức bàn về vấn đề này với đa số ý kiến đồng tình cần tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của các kiểm định viên.
Riêng đối với 5 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đã được thành lập và cấp phép hoạt động, PGS Nguyễn Thị Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng: Bộ GDĐT cần có quy định cụ thể về thành phần và năng lực chuyên môn của các cán bộ thực hiện kiểm tra giám sát các hoạt động kiểm định chất lượng của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Khi Bộ cần đánh giá chất lượng của các báo cáo đánh giá ngoài, Bộ cần thành lập một hội đồng/ tổ chuyên gia có năng lực chuyên sâu về kiểm định chất lượng và có học hàm học vị tối thiểu tương đương với các đoàn đánh giá ngoài của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục...
Hiện nay, quy trình kiểm định chất lượng giáo dục ĐH bao gồm 4 bước: Tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận kết quả đánh giá. Sau khi hoàn thành tự đánh giá, nhà trường gửi báo cáo tự đánh giá cho cơ quan chủ quản và Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) để báo cáo.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, đảm bảo chất lượng là một quá trình và chất lượng bên trong cơ sở giáo dục ĐH mới là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải nhãn mác đạt hay không đạt 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí của kiểm định chất lượng. Đặc biệt, muốn cải thiện được thứ tự xếp hạng ĐH như mục tiêu đặt ra thì bản thân mỗi nhà trường phải hướng đến chất lượng thực sự chứ không phải hình thức.
Thu Hương
Theo daidoanket
Trưởng phòng dùng bằng chị gái: Lấy chồng bằng tên chị? Liệu ông Sơn có biết vợ mình mang tên giả, dùng bằng cấp 3 của chị gái làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk? Sáng ngày 12/10/2019, trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đứng dưới góc độ gia đình, rất khó tin khi người chồng bà...