Hơn 50 năm, lời Đại tướng còn nguyên trong ký ức
Hơn 50 năm kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Nông trường Thống Nhất Thanh Hóa, mảnh đất rừng núi hoang vu, đầm lầy ngày nào giờ đã trở thành một thị trấn trù phú. Các thế hệ cán bộ, công nhân nơi đây vẫn ghi nhớ lời dặn của Người.
Vượt hơn 60 km từ thành phố Thanh Hóa, chúng tôi ngược lên Nông trường Thống Nhất (nay là Cty TNHH MTV Thống Nhất Thanh Hóa). Cách đây hơn 50 năm, cán bộ, công nhân viên của Nông trường vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi vào sổ vàng lưu niệm của Nông trường Thống Nhất Thanh Hóa.
Được thành lập vào ngày 30/4/1957, Nông trường Thống Nhất tiền thân là một nông trường Quân đội thành lập theo Quyết định số 34 của Tổng cục Hậu cần. Lúc đầu Nông trường chỉ có hơn 30 chiến sĩ từ chiến trường Điện Biên Phủ trở về. Sau này nhiều cán bộ chiến sỹ chuyển ngành về đây công tác.
Thời gian đầu sau khi mới thành lập, nông trường gặp rất nhiều khó khăn khi nơi đây mới chỉ là một vùng rừng núi hoang vu và có nhiều đầm lầy. Các cán bộ, chiến sĩ, công nhân ở đây phải phá đá mở đường, bắt tay vào trồng các loại cây lương thực… Nhiều người đã bỏ nông trường vì không chịu được khó khăn để về quê hương lập nghiệp.
Xét thấy những khó khăn mà cán bộ chiến sĩ, công nhân tại nông trường đang gặp phải lúc này, vì đây là nông trường mà hầu hết đều là bộ đội theo chiến dịch Điện Biên Phủ về đây gây dựng vùng kinh tế này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đích thân từ Hà Nội về thăm nông trường. Chính Đại tướng đã gặp gỡ khích lệ, đông viên tinh thần các cán bộ chiến sĩ. Đồng thời, Đại tướng cũng hứa sẽ quan tâm phát triển mạnh hơn nữa nông trường và sau này nơi đây sẽ trở thành một khu kinh tế mới.
Video đang HOT
Đại tướng chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, công nhân viên của nông trường Thống Nhất năm 1997 tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn trò chuyện, Đại tướng đã tiếp thêm tinh thần và niềm tin, sự đoàn kết đối với cán bộ, công nhân nơi đây. Khi đi thăm nông trường toàn thấy rừng núi, có khu đầm lầy lớn ngay trước nông trường, chỉ tay về phía đầm lầy Đại tướng nói: “Mai đây, khu này sẽ biến thành một công viên vui chơi cho các chau”.
Đúng như lời Đại tướng nói, sau hơn 50 năm kể từ ngày Đại tướng về thăm, đến nay khu đầm lầy mà Đại tướng chỉ tay ngày nào đã trở thành trung tâm của thị trấn Thống Nhất. Xung quanh khu đầm lầy này là các cơ quan công sở, trường học của thị trấn đóng trên địa bàn.
Ông Lưu Đức Tâm, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty TNHH MTV Thống Nhất Thanh Hóa chia sẻ: “Chúng tôi là những thế hệ sau, dù không được trực tiếp gặp và nghe lời bác Giáp căn rặn lúc đó. Nhưng mỗi người đều thấm nhuần tư tưởng và lời căn dặn của bác Giáp để lại. Các thế hệ truyền lại cho nhau nghe về lời căn dặn của bác mà cố gắng thực hiện thật tốt nhiệm vụ được giao”.
Dẫn chúng tôi đi thăm phòng truyền thống của công ty, ông Tâm cho biết: “Ngoài bức tượng Bác Hồ được đặt trang trọng giữa phòng truyền thống của công ty thì bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp chung cùng các cán bộ công nhân của nông trường trong lần về thăm cũng được treo ngay giữa phòng. Tuy bức ảnh đã bị mờ đi vì thời gian, nhưng đối với mỗi cán bộ, công nhân của công ty, mỗi khi nhìn lên bức ảnh như đang nghe lời căn dặn của Đại tướng”.
Bút tích của Đại tướng trong sổ vàng của Nông trường Thống Nhất.
Trong cuốn sổ vàng lưu niệm nhân kỉ niệm 40 năm thành lập nông trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Tôi đã từng về thăm nông trường, đến nay nông trường đã có nhiều tiến bộ về mọi mặt. Vùng đất hoang vu trước đây đã trở thành một thị trấn trù phú, tươi vui. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập nông trường chúc toàn bộ cán bộ, công nhân kể cả quân nhân chuyển ngành và các anh chị em thanh niên tham gia sau này. Tiếp tục giữ vững đạo đạo đức trong cơ chế thị trường. Luôn luôn nghiên cứu điều tra nhu cầu kinh tế trong và ngoài nước để có phương hướng sản xuất phù hợp, cải tiến công nghệ để hiệu quả kinh tế ngày càng cao, chất lượng sản phẩm ngày càng tiến bộ”.
Đại tướng tin tưởng và chúc: “Tôi tin rằng, nông trường ta sẽ phát huy truyền thống vẻ vang của quân đội và của dân tộc để xây dựng nông trường Thống Nhất trở thành một nông trường gương mẫu góp phần xứng đáng xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu như lời Bác Hồ đã từng căn dặn cách đây 50 năm. Thân gửi những tình cảm thân thiết đến gia đình các chú, các mẹ, các cháu”.
Ông Nguyễn Vũ Cư, Giám đốc công ty TNHH MTV Thống Nhất Thanh Hóa cho biết: “Phát huy truyền thống của nông trường Thống Nhất và lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm nông trường cũng như những lời của Đại tướng ghi lại trong cuốn sổ vàng lưu niệm của nông trường năm 1997. Toàn thể cán bộ, công nhân viên của công ty luôn nỗ lực hăng say lao động sản xuất, nâng cao hiệu quả để góp phần vào sự phát triển của thị trấn Thống Nhất nói riêng, tỉnh Thanh Hóa và cả nước nói chung như lời Đại tướng hằng mong muốn”.
Thái Bá – Duy Tuyên
Theo Dantri
Hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt của Đại tướng giao
Trong tâm khảm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hang Cốc Bó (Cao Bằng) là ngọn nguồn cách mạng, là di tích lịch sử cách mạng hàng đầu. Những năm tháng cuối đời, Đại tướng đau đáu khôn nguôi với việc bảo tồn, tôn tạo hang Cốc Bó. Năm 2004, những người lính Công binh được Đại tướng tin tưởng trao nhiệm vụ đặc biệt này...
Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Thiếu tướng Hoàng Kiền cùng Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế Công trình Quốc phòng khẩn trương lên đường tới Cao Bằng.
Tới Pác Bó, đoàn công tác thấy ngay nhiều hạng mục trong khu di tích đang bị hư hỏng cần phải tôn tạo như: Hang Cốc Bó, núi Các Mác, suối Lê-nin, bàn đá Bác Hồ "dịch sử Đảng", nhà ông Lý Quốc Súng - nơi Bác Hồ ở trước khi chuyển tới hang Cốc Bó... Đặc biệt, hang Cốc Bó có nhiều tảng đá sập, nằm chình ình giữa lòng hang. Để Đại tướng nắm rõ hơn tình hình, ông Kiền cẩn thận cho quay phim các nội dung cần thiết tại khu di tích.
Kiểm tra các tảng đá bị sập che lấp lòng hang. Ảnh tư liệu.
Đúng hẹn, ngày 15-5-2004, Thiếu tướng Hoàng Kiền báo cáo Đại tướng. Đại tướng chăm chú nghe báo cáo và theo dõi băng ghi hình. Càng xem, nét đăm chiêu càng hiện lên rõ hơn trên gương mặt Đại tướng. Nhìn trên băng hình, Đại tướng nói: Hòn đá rơi chắn giữa lòng hang đúng vào chỗ Bác Hồ và Đại tướng nằm bàn bạc công việc năm xưa.
Dường như trong Đại tướng đang dâng lên một nỗi xót xa, nuối tiếc. Sau một hồi trầm ngâm, Đại tướng mới phát biểu, nhấn mạnh, đây là di tích lịch sử hàng đầu của Việt Nam. Bác Hồ sau 30 năm bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước đã về nước năm 1941, điểm dừng chân đầu tiên là hang Cốc Bó.
Thiếu tướng Hoàng Kiền hồi tưởng và kể tiếp: "Đại tướng nói, "tôi đã đi đón Bác về nghỉ tại hang. Hai bác cháu nằm trong hang 7 đêm bàn bạc công việc. Tại hang này, Bác đã nói "Chú Văn ạ, làm cách mạng thì phải "dĩ công vi thượng".
Một điều khiến Thiếu tướng Hoàng Kiền bất ngờ là Đại tướng đã dự liệu luôn cả các vấn đề kinh phí, dự án. Đại tướng nói: "Về kinh phí, tôi sẽ gửi thư đến Thủ tướng Phan Văn Khải và đề nghị giao công việc này cho Bộ Quốc phòng và các đồng chí".
Ít lâu sau, Thiếu tướng Hoàng Kiền được Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó gọi lên giao nhiệm vụ. Bộ trưởng Phạm Văn Trà cho biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng có văn bản nhất trí bố trí vốn ngân sách Nhà nước, giao cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ tư lệnh Công binh triển khai dự án. Vì là dự án sử dụng ngân sách Nhà nước nên các cơ quan chức năng thống nhất giao cho Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng làm chủ đầu tư, Bộ tư lệnh Công binh, trực tiếp là Công ty xây dựng Lũng Lô (Binh chủng Công binh) làm nhà thầu thi công.
Đầu năm 2006, bộ đội công binh bắt tay vào cuộc, tôn tạo các hạng mục di tích lịch sử Pác Bó và hang Cốc Bó. Đại tá Nguyễn Thanh Sơn kể lại, một trong những công việc khó khăn nhất là "xử lý" hòn đá rơi sập chình ình trong lòng hang. Nó rất lớn, khiêng đẩy ra không được. Dùng thuốc nổ lại càng không. Bộ đội công binh phải dùng thiết bị ép hơi khoan đá và búa chèn để chẻ hòn đá nhỏ ra rồi chuyển ra ngoài. Sau đó, lại phải dùng khung bằng thép đổ bê tông hàn vết nứt trên trần hang. Ai cũng chạy đua với thời gian làm việc thật nhanh, thật tốt để sớm báo công với Đại tướng.
Tháng 5-2007, việc khôi phục hang được hoàn thành, sớm hơn so với dự kiến 5 tháng. Đại tá Nguyễn Thanh Sơn thay mặt Bộ tư lệnh Công binh tới báo cáo công việc với Đại tướng. Xem băng ghi cảnh công trình hoàn thành, Đại tướng rất vui, nở nụ cười rạng rỡ.
Theo Nguyên Minh - Trường Giang
QĐND
Nhớ Đại tướng, người Hà Nội trở lại 30 Hoàng Diệu Sau khi tiễn biệt Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình, 2 ngày nay, nhiều người dân Hà Nội vẫn đến ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu với một nỗi nhớ da diết... Trong khu vườn nhà Đại tướng vẫn có rất nhiều hoa do người dân tiếp tục mang đến để tưởng nhớ ông Sáng (16/10), trước cổng ngôi nhà 30...