Hơn 300.000 người Việt tại Pháp luôn hướng về quê hương
Với hơn 300.000 người thuộc nhiều thế hệ, sinh sống và làm việc tại nhiều vùng miền khác nhau trên toàn nước Pháp, cộng đồng người Việt tại Pháp luôn đoàn kết, gắn bó và hướng về quê hương, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ông Henry Đặng, phụ trách công tác đối ngoại của UGVF, trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam )
Đồng thời, cộng đồng ở đây cũng làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Pháp.
Một cộng đồng giàu truyền thống
Hạt nhân của các phong trào và hoạt động đó là Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) mà tiền thân là tổ chức “Nhóm người An Nam yêu nước” được Bác Hồ thành lập vào tháng 6/1919. Trong gần 100 năm tồn tại và phát triển của Hội, trải qua nhiều tên gọi khác nhau, song các thế hệ kiều bào tại Pháp vẫn kế tiếp nhau, tiếp tục phát triển phong trào yêu nước, các hoạt động hướng về quê hương.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp tập hợp xung quanh UGVF, đã có đóng góp quan trọng trong việc huy động các nguồn lực của cộng đồng, sự hỗ trợ của nhân dân Pháp và nhiều nước trên thế giới nhằm ủng hộ các cuộc kháng chiến ở trong nước.
Sau khi đất nước hòa bình, kiều bào tại Pháp tiếp tục hướng về quê hương bằng cách phát huy các nguồn lực trí thức, tham gia vào sự phát triển của đất nước thông qua nhiều dự án thiết thực trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, kinh tế- xã hội, môi trường…
Nói về những đóng góp qua nhiều thế hệ của đội ngũ trí thức Việt kiều ở Pháp, có thể kể ra đây giáo sư, viện sỹ Trần Đại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân, giáo sư-bác sỹ Trần Hữu Tước, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, nhạc sỹ Trần Văn Khê, giáo sư Trần Thanh Vân, giáo sư Lê Kim Ngọc, họa sỹ Lê Bá Đảng…, những người mà tài năng, đức độ, cùng những đóng góp to lớn khiến họ luôn nhận được sự yêu mến và kính trọng của đồng bào trong nước.
Những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế Pháp gặp nhiều khó khăn, nhưng kiều bào tại Pháp vẫn dành dụm tiền lương, thường xuyên tổ chức các hoạt động quyên góp, gây quỹ để triển khai các dự án nhân đạo như ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt miền Trung, hỗ trợ trẻ em đến trường ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, triển khai các dự án dạy nghề và tạo việc làm cho các nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ trẻ em đường phố tại Thành phố Hồ Chí Minh…
Video đang HOT
Bên cạnh việc quan tâm đùm bọc nhau trong cuộc sống, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp thông qua Hội UGVF và nhiều hội đoàn khác, phối hợp cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, thường xuyên tổ chức các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như Tết cổ truyền và các ngày lễ lớn, mở lớp dạy tiếng Việt, dạy nhạc cụ dân tộc, dạy hát, dạy võ cổ truyền Việt Nam…
Các chương trình nghệ thuật do kiều bào tổ chức với các tiết mục múa nón, múa quạt, biểu diễn đàn bầu, đàn tranh…, được tổ chức nhân dịp các ngày lễ lớn luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.
Một tiết mục văn nghệ do Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức nhân dịp Tết Ất Mùi 2015 tại Paris. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam )
Là địa bàn quan trọng, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp thường xuyên được đón các đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong các chuyến công tác tại Pháp, chẳng hạn như trong các chuyến thăm gần đây của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan…
Tại mỗi lần gặp gỡ, kiều bào đều bày tỏ sự phấn khởi về tình hình phát triển của đất nước, đánh giá cao những chính sách áp dụng trong thời gian quan như Luật Quốc tịch và chính sách miễn thị thực, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh… đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc trở về quê hương, sở hữu bất động sản, đầu tư, kinh doanh đồng thời đóng góp sức lực của mình trong công cuộc xây dựng đất nước.
Những hoạt động do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hàng năm như Xuân Quê hương, trại hè, các chuyến thăm biển đảo là những hoạt động thiết thực góp phần khuyến khích kiều bào hướng về quê hương.
Tình cảm sâu nặng đối với biển đảo
Liên quan đến tình hình Biển Đông, bà con cũng bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ mạnh mẽ đối với đường lối của Đảng và Nhà nước, kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ bằng đấu tranh ngoại giao, yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại và dựa trên luật pháp quốc tế.
Trao đổi với chúng tôi bên lề Ngày hội hữu nghị và đoàn kết Việt-Pháp tổ chức mới đây tại tòa thị chính thành phố Montreuil, ông Henry Đặng, thành viên Ban Thường trực hội UGVF phụ trách công tác đối ngoại, bày tỏ sự hãnh diện khi được ra thăm, tặng quà chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa.
Theo ông, chuyến thăm đã giúp kiều bào hiểu thêm về cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn, vất vả của quân và dân trên các đảo, nhà giàn; khâm phục và tự hào về sự phấn đấu, hy sinh cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ giữa biển khơi.
Ông lấy làm tiếc là do sóng to gió lớn, đoàn đại biểu kiều bào đã không thể lên thăm nhà giàn DK1, các nghệ sỹ cùng đi trong đoàn đã buộc phải giao lưu với các chiến sỹ trên nhà giàn qua máy bộ đàm. Ông cũng bị ấn tượng sâu sắc bởi hình ảnh các chiến sỹ đứng thành hàng trên bờ để chào đoàn trong khi tàu từ từ rời bến trong màn đêm.
Chuyến đi ý nghĩa đó đã được ông phản ánh trung thực đến cộng đồng người Việt Nam tại Pháp nhằm nhân lên niềm tin vào thế hệ trẻ quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Gặp gỡ chúng tôi tại một buổi quyên góp nhằm khích lệ tinh thần và hỗ trợ ngư dân huyện đảo Lý Sơn kiên cường bám biển, ông Nguyễn Thanh Tòng, thành viên Hội đồng cố vấn Hội UGVF, bày tỏ sự xúc động trước hình ảnh những ngư dân vượt mọi khó khăn, tiếp tục đánh bắt hải sản ngoài khơi.
Ông cũng cho biết số tiền quyên góp đã được Hội chuyển về Việt Nam hỗ trợ ngư dân tại huyện đảo.
Không phải chỉ có thế hệ kiều bào cao tuổi hướng về quê hương. Chúng tôi đã được gặp gỡ nhiều bạn trẻ đại diện cho gần 7.000 sinh viên đang học tập và làm việc tại Pháp.
Dù chỉ là một sinh viên, hay một giảng viên trên giảng đường trường đại học, hay nhân viên trong các công sở, tập đoàn của Pháp, ở mọi cương vị, họ luôn phấn đấu hết mình, nỗ lực học tập đồng thời biết nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, giữ gìn tình cảm gắn bó với quê hương.
Đây thực sự là nguồn lực quý báu cho sự phát triển của đất nước. Họ đang viết tiếp những trang sử cộng đồng người Việt Nam tại Pháp giàu truyền thống, có bản sắc, luôn hướng về quê hương./.
Theo Vietnam
Doanh nhân Việt có đóng góp lớn trong quan hệ Việt - Lào
Đại sứ Việt Nam tại Lào mong muốn các doanh nhân phát huy vị trí của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào mối quan hệ đặc biệt Việt Nam Lào.
Tối 12/10, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2015). Tham gia buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Mạnh Hùng, cùng đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư kinh doanh tại Lào.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Mộc, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào cho biết, hiện có khoảng 700 doanh nghiệp Việt đang đầu tư, kinh doanh tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Các doanh nghiệp Việt nam đang đầu tư, kinh doanh chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, khai thác mỏ, thủy điện; dịch vụ tài chính, ngân hàng, xăng dầu; vật liệu xây dựng...
Ông Nguyễn Đức Mộc-Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào (trái) nhận hoa chúc mừng từ Hội Việt kiều Thủ đô Vientiane.
Trong bối cảnh thời điểm hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN đang đến gần, ông Nguyễn Đức Mộc kêu gọi các doanh nhân Việt Nam đang đầu tư kinh doanh tại Lào, chung tay xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh, gắn kết để nắm bắt mọi cơ hội mà cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại, mở rộng địa bàn sản xuất, thu hút vốn và công nghệ.
Chúc mừng các doanh nghiệp đang đầu tư tại Lào, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong bối cảnh hai nước hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào cần tạo ra doanh thu nhiều hơn, góp phần phát triển kinh tế xã hội của nước bạn Lào. Đại sứ nhấn mạnh, mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển sẽ góp phần củng cố cho sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước.
"Vinh danh các doanh nhân trong ngày doanh nhân Việt Nam, chúng tôi mong muốn các doanh nhân phát huy hơn nữa vị trí của mình để đóng góp nhiều hơn nữa vào mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Nếu các doanh nghiệp mở mang và phát triển doanh nghiệp của mình, hợp tác tốt với nhau, làm cho kim ngạch buôn bán thương mại hai chiều giữa việt Nam và Lào tăng, làm cho kinh tế Lào phát triển, đấy chính là sự đóng góp vô giá đối với mối quan hệ Việt Nam - Lào. Các doanh nhân hãy tích cực phát huy vai trò của mình trong việc tăng cường mối quan hệ hai nước". Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Lào hiện đang là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam hiện đang là một trong 3 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Lào với số vốn gần 4,5 tỷ USD./.
Mỹ Bình
Theo_VOV
Top những nhân vật nổi tiếng giành giải Nobel hòa bình Với những đóng góp to lớn cho hòa bình thế giới, Cựu Tổng thống Nelson Mandela, Mẹ Teresa... là những nhân vật nổi tiếng giành giải Nobel hòa bình. Giải Nobel Hòa bình 2011 được trao cho các bà Ellen Johnson Sirleaf (bên phải ảnh), Leymah Gbowee (bên trái) và Tawakkul Karman (ở giữa). Đây là những nhà hoạt động nữ quyền của...